Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

TRÒ CHƠI THUỞ BÉ / Nam Hải

Đánh khăng



 
1. Chơi Quắm

          Cắt cỏ là một công việc nặng nhọc mà đứa trẻ chăn trâu nào cũng phải trải qua, tôi cũng không ngại lệ. Ngày trước nhà nào cũng nuôi Trâu nên cỏ hiếm, về mùa Hè thì còn đỡ chứ mừa Đông cỏ rất hiếm. Chúng tôi mỗi đứa được trang bị hai cái bồ cắt cỏ và phải đầy hai bồ cỏ mới được về nếu không sẽ bị đánh đòn hoặc bị ăn chửi. Mùa Đông chúng tôi phải đi tận Bạch Long cách nhà hàng chục cây số để cắt cỏ. Tôi cũng theo các anh chị lớn hơn đi Bạch Long cắt cỏ, tôi cũng cắt được hai bồ cỏ đầy nhưng khi gánh cỏ về thì hơi quá sức với một thằng bé con như tôi, tôi sợ bị tụt lại phía sau vì tôi hay phải nghỉ.

 Sợ nhất là phải gánh cỏ qua một cây cầu khỉ ở nhà ông Vĩnh bắc qua con sông chân đê, cây cầu khá dài lại cao, khi nhìn cây cầu tôi rất sợ nhưng cứ nhắm mắt vào đi qua, lúc về thì tôi không thể gánh nổi hai cái bồ cỏ nặng qua cầu được. Thấy tôi tụt lại phía sau, thằng Vượng gánh cỏ qua cầu rồi nó quay lại gánh hộ tôi. Thằng này cho đến bây giờ vẫn hiền lành và tốt tính như ngày xưa. Bây giờ người chăn nuôi đa phần cắt cỏ bằng máy, trâu bây giờ cũng rất hiếm, đôi khi đi đâu tôi phải chỉ con mình cho chúng biết con trâu là như thế nào nó khác con bò ra sao. Nông trường Bạch Long rất hoang vu, hai bên đường lau sậy mọc cảnh đẹp như Lương Sơn Bạc trong phim Thủy Hử. Có lần tôi đạp xe xuống Bạch Long  nhưng nông trường đó không còn, người ta đã múc làm đầm nuôi tôm và nuôi ngao, quang cảnh bây giờ mới và hiện đại không còn đẹp và nguyên sơ như xưa. Tuy vất vả là thế nhưng tụi trẻ con chúng tôi vẫn tìm ra trò chơi giải trí rất khoái ở môn này. Khi cắt cỏ đã xong chúng tôi đào một cái hố rồi đặt vào đó một cọng khoai ngứa, sau đó kẻ một cái vạch, oản tù tì xem ai được đánh trước, người chơi đứng ở mép vạch cách hố khoảng hai mét, tay cầm liềm phi vào hố, nếu phi đứt đôi cọng khoai ngứa là chiến thắng. Chiến lợi phẩm là một ôm cỏ của đối phương. Trò này gọi là chơi quắm, bây giờ chắc ít người còn nhớ đến.

2. Đánh khăng

Đánh khăng là môn thể thao mạo hiểm nhưng hồi nhỏ chúng tôi chơi thường xuyên mà không có đứa nào bị mù mắt. Khoảng năm giờ chiều bất kể mùa Hè hay mùa Đông chúng tôi đều chơi khăng. Dụng cụ là một đoạn tre dài khoảng năm mươi phân, to bằng cổ tay làm khăng mẹ và một que tre dài hai mươi phân, to bằng ngón tay làm khăng con. Làng quê ngày trước rất nhiều tre nên dụng cụ này rất sẵn, chúng tôi làm chỉ một loáng là xong. Khi chơi chia đội hình làm hai đội, một đội đánh khăng và một đội bắt thi đội nào vụt được que khăng con đi xa nhất mà không bị đối phương tóm, nếu bị tóm là người chơi trong đội bị loại. Bây giờ chả ai dám cho con mình chơi trò này nên nó đã mất hẳn rồi. Tôi cũng không hiểu sao que khăng nó không tìm đến đôi mắt của chúng tôi để phi vào, có lẽ khi nhảy bắt que khăng mặt phải quay đi để nó khỏi bật vào mặt. Ngày xưa mỗi đội sản xuất có một cái sân kho chúng tôi hay ra đấy chơi khăng. Sân kho thay cho đình làng, là nơi hội họp và sản xuất của người lớn nhưng lại là khu vui chơi tuyệt vời của trẻ em, nơi đó chứng kiến bao kỉ niệm của chúng tôi, chúng tôi ăn ngủ ở nhà nhưng lớn lên ở sân kho. Trò này vui đến mức người lớn khi thấy chúng tôi chơi còn ghé vào xin chơi, có lẽ họ thích thú khi xem chúng tôi chơi và muốn hồi tưởng lại trò chơi thủa bé.

3. Đánh đáo

Môn này bây giờ đã mất hẳn không thấy trẻ em chơi nữa. Để chơi trò này tôi phải đến lò rèn đánh một hòn Cái bằng sắt to bằng đít cái chén hay bằng đồng tiền trâu và kiếm một đồng xu, đồng xu phải dùng loại mệnh giá  một hay hai hào hoặc năm hào còn loại một đồng không dùng được vì nó to và quá dầy. Chúng tôi kẻ một cái vạch cách mươi mét  khoét một cái hố tròn ở sân đất rồi thả đồng xu xuống, sau đó oản tù tì người thắng được quyền chơi trước, cầm hòn Cái quại đồng xu lên mặt đất đánh cho đồng xu lên vạch là thắng. Đây là môn cờ bạc của trẻ con trước khi đánh người chơi bỏ ra vài hào ai đánh đến vạch trước là thắng. Môn này rất hấp dẫn đòi hỏi phải khéo léo khi đánh hòn Cái vào hố mà đồng xu không bị cắm sâu xuống hố, đồng xu phải bay lên hình vòng cung như đường bóng của cầu thủ Rôbéttôcáclốt của đội Braxin. Không chỉ cần sức khỏe mà nó cũng đòi hỏi khéo léo nữa mới chơi được môn này. Ở gần nhà tôi có một cái lò vôi chúng tôi hay ra sân lò vôi để chơi đánh đáo. Trò này hay chơi vào dịp tết khi có tiền mừng tuổi còn bình thường thì ít chơi.

4 Làm súng xoan

Chơi súng là trò chơi bạo lực nhưng lại là trò yêu thích của tụi con trai, hồi nhỏ chúng tôi hay chơi súng xoan. Súng xoan còn có tên gọi là phóp, nó được làm bằng cây tre hóp nhỏ chặt lấy một đoạn có đầu mặt dài ba mươi phân, cách đầu mặt năm phân thì chặt đôi ra rồi nắp cái đũa ăn cơm vào làm như cái bơm kim tiêm bây giờ rồi cho nửa quả xoan vào bắn ai bắn kêu to hơn là thắng. Trò này nguy hiểm chúng tôi chỉ đọ tiếng kêu chứ không dùng để bắn nhau bao giờ cả.

5. Làm pháo đất

Đây là trò chơi dân gian có từ thời xa xưa, nó đã đi vào tiềm thức của người Việt và tụi trẻ con cũng hay chơi. Trò làm pháo đất còn có tên gọi là đánh “phết”, có lẽ nó cũng hay, thú vị nên những cái gì hay ho người ta hay dùng từ “phết” như: “ Hay ra phết; đẹp ra phết; tốt ra phết”. Khi chơi chọn chỗ đất bùn dẻo có mầu như đất sét trộn với đất khô rồi giáo như làm kẹo mạch nha cho đất thật dẻo rồi năn đất thành hình chiếc nồi trên lòng bàn tay, sau đó đập mạnh xuống đất, nó sẽ tạo ra tiếng kêu và lỗ thủng trên miếng đất vừa ném. Lỗ thủng càng to càng tốt, ai làm lỗ thủng to hơn thì thắng. Sau đó cũng miếng đất đó nặn lại chơi ván tiếp theo.

6. Đua diều

Đua diều là thú chơi không thể thiếu của trẻ em Việt Nam từ xua đến nay. Bây giờ trẻ em hay đua diều mua ở đại lí bách hóa mầu sắc rất đẹp, hình dáng đa dạng nhưng diều bây giờ nhanh hỏng và không lên được cao như ngày trước. Chúng tôi làm gì có tiền mua diều, mà cũng chả có ai bán mà mua, muốn chơi diều chúng tôi phải tự làm lấy. Chúng tôi chọn đoạn tre hóa già bổ ra vót làm khung diều, ở giữa cứng hai đầu vót mềm hơn mới lên khung được, khi vót hai đoạn tre phải thật đều nhau nếu không cánh diều không đều, bị lệch, xấu mà khi đua diều không lên. Sau khi làm xong khung diều chúng tôi lấy giấy với nhựa sung để dán diều, loại diều này nhỏ không bền rơi xuống nước là hỏng, muốn bền hơn chúng tôi dùng áo mưa để căng diều. Sau khi làm diều xong thì làm sáo, chọn đoạn tre nứa có độ to nhỏ khác nhau làm thân sáo, lấy cành cây mít làm miệng sáo. Gỗ mít màu vàng mềm dễ gọt mà lại kêu vang có độ ngân, làm sáo bắt buộc phải làm bằng gỗ mít không thể làm băng gỗ khác được, miệng sáo phải thật đều và mỏng thì sáo mới kêu. Sau khi gọt xong miệng sáo thì lấy nhựa đường nấu chảy làm keo bịt miệng sáo vào thân sáo như hình cái trống. Sáo có ba hay năm chiếc tùy người chơi nhưng độ to nhỏ phải khác nhau, thân sáo được dùi lỗ ở giữa rồi cắm vào diều lấy dây buộc chắc chắn. Giây diều chúng tôi lấy trộm giây cấy của mẹ hay mua giây ở chợ. Sau khi làm xong diều thì đến công đoạn buộc giây, buộc giây lèo rất quan trọng, ở dưới hai đoạn, trên một đoạn tỉ lệ trên ba dưới bảy diều mới lên được. Đua diều bắt buộc phải có hai người, một người cầm diều đâm lên, người kia cầm dây chạy, khi diều đã lên thì người cầm dây nhử cho diều lên cao. Trên cánh đồng lúa xanh bạt ngàn đang thì con gái, gió thổi lồng lộng, tiếng sáo vi vu và cánh diều trao lượn trên không trung là lúc thích nhất của thú đua diều. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng đua diều, có nhà bố đua diều to con diều bé, những nhà đó thì diều đẹp sáo hay vì chúng được bố làm diều cho. Diều của người lớn có những cái diều to như con thuyền bằng cả gian nhà, còn diều cùa chúng tôi chỉ dài hơn một mét. Hồi đó áo mưa cũng hiếm, muỗi thì nhiều, mùa hoa xoan muỗi kêu như diều sáo, không có màn không ngủ được, vậy mà có đứa liều tới mức cắt cả màn làm diều, có bà mẹ tối đi ngủ màn chỉ còn ba bức một bức đã bị con trai cắt để căng diều. May mà hồi đó không có dịch sốt xuất huyết như bây giờ nếu không thì nguy hiểm to. Thiếu vải căng diều mà cắt màn của mẹ để căng chứng tỏ sự đam mê của bọn trẻ con chúng tôi với môn đua diều là rất lớn.

7. Câu cá

          Câu cá là môn thể thao ngoài trời rèn luyện sức khỏe và tính kiên trì của mỗi người. Chuyện kể rằng Khương Tử Nha câu cá không có lưỡi câu, ông ngồi câu mà không cần câu được cá vì ông không câu cá mà ông câu quân vương. Nhờ câu cá mà Khương Tử Nha  đã gặp Chu Văn Vương, ông được Chu Văn Vương chọn làm mưu sĩ và ông đã phò tá Chu Văn Vương đánh bại vua Trụ, hoàng đế nhà Thương lập ra nhà Chu ở bên Trung Quốc từ thế kỉ XI đến thế kỉ III trước công nguyên. Còn Lã Vọng thì ngồi câu cá bên sông Vị Thủy lâu tới mức Nam Tào quên không chấm sổ chết, để ông sống tới tám trăm năm, cho nên bây giờ có những bức tranh sứ hay bộ ấm chén có hình ông lão ngồi câu gọi là bức Vị Thủy. Bọn trẻ trâu chúng tôi thì rất mê câu cá, cần câu làm bằng tre hóp, chọn cây tre bằng ngón tay dài càng dài càng tốt, không sâu là được, chặt tre đem về vót nhẵn gác gác bếp cho bền, phao làm bằng lông gà, lưỡi câu thì đi mua ở chợ.
Đầu tiên là câu cá rô đồng, mùa đông ken nước trên ruộng chưa rút, lúa đang trổ bông, phơi màu là thời điểm lí tưởng để câu cá rô don về ăn. Mồi câu là những chú cào cào cắt đầu đi chỉ lấy phần đuôi, chọn chỗ lỗ mạch trên ruộng lúa nước đang chảy ra thả lưỡi câu, câu như vậy chỉ có mắc mồi và giật thôi rất thú vị.
Câu cá chép: Cá chép rất khôn nhưng cũng dễ câu, mồi câu của chúng tôi là cơm cộng cám cộng mẻ, đôi khi là cơm với cám chứ không có mồi mua sẵn như bây giờ. Câu cá chép thích nhất là đầu mùa Đông, nước cạn có gió heo may thổi cá ăn nhiều hơn. Tăm cá chép nhiều, lúc đầu to sau nhỏ dần, tăm bằng đầu đũa đều như nhau là tăm cá rói, tăm nhỏ như đầu tăm tụm lại bằng bàn tay như vầng cháy khê là tăm cá trê hay cá nheo. Chúng tôi nhìn tăm là đoán được cá gì và khi cá ăn chúng tôi biết cá to hay nhỏ. Cá chép to ăn nhấp nhấp vài cái rồi ghìm phao rút xuống hoặc đùn phao dựng đứng lên, cá chép nhỏ ăn như bổ củi giật lên bé tẹo teo, loại chép bự thì chúng không nhấp mà rê phao từ chỗ này sang chỗ khác. Khi phao bị rê đi thì chúng tôi mím môi dùng hai tay giật còn khi phao nhấp nhấp nhanh như bổ củi thì chỉ lắc nhẹ cổ tay là chép sẽ lên bờ thôi.
Câu cá nheo: Cá nheo dễ câu vì chúng bạo ăn, mồi cá nheo làm bằng giun, con giun không to không nhỏ có mầu nâu của đất là cá nheo thích nhất, có loại giun đen to như cái đũa cá trê hay nheo không bao giờ ăn. Chúng tôi hay câu cá nheo ở mang cống gần nhà hoặc gần biển. Nếu câu ở cống gần biển thì nước trong sông phải to hơn nước biển cá mới ăn, khi nước biển to nước mặn rỉ vào cá chạy hết khỏi miệng cống. Cá nheo ăn mạnh chúng rút ngụp cả một cái phao bằng lông ngan to như cái đũa khi giật đóng rất mạnh cho người câu cảm giác rất thích.
Câu cá bống đục: Bạn nào ở gần biển thì mới biết câu cá bống đục, nó như cá bống nhưng thon dài đầu nhọn hoắt còn cái mồm thì bé tí nhưng ăn cực ngon, nó làm hang khi nào có mồi nó mới ra ăn. Mỗi lần câu cá bống đục chúng tôi phải đi xa có khi mang cơm nắm đi ăn, đi từ nhà ra biển sau đó chọn bờ đê có phù sa mới có bống đục. Mồi câu bống là con tép gạo ở trong đồng, bống chỉ ăn thứ đó ngoài ra chúng không ăn mồi khác. Câu cá bống tạo cảm giác khoan khoái và đam mê vô cùng  vì không phải chờ đợi lâu cứ thả mồi xuống biển là cá ăn. Cá bống đục cũng rất khó câu, mồm chúng quá nhỏ vì vậy lưỡi câu phải cực nhỏ. Khi bắt đầu câu thì chúng tôi giật liên tục mỗi người được khoảng hai ba chục con thì chúng khôn ra, chúng vẫn háu ăn như trước nhưng phải cực kì nhạy cảm mới giật được chúng. Có buổi câu cá bống đục lại được vài con cá căng hay cá táp, ngon nhất là cá bống bớp. Bống bớp giống hệt bống mít nhưng to như cổ tay bây giờ là đặc sản để nấu canh với lá nốt còn ngày xưa chỉ có rang. Một buổi chủ nhật đi câu cá bống đục mỗi đứa phải đầy giỏ mới về chúng tôi không hôm nào bị trắng tay cả, ít cũng được một kg nhiều thì mỗi đứa ba bốn kg. Bây giờ cá bống đục vẫn đắt hơn cá bống bình thường và vẫn là món mà tôi thích ăn nhất.
Có lẽ còn vô số những trò chơi như thế mà tôi chưa thể liệt kê hết ra mong các bạn bổ xung. Chính những trò chơi thúa bé đã nâng cách ước mơ và làm cho tâm hồn mỗi chúng ta sâu sắc hơn, nhân văn hơn và chúng ta bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

          Nam Hải
   (Đoàn Xuân Tỉnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét