Tác giả Nam Hải |
Khi còn nhỏ Bố cho tôi đi Hà Nội mấy lần, hồi đó phương tiện đi lại
không thuận tiện như bây giờ. Từ nhà tôi đi bộ khoảng mười cây số lên tới bến
ca nô, ngồi ca nô mấy tiếng lên Nam
Định, nghỉ ăn tối rồi ra tầu hỏa đi Hà Nội. Cái cầu tàu ra bến ca nô hiện nay
vẫn còn hình như là ở cống chúa Ngô Đồng tôi đoán vậy vì hồi đó quá nhỏ. Cơm
hàng buổi tối chỉ có cơm với một bát dưa chua, như vậy cũng là sang rồi.
Nhà chị tôi ở phố Hàng Bột gần sân vận động Hàng Đẫy bây giờ. Tối chị
tôi bảo tôi chạy sang hàng xóm xem vô tuyến, bấy giờ mọi người gọi tivi là vô
tuyến. Ở làng quê tôi chưa nghe từ vô tuyến bao giờ, lần đầu tiên được xem vô
tuyến, chương trình “Những bông hoa nhỏ” tôi như bị thôi miên vừa xem tôi vừa
nghĩ phen này về bọn bạn không dám coi thường mình, mình sẽ kể cho chúng nghe
về cái máy có hình người này. Tôi được Bố cho đi xem hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn
với cụ rùa. Nhưng tôi thích nhất là ngồi tàu điện, Bố tôi bảo chỉ cần lên tàu
và không xuống bến nào tàu sẽ quay về điểm xuất phát ban đầu. Bố đã cho tôi đi
tham quan vòng quanh Hà Nội mà chỉ mất một lần vé tàu điện. Bây giờ tôi chỉ còn
xem tàu điện trên phim cổ trang của Tàu thời Dân Quốc. Chiếc tàu điện chầm chậm
lăn bánh quanh khắp phố phường, phát ra
những tiếng leng keng Hà Nội thời bao cấp thật vắng vẻ, yên bình, tàu điện đi
chậm, êm không khói bụi như bây giờ. Còn bây giờ đi trên đường phố Hà Nội buổi
trưa gặp lúc tắc đường thì quả là một cực hình. Có lẽ vì thế mà quán trà đá ven
đường trở thành nét văn hóa không thể thiếu của Hà Nội, trà đá nghe có vẻ bình
dân nhưng nó giúp làm dịu mát cơn bức bối của khách lữ hành. Đi tàu điện xong bố cho tôi vào ăn phở, so
với bát cơm độn sắn hàng ngày thì tô phở quả là một món cao lương mỹ vị với
tôi, đó là món ăn ngon của Hà Nội mà lần đầu tiên tôi được ăn, tuy nó hơi cay
với trẻ em. Bây giờ tôi hay ăn phở Nam Định. Mỗi lần lên Hà Nội tôi
được bạn bè hay học trò hỏi thích ăn gì tôi trả lời luôn phở. Tôi không cần cao
lương mỹ vị nếu buổi sáng tôi thích ra hồ Nghĩa Đô ăn bát phở, cũng chả biết
bao nhiêu tiền vì học sinh luôn trả tiền, buổi trưa nếu học trò hỏi tôi thích
ăn gì tôi bảo chúng chở đến làng Phú Đô ăn bún chả ba mươi ngàn một xuất, tôi
ăn hai xuất mới đủ. Ngày chủ nhật tôi được Chị cho đi công viên thủ lệ. Nhưng
trước khi vào công viên chúng tôi phải xếp hàng mua thực phẩm bằng tem phiếu,
hình như cửa hàng đó ở ngã tư Cầu Giấy bây giờ. Tôi, chị tôi và thằng Hà cháu
con của chị tôi đứng xếp hàng từ tinh mơ đến khi mặt trời lên cao, nắng gắt mới
xếp hàng đến lượt, thực phẩm mua được là vài miếng thịt bạc nhạc và vài quả cà
chua. Sau đó chúng tôi vào sở thú tham quan, lại một lần nữa tôi được xem các
con vật bằng xương, bằng thịt, tôi cứ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác. Tuy hôm đó Chị chẳng mua cho cậu cháu tôi món gì ăn, Chị chỉ mua cho hai
cậu cháu một khẩu súng phun nước hai cậu cháu chơi chung nhưng tôi vẫn vui. Ban
ngày anh chị tôi đi làm công nhân tối anh rể lại cho tôi ra vỉa hè ngồi tới khuya,
anh tôi cùng bạn tên là anh Thủ ngồi vỉa hè vá xe cho khách qua đường còn tôi
và thằng cháu ngồi nhìn xe cộ qua lại và đếm những chiếc xe máy đi qua. Tôi tha
hồ mà ngắm cảnh phố xá về đêm, nó là một thế giới hoàn toàn khác biệt với ánh
đèn dầu leo lét ở quê tôi mà ở đó mới chập choạng tối mọi người đã lên giường
đi ngủ sớm hơn cả gà. Hết đợt nghỉ hè nhân đi đám cưới thằng Lương cháu tôi Bố
lên đón thế là tôi cùng đoàn người trong họ lên tàu về quê.
Hôm tao đi Hà Nội là câu cửa miệng mà tôi hay khoe với bạn ở lớp hay bọn
bạn chăn trâu của tôi, chúng nó cứ há mồm nghe tôi kể câu chuyện đi Hà Nội, tôi
cứ kể câu chuyện đó ngày qua ngày, bọn bạn tôi chúng đã nghe không biết bao
nhiêu lần mà chúng vẫn thích nghe. Tôi thấy tự hào vì lũ bạn tôi chả đứa nào
được ra khỏi huyện, xa nhất là đi chợ Bể cách nhà 5 cây số trừ tôi.
Nam Hải
(Đoàn Xuân Tỉnh xóm 3 Giao Hải- Giao Thủy Nam Định).
ĐT: 01246833874
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét