Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ hay MỐI TÌNH VÔ VỌNG / Phạm Đức Nhì

 

Thi sĩ Nguyễn Bính


 

Diễn Giải Tứ Thơ

 

Do không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý bài thơ giống nhau, và thật đơn giản: Tác giả tâm sự với người đọc về mối tình vô vọng của mình.

 

Bài thơ chỉ có 14 câu, có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối mà không bị khựng ở chỗ nào. Ngôn ngữ, hình ảnh rất Nguyễn Bính - gần gũi, dân dã.

 

Bài thơ có thể chia làm 4 đoạn:

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Tác giả giới thiệu hoàn cảnh mà từ đó tình yêu của chàng với cô gái đã bén rễ - được mỗi chiều, bằng chiếc thuyền nhỏ bé của mình,  chở cô sang bãi tước đay.

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
 Võng anh đi trước võng nàng
 Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm.

 

 Đồn rằng: đám cưới cô to
 Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
 Nhà gái ăn chín nghìn cau
 Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Tình địch của anh lái đò quá giàu, có thể tổ chức một đám cưới linh đình để lấy cô về làm vợ. Không kể việc thuê chín chiếc đò để đón dâu, đem đến nhà gái chín nghìn cau làm lễ vật mà còn có thể nạp chín nghìn quan tiền (một số tiền rất lớn) cho khoản tiền cheo, tiền cưới.

 

Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi

 

Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền.

 

 

1/ Không Có Cảm Giác Nhàm Chán Vần

 

Bài thơ chỉ có 14 câu gồm 4 đoạn nối kết nhau thành một chuyện tình đơn phương, vô vọng. Người đọc được cốt truyện lôi cuốn, chưa cảm thấy “ngán” cái giọng ầu ơ của thơ lục bát thì bài thơ đã hết.

 

2/ Ngôn Ngữ Hình Tượng

 

Nói đến thơ lục bát của Nguyễn Bính thì hình như bài nào ngôn ngữ, hình ảnh cũng rất bình dị, dân dã, dễ hiểu và dễ cảm. Người đọc yêu thơ thế nào cũng biết cái nét đặc biệt này của thi sĩ. Nhưng bình thơ Nguyễn Bính mà quên nhắc đến cái tài này (dù cứ phải lập đi, lập lại) thì lại là một thiếu sót. Đúng vậy, bài Giấc Mơ Anh Lái Đò ngôn ngữ, hình ảnh cũng rất bình dị, gần gũi với dân quê. 

 

Trong cả 14 câu thơ, 98 chữ, chữ nào cũng dễ hiểu, cũng rõ như ban ngày. Ngay cả cái hình ảnh vinh quy bái tổ “võng anh đi trước võng nàng” cũng rất gần gũi với người dân quê Việt Nam. Nếu họ chưa tận mắt chứng kiến cái nghi thức có thật này thì cũng được nghe các bậc ông bà, cha mẹ kể đi, kể lại, xem như một tấm gương để khuyến khích con cháu cố công học tập, dùi mài kinh sử.

 

3/ Dòng Chảy Của Tứ Thơ Lững Lờ Chậm Rãi

 

Tác giả kể lại chuyện tình của mình một cách chậm rãi, có vẻ như bình thản (khác với cái vẻ háo hức của một kẻ đang yêu như trong Người Hàng Xóm). Chỉ đến hai câu cuối, bao nhiêu đau buồn tuyệt vọng bị dồn nén trong lòng mới được tuôn ra.

 

4/ Ba Đoạn Thành Công Với Thủ Pháp “Gợi, Không Kể”

 

Ý định của tác giả là sử dụng thủ pháp “Gợi, Không Kể” (Show, Don’t Tell) trong cả 4 đoạn của bài thơ, nhưng theo tôi, ông chỉ thành công ở 3 đoạn.

 

     a/

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Đây chính là hoàn cảnh – cơ hội được tiếp xúc, gần gũi với cô gái – để mối tình đơn phương nẩy nở.

  

     b/

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả chỉ nói về giấc mơ của anh lái đò – được cùng cô gái “vinh quy bái tổ” sau khi đỗ Trạng Nguyên – nhưng người đọc đã hiểu rằng anh đã yêu nàng say đắm.

 

     c/

 

Đồn rằng: đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp “Gợi, Không Kể” thất bại. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi. Nếu tác giả “dấu” được chữ “to” (thí dụ: Đồn rằng đám cưới của cô) thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra và tự kết luận “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành “Gợi, Không Kể” một cách tự nhiên, không gượng ép.

 

     d/

 

Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi.

 

Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa nỗi đau đến xé tâm can của anh lái đò về mối tình vô vọng.

 

5/ Hai Câu Kết Tuyệt Vời

 

Cái hay nhất của bài thơ chính là hai câu kết:

 

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn 
chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu 
chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.


Tôi không tin là trong thực tế, con số 
chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng. Để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn.

 

Ở đây thủ pháp “Gợi, Không Kể” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.

  

6/ Hai Chữ “Chừng Đâu” Hơi Gượng

 

 

Người đọc, nếu để ý, sẽ thấy hai chữ “chừng đâu” không thêm được gì trong nhiệm vụ chuyển tải ý của tác giả. Hình như chúng được đẩy vào vị trí ấy (một cách gượng gạo) chỉ với mục đích tạo vần cho câu 8 (của thể thơ lục bát).

 

Tệ hại hơn, chúng còn làm cho con số “chín nghìn” của tiền cheo, tiền cưới có vẻ không chuẩn xác lắm (“chừng đâu” có nghĩa là có thể hơn, có thể kém) và từ đó khiến người đọc hơi có cảm giác “lấn cấn” khi so sánh với giá chiếc thuyền của anh lái đò, dù rằng con số này gấp cả nghìn lần con số kia.

 

Ở những bài thơ “thường thường bậc trung” có lẽ chả ai để ý đến cái khuyết điểm nhỏ này. Nhưng đây lại là bài thơ có tầm vóc, nằm trong số những bài thơ hay của thời tiền chiến, nên nếu có bị “chẻ sợi tóc làm tư” thì chắc bạn đọc yêu thơ cũng thông cảm cho người viết bài này.

  

Tiếc Cho Nguyễn Bính

 

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?”

 

Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu Đoạn Thơ “Gợi, Không Kể” (Show, Don’t Tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell.

 

Kết Luận

 

Với ngôn ngữ hình tượng thơ đẹp bình dị, dân dã, thủ pháp Gợi, Không Kể suýt chiếm huy chương vàng, và đặc biệt, hai câu kết đã hay đến mức tuyệt luân, Giấc Mơ Anh Lái Đò đã góp phần đưa Nguyễn Bính lên hàng những thi sĩ được yêu mến nhất trong thời kỳ Thơ Mới.

  

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

  

CHÚ THÍCH:

 

Phần này tôi lượm lặt và tổng hợp từ Internet.

 

Gợi, Không Kể (Show, Don’t Tell) Là Gì?

 

Gợi, Không Kể là một kỹ thuật viết trong đó câu chuyện và các nhân vật có liên quan với nhau thông qua các chi tiết và hành động cảm tính chứ không phải là sự trình bày, tóm tắt.

 

Nó thúc đẩy một phong cách viết cuốn hút hơn cho người đọc, cho phép họ “ở cùng phòng” với các nhân vật.

 

(Show, Don’t Tell là biện pháp tu từ phát xuất từ Tây Phương, dịch là Gợi, Không Kể cũng hơi gượng nên tôi xin phép được dùng nguyên chữ gốc cho chính xác. Mong độc giả thông cảm.)

 

Showing minh họa, trong khi Telling chỉ phát biểu (thông tin chính trong một câu chuyện.)

(Showing illustrates, while Telling merely states.)

 

Thí dụ:

 

Telling: Michael vô cùng sợ bóng tối.

 

Showing: Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm.

 

Tóm lại,

 

Telling: Tóm tắt hay tường thuật theo lối chỉ kể cho người đọc biết điều xảy ra.

 

Showing: Dùng sự mô tả và hành động để giúp người đọc trải nghiệm câu chuyện.

 

Tham khảo từ

 

Show, Don't Tell: Tips and Examples of The Golden Rule

 

https://blog.reedsy.com/show-dont-tell/

 

và vài trang mạng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét