Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

BỚI THƠ CHÊ DỞ

 

       



        Một ông bạn nhà thơ cao niên rất thân với tôi. Ông có gần bảy chục năm làm thơ, đã in hơn hai chục tập. Sở trường của ông là thơ Đường luật. Một lần trà dư tửu hậu, ông đọc một bài thất ngôn bát cú, bảo đó là thơ của bạn ông và “thách” tôi chỉ ra được chỗ nào dở. Tôi nghe giọng thơ, biết thừa là thơ của chính ông. Muốn trêu ông một tý chơi, tôi vờ hỏi:

- Em hỏi lại: Thơ của bác, hay của ai?

Ông bạn già cũng vờ bảo:

- Thơ của một người bạn tôi! Chú cứ chê thoải mái thật lòng vào. Riêng tôi thì thấy bài thơ hay tuyệt, niêm luật chặt chẽ, đối rất chỉnh… Tôi thích nhất cặp câu thực, lấy “hoàng bào” đối với “áo vải”… Nó thể hiện rõ về người anh hùng áo vải Quang Trung.

Để không khí trầm lắng một lúc, đủ cho ông bạn già khoái chí đắc thắng, tôi mới làm bộ e ngại:

       - Bài thơ viết về anh hùng áo vải Quang Trung rất hay. Tuy nhiên, mỗi sự vật đều mang trong nó hai mặt đối lập, có hay có dở. Bác yêu cầu, em vẫn có thể bới ra chê được. Nhưng bác đừng nói với tác giả cơ!

       Ông bạn động viên:

       - Thì chú cứ thử chỉ ra chỗ nào dở coi!

       Lúc này tôi mới xổ ra một tràng:

       - Cặp câu thực, lấy “hoàng bào” đối với “áo vải” (bằng bằng đối với trắc trắc) đọc lên, thấy nó đối thanh chan chát. Nhưng về nghĩa, “hoàng bào” chỉ cái áo, “áo vải” cũng là áo. Áo đối với áo là không đạt. Áo thì phải đối với quần mới chỉnh. Lại nữa, “hoàng” trong “hoàng bào” là màu vàng, nhưng trong “áo vải” không có màu đối lại… Thế là chưa chỉnh. Về hình thức, “hoàng bào” là từ Hán Việt, “áo vải” là từ thuần Việt. Từ Hán Việt phải đối với từ Hán Việt, từ thuần Việt phải đối với từ thuần Việt… mới chỉnh. “Hoàng bào” – từ Hán Việt đối với “áo vải” – từ thuần Việt là không chỉnh, là dở...

       Ông bạn nhà thơ cao niên nghe vậy, mặt bệch ra như người trúng gió.

 

       TMG

 

1 nhận xét: