Tác giả Nam Hải |
Nói đến bản năng này thì các sinh vật trên trái đất đều có, mỗi con
người ai cũng có khả năng tự sống sót trước những thử thách khắc nghiệt của
hoàn cảnh. Nhưng có lẽ thằng Hai bạn tôi bản năng sinh tồn của nó vượt trội hơn
so với tụi bạn bè chăn trâu cắt cỏ đồng trang lứa với chúng tôi ngày xưa.
Bố thằng hai đi bộ đội đánh Mỹ khi về địa phương ông mắc chứng tâm thần,
ông hay trèo lên ngọn cây rồi truyền từ cành này sang cành khác. Dân quê tôi
gọi tâm thần là ngộ, tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại dùng từ “ngộ” để chỉ những
kẻ bị tâm thần trong khi ngộ là từ phổ thông để nhận ra một điều gì đó như đức
Phật ngộ ra chân lí chứ đây lại dùng từ ngộ để chỉ kẻ mất trí nhớ. Tôi cũng
chẳng biết bố nó có bị tâm thần hay không nhưng không thấy ai đưa bố nó đi bệnh
viện Cao Đà để khám cả.
Nhà thằng Hai có năm anh em, nó là con cả trong gia
đình, nhà nó rất nghèo. Mỗi bữa sáng anh em nó được chia một cốc gạo rang bé tí
tẹo ăn xong uống thật nhiều nước cho no bụng hoặc mỗi đứa một dúm lẻ phổng,
thứ mà người lớn cúng cô hồn nhân dịp rằm tháng bảy ở miếu hàng khu của làng.
Buổi trưa nhà nó ăn cơm độn toàn chuối xanh nhìn tinh mắt mới có hạt cơm. Mẹ nó
thì đi làm muối tận Bạch Long cách xa hàng chục cây số, chỉ có bố nó với đàn
con ở nhà. Thằng Hai thân hình vạm vỡ, ngoan chăm làm nhất trong số bọn chúng
tôi. Mỗi khi nước cạn chúng tôi mang bũng đi đánh cá kiếm ít cá về rang còn nó
mang xô ra sông be hai bờ lại tát cạn bắt hết mọi con to bé rồi đem bán lấy
tiền đong gạo. Nó đắp đập be bờ, vớt sạch bèo rồi tát cạn nước, toàn việc nặng
mà phải kiên trì mới làm nổi. Tôi thì chịu thua, mỗi lần nhìn nó tát cạn bắt cả
giỏ cá chép vàng ươm mà thèm. Nhưng không hiểu tại sao thằng Hai rất hay bị bố
đánh chửi và ghét bỏ. Có hôm nó đi tát cá về, cá đã bán hết còn mấy con tôm cho
vào rang, nó bị bố đánh ép lưng vào cái kiềng trong bếp bị bỏng nguyên một cái
lưng còn in vết cái kiềng nóng. Vẫn biết tình phụ tử là thâm sâu nhưng đôi khi
quá nghèo trong cơn cùng quẫn người ta cũng phá tâm thần và cái nghèo nó đã làm
phai mờ đi cốt nhục tình thâm. Chuyện thằng Hai bị bố đánh đại loại như vậy là
thường nhưng người lớn không ai bảo vệ nó cả. Bấy giờ không có mạng xã hội
không ai đả động đến chuyện bạo lực gia đình, chắc chắn không, ở làng quê nghèo
người ta chỉ lo cái ăn ai hơi đâu mà quan tâm đến bạo lực gia đình. Con họ đẻ
ra thì họ có quyền đánh chửi, họ nuôi con như nuôi cá rô phi ở trong ao
vậy. Chỉ có bọn trẻ chăn trâu chúng tôi
mới biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, mỗi lần như vậy chúng tôi bắt trước
người lớn lấy trộm mỡ trăn của người lớn bôi cho nó. Tôi không biết bây giờ
trên cái lưng to như tấm ván của thằng Hai còn những vết sẹo đòn roi của bố nó
ngày xưa nữa hay không. Có lần thằng Hai bị đi ỉa chảy mà chẳng có ai mua thuốc
cho nó uống cả. Mẹ nó thì đi làm từ lúc sáng sớm và về nhà lúc đêm khuya trên
con đường hai chục cây số cả đi lẫn về, còn bố nó thì bị tâm thần. Thằng hai bị
đau bụng đi té vèo vèo nằm bẹp giúm ở chân đống rơm nhà hàng xóm và thoi thóp
thở như một con chó sắp chết đến nơi rồi. Bác hàng xóm có họ hàng xa với nó đã
lấy búp ổi non nấu cho nó bát nước và rồi nó cũng qua được trận đau bụng ấy. Thấy
hoàn cảnh thằng Hai vậy bác hàng xóm thương tình đã giới thiệu nó đi làm ô sin
ở trên rừng cho người họ hàng nhà bác. Nhưng khổ thân thằng Hai bạn tôi nó phải
đi ở bế em cho một gia đình ở trên miền núi mà nhà này cũng chẳng khá hơn nhà
nó là bao. Nó phải bế em và làm việc suốt ngày nhưng cơm ăn chỉ toàn ngô với
sắn. Sau nửa năm đi ô sin trên rừng thằng Hai không chịu nổi phải xin về. Đời
người như bóng câu qua cử sổ, thời gian thắm thoắt thoi đưa, trên quê nghèo lam
lũ chúng tôi lớn lên và đều đã có gia đình. Thằng Hai bạn tôi bây giờ là ngư
phủ cường tráng ngày đêm vươn khơi bám biển làm giàu cho mình, cho quê hương và
bảo vệ chủ quyền đất nước. Thằng hai bây giờ có dư sức khỏe để đạp cơn sóng dữ
chém cá kình ngoài khơi xa, nó vẫn làm hội trưởng hội trẻ trâu của chúng tôi
như ngày xưa. Tôi vẫn đến chơi nhà thằng Hai những ngày biển động, nó hay nói
chuyện với tôi về loa, âm ly về tivi chứ chẳng bao giờ đả động đến chuyện buồn
khi xưa. Bây giờ thằng Hai một mình một
con tàu đánh cá, nó thuê thêm người làm công đi đánh bắt, nhà nó bây giờ khang
trang sạch đẹp nhất trong làng. Tết vừa rồi mừng thọ bố nó địa phương chủ
trương tiết kiệm nhưng anh em nó vẫn tổ chức râm ran mời bạn bè làng trên xóm
dưới. Bố thằng Hai bây giờ cũng không còn bị tâm thần nữa, ông hay nói chuyện
chính trị thời sự trong nước và quốc tế.
Hội trẻ trâu bây giờ đã lớn,
chúng không còn được đi chăn trâu, chúng thành những con trâu cày suốt ngày đêm
nuôi vợ nuôi con. Mỗi lần gặp nhau chúng tổ chức ăn nhậu và hát karaôkê. Đôi
khi dưới ánh trăng xuông bên cốc nước chè đặc chúng hay kể cho những đứa con
chuyện chăn trâu hồi nhỏ.
NAM HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét