Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

KỶ NIỆM NHỎ VỀ NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VĂN HUYỀN / Trần Mỹ Giống

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền

       Vẫn biết rằng một ngày không xa, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền sẽ qua đời vì tuổi cao, bệnh trọng đã lâu, nhưng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe tin bác mất. Vài kỷ niệm về bác sống dậy trong tôi.

       Khi thấy báo Nam Hà số Xuân Ất Hợi 1995 được trưng bầy trong nhà triển lãm tỉnh có đăng bài “NHỮNG VỊ ĐẠI KHOA CỦA ĐẤT NAM HÀ” (không đề tên thật tác giả mà chỉ ghi là PV), tôi háo hức đọc vì nội dung bài báo trùng hợp với đề tài nghiên cứu “CÁC NHÀ KHOA BẢNG NAM HÀ” mà tôi đang thực hiện. Nhưng đọc hết bài báo, tôi cảm thấy rất thất vọng vì những nhầm lẫn không thể chấp nhận trong bài báo về tên tuổi, quê quán, học vị của các vị khoa bảng Nam Hà. Gọi điện sang tòa báo Nam Hà, tôi được anh Khang (Phó tổng biên tập) cho biết tác giả của bài báo là nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền. Tôi lấy làm ngạc nhiên và không tin là một nhà nghiên cứu nổi tiếng như bác Nguyễn Văn Huyền lại “lẩm cẩm” đến nỗi đưa ra công bố trên báo chí một bài viết thiếu chính xác  đến vậy.

        Chuyện bài báo tưởng cũng qua đi như nhiều trường hợp khác. Nhưng thật bất ngờ, chính bác Huyền chủ động tìm gặp tôi thanh minh rằng bài viết của bác bị biên tập viên báo sửa chữa làm sai lệch nhiều so với bản thảo. Nhân tiện bác tặng tôi hai bản sao bản thảo bài viết của bác để làm tài liệu tham khảo và cũng để chứng tỏ là bác nói đúng sự thật.

        Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: tại sao một nhà nghiên cứu có tên tuổi như bác lại phải cẩn thận thanh minh với một người bình thường như tôi về một việc nhỏ như vậy. Được tiếp xúc với bác, sau này tôi mới hiểu: Việc làm của bác chỉ có thể có ở một người rất khiêm tốn, có trách nhiệm cao với bạn đọc. Trong thực tiễn có không ít những bài viết sai sót nhưng không mấy ai lo chuyện đính chính. Tôi càng quý phục bác Nguyễn Văn Huyền vì bác là người cầm bút có trách nhiệm.

        Cả Thư viện tỉnh, ai cũng biết bác là một độc giả trung thành, tích cực. Khi khỏe bác đi xe đạp, lúc yếu bác nhờ con cháu đưa đi hoặc đi xích lô tới phòng đọc. Nhiều lần trèo lên bậc tam cấp, bác run rẩy như sắp ngã, phải nhờ người đỡ lên xuống. Thấy bác ham đọc như thế, chúng tôi rất cảm động.

        Từ sau sự kiện được bác Huyền gặp gỡ trao đổi về bài báo của bác, tôi có nhiều dịp được nghe bác chuyện trò. Thấy tôi ham nghiên cứu về danh nhân quê hương, bác khuyến khích động viên và cung cấp cho tôi những tư liệu bác đã nghiên cứu trước, giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Có lần bác bảo tôi:
        - Ông làm công tác ĐỊA CHÍ nên cần phải học Hán – Nôm.
        Bác thường gọi tôi bằng đại từ “ông” như thế. Tôi thật tình thưa với bác:
        - Cháu tuổi đã ngoài bốn mươi, học không vào nữa, mà có học thì biết tìm thầy ở đâu…
        Bác Huyền bảo:
        - Tự học thôi ông ạ. Trước tôi có biết Hán – Nôm đâu. Có việc là phải nhờ ông Dương Văn Vượng, chuyên gia Hán – Nôm của Bảo tàng tỉnh dịch hộ. Tôi cứ kiên trì tự học. Thế rồi “kiến tha lâu cũng đầy tổ” thôi. Bây giờ tôi cũng tự dịch được rồi.
        Có lần bác khuyên chúng tôi:
        - Các ông có trong tay kho tư liệu lớn thế này mà không khai thác thì tiếc quá. Nếu chưa có điều kiện nghiên cứu sâu thì các ông làm công trình về DIỆN vậy, chẳng hạn như nghiên cứu về đội ngũ tác giả Hán – Nôm của tỉnh ta…

        Theo gợi ý của bác Huyền, tôi quyết tâm chọn nghiên cứu một số đề tài trong đó có đề tài TÁC GIẢ HÁN – NÔM NAM ĐỊNH THẾ KỶ XI – THẾ KỶ XX, tập hợp được trên hai trăm tác giả. Năm 2000 đề tài này được anh Hoàng Dương Chương, giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định lấy làm cốt cho đề tài cấp tỉnh NGHIÊN CỨU HỆ THỐNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỘI NGŨ TÁC GIẢ HÁN – NÔM NAM ĐỊNH TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XX. Năm 2002 đề tài được Hội đồng nghiệm thu của tỉnh đánh giá đạt loại xuất sắc.

        Bẵng đi một thời gian không thấy bác Huyền đến thư viện. Nghe tin hồi này bác hay ốm đau. Rồi một hôm bỗng thấy bác đi xích lô chở theo 20 cặp tài liệu bản thảo đến thư viện. Lúc này bác đi lại đã rất khó khăn. Chúng tôi dìu bác lên tầng hai phải mấy lần dừng để bác nghỉ. Bác vừa thở hổn hển vừa trình bầy nguyện vọng:
        - Tâm nguyện của tôi là cống hiến cho đời những thành quả lao động của mình. Tôi tuổi đã cao, sức yếu rồi, chẳng biết sống chết ngày nào. Tôi xin nhờ Thư viện bảo quản và phục vụ những ai cần tham khảo những bản thảo viết tay của tôi, trong này có cả những công trình chưa có điều kiện in ấn hoặc còn chưa hoàn thiện…
        Chúng tôi xúc động đến lặng người khi tiếp nhận những bản thảo mà bác đã cả đời lao tâm khổ tứ nghiên cứu.
        Không lâu sau, nghe tin bác ốm liệt giường, chúng tôi đến thăm thì bác không còn nhận ra ai nữa.

        Bác Nguyễn Văn Huyền đã ra đi, nhưng hình ảnh một bạn đọc tiêu biểu của thư viện, một nhân cách tốt đẹp của người cầm bút vẫn còn sống trong tâm khảm chúng tôi. Chúng tôi tự đặt cho mình một trách nhiệm: Phải sưu tầm tập hợp các tác phẩm, hệ thống lại các bản thảo chép tay của bác, nhằm lưu giữ lâu dài di sản văn hóa quý của một nhà nghiên cứu tâm huyết của tỉnh ta. Các tác phẩm, các bản thảo thể hiện đầy đủ, chính xác quá trình tư duy của bác còn lại mãi mãi với bạn đọc. Và như thế, nhà nghiên cứ Nguyễn Văn Huyền vẫn còn mãi bên chúng ta.

                                                         Trần Mỹ Giống

* Bài in Tạp chí Văn hoá Nam Định. - 2003. - Số 4. - Tr. 37 - 38.


ĐÔI NÉT VỀ TIỂU SỬ NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN VĂN HUYỀN

       Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền (6/1/1930 – 2003) bút danh Võ Hoàng, Mai Thanh, Lê Vũ Hoàng. Quê xã Yên Tân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
       Ông là Đảng viên Đảng CSVN, nhiều năm dạy học,  thành viên Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng, nguyên Ủy viên thường vụ (khóa 1), Ủy viên thư ký (khóa 2), Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Nam Hà.

      KHEN THƯỞNG:

      Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam1995.       Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần I (1985), lần II (1990), lần III (1995).
     TÁC PHẨM CHÍNH 

  - Phạm Thận Duật cuộc đời và tác phẩm (H. : Khoa học xã hội, 1991)
  - Thơ văn Bùi Kỷ (H. : Khoa học xã hội, 1994)
  - Nguyễn Khuyến tác phẩm (1984)
  - Thơ văn Phạm Văn Nghị (H.: Khoa học xã hội, 1979)
  - Tú Xương tác phẩm và giai thoại (Chủ biên). (Hà Nam Ninh: Hội Văn học Nghệ thuật, 1986)
  - Văn học yêu nước và cách mạng (Hà Nam Ninh : Hội Văn học Nghệ thuật, 1986)
  - Thơ văn yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh (Chủ biên) (1982).
  - Truyện Trạng Lợn (1987)
  - Liêu trai chí dị (Dịch, in chung 1989)


1 nhận xét:

  1. Bài viết ngắn gọn, mạch lạc và đã truyền tải cái bản lĩnh cốt lõi của NNC Nguyễn Văn Huyền đến bạn đọc. Một bài viết cảm hóa được bạn đọc

    Trả lờiXóa