Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

PHƯỜNG BÁT ÂM – CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH / Đặng Xuân Xuyến


 
PHƯỜNG BÁT ÂM

Tâm tà ma
Khoác áo cà sa
Nhắng nhít đăng đàn lòi đuôi loài chồn cáo.

Mực chưa ráo
Đã trở giáo
Lảm nhảm niềm tin phường bát âm nhà Cuội.

Đạo chẳng còn
Đời chẳng trọn
Phùng mang trợn mắt đếch ai nghe!
*.
Hà Nội, chiều 17 tháng 07.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN



CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH

          Chiều qua, 12/09/2017, tôi nhận được thư (email) của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi, cùng tới 27 email khác, với những bức xúc:
S.O.S. Tố cáo v.v. Xuyên tạc "Chân dung Nhà văn...":
                             ---------
Kính gửi: - Nhà thơ Phạm Đức Nhì (Hoa Kỳ)
                - Các Bạn thơ...
          Sáng nay 12/09/2017. Nguyễn Khôi tôi nhận được thư của anh Lê Vy (1938, bạn Sơn La cũ/ đồng hương "bà xã Nguyễn Khôi" /Hải Phòng) từ thành phố Hồ Chí Minh, toàn văn Tiểu luận "Thơ sẽ đi về đâu?" của Nhà thơ Phạm Đức Nhì... Phần cuối bài có:
          "CHÚ THÍCH:
          1. Mới đây nhà thơ Nguyễn Khôi đã khắc họa “Chân Dung Nhà Thơ Việt Đương Đại” trong đó ông viết về nhà thơ Đinh Thị Thu Vân - được đánh số thứ tự 71 - như sau:
          Đinh Thu Vân tự bị lừa
          Thơ gom đem dán chẳng vừa con tem.
          Ông đã ngạo mạn và nhẫn tâm đạp cả một đời thơ của Đinh Thị Thu Vân xuống tận bùn đen. Không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định ấy. Nhưng dù dựa vào đâu chăng nữa nhận định như thế cũng hơi quá … tự tin.”
          Nguyễn Khôi tôi rất bất ngờ là "Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại" mà Nguyễn Khôi đã công bố trên gần 30 trang Web trong và ngoài nước, (Mời xem: /chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html), đã in/ tự xuất bản và gửi tặng trên 300 người trong và ngoài nước... không hề có chân dung Đinh Thị Thu Vân, mà chỉ có:
          71 - BẢO SINH
Công tử không "bát phố"
Về nuôi chó...lừng tên
Hỗn danh “thơ Sinh chó"
Lên nóc tủ ngồi Thiền.
Thú thực là với Nguyễn Khôi tôi xưa nay chưa hề biết Đinh Thị Thu Vân là ai  và cũng chưa từng đọc thơ của chị này (vì ở Việt Nam có hàng vạn Nhà thơ...)
          Không hiểu vì động cơ gì mà Nhà Thơ Phạm Đức Nhì đã "bịa" ra 2 câu thơ trên về Đinh Thị Thu Vân rồi gán cho Nguyễn Khôi, rồi căn cứ vào đó mà phê phán hạ nhục, vu cáo / đặt điều về Nguyễn Khôi một cách độc ác?
          Tìm hiểu, thì ra nhà thơ Phạm Đức Nhì đã “gắp” 2 câu thơ của nhà thơ Đỗ Hoàng “nhét vào tay” nhà thơ Nguyễn Khôi rồi thản nhiên: “Mới đây nhà thơ Nguyễn Khôi đã khắc họa “Chân Dung Nhà Thơ Việt Đương Đại” trong đó ông viết về nhà thơ Đinh Thị Thu Vân - được đánh số thứ tự 71 - như sau:
          Đinh Thu Vân tự bị lừa
Thơ gom đem dán chẳng vừa con tem.
          Ông đã ngạo mạn và nhẫn tâm đạp cả một đời thơ của Đinh Thị Thu Vân xuống tận bùn đen. Không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định ấy. Nhưng dù dựa vào đâu chăng nữa nhận định như thế cũng hơi quá … tự tin.”
          (THƠ SẼ ĐI VỀ ĐÂU - Phạm Đức Nhì)
          Và tôi chợt nhớ tới những “va chạm” từ nhà thơ Phạm Đức Nhì với 2 tác gia được bạn đọc trân quý: Nguyễn Bàng - Châu Thạch, mà thấy se lòng về cái tâm, cái tình của người cầm bút.
          Chuyện chả có gì, cũng bình thường thôi khi theo tác gia Nguyễn Bàng thì “cách ứng xử” của tiến sĩ Nguyễn Kiên với nhà thơ lão niên Nguyễn Khôi chưa “được đúng” nên đã góp ý thẳng và rất thật. Người “trong cuộc” là ông Nguyễn Kiên chưa lên tiếng thì nhà thơ Phạm Đức Nhì (07/02/2017) đã “xông vào” chỉ trích, “răn dạy” ông Nguyễn Bàng “đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ”. Trước đó, đầu năm 2016, ông Phạm Đức Nhì cũng “nhảy vào” “bình nhăng tán cuội” - (chữ dùng của nhà thơ Phạm Đức Nhì) bài “Lan man lần cuối về bình luận thơ văn” (Nguyễn Bàng) để “đả kích” cách cảm thơ của tác giả Nguyễn Bàng. Tưởng 2 ông sẽ “cạch mặt nhau” nhưng thật mừng là sau vụ đó, tình bạn thơ văn của 2 ông được bồi đắp. Cuối năm 2016, về thăm lại Việt Nam , ông Phạm Đức Nhì và ông Nguyễn Bàng đã dùng cơm thân mặt cùng thân hữu của ông Nguyễn Bàng tại Sài Gòn, vậy mà đầu năm 2017, “mượn” chuyện “Đầu Xuân thì thầm với nhà thơ Nguyễn Khôi” (Nguyễn Kiên), nhà thơ Phạm Đức Nhì (sinh năm 1952) liên tiếp “tung chưởng” để “răn dạy” tác gia Nguyễn Bàng (sinh năm 1938) bằng thái độ và lời văn khiến không ít bạn đọc phải lè lưỡi, lắc đầu. (Mời xem: /ghi-chep-tu-cuoc-tranh-luan-au-xuan-ang.html). Người Việt Nam ta, xưa nay đều trọng cái tình, cái nghĩa. Không ruột già máu mủ, không hàng xóm láng giềng, chỉ quen biết nhau qua internet nhưng đã ngồi cùng nhau nâng ly chúc cho tình bằng hữu thì cái tình ấy thật trân quý. Vậy mà, cái tình ấy lại bị rẻ rúng bởi chính người lẽ ra phải nâng niu, gìn giữ.
Rồi đến chuyện tác gia Châu Thạch. Cũng chỉ từ lời nhận xét của ông trên facebook về bài viết “Show, Not Tell Trong Thơ” của ông Phạm Đức Nhì, mà theo lời ông Phạm Đức Nhì thì lời nhận xét đó, đại ý: “Thơ Việt Nam là thơ Khăn Đóng Áo Dài mà cứ lấy áo Vest trùm lên thì kỳ quá. Lại còn đụng đến cả cụ Nguyễn Du nữa!” đã được chính ông Châu Thạch xóa đi sau đó. Vậy mà ông Phạm Đức Nhì cho nằm lòng lời nhận xét không vừa ý để vài ngày sau (10/08/2017), ông đăng đàn diễn thuyết bằng bài viết cả ngàn chữ để “giáo huấn” cách cảm thụ văn thơ “có vấn đề” của “nhà phê bình văn học Châu Thạch.”. Đáp lại, ông Châu Thạch chỉ nhẹ nhàng như bản tính vốn ôn hòa, điềm đạm xưa nay của ông: - “Tôi chỉ viết cảm nghĩ về những bài thơ mà mình yêu thích. Thấy đâu viết đó cho vui đời mà thôi rồi gởi đến Ban Biên Tập các trang web giao cho họ định đoạt bài mình. Thế thôi. Vậy cho nên đừng gọi tôi là nhà mà gọi tôi là "lão già" thì tuyệt cú mèo.”. Vâng! Trước đấy, khoảng cuối năm 2015 (tháng 10), ông Phạm Đức Nhì cũng “khúc mắc” với ông Châu Thạch về chuyện bình thơ và cũng qua vụ việc đó tình bạn thơ văn của 2 nhà phê bình văn học được vun đắp, mà như ở đâu đó ông Phạm Đức Nhì đã từng vài lần cất tiếng ngợi ca đó là một tình bạn văn chương đẹp. Vâng! Lại “vậy mà”, cái “tình bạn văn chương đẹp của 2 nhà phê bình văn học” đã bị chính người trong cuộc hất toẹt chỉ vì một lời nhận xét (sau đó đã được xóa đi) trên facebook của “người bạn kia” không vừa ý “người bạn này”. Ôi! “Tình bạn văn chương đẹp” giá chỉ bèo vậy thôi sao?!
Tôi đắn đo khi ngồi gõ bài này vì nhớ lời nhắc nhở của một người thầy chân kính, ông là giảng viên ngữ văn ở một trường Đại học phía Nam: - “Xuyến à, mình có đọc những bài bình thơ của ông Nhì, ông này giỏi cảm nhận và nắm vững một số lý thuyết, tuy nhiên không phải cái gì ông ấy cũng biết. Chẳng hạn chê câu kết bài thơ Ngọn cỏ của Hoàng Bắc chứng tỏ ông ấy chả hiểu gì về HHĐ cả. Bài thơ đó phải Inra Sara bình mới hết ý. Vậy chả nên tranh luận với ông ấy làm gì cho mất thì giờ, để chơi sướng hơn.”. Và lời nhận xét hết sức dí dỏm của bạn Nguyễn Hùng Dũng (micdung71@gmail.com): - “Tôi cũng đọc nhiều bài phê bình của bác Phạm Đức Nhì, thú thiệt tôi không thích lối phê bình theo kiểu công thức gia chánh, bao nhiêu muối, đường, tiêu, bột ngọt... Lại nữa, bài phê nào lời chê cũng đều vượt quá lời khen, có bài bác ấy chê những 30 dòng, mà chỉ khen có 3,4 dòng. Nhưng nếu xét trên một bình diện nào đó, thì bác ấy cũng từ tấm lòng thẳng thắn, thành tâm của mình mà thôi. Và chắc chắn những bài thơ mà bác ấy chê nhiều, đều là những bài thơ hay... Thì tại sao chúng ta không thấy cái dụng ý của bác ấy là muốn giúp người làm thơ và cả người thưởng thức thơ thấy được sự vi diệu tinh tế trong thi ca...”, trong cuộc tranh luận đầu năm 2017 xoay quanh “Đầu Xuân thì thầm với nhà thơ Nguyễn Khôi” của tác giả Nguyễn Kiên nên tôi lần lữa, lần lữa. Nhưng rồi tôi lại nhớ, hình như tôi cũng đã đọc được những lời ca ngợi nhà thơ Nguyễn Khôi của nhà thơ Phạm Đức Nhì, ngỡ nhà thơ lão niên đã như bức tượng đài bất khả xâm phạm trong sự tôn kính của nhà thơ Phạm Đức Nhì, vậy mà đùng cái, nhà thơ lão niên bị nhà thơ Phạm Đức Nhì “nhét vào tay” 2 câu thơ của Đỗ Hoàng, khiến ông phải kêu cứu tới bạn bè: - Không hiểu vì động cơ gì mà Nhà Thơ Phạm Đức Nhì đã "bịa" ra 2 câu thơ trên về Đinh Thị Thu Vân rồi gán cho Nguyễn Khôi, rồi căn cứ vào đó mà phê phán hạ nhục, vu cáo / đặt điều về Nguyễn Khôi một cách độc ác?” nên tôi chịu khó ngồi gõ lại vài chuyện xoay quanh “tình bạn văn chương của nhà thơ Phạm Đức Nhì”, lấy đó làm bài học để nhắc nhở bản thân: Cuộc đời chỉ tốt đẹp và có ý nghĩa hơn khi ta sống bằng cái tâm lành.
Vâng! Chữ TÔI, chữ TA chỉ đẹp lên và có ý nghĩa khi được trân quý bởi cái tâm lành!
*
Hà Nội, chiều 13 tháng 09 năm 2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét