Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

ÔNG TIÊN CỦA BẠN ĐỌC NHỎ TUỔI / Ký của Trần Mỹ Giống

Trang chủ thưa cùng bạn đọc:
Được tin bác Đặng Văn Khảm - cán bộ Phòng đọc Thanh thiếu nhi Hải Hậu hiện mắc bệnh trọng, do điều kiện sức khỏe không đi thăm bác được, trang chủ đăng lại bài viết này nói về bác thay cho lời thăm hỏi…




Trong khi hàng loạt thư viện thiếu nhi độc lập bị giải thể, nhiều phòng đọc thiếu nhi trong thư viện người lớn bị thu lại vì khó khăn về kinh phí và biên chế, thì ở huyện Hải Hậu (thuộc tỉnh Nam Định) vẫn tồn tại một phòng đọc sách thiếu nhi hoạt động rất hiệu quả.
Là một thư viện cấp huyện loại lớn, thư viện Hải Hậu có 25.000 bản sách được chia làm 4 phòng phục vụ: Phòng mượn, Phòng đọc nghiên cứu và báo chí, Phòng đọc thiếu nhi, Kho luân chuyển cho các thư viện cơ sở. Từ năm 1990 thư viện Hải Hậu cũng như nhiều thư viện khác trong tỉnh gặp khó khăn lớn về biên chế và kinh phí. Về biên chế, từ 3 cán bộ có trình độ đại học và trung học thư viện, giảm còn 1 cán bộ chưa có nghiệp vụ thư viện. Với thực tế này, Thư viện Hải Hậu khó mà hoàn thành tốt khối lượng công việc phục vụ ở trung tâm, chưa kể còn phải chỉ đạo mạng thư viện và tủ sách cơ sở trong huyện. Kinh phí hoạt động cho thư viện cũng giảm nhiều. Trước đây, hàng năm Thư viện Hải Hậu bổ sung ít nhất là 1.000 bản sách, 84 loại báo và tạp chí, tổ chức các hội thi tuyên truyền giới thiệu sách thường xuyên, nay bổ sung giảm còn 500 bản sách và 30 loại báo tạp chí mỗi năm... Số lượng bạn đọc thường xuyên từ trên 1.000 giảm còn một nửa. Phòng đọc thiếu nhi không có cán bộ chuyên trách nên hoạt động cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa lâu dài. Nhu cầu đọc của bạn đọc nhỏ tuổi ở huyện lá cờ đầu về văn hoá thông tin toàn quốc phát triển mạnh, nay không được thoả mãn trở thành vấn đề bức xúc và là sức ép đối với cơ quan văn hoá huyện.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác thư viện, Hải Hậu đã mạnh dạn thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” một cách sáng tạo nhằm duy trì Phòng đọc sách thiếu nhi, phục vụ thanh thiếu niên trong huyện.
Được các đồng chí lãnh đạo Phòng Văn hoá Thông tin – Thể thao và Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu lựa chọn, động viên, lại vốn ham công tác văn hoá nên bác Đặng Văn Khảm đã nhận trách nhiệm duy trì phòng đọc thiếu nhi của huyện. Sinh năm 1944 và lớn lên tại xóm Đông Biên, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa có truyền thống yêu nước, bác Khảm rất gắn bó với quê hương và mong muốn làm được nhiều điều tốt đẹp đóng góp vào công cuộc xây dựng của huyện nhà. Năm 13 tuổi đã mồ côi cha và mẹ, bác Khảm tần tảo nuôi 3 em nhỏ nên người. Khi Tổ quốc kêu gọi, bác đã động viên hai em trai nhập ngũ, một người là liệt sĩ. Vợ bác là người sùng đạo, hiền lành và thương chồng con hết mực. Hai vợ chồng bác hết lòng thương yêu và gây dựng cho các em bác trưởng thành. Từ thực tế anh em bác đùm bọc yêu thương nhau, được bà con lối xóm thừa nhận là gia đình văn hoá gương mẫu, tình yêu thương con trẻ trong bác thêm sâu đậm. Bác tâm sự : “Tôi nhận phụ trách Phòng đọc thiếu nhi vì tôi rất yêu trẻ và thích làm công tác văn hoá. Nhận công tác này là dịp để tôi thực hiện nguyện ước sống tốt đời, đẹp đạo”.
Những ngày đầu mở cửa, phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu gặp không ít khó khăn từ dư luận nhân dân và ý kiến của một số người làm công tác quản lý. Nhiều phụ huynh lo lắng cho việc học tập của con em mình, sợ chúng ham mê đọc mà sao nhãng học tập. Có cán bộ quản lý cho rằng việc hợp tác với tư nhân trong công tác thư viện là “trệch”... quan điểm, là sử dụng tài sản công không đúng mục đích. Có người lại không tin cách làm của Hải Hậu, cho rằng vì mục đích kinh tế mà cá nhân phụ trách sẽ phát hành sách xấu, độc “đánh” vào thị hiếu lệch lạc của bạn đọc... Theo hợp đồng với Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao huyện Hải Hậu, việc xây dựng và duy trì kho sách Phòng đọc thiếu nhi hoàn toàn do kinh phí của cá nhân bác Khảm. Bác không phải nộp cho Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao số tiền thu được từ lệ phí đọc và cũng không nhận một đồng nào từ kinh phí nhà nước. Phòng Văn hoá Thông tin – Thể thao quy định cho bác được thu phí đọc từ 100 đến 200 đồng / lượt người đọc. Làm thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu đưa sách tốt tới bạn đọc, vừa thu hút được nhiều người đọc để có thu nhập đủ duy trì hoạt động là nỗi trăn trở đối với bác trong nhiều ngày. Sau một thời gian hoạt động, số tiền lệ phí đọc thu được không đủ bù chi làm cả nhà bác lo lắng.



Trong 28 năm công tác, lần lượt giữ các chức vụ Đội trưởng sản xuất, Trung đội trưởng dân quân huyện, Phó Chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi xã, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán Hải Bắc, cán bộ khung xây dựng thị trấn Yên Định... bác Khảm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Bác đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến. Câu nói cửa miệng của nhân dân trong xã thời bác công tác “Đâu khó có ông Khảm” là lời khen mà bác xứng đáng được nhận. Tinh thần không lùi bước trước khó khăn được vun đắp từ nhiều năm công tác trước đây đã thôi thúc bác vượt lên trở ngại. Từ khi nghỉ công tác, bác Khảm mở phòng đọc sách tại nhà, phục vụ nhân dân nơi cư trú và đã thu hút được nhiều người tới đọc. Kinh nghiệm trong những năm mở phòng đọc tại nhà có ích cho bác nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác hiện nay. Bác tranh thủ đi học hỏi về kinh nghiệm và nghiệp vụ thư viện ở các thư viện và cơ sở cho thuê sách trong tỉnh để tìm con đường cho Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu tồn tại và phát triển. Bác chủ động gây dựng và giúp đỡ nhiều cơ sở cho thuê sách trong và ngoài tỉnh bằng cách trao đổi kinh nghiệm và bán rẻ cho họ những sách của Phòng đọc sau khi đã sử dụng khoảng 1 tháng. Việc này tự phát tạo ra mạng lưới phục vụ bạn đọc trên địa bàn và là một biện pháp thu hồi vốn để bổ sung sách mới, thoả mãn cao yêu cầu đọc của thanh thiếu niên. Mỗi tuần hai lần bác đi Nam Định bổ sung từ 500 đến 800 bản sách. Bác còn tranh thủ mượn luân chuyển sách của Thư viện tỉnh Nam Định để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bác đề xuất và được Phòng Văn hoá Thông tin – Thể thao và trực tiếp là Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu đồng ý bỏ tất cả các thủ tục phiền hà cho bạn đọc như phải viết đơn, xác nhận của nhà trường, trình hộ khẩu, nộp lệ phí và ảnh... theo quy định. Khẩu hiệu “Tất cả vì bạn đọc” là phương châm hành động của Phòng đọc bác phụ trách. Bất kỳ bạn đọc nhỏ tuổi nào trong và ngoài huyện đều có thể sinh hoạt tại Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu chỉ với điều kiện là thực hiện đúng quy định nếp sống văn hoá nơi công cộng và trả một khoản lệ phí nhỏ theo quy định. Trên thực tế, việc trả lệ phí đọc hoàn toàn do bạn đọc tự giác. Nhiều bạn đọc gặp khi không có tiền nộp lệ phí vẫn được bác phục vụ nhiệt tình. Những bạn đọc trốn học bị bác phát hiện đều được bác khuyên nhủ ân cần. Hằng đêm, bác tranh thủ đọc sách mới nhập và biên soạn bài tuyên truyền giới thiệu sách phục vụ nhiệm vụ của địa phương. Mỗi tuần một lần, bạn đọc lại háo hức nghe bác Khảm nói chuyện về sách. Khi thì bác kể một câu chuyện hay trong sách, khi điểm ba, bốn cuốn sách về một chuyên đề, khi giới thiệu sâu về một tác phẩm. Việc làm thường xuyên này của bác là biện pháp thực hiện tốt chức năng dẫn dắt việc đọc của thư viện. Nhiều năm qua, phòng đọc do bác phụ trách chưa để lọt vào một cuốn sách nào thuộc loại “sách cấm” hoặc ấn phẩm độc, hại. Bác còn thuê một người trông coi xe đạp để bạn đọc yên tâm đọc và đảm bảo trật tự trị an nơi công cộng. Từ nhiều năm nay, Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu liên tục mở cửa phục vụ từ 7 giờ sáng tới 10 giờ tối.
Sự nhiệt tình, cần cù chịu khó và lòng yêu nghề, hết lòng vì bạn đọc của bác Khảm đã có tác động rất lớn đến bạn đọc và lôi cuốn được cả nhà bác cùng tham gia vào hoạt động thư viện. Bạn đọc nhỏ tuổi rất yêu mến bác và đến thư viện ngày càng đông. Vợ bác tự nguyện làm thủ thư hỗ trợ cho bác. Con trai bác giúp bác phục vụ tại phòng báo, tạp chí của Thư viện huyện và tham gia trông coi khu vui chơi trong sân thư viện... Điều đáng nói là cả nhà bác đều làm việc với tất cả lòng yêu trẻ và yêu công tác văn hoá mà không hề có lương ngoài số tiền lệ phí thu được ở Phòng đọc thiếu nhi theo quy định.
Về thăm và theo dõi nhiều lần, tôi đã tận mắt thấy sự “nhộn nhịp, sống động” của Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu, thấy những điều mà nếu không tận mắt thì khó mà tin là thật. Nội dung sách được chọn lọc, đảm bảo chất lượng tốt, có đủ các loại sách văn học, xã hội chính trị, khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi, sách ngoại văn... Kho sách thường xuyên có trên 25.000 bản và luôn được đổi mới phù hợp với yêu cầu đọc và hứng thú đọc của thanh, thiếu niên.  Sách báo được trưng bày trong các tủ sách bỏ ngỏ, trên giá sách treo xung quanh tường để bạn đọc tự do lựa chọn sách cần đọc một cách thuận lợi. Diện tích phòng đọc gần 50 m2 nằm trong trụ sở thư viện huyện, khang trang, sạch sẽ.  Trong phòng xếp 60 ghế ngồi mà nhiều khi không đủ chỗ cho bạn đọc. Hàng ngày có từ 300 đến 400 lượt người đến đọc, thứ bảy và chủ nhật có ngày tới 500 lượt người.
Khi tôi hỏi vì sao gia đình bác lại “mê” một việc làm tốn nhiều công sức, thời gian mà thu nhập thấp như vậy, bác Khảm trầm giọng trả lời: “Các con tôi đều là cán bộ nhà nước hoặc đã trưởng thành, kinh tế gia đình vào loại khá ở địa phương nên vấn đề kinh tế không phải là mục đích cao nhất. Đối với tôi, được làm việc mà mình thích là niềm vui lớn. Hàng ngày tiếp xúc với trẻ em, tôi như trẻ lại. Tôi thật sung sướng khi vợ và các con nhiệt tình ủng hộ và cùng tham gia hoạt động thư viện với tôi. Cả nhà tôi thường tâm niệm: Làm được nhiều việc tốt cho xã hội là thực sự yêu nước, kính chúa, là hạnh phúc...”
Đánh giá về phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu, ông Cao Phan, nguyên Trưởng thư viện huyện Hải Hậu, người từng gần 40 năm công tác trong nghề thư viện đã nói: “Cái được trông thấy của phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu là đã thu hút được đông đảo thanh niên, thiếu niên tham gia hoạt động đọc bổ ích, góp phần làm cho việc đọc trở thành thói quen tốt đẹp của nhân dân, dù việc thoả mãn nhu cầu đọc phục vụ học tập còn ít hơn nhu cầu đọc giải trí. Dẫu sao, như thế còn hơn là để các cháu dùng thời gian rỗi lang thang ngoài phố, la cà trong quán bia rượu, sa vào nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác ”.
Nói về dự định sắp tới, bác Khảm trăn trở: “Tôi không muốn dừng lại ở việc thoả mãn nhu cầu đọc giải trí, mà phải phấn đấu sao cho thư viện thực sự là trường học thứ hai của bạn đọc nhỏ tuổi. Tôi đang chú trọng bổ sung mảng sách giáo khoa và sách tham khảo. Nhưng để phục vụ tốt nhu cầu đọc học tập của các cháu thiếu nhi, cần phải có diện tích nhà và bàn ghế đủ dùng cho số lượng bạn đọc thường xuyên đông như hiện nay. Việc này vượt ra ngoài khả năng của gia đình tôi. Tôi mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ...”
Sự trăn trở của bác Khảm thật đúng đắn, đáng quý, đáng khâm phục. Đúng như bác nói, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng, cần được toàn xã hội quan tâm mới có thể đạt kết quả cao. Bác Khảm thực sự là một cán bộ thư viện tiên tiến, là tấm gương sáng trong ngành thư viện. 
  Trong hoàn cảnh kinh phí và biên chế thư viện còn quá thiếu so với nhu cầu thì Phòng đọc sách thiếu nhi nhà nước và nhân dân cùng làm ở Hải Hậu là một mô hình mới, một biểu hiện cụ thể sinh động việc xã hội hoá thư viện, tăng cường đáp ứng nhu cầu đọc của thanh, thiếu niên, góp phần đẩy lùi tác hại của xuất bản phẩm xấu, độc.
Hơn hai chục năm hoạt động liên tục, phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu đã đứng vững và phát triển không ngừng, được dư luận trong và ngoài tỉnh khen ngợi đã chứng tỏ cách làm của Hải Hậu là đúng đắn. Thành tích của Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu như hiện nay, có sự đóng góp rất lớn của bác Khảm. Bác thực sự là “linh hồn của Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu”. Tiếng lành đồn xa, hơn một trăm đoàn tham quan của các ngành, các tỉnh bạn đã đến thăm và rất tâm đắc với cách làm của Hải Hậu. Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm có lần tới thăm đã khen ngợi Phòng đọc thiếu nhi và khuyến khích cách làm của Hải Hậu. Nguyên Bộ trưởng đã gọi bác Khảm là “người số một về sách thiếu nhi trong toàn quốc”. Nhiều nhà báo về tận nơi xem xét và đã viết bài biểu dương Phòng đọc của bác đăng trên báo Đại đoàn kết (Số 67 ngày 22 – 8 – 2001), Tạp chí Sách (Số 8 năm 2001), Tập san Thư viện (Số 1 – 2000), Tạp chí văn hoá Nam Định (Số 1 năm 2004)... Với những cố gắng không mệt mỏi và kết quả công tác của mình, bác Khảm đã được nhận nhiều Bằng khen và giấy khen về hoạt động thư viện của Bộ Văn hoá Thông tin, của tỉnh và Sở Văn hoá Thông tin Nam Định. Đó là những phần thưởng quý giá mà bác xứng đáng được nhận. Nhưng phần thưởng quý nhất đối với bác Khảm là bác được bạn đọc nhỏ tuổi gọi là “Ông tiên của thiếu nhi”.

Trần Mỹ Giống 

           Bài khởi soạn đã in trong cuốn "Những người giữ lửa tình yêu với sách". - H.: Nxb. Văn hóa dân tộc, 2004. - Tập 1. Tác giả ghi bút danh là Đinh Thị Khế. Bài đăng lần này là chỉnh lý bổ sung từ bài in trong sách trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét