Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

KHÚC HÁT THÁNG BA CỦA NGUYỄN THỊ ĐẠO TĨNH VÀ LỜI BÌNH CỦA LÊ VĂN HY


                                         Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh
       

        KHÚC HÁT THÁNG BA

        Đào đã tàn từ lâu
        Mà sen thì chưa tới
        Ngoài khung cửa
        Một khoảng trời chới với
        Tháng ba
        Bông lựu đơn nở vội trước hiên nhà
        Một chấm đỏ như lời yêu vừa chín
        Ai đan áo Nàng Bân
        Cho mùa đông bịn rịn
        Chỉ một chút thôi
        Đủ để rét ngọt ngào
        Mẹ ta ngồi vo gạo cầu ao
        Tiếng vỗ rá nghe sao mà thân thuộc
        Ta thương quá tháng ba ngày trước
        Củ khoai gầy lát sắn mỏng thay cơm
        Em ta giờ áo mặc đã đẹp hơn
        Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ
        Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ
        Chân lấm bùn đầu đội nắng trưa


                                2

        Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba
        Lúa con gái đang thì thơm ngậy đất
        Mẹ làm bánh trôi mẹ làm bánh chay
        Mẹ làm bánh khúc
        Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên
        Những cũ càng không thể gọi tên
        Đã nuôi lớn bao cánh buồm trai trẻ
        Dù đi muôn nơi
        Ta vẫn muốn được như ngày thơ bé
        Sà vào khói bếp tháng ba

                        Nguyễn Thị Đạo Tĩnh




 LỜI BÌNH CỦA LÊ VĂN HY:

KHÚC HÁT THÁNG BA – NHỮNG QUAN SÁT TINH TẾ VÀ CHIỀU SÂU LIÊN TƯỞNG VỀ MỘT THỜI THÁNG BA ĐÁNG NHỚ
         
        Bài thơ  “Khúc hát tháng ba” của Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh có ba lần nói đến hai chữ “tháng ba”.
        Lần thứ nhất, câu thơ chỉ có hai từ, như một tiếng reo vui  bất ngờ như gặp lại  cái gì quen thuộc: Tháng ba.
        Lần thứ hai: Ta thương quá tháng ba ngày trước
        Lại từ sự quan sát hiện tại trở về  nội tâm suy tưởng.
        Và lần thứ ba: Sà vào khói bếp tháng ba
        Như một sự nuối tiếc thời thơ ấu.
        Rõ ràng bài thơ đã mô tả chi tiết về tháng ba trong sắc mầu thiên nhiên cây cỏ và trong đau đáu một nỗi niềm suy tưởng  thông qua hình tượng ba nhân vật đều là phụ nữ: mẹ, ta và người em gái.
        Nguyễn Thị Đạo Tĩnh vốn sinh ra ở một vùng nông thôn vùng chiêm trũng xã Mỹ Thịnh huyện Mỹ Lộc Nam Định nên chị rất am hiểu về nông thôn cả về quang cảnh cũng như những nét văn hóa  nông thôn.
        Từ một câu phương ngôn “Hoa đến thời thì hoa nở”. Hoa chỉ nở có mùa như đào nở về đầu xuân, sen nở về mùa hạ:
                Đào đã tàn từ lâu
                ……..
                Mà sen thì chưa tới.
        Đã khắc họa rất rõ nét ở thời điểm tháng ba.
        Bằng kinh nghiệm quan sát  thời tiết những tháng  giêng hai trời còn âm u “mây chẳng ra mây  như mầu lông chuột” 1,  thu nhỏ tầm nhìn xa. Sang tháng ba đã có những trận mưa rào, hửng nắng trời quang hơn chơi vơi.
                Ngoài khung cửa một khoảng trời chới với.
        “Bây giờ rõ mặt đôi ta”
        “Khúc hát tháng ba” lại đi vào chiều sâu tâm sự. Ở cái tháng ba đó có sự tích Nàng Mạnh Khương may áo rét cho chồng, nhưng đến tháng ba thì trời không lạnh nữa, trời thương cảm cho rét về thêm  nên gọi rét Nàng Bân.
                Ai đan áo Nàng Bân
                Cho mùa đông bịn rịn
        Ở cái tháng Ba đó còn có Tết Hàn thực, kiêng lửa, làm bánh trôi  để tưởng nhớ Giới Tử Thôi thời Xuân thu Chiến quốc  thà chịu chết cháy chứ không chịu  sự tạ lỗi của Tấn Văn công.
                Mẹ làm bánh trôi, mẹ làm bánh chay
                Mẹ làm bánh khúc
                Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên
        Nhưng hơn hết, những kỷ niệm về một thời đã qua, của những giáp hạt “ngày ba tháng tám”, lúa đang thì con gái nhưng gạo không còn người nông dân nghèo xưa kia phải ăn khoai ăn sắn:
                Ta thương ấu tháng ba ngày trước
                Củ khoai gầy lát sắn mỏng thay cơm
                                        3
        Những em gái đang tuổi ăn tuổi chơi, vẫn phải chăn trâu cắt cỏ chân lấm tay bùn trong tháng nông nhàn:
        Em ta giờ áo mặc đẹp hơn
        Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ
        Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ
        Chân lấm bùn đầu đội nắng trưa

        Câu mở đâu cho đoạn kết bài thơ:
        Những cũ càng không thể gọi tên
        Đã nhắc lại bao kỷ niệm của tháng ba ngày xưa khi tác giả còn ở thời thơ bé. Đó là hình ảnh mẹ ngồi vo gạo cầu ao, làm bánh trôi bánh chay tế trời lễ phạt, là tuổi thơ của thiếu nữ đáng lẽ phải được ăn diện, áo mặc đẹp hơn… Đó là những truyện kể về Nàng Mạnh Khương, Giới Tử Thôi…
        Những quá khứ mà tác giả cho là cũ càng đó đã góp phần nuôi dưỡng tương lai cả về tâm hồn và thân xác, có sức mạnh như gió  làm căng những cánh buồm đi lên phía trước. Những kỷ niệm về tháng ba đó thật đáng tự hào đáng yêu mến bao nhiêu. Cho nen dù bây giờ ta khôn lớn bao nhiêu vẫn muốn trở về thời thơ bé.
                Sà vào khói bếp tháng ba./.

Lê Văn Hy
Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.
l

3 nhận xét:

  1. Bài thơ rất hay! lời bình chưa thấu, bởi người bình mới ngắm nhìn bài thơ, chứ chưa nâng niu bài thơ. VŨ XUÂN QUẢN

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ rất hay! lời bình chưa thấu, bởi người bình mới ngắm nhìn bài thơ, chứ chưa nâng niu bài thơ. VŨ XUÂN QUẢN

    Trả lờiXóa
  3. Tôi biết chị Đạo Tĩnh từ hồi học SP Văn - Thể - Mỹ (Tỉnh Nam Hà), chị bộ đội về học lớp Họa, chị điềm đạm, sống có trách nhiệm với tập thể lớp. Đọc bài thơ này của chị làm tôi nhớ đến hai câu thơ của ai đó: Như là em bé lắm thôi, đưa ta chị dắt qua đồi tháng ba. Cái tháng ba trong bài thơ của chị đậm dấu ấn vùng quê Nam Hà ngày ấy với:
    "Mẹ ta ngồi vo gạo cầu ao
    Tiếng vỗ rá nghe sao mà thân thuộc"
    Bài thơ cũng khơi lại cái đói rét thời khó khăn, cái giản dị sâu lắng một thời đã qua, cái cái giá trị truyền thống của miền quê Nam Định ngày nay.

    Trả lờiXóa