Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

NHỚ VỀ NHÀ THƠ TRẦN GIA THỊNH / Trần Mỹ Giống



         Tôi quen biết bác Trần Gia Thịnh từ những năm bác còn làm Giám đốc Trại gà giống Châu Thành. Số là chú em rể tôi cũng học ở Mông Cổ như bác Trần Gia Thịnh. Chú về làm Trưởng phòng kỹ thuật cho bác Thịnh, rồi lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc. Mỗi lần nhà em rể tôi có việc, tôi thường ngồi tiếp bác Trần Gia Thịnh.
Khi bác Trần Gia Thịnh có tác phẩm thơ đầu tay, tổ chức giới thiệu tác phẩm và tác giả tại Thư viện tỉnh Nam Định, tôi trực tiếp lo khâu trang trí, tự tay làm khung pa nô vải, tự tay cắt chữ dán phông…

Sau tôi mấy năm, bác Trần Gia Thịnh cũng được kết nạp vào Hội VHNT Nam Định, bộ môn thơ. Khác bộ môn nên tôi ít có dịp giao thiệp với bác Thịnh. Tôi chưa một lần đăng thơ bác Thịnh trên blog cá nhân vì nguyên tắc tôi đặt ra là chỉ đăng khi tác giả tự nguyện yêu cầu, mà khi ấy bác Thịnh thì chưa yêu cầu tôi đăng thơ của bác. Rồi, nhân tôi giới thiệu một số tác phẩm tuyển tập của bộ môn thơ, chẳng hiểu làm sao mà tự nhiên bạn đọc cứ commants vào blog của tôi, phê bình thơ bác Thịnh và một số tác giả khác. Khen chê tác phẩm là quyền của bạn đọc. Tôi không thể tùy tiện xóa các chia sẻ của bạn đọc. Một lần nhà thơ Vũ Ngọc Phác gặp tôi ở nhà Họa sĩ Hồ Y, đã gằn gỗi trách tôi trước mặt ông bà họa sĩ Hồ Y:
- “Tại sao ông lại đăng bài chửi bới Trần Gia Thịnh như vậy”.
Tôi vừa ngạc nhiên, vừa bực mình, hỏi:
- “Thế bác đã đọc blog của tôi chưa?”
- “Chưa!”
- “Chưa sao bác lại kết tội tôi như vậy?”
- “Tôi nghe anh em họ nói”.
Tôi nối đóa lên, tung ra một bài khai tâm về blog:
- “Blog như trang báo cá nhân, có hai phần: phần do chủ trang đăng lên và chịu trách nhiệm nội dung bài đăng, phần cho bạn đọc commants chia xẻ. Việc chia xẻ như thế nào là quyền của bạn đọc, trừ khi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của nhà nước về chia xẻ thì mới bị xóa. Có nghĩa là những ý kiến mà bác quy cho tôi chửi bác Thịnh ấy thực ra không phải của tôi, cũng không phải do tôi đăng lên. Đó là của các bác đấy, tức bạn đọc đấy. Mà tôi nghĩ bạn đọc chê thơ dở hay khen thơ hay là quyền của họ. Đâu phải họ chửi bới tác giả như bác nói. Bác cứ phát ngôn hồ đồ như vậy thì không được đâu!”
Thời ấy blog của tôi đang bị một số người đố kị, đến nỗi Sở Thông tin tỉnh phải ra công văn hạn chế blog của tôi. Tôi truy đến cùng thì vị có trách nhiệm ở Sở Thông tin nói thật là blog của tôi chẳng sai phạm gì, họ phải ra công văn gửi tôi là do sức ép của lãnh đạo Hội VHNT đối với tỉnh, vậy nên “Bác cứ coi việc này nhẹ như lông hồng. Việc chúng em chúng em phải làm, còn việc bác bác cứ làm”. Tôi lại về truy chủ tịch Hội VHNT trước hội nghị, vị này chối bay chối biến, lại còn loen loén khen blog của tôi tôn vinh tác giả tác phẩm Nam Định rất tốt nữa.
Trong tình cảnh ấy, tại một cuộc họp bộ môn thơ, bác Trần Gia Thịnh đã phát biểu gần nửa giờ phê phán blog của tôi nói riêng, phê phán mạng internet nói chung là thứ độc hại, chẳng có lợi gì, để ủng hộ chủ tịch hội. Do tôi chỉ nghe bạn văn nói lại, chứ không được trực tiếp nghe phát biểu của bác Thịnh, nên tôi lờ đi, không phản ứng gì. Nhưng từ đấy, tôi không giao tiếp với bác Thịnh như trước nữa. Cho đến hôm cưới cháu gái con em gái tôi, tôi lại ngồi cùng bác Thịnh và ông cậu tôi là nhà thơ Trần Hùng Thắng. Ông Thắng dành nhiều thời gian nói về thơ ca, về internet và blog của tôi, khen blog của tôi được nhiều người mến mộ, trong ngoài nước nhiều người biết. Ông bảo bác Thịnh cần gửi bài để Giống quảng bá cho nhiều người biết… Tôi để ý thấy bác Thịnh gật gù với ông cậu tôi, có vẻ hợp gu với ông Thắng lắm.
Ít lâu sau, tôi ngạc nhiên và vui khi nhận được file ca khúc nhạc sĩ Trần Công Thủy phổ cho thơ Trần Gia Thịnh  đề nghị đăng blog của tôi. Tôi lập tức bỏ mọi việc để lên trang chùm 6 ca khúc phổ thơ của bác Thịnh. Một thời gian sau bác Thịnh điện thoại cảm ơn tôi đã đăng bài. Bác bảo nhiều bạn bè điện thoại khen ngợi bác vì họ đọc blog của Trần Mỹ Giống mà biết… Bác hỏi tôi:
- “Hết bao nhiêu tiền đăng bài để tôi chuyển trả cho ông”.
Tôi cười:
- “Blog của em không mất tiền, không có nhuận bút, cũng chẳng có thu tiền của ai”.
Bác Thịnh cũng cười, bảo:
- “Bạn tôi đang viết tập hồi ký Trần Gia Thịnh, khi nào xong, nhờ ông đăng lên blog. Trước mắt, tôi chuẩn bị ra tập thơ mới, ông giới thiệu trên blog giúp tôi nhé”.
- “Vâng!”
Nhưng tôi chưa nhận được tài liệu bác Thịnh nhờ đăng blog thì đã phải lên trang FB thông tin về lễ tang vĩnh biệt bác theo thông lệ đối với các cộng tác viên blog của mình.
Tôi nhớ về nhà thơ Trần Gia Thịnh không phải từ những bài cảm nhận khen thơ bác bằng những lời có cánh (bởi tôi tự tin mình đủ năng lực để thẩm định), mà chính từ những chuyện vặt đời thường, phần nào phản ánh sự chuyển biến tư tưởng tình cảm của bác như kể trên.
Giờ đây nhà thơ Trần Gia Thịnh đã phiêu diêu miền cực lạc, chẳng còn vướng bận bụi trần.
Nhớ về bác Thịnh, tôi lấy tuyển thơ cuối cùng của bác để lại cho đời ra miêu tả thư mục bổ sung vào mục TRẦN GIA THỊNH trong cuốn “THƯ MỤC NHÂN VẬT NAM ĐỊNH” đã xuất bản, hy vọng có dịp Thư viện tỉnh Nam Định sẽ tái bản:

GIỮA ĐẤT TRỜI QUÊ HƯƠNG: Thơ tuyển chọn / Trần Gia Thịnh. - 279 tr.: Nhiều ảnh minh họa ; 21 cm.

02/02/2018
    TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét