Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

BÀI THƠ VIẾT TỪ TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH / Việt Thắng

 


 

CHIỀU THÁNG TƯ QUA CẦU RẠCH CHIẾC

 

Trở về chiến trường xưa Rạch Chiếc

Ba lăm năm rồi bao đổi thay

Cầu mới bắc thêm trên dòng sông biếc

Lòng bồi hồi tưởng nhớ các anh tôi.

 

Bên sân Golf là trận địa một thời

Giờ cỏ lên xanh êm chân em bước

Xin nhè nhẹ bàn chân đôi chút

Dưới đất kia là máu ấm bạn bè tôi

 

Đại lộ song hành đã nối những bờ vui

Nhà cao tầng đã mọc lên san sát

Xin hãy dành ra vài ba thước đất

Làm nơi hương khói đồng đội tôi.

 

Hỡi ai kia đang sóng bước từng đôi

Chớ quên nơi đây một thời lửa khói

Hãy lắng lòng mình trong chiều gió nổi

Thả bông hoa tưởng nhớ bạn bè xưa!

 

       Trần Văn Thuyên

 



CẢM NHẬN CỦA NHÀ THƠ VIỆT THẮNG

 

      Nhà thơ chiến sĩ Trần Văn Thuyên viết bài thơ “Chiều tháng tư qua cầu Rạch Chiếc” năm 2005. Bài thơ gây nhiều cảm xúc trong tôi nên tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần.

       Vế đầu của bài thơ, bằng những từ ngữ mộc mạc chân tình như người lính kể chuyện:

Trở về chiến trường xưa Rạch Chiếc

Ba lăm năm rồi bao đổi thay

Cầu mới bắc thêm trên dòng sông biếc

Lòng bồi hồi tưởng nhớ các anh tôi.

       Trở lại trước ngày 30/4/1975 bộ đội ta đã đánh chiếm cầu Rạch Chiếc để mở đường cho xe tăng và quân Giải Phóng tiến vào Sài Gòn. Đã có mấy chục chiến sĩ ta hy sinh trước ngày chấm dứt chiến tranh. Khi đó bên hông cầu là những đám cỏ và sình lầy; nhưng bây giờ:

       Bên sân Golf là trận địa một thời

Giờ cỏ lên xanh êm chân em bước

Xin nhè nhẹ bàn chân đôi chút

Dưới đất kia là máu ấm bạn bè tôi

       Chỉ có những người trải qua chiến tranh từ cõi chết trở về, họ mới thấu hiểu sự ác liệt, nỗi mất mát và nỗi đau của những thân nhân liệt sĩ. Anh đã nhắc khéo những người bây giờ đang dạo chơi đi nhẹ nhàng, kẻo làm thức giấc những vong hồn đã hy sinh mấy chục năm qua. Liệu những người được mệnh danh là hàng đại gia, khi cầm gậy gold thể hiện ta đây là thành phần... Chắc gì họ nhớ đến những người đã đổ máu trên mảnh đất này để có ngày hôm nay?

Nhìn đại lộ mở rộng và những khu nhà cao tầng mọc lên san sát, anh trầm buồn nhắc khéo:

Đại lộ song hành nối những miền vui

Nhà cao tầng sẽ mọc lên san sát

Nhớ để dành cho vài thước đất

Làm nơi hương khói đồng đội tôi.

Thực tế năm anh viết bài thơ này, chưa có một tượng đài nào vinh danh những người chiến sĩ đã ngã xuống năm xưa.

Và đây vế kết của bài thơ, những từ ngữ thổn thức từ trái tim người lính:

Hỡi ai kia đang sóng bước từng đôi

       Đừng quên nơi đây một thời lửa khói

Hãy lắng lòng mình trong chiều gió nổi

       Thả bông hoa thương nhớ bạn bè xưa.

Điện thoại hỏi anh sao lại có những câu thơ bức xúc nhắc nhở như vậy. Anh kể rằng những đồng đội anh còn sống sau chiến tranh, có quay lại nơi chiến trường tính đốt nén nhang cho vong linh đồng đội. Nhưng đốt rồi chả biết cắm nơi đâu đành mua hoa, lầm rầm khấn vái vong linh đồng đội rồi thả những bó hoa xuống dòng sông.

Xuất thân là người lính, hòa bình anh chuyển qua nghề dạy học, yêu thích thơ và làm thơ. Đôi khi cảm hứng chỉ viết để khuây khỏa tuổi già. Tôi hỏi sao không xin vào hội nhà văn, anh chỉ cười: “Vào hội hay không vào hội không thành vấn đề, mình viết có người đọc hay không mới là điều cốt lõi”. Mà thực tế trong xã hội thật giả nhiễu nhương này, có những người chả có cái thẻ của hội nào mà người ta vẫn cứ đua nhau đọc thơ văn của họ. Tôi đùa anh: “Chỉ cần một bài thơ này anh cũng đủ tiêu chuẩn vào hội nhà văn rồi”.

Anh cười vang trong máy điện thoại:

- Thôi mà! 

 

       TB: Những năm gần đây Thành phố HCM đã xây đài tượng niệm và công viên cả ngàn m2 bên cầu Rạch Chiếc.

 

       Việt Thắng

2 nhận xét:

  1. Cám ơn 2 đồng đội Vũ Việt Thắng và Trần Mỹ Giống là lính chiến một thời trận mạc đã nhớ đến nhau

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ này đã được nhạc sỹ Huy Tập phổ thành ca khúc Qua cầu Rạch Chiếc,casy Ái Liên hát và thu vào đĩa CD rồi.Cám ơn các bạn đã chi sẻ

    Trả lờiXóa