MẮT BỒ CÂU
Trong giấc mơ về thuở thiếu thời
có ai đó nhìn tôi
bằng đôi mắt bồ câu ngây thơ
đánh thức tôi
chạy một trăm năm mươi cây số
chỉ để về đứng lặng
ngắm ngả ba sông
Trưa nắng trút bao la trời rộng
ngả ba sông buồn hắt
buồn hiu
sông bây giờ sao quá mênh mông
bến không bóng đò
không một bóng bồ câu
chân trời thăm thẳm
Gió giận ai
chẳng chút nồm nam
cây chờ ai
cây buồn đứng bóng
tôi chờ ai
mà tôi đứng ngóng
Nước sông chẳng bao giờ chảy ngược
đành chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông
(Nguyễn Khắc Phước, Văn Nghệ Quảng Trị)
Lần đầu đọc thơ Nguyễn Khắc Phước đã có chút ấn tượng đẹp. Cái ấn tượng đó cứ bám theo, cứ mạnh dần lên để cuối cùng có thể thôi thúc mình cầm bút viết mấy lời bình phẩm.
Mắt Bồ Câu là bài thơ tình. Có thể là tình yêu. Có thể là tình bạn. Cũng có thể
là tình… gì đó với một người có đôi mắt bồ câu. Người đó giờ đang ở đâu? Tác
giả không nhắc đến. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Chắc là kỷ niệm đẹp, dễ thương,
đáng nhớ. Bởi nếu không thế, thi sĩ đâu có mất công:
chạy một trăm năm mươi cây số
để về
đứng lặng
ngắm ngã ba sông
rồi
chép giấc mơ vào trong thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông.
Nhưng cái cách thi sĩ mở lòng tâm sự với người đọc cũng thật dễ cảm, dễ mến. Và
tôi đã thích bài thơ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Mắt Bồ Câu
là hình thức phóng khoáng của nó. Số chữ trong câu không theo một lề luật trói
buộc nào. Và rất đặc biệt, cách gieo vần tạo vị ngọt thơ ca vừa phải, đủ để đưa
độc giả theo dòng cảm xúc của thơ đến bờ, đến bến, nhưng không nhiều đến mức
làm cho họ ngán.
Theo tôi, vị ngọt thơ ca cũng giống độ ngọt của chè:
Đường ít, chè không đủ ngọt
không ngon
đường nhiều, ngọt lợ
ăn gắt cổ.
Tác giả, một đầu bếp kinh nghiệm, nêm đường cho món chè “Mắt Bồ Câu” của anh
không lạt, không ngọt, mà rất vừa miệng.
Ngoài ra, bài thơ còn có những ưu điểm rất dễ nhận thấy: hình ảnh đẹp, nên thơ,
tứ thơ bồng bềnh nhưng dễ “bắt”. Thêm vào đó, từ mỗi con chữ, từ khoảng trống
giữa những câu thơ, hơi ấm cảm xúc nhẹ nhàng lan tỏa tạo cảm giác thật dễ chịu
cho người đọc thơ.
Bài thơ có một khuyết điểm rất nhỏ (lỗi chính tả): Thay vì “ngả ba sông” đúng ra phải viết “ngã ba
sông”. Có lẽ do cách phát âm của người miền Trung, hỏi ngã đôi khi lẫn lộn.
Để kết luận tôi xin ghi lại đoạn cuối, đoạn hay nhất của bài thơ:
gió giận ai
chẳng chút nồm nam
cây chờ ai
cây buồn đứng bóng
tôi chờ ai
mà tôi đứng ngóng
nước sông chẳng bao giờ chảy ngược
đành chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông.
Con thuyền chở giấc mơ của Nguyễn Khắc Phước có lẽ đã trôi xa, xa lắm. Nhưng
tâm tình của anh, không biết tự lúc nào, đã thấm sang tôi. Và cái cảm giác bâng
khuâng, tiếc nhớ ấy - nếu không có tiếng vợ gọi ăn cơm – không biết còn bám lấy
tôi đến bao giờ?
Galveston, Texas 05/2015
PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét