Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

4 TRUYỆN NGẮN TRẦN THỊ NHẬT TÂN

 

       


 

- Hạnh phúc bên ta

       - Chúc Tết hàng xóm

       - Làm Nhà

       - Làng Đông

 

 

       HẠNH PHÚC Ở BÊN TA

 

       Lễ Mẫu xong, bà Mận rảo bước về nhà. Bà lo lắng con trai ở nhà lên cơn động kinh. Nó lăn từ giường xuống đất, lại bầm dập mặt mũi.

       Hội Phủ Dày năm nào, bà Mận cũng góp lễ cùng bà con trong xóm. Năm nào bà cũng khấn xin Mẫu cho bà khỏe mạnh để chăm đứa con côi bố. Xin Mẫu cho phép màu để con trai tỉnh lại. Sao nước mình khổ thế. Đánh giặc triền miên hàng nghìn năm. Thằng Tây, thằng Mỹ cút, thì thằng Pôn Pốt đánh chiếm miền tây Nam bộ. Mình chưa dẹp xong giặc Pôn Pốt, thì giặc phương Bắc cắn trộm dọc đường biên, đêm tháng 2 năm 1979. Muôn đời cái thằng ấy không từ bỏ mưu đồ xâm chiếm nước ta…

       Trần Mạnh Dũng con bà Mận, các bạn học cấp hai đặt cho biệt danh: “Dũng ngạnh trê”. Dũng học giỏi, tính ương ương, nghịch như quỷ. Trong xóm, nhà nào có cây ổi, cây mít, cây bưởi, Dũng kể vanh vách. Nó rủ mấy bạn cùng lứa đi theo đứng ngoài. Nháy mắt nó đã vút qua tường bao. Mấy phút sau, nó đã ném quả cho đứa đứng ngoài bắt. Hàng xóm mách bà Mận Dũng hái trộm quả. Bà nhẹ lời khuyên bảo con. Con cãi cùn: “Cây ổi sai thế, không cho trẻ con, để chim chào mào ăn hết à?... Cây trứng gà nhà ta, mẹ sai con hái đem biếu hàng xóm cúng mồng Một đấy thôi…”. Học cấp hai, không tuần nào Dũng không bị cô giáo chủ nhiệm phê bình. Cô giáo đang giảng đoạn thơ chị em Thúy Kiều đi hội Thanh Minh, tiếng bạn Huệ gắt: “Thằng ngạnh trê.” Thước kẻ cốp vào đầu Dũng ở phía sau. Dũng dán tờ giấy “Huệ thiu” sau lưng áo Huệ. Có lần sau giờ ra chơi vào lớp, Dũng nắm tay nói: “Tớ cho Mai hạt dưa.” Mai xòe tay, Dũng đặt con cóc. Mai hét toáng chạy ra khỏi lớp…

       Học lên cấp ba, Dũng ham chơi bóng đá. Những trò quỷ ma xẹp hẳn xuống. Một ngày Chủ nhật cuối năm 1979, Dũng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con khám nghĩa vụ trúng tuyển rồi. Con đi đánh giặc trên biên giới. Giặc tan, con về học tiếp mẹ ạ.” Mẹ Dũng bảo: “Sắp thi tốt nghiệp. Thi xong đi đánh giặc chưa muộn con ạ.” Dũng lẳng lặng vào buồng sắp sách vở vào cặp. Bà Mận biết tính con, thích làm gì Dũng làm bằng được.

       Hôm xã tiễn tân binh lên đường, các bạn lớp 12A có mặt đông đủ. Bạn Huệ dúi vào tay Dũng tập phong bì, thếp giấy. Bạn Mai đưa cho Dũng túi ngô luộc còn nóng: “Chúc bạn đánh tan giặc, về học tiếp!” Một tràng pháo tay nổ vang góc sân Ủy ban xã…

       Cuộc chiến biên giới phía Bắc đã ba năm. Xã bên lác đác có thương binh về. Trong xã mới có hai thương binh về hôm qua. Bà Mận đi thăm từng thương binh, hỏi tin Dũng, chẳng ai biết. Các anh nói ngày ấy tập trung lên huyện, lên tỉnh đội. Anh em biên chế mỗi người đơn vị khác nhau. Đơn vị đưa đi tập luyện địa điểm khác nhau. Anh ở Hòa Bình. Anh ở Mê Linh. Anh đi Sóc Sơn. Tập luyện xong, ô tô đưa lên biên giới. Gặp các thương binh, bà Mận chưa nói gì, nước mắt đã tuôn chảy. Anh mất tay. Anh mất chân. Anh mặt lệch một bên, nói ngọng nghịu. Các anh kể cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt. Cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, ta hy sinh nhiều. Trận địa Vị Xuyên ở Hà Giang, giặc nã pháo sang, đá nung đỏ thành vôi. Trận chiến ở đồn biên phòng Pò Hèn Quảng Ninh cũng ác liệt v.v…

       Ngày nào bà Mận cũng thắp hương khấn tổ tiên, khân chồng phù hộ cho con trở về lành lặn. Số bà thật long đong. Chồng đi cày bị cơn mưa rào ập xuống. Đêm về ông sốt cao độ rồi đi…. Dũng mới mười tuổi. Bà dồn hết tình thương chăm con. Bà hy vọng Dũng là cột lim rừng cho bà nương tựa tuổi già. Nay hy vọng ấy xa vời…

                                      *

                                   *    *

       Cô gái khuyết tật bán tăm dạo ngồi ghế nhựa, tựa lưng cổng nhà bà Mận ngủ. Một tay cô đặt lên đùi, tay kia đặt lên xe đựng tăm.

       Từ xa, bà Mận đã thấy người ở cổng. Gần đến nơi, bà đi khẽ khàng. Một cô gái, gương mặt sạm nắng tỏa nét chất phác. Bà nghĩ cô gái này dại thế. Cô không vào nhà ai xin nghỉ nhờ? À giờ này đã ai đi lễ Mẫu về đâu. Ổ khóa cổng kêu “tách”. Cô gái tỉnh dậy:

       - Cháu chào bà!

       - Ờ… Cháu… bị lưng cong à?

       - Thưa bà, cháu bị chân thọt nữa ạ. Dân làng quê cháu gọi cháu “Nhung thọt” bà ạ. 

       - Quê cháu ở đâu?

       - Thưa bà, cháu quê Kim Sơn, Ninh Bình ạ.

       - Vào nhà đi cháu.

       Bà Mận nhanh chân vào mở cửa, bật điện sáng choang. Bà quay ra đã thấy Nhung đẩy xe vào hè, tập tễnh vào nhà.

       Hai bà con ngồi bàn uống nước, nói chuyện. Hoàn cảnh của cô gái khổ hơn bà Mận. Nghe chuyện cô gái, bà Mận thở dài thườn thượt. Bố Nhung bỏ hai mẹ con khi Nhung vừa chào đời. Nhìn đứa con dị tật, ông bố lẳng lặng bỏ đi mất tăm. May mắn, được cả hai bên nội ngoại động viên, giúp đỡ mọi mặt cho hai mẹ con. Khi Nhung bắt đầu đi học lớp Một, ông bố về quê đâm đơn ly dị vợ. Ông ta làm công nhân trong khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Ông ta đã lấy vợ có con. Chưa bao giờ bố cho Nhung một tý gì. Ông ta bạc tình, ích kỷ. Chính bố mẹ đẻ ông ta cũng chê trách. Nhung được mẹ cho đi học tử tế. Cô giáo yêu quý, bạn bè thân thiện, Nhung phấn đấu học tốt. Hết cấp Trung học cơ sở Nhung đạt loại giỏi. Mẹ muốn Nhung học lên cao, Nhung nói với mẹ biết bao sinh viên tốt nghiệp đại học còn thất nghiệp, mình khuyết tật càng khó xin được việc làm. Nhung xin mẹ đóng cho chiếc xe gỗ đi bán tăm. Nhung đẩy xe đến các chợ đông đúc, các cửa hàng mua bán. Nhung rong ruổi từ Kim Sơn lên thành phố Ninh Bình. Hai năm nay Nhung trụ lại ở miền Thiên Bản này. Tích cóp được dăm trăm, Nhung gửi tiền về cho mẹ bằng đường bưu điện. Đến đâu, Nhung cũng được dân cho trú tạm qua đêm. Nhà trọ, thấy Nhung chất phác, hiền lành, cho nghỉ miễn phí. Nghe chuyện, bà Mận mừng cho cô gái khuyết tật biết vươn lên, tự lập trong cuộc sống đầy khó khăn.

       Bà Mận cũng kể nỗi vất vả của bà. Trần Mạnh Dũng, con trai bà đánh giặc biên giới năm 1979. Dũng bị thương nặng mất trí nhớ do vết thương trên đầu. Một chân Dũng bị mất, trại điều dưỡng đã lắp cho chân giả, đi đứng được. Mãi năm 1982 trại điều dưỡng thương binh nặng mới về đón bà đến thăm Dũng. Bà xin Ban giám đốc trại đón con về chăm. Khi nào bà già yếu quá sẽ gửi Dũng lại trại chăm. Bà dẫn Nhung vào buồng thăm Dũng. Nhìn thân hình chàng trai trẻ đầy đặn, trắng đẹp, vồng ngực Nhung rung động, hồi hộp… Nhung thì thầm:

       - Ơ… Anh Dũng ngủ ngon…

       - Chắc hôm nay Mẫu phù hộ, bác đi lễ cứ lo ở nhà Dũng lên cơn động kinh ngã thì khổ.

       Bà Mận nhớ lúc khấn Mẫu, ánh hào quang trên mũ đội đầu Mẫu nhấp nháy như lời che chở bao dung.

       Bà con hàng xóm đem phần lộc về cho bà Mận. Hai bà con ăn lộc Mẫu, nói chuyện vui. Bà Mận bảo Nhung:

       - Bác thấy cháu thật thà, chịu khó, vượt lên hoàn cảnh. Các cụ nói là lá lành đùm lá rách. Hai bác cháu ta lá rách đùm lá rách thành lá lành đấy cháu ạ. Ngày ngày cháu đi bán tăm, tối về nhà bác nghỉ. Bác vui, cháu có chỗ ở an toàn. Bà con mình tựa vào nhau.

       Nhung cảm động chắp tay lạy cám ơn bà Mận.

                                    *

                                  *   *

       Hơn một năm ở nhà bà Mận, Nhung viết thư mời mẹ đến chơi. Hai bà gặp nhau lần đầu mà như đã thân quen từ lâu. Bà Bình mẹ Nhung biếu bà Mận mấy cân tép biển khô, một cân tôm rảo rang chín. Hương mặn mòi của biển tràn ngập trong nhà. Hai bà ríu rít nói chuyện, nấu cơm. Nhung gọt vỏ cam, sắt từng miếng nhỏ ra đĩa cho Dũng ăn. Đánh rơi miếng cam, Dũng nhặt cho vào mồm. Nhung nắm tay Dũng “bẩn rồi không ăn”, ném miếng cam vào đống vỏ. Dũng chằm chằm nhìn vào Nhung: “Cô là ai?”. “Em họ hàng với anh”, “Họ nào?”, “Em là em họ anh. Họ bên ngoại”.

       Hai bà im thít, nghe Nhung và Dũng nói chuyện. Dũng cười, đứng lên đi vào buồng nằm. Bà Mận mừng quá. Dũng đã nói rồi. Niềm hy vọng Dũng hồi phục trí nhớ đang le lói như tia nắng bình minh đầu tiên trong trái tim người mẹ. Mùa gặt tháng Năm, Nhung ở nhà phụ giúp bà Mận phơi thóc phơi rơm, thổi cơm, cám bã lợn gà. Đến bữa ăn, Dũng nhìn chằm chằm vào Nhung như hôm nay. Bà gặng hỏi Dũng: “Con có biết ai đây không?”, Dũng không nói. Mấy năm đón con ở trại thương bình về, bà Mận chỉ ước được nghe Dũng gọi: “Mẹ ơi!”

       Sau bữa ăn, Nhung đưa cho mẹ một xấp tiền. Bà Bình đếm tiền nhẩm tính trong đầu, nói: “Con ơi, đủ tiền mua máy khâu rồi…” Hai mẹ con vui mừng uống nước nói cười. Bà Mận vào hỏi:

       - Hai mẹ con vui thế.

       - Chị ơi, em thưa chuyện với chị. Xin phép chị, mai hai mẹ con em về quê.

       Bà Mận buồn xỉu:

       - Về quê làm gì? Nhung ở đây bán tăm cũng được. Nhà tôi hiếm người. Cháu ở đây có khác gì nhà mình. Anh em bốn bể một nhà, đừng ngại.

       - Ồ không. Mẹ con em không ngại. Mấy năm đi bán tăm dạo, cháu tích cóp tiền gửi em. Cháu tính khi nào đủ tiền mua máy khâu thì cháu học nghề may. Cháu nói sau này mẹ già, con yếu, đỡ vất vả. Làm nghề may không giàu, nhưng cũng không đến nỗi đói. Không phải đội nắng gội mưa đẩy xe tăm, cực lắm. Mình dành dụm gửi tiết kiệm khi việc cần.

       Bà Mận mừng rỡ cười tươi:

       - Cháu Nhung ít tuổi biết lo xa, giỏi quá. Tôi nói thế này, hai mẹ con ưng không nhé! Tôi có cháu gọi cô ruột, mở cửa hàng cắt may ở thị trấn. Cháu có dạy cắt may nữa. Nhung ở lại, mai bác dẫn ra, bảo cháu dạy may cho Nhung miễn phí, đỡ tốn kém. Được không?

       Nhung reo lên:

       - Hay quá!... Mẹ ơi, một mình mẹ về quê. Con học xong nghề may tính sau.

       Bà Bình xúc động, nhìn lên núi Găm uốn lượn rừng cây xanh mút. Niềm xúc động dâng trào, bà Bình không nói thành lời. Mắt bà ầng ậng nước…

                                    *

                                  *   *

       Bà con xóm Đông bàn tán xôn xao về câu chuyện cô thợ may khuyết tật, kết hôn với thương binh nặng. Ai cũng mong cho hai lá rách đùm nhau thành lá lành. Việc đền ơn đáp nghĩa thương binh liệt sĩ là trách nhiệm của toàn dân. Tùy điều kiện mỗi người, đền ơn theo cách của mình. Cô thợ may khuyết tật, nhưng gương mặt đầy đặn, phúc hậu. Ánh mắt cô ấy dịu mềm làm sao…

       Họ hàng hy vọng tình cảm chân thành, đằm thắm của Nhung là phương thuộc đặc trị bệnh mất trí nhớ của Dũng.

       Từ nhà bà Mận ra thị trấn chưa đầy hai cây số. Sáng Nhung đi xe đạp điện ra tiệm may Thanh Hằng ở thị trấn, tối về. Bây giờ cái bụng của Nhung đã lùm lùm. Hôm tổ chức lễ cưới, trong nhà, ngoài sân trang hoàng bàn ghế, đèn điện sáng choang. Ban truyền thanh thôn ủng hộ loa đài. Các anh chỉ mở đĩa nhạc những bài truyền thống hồi chống Mỹ, tần số rất nhẹ. Trên bàn tiếp khách là những đĩa bánh kẹo, ấm tích nước chè xanh, trầu cau. Chỉ có hai bà thông gia và Nhung tiếp khách. Bà con hàng xóm đến chia vui đông đủ, ấm áp tình làng. Dũng nằm im thít trong buồng. Khi khách ra về hết, hai bà mẹ thì thầm với nhau… Nhung dọn dẹp xong, thay bộ đồ ngủ đi vào buồng. Hai bà mẹ nhìn nhau lo lắng. Sáng hôm sau Nhung dậy sớm tắm giặt. Khi ăn cơm, bà Mận hỏi con dâu: “Đêm qua, anh Dũng có lên cơn động kinh không con?”, “Thưa mẹ, không ạ.” Nhung nói khẽ, mặt bừng đỏ, quay nhìn ra sân. Hai bà mẹ tế nhị gật đầu với nhau…

       Giờ bà Bình ra ở hẳn với con gái, con rể. Hai bà thông gia trẻ lại mấy tuổi. Lợn, gà trong chuồng đều đặn có thực phẩm sạch cung cấp cho chợ thị trấn. Hàng xóm gặp đôi thông gia Mận – Bình, liền hỏi thăm “Cái bầu” của Nhung có khỏe không? Khi nào “đập chum”? Mọi người mong cho Nhung được mẹ tròn con vuông.

       Ngày mong đợi mầm xuân của nhà bà Mận đã đến. Cu Tý của vợ chồng Dũng Nhung khóc váng trong phòng sản phụ y tế. Mừng cho người mẹ khuyết tật sinh nở bình thường. Ai cũng bảo cô thợ may khuyết tật có tấm lòng nhân hậu, nên trời Phật độ trì.

       Hai bà mẹ đón con, đón cháu về nhà. Họ ngạc nhiên thấy Dũng chắp tay trước bàn thờ gia tiên. Ba nén hương cong ngọn thơm ngát.

 

                     28-9-2022

              Trần Thị Nhật Tân

 

 

 

CHÚC TẾT HÀNG XÓM

 

                                  Truyện ngắn Trần Thị Nhật Tân

 

       Tháng Chạp 1993 Tân mua được ba gian nhà vách đất lợp ngói lụp xụp. Hết cảnh màn trời chiếu đất đầu hè xó chợ. Tân mua một tút thuốc lá Điện Biên, 20 gói chè búp một lạng một gói đi chúc Tết hàng xóm làm quen. Nhà Thưởng – Huấn liền kề, túi quà đậm đặc hơn cả.

       Sáng mồng Một, Tân xách túi quà đựng chai mật ong, cân đường, hộp sữa, gói chè, bao thuốc sang chúc Tết Thưởng – Huấn. Tân xin làm em kết nghĩa với anh chị. Huấn vui vẻ nhận lời. Sang tổ trưởng Trần Văn Chung, ông vui vẻ chúc lại Tân. Còn không nhà nào chúc lại Tân. Đến nhà Chuông, vừa đặt gói chè bao thuốc xuống bàn, vợ Chuông nói:

       - Bà không chúc Tết cả xóm thì mỗi người củ gạch đập bà chết tươi.

       Tân vào nhà Khoa, Tần, Đệ. Tần cầm thuốc bật lửa hút, phả khói vào mặt Tân:

       - Bà mà không chúc Tết nhà tôi thì tôi ném tan mái nhà bà.

       Về nhà, Tân bàng hoàng hoảng sợ. Sao dân Đông Mạc ác thế. Mình tử tế với họ, mà họ trắng trợn tỏ rõ ác độc với mình? Sáng mồng Hai Tết, thấy mùi nước đái trâu xộc vào nhà. Tân ra cổng, con trâu đực to tướng đang húc tường bao. Vũng nước đái đọng giữa cổng. Thấy Thưởng, Tân nói:

       - Anh Thưởng ơi, ai buộc trâu cổng nhà em. Nó đái khai, húc nứt tường nhà em.

       - Tao buộc trâu đường làng nhà tao. Không phải đường nhà mày. Nó thích húc tường kệ nó.

       Mông Ba, Tân nghĩ sang gặp “chị” Huấn tâm sự tình cảm để Huấn bảo chồng đừng làm ác với mình. Lúc đi ở cổng, Tân thấy Huấn từ bếp vào nhà. Tân đến sân, không thấy Huấn nữa. Tân chào Thưởng, tự ngồi vào bàn:

       - Thưa anh, chị đâu ạ?

       - Không biết!

       - Đ… mẹ thằng già. Bố bảo mày quét nhà, còn ngồi hút thuốc à?

       Tiếng Thuấn, làm Tân giật mình. Không có ai ngoài ba người?...

       - Đ… mẹ thằng già. Bố bảo mày quét nhà. Mày còn ngồi ỳ ra à? – Thuấn xông đến trước mặt ông Thưởng, giơ tay tát ông. Thưởng bật dậy né tránh, cầm chổi quét. Tân sợ tái mặt, nhìn Thuấn mặt đỏ phừng. Tân nhỏ nhẹ:

       - Cháu ơi! Sao lại thế.

       - Đ… mẹ con đĩ câm mồm, chõ vào việc của bố.

       Tân vội bước đi. Ra đầu nhà, Tân nghe tiếng mụ Huấn gầm lên:

       - Thằng già lì lợm lừa ưa nặng. Từ nay, mày bảo nó làm gì nó không làm ngay, thì đấm vào mặt cho nó tỉnh.

       Trời ơi! Vợ kích động con đánh chồng. Con lại gọi bố đẻ là con. Gia đình này tâm thần loạn óc cả rồi. Tân ở liền hang chó sói. Mắt mụ Huấn đỏ như mắt cá rói. Lúc nào cũng long sòng sọc, mồm ngoác mang tai, răng vẩu như yêu tinh.

       Hết tháng Giêng, Tân kể với bạn thân mọi chuyện cả làng bắt nạt. Tân nhờ bạn bè giới thiệu ai mua đất Tân bán, đi nơi khác. Nhiều người đến xem đất, ưng ý. Nhà sau chùa, bốn hướng đi thông thoáng. Sau một tuần ai cũng nói giống nhau:

       - Bà cho tôi cũng không ở. Liền kề nhà mình, toàn anh em ruột trộm cướp, ác tâm. Con đánh bố, vợ chửi chồng. Người làng Đông Mạc anh em dây mơ rễ má, thông gia thông dáo. Năm 1976 – 1980, Đông Mạc nổi tiếng cướp người qua đường. Trộm cắp, ma túy làng này cấu kết với một số tay xấu ở đơn vị bộ đội đóng quân làng Đệ Tứ. Chúng khét tiếng cướp dã man ai qua đường. Pháp luật vào cuộc, mấy tên ác ôn vào tù, giải tán đơn vị bộ đội. Số kẻ xấu không về quê, lấy vợ làm rể làng Đông Mạc. Chưa chấm hết nạn trộm cướp. Mấy gia đình mua đất làm nhà quanh đây, nhà nào cũng bị trộm vét sạch nồi niêu, bát đĩa v.v…

       Tân nghe chuyện kinh hồn bạt vía. Bán không ai mua. Cho không ai lấy. Làm sao bây giờ?... Phải chung sống với yêu ma thôi. Nhà tồi tàn, ngói vỡ, mưa giột vẫn hơn nằm hè phố, chợ Rồng. Sẽ nghĩ làm việc tốt cho họ, để cảm hóa họ. Phải rồi, dạy học miễn phí con cháu họ, chả lẽ họ còn ác độc với mình mãi?...

       Nhà Hiếu, Lễ có ba con đang học lớp một đến lớp bảy. Tân dạy học cả ba cháu. Con nhà ba anh em Hòa, Hoàn, Tần, có hai cháu ôn thi vào lớp 10, còn Thương -  Hà, Tân gọi vào nhà dạy môn văn, hướng dẫn học toán.

       Một sáng Tân đi chợ về, thấy cột điện chôn giữa vườn. Rau nát hết. Tân hỏi Tần thì Hòa ở trong nhà xông ra: “Bà không để tôi chôn cột điện ở vườn bà thì tôi đập chết!” “Các anh kéo dây điện trái luật, nguy hiểm. Tôi ra xã báo cáo.” Tân ra xã về, Hòa – Tần giơ hai nắm đấm mặt. Tân ngồi thụp tránh đòn, kêu cứu chạy. Hoàn trong nhà ra chửi: “Đ… mẹ mày…” đấm mặt Tân. Tân đưa tay gạt kêu cứu. Chị Chung cạnh nhà Hoàn ra quát: “Hoàn! Bà giáo đang dạy con anh sao tự dưng đánh bà? Phải kính trọng bà!” Hoàn thụt vào nhà.

       Hôm sau, Tân đang tập thể dục, Tần dùng xà beng xỉa đổ tường bao. Tân hỏi tại sao xỉa đổ tường bao? Tần nói: “Tôi thử xà beng có xỉa đổ tường bà không. Tường bà không đổ, tôi ra xỉa mặt thằng bán xà beng đểu.” “Sao không xỉa tường nhà Tần?” “Xỉa tường nhà bà, đổ bà xây lại. Dại gì xỉa tường nhà tôi?” Tân đến gần: “Đi đi! Không được phá nhà tôi.” “Bà tránh ra không xà beng xỉa chân bà… Bà thấy chưa, xà beng nó xỉa chảy máu chân bà đấy. Tại bà!” Khi Tân xây lại tường bao, Hòa đạp đổ. Ba ngày như thế. Trưa thợ về ăn cơm là Hòa đạp đổ tường. Đến lần thứ tư, Tân không chịu được, cầm dao chẻ củi ra:
“Bà sống chết với mày. Bà dạy con dạy cháu mày, còn bắt nạt bà quá. Tức nước vỡ bờ. Bà chặt chân mày…” Tân vung dao lên (như thật), Hòa ù té chạy.

 

TTNT

 

LÀM NHÀ

 

Truyện ngắn Trần Thị Nhật Tân

 

       Tân sang chơi nhà Hiếu – Lễ. Ba con Hiếu – Lễ đang học tiểu học, THCS. Tân dạy các cháu học. Hiếu mua đất trước Tân một năm. Tân kể ngày nào cũng bị ai ném vỡ ngói. Nhà Lan có thang, Tân mượn không cho mượn. Ngày nào Lan cũng mượn rá vo gạo, xin mắm muối. Lễ bảo lão Lan đểu ra mặt. Hắn cũng nơi khác mua nhà ở đây. Hồi em làm nhà hai tầng, anh em Hòa – Tần đánh. Chúng bảo nhà các ông làng này mái tranh lụp xụp, mày làm to hơn không được. Lão Lan cũng sang chõ mõm vào: “Đánh, cứ đánh mạnh vào!” Tần rình nhà vắng, tối Hiếu đi làm về, nó túm tóc đánh. Nó dúi đầu hiếu xuống ruộng bùn, sặc gần chết. Mẹ Hiếu ở quê ra chơi, bảo hai nhà đoàn kết giúp nhau. Nhưng chẳng ai trông giúp được cho ai. Nhà Tân vẫn bị kẻ ném vỡ mái ngói. Hiếu – Lễ làm đậu phụ từ ba giờ sáng. Hơn năm giờ, vào nhà nghỉ một chút. Lễ trở ra đã mất toàn bộ cối xay, chậu làm đậu, cùng mấy khay đậu. Nhà Lễ liền kề nhà Hiếu, tường ngăn cao có nửa mét.

       Không thể kéo dài nỗi khổ, Tân nghĩ phải làm nhà mái bê tông. Ba năm đi mua ngói, ni lông căng đình màn, không ăn ngủ được. Mệt. Đang không biết tìm thợ xây ở đâu, thì con trưởng của cụ Hanh đến chơi. Ông Hinh ôn lại tình cảm đẹp của cha mẹ đối với cha Tân hồi chống Pháp. Bị giặc Pháp bắt tù, đưa hai người vào nhà Máy Chai tra tấn. Cha Tân nói tiếng Pháp đấu tranh với giặc. Anh em trong tù rất quý ông Văn. Tân đem chuyện làm nhà kể với ông Hinh. Ông sốt sắng dẫn cháu Bộ đến. Ông Hinh nói Bộ là cai xây dựng giỏi, sẽ xây cho Tân ngôi nhà hai tầng chắc chắn. Mừng quá, Tân đạp xe sang Ninh Bình, nhờ bạn đọc “Dòng xoáy” kiến trúc sư Bình thiết kế nhà. Tân đưa tiền thiết kế, Bình không nhận. Bình bảo ủng hộ nhà văn nghèo.

       Tân sang báo cáo tổ trưởng Chung, Hàm mặt trận thôn. Và xin phép “anh chị” Huấn – Thưởng làm nhà.

       Hôm phá nhà đất vách cũ, Thưởng – Huấn, Thuấn – Trinh ngăn không cho phá trụ cổng. Tân nói: “Từ trụ cổng đến tường ngăn anh chị xây còn hai mét cơ mà. Em phải phá trụ cổng, làm hết đất của em. Em xây lại hai trụ cổng về đất anh chị.” Cả bốn người chạy về vác dao, cuốc thuổng xông vào đánh Tân. Tân chạy kêu cứu dân làng thì họ đến hô: “Cứ đánh! Không cho người ở đâu đến làm nhà cao to. Nhà chúng tao thành ổ chuột à? Đánh!” Lan cầm gậy, chõ mồm vào: “Đánh là phải nôn đất ra!” Tân muốn nhổ vào mặt Lan đểu cáng, nhưng cố kìm nén. Lúc này cần bình tĩnh. Sang ông Chung vắng nhà. Đến ông Hàm mặt trận, ông ta nói: “Cô báo cáo làm nhà mà không có gì cho tôi thì đời nào tôi can thiệp.” Miệng nói, Hàm vừa đưa tay ra hiệu đếm tiền. Tân chạy ra UBND xã nói với Chủ tịch Giang, Bí thư Tho. Hai người nói sẽ cho Hoãn địa chính vào đo đất lại. Chờ hai tuần không thấy Hoãn vào đo đạc. Bạn bè khuyên Tân “đút lót”, mình cương không chịu đút không xong đâu. Tân đành làm hai phong bì, đút tay Tho, tay Hoãn. Hôm sau Hoãn vào cầm dây thước đo. Cả nhà Thưởng – Huấn, đủ ba cô em gái với ba rể thay nhau đo đi đo lại. Tính toán với nhau, chỉ có 175 m2. Cả chục người nói với nhau: “Vô lý, bán cho Bính – Dung 180 m2, còn cho 20 m2 là 200 m2. Sao giờ đo có 175 m2?” Chúng bắt ông Hoãn công bố 200 m2 để bắt Tân dâng chúng 20 m2. Chúng phá tường ngăn, ngăn lại mốc giới. May ông Hoãn không nghe. Dù đứng xa, nhưng Tân nghe thấy hết. Ông Hoãn bảo thực tế có 175 m2. Ngày xưa bán cho em trai Bính – Dung các người đo thiếu, không đủ 180 m2. “Giờ tôi xác nhận xã đo đủ 180 m2, không thừa không thiếu, không lộ ra việc đo thiếu 5 m2 hồi bán cho em còn gì.” Nhà Thưởng – Huấn đành chịu cho Tân phá cổng, xây lại trụ cổng về tường ngăn. Nhưng chúng không cho làm nền đến hết đất. Tân nghĩ chịu vậy, trồng luống rau, cốt làm được nhà chắc chắn.

       Đào móng, đo đạc hình nhà xong, bắt đầu xây thì Huấn – Trinh đạp đổ tường, bắt thợ nhổ cọc lên phía trước 30 cm, không cho làm theo móng nhà cũ. Tân đành chịu. Vậy mà Thuấn – Trinh tiếp tục đạp đổ tường. Tần – Hòa – Lan, Nở đánh hôi, phá tường. Có lần tổ trưởng Chung ở nhà cầm gậy sang đuổi: “Tổ sư bố chúng mày. Cả làng bắt nạt bà già, đồ chó!” Tân ra UBND xã nhờ giúp. Chủ tịch, Bí thư nói: “Bố, mà Thuấn còn đánh ộc máu mồm ra. Chúng tôi là cháu họ gọi Thuấn là bác. Cháu nói bác đánh chết sợ lắm.” Tân vào phòng công an nói. Công an hứa sẽ xuống can thiệp. Hai tuần chẳng công an nào đến. Tân gửi công an thành phố. Nửa tháng không có công văn trả lời. Tân đành gặp Bí thư tỉnh Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Trần Quang Ngọc. Tân trình bày sự việc. Hai ông cười bảo:

       - Giờ thế này đấy, chẳng ai nói được ai. Cán bộ lờ mọi đơn kêu của dân. Cô khổ quá. Để các anh cho mấy cháu công an đến canh cho cô xây xong nhà. Được chưa?

       Tân mừng quá. Nhờ anh Quỹ tìm đội thợ khác xây nhà cho. Đội tay Bộ bị Thuấn - Trinh đánh, sợ chạy biến mất. Tân còn bị Bộ lừa, bảo đưa hết tiền công nó gọi đông thợ đến xây cho nhanh. Thuấn – Trinh không đánh được. Tân tin, đưa hết tiền công, mua vật liệu. Nhưng thợ sợ đánh chạy mất. Mỗi lần Tân đi kêu cứu về, mất hết sạch xi măng, sắt v.v… Giờ chỉ đủ kinh phí xây một tầng thôi. Đi hết hơi đến nhà Hinh, nhà Bộ, không gặp được để đòi tiền. 1998 nhờ cứu giúp của Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Tân xây xong một tầng với bể nước mưa mười khối nước, tha hồ tắm giặt, xả bệt. Bà Khoa, ông Khánh ngày nào cũng sang xin Tân nước mưa về ăn. Một hôm Thắng con cô Xuân em kết nghĩa của Tân đến chơi. Uống nước, Thắng nói:

       - Mẹ ơi, sao nước có mùi thum thủm.

       - Mẹ ăn uống hàng ngày, một năm nay không thấy gì.

       Thắng nghi ngờ, ra mở nắp bể nước mưa.

       - Mẹ ơi, mẹ ra xem bể nước này.

       Tân nhìn vào bể nước lềnh bềnh chuột, phân. Túi ni lông đựng phân, chuột, nổi lơ lửng dưới mặt nước. Thắng bắc thang lên trần nhà, kêu lên: “Một đống túi ni lông đựng chuột, phân. Kinh quá!”  Cả nửa ngày, hai mẹ con quét rửa trần nhà, bể nước. Ông Chung sang cũng rùng mình kinh sợ. Ông Chung bảo chỉ nhà Thưởng - Huấn ác độc chứ không ai vào đây. Bà Khoa bảo Tân giả vờ đi chợ, nép vào cổng nhà bà để rình kẻ chủ ác. Quả nhiên, hơn tám giờ sáng, Thuấn bước qua tường ngăn sang nhà Tân, mở nắp bể nước vứt túi chuột, túi phân vào. Tuấn về đến tường ngăn thì Thưởng, Lan ném túi chuột, phân lên trần nhà. Bà Khoa: “Các ông ác thế, ném chuột bả, túi phân vào nhà bà Tân.” Thuấn: “Cho nó ăn vào chết đi, lấy lại đất.” Tân nói: “Em không làm gì sai, mà nhà anh ác thế.” Thuấn: “Đ… mẹ con đĩ, bố đập chết. Câm mồm.” Tân mời ông Chung sang. Ông chửi: “Tổ sư chúng mày dã man, đểu cáng. Giời vật chúng mày chết đi!”

       Tân đi Hà Nội về, thấy dây điện dài từ ổ cắm điện ra giếng nước. Máy bơm xình xịch, giếng hết nước. Vườn rau nhà Thưởng lênh láng nước. Lâu nay Thưởng trộm điện, trộm nước nhà Tân. Thảo nào tiền điện từ 10 nghìn vọt lên 100 nghìn.

       Tân xếp gọn tủ sách, rơi ra sổ tiết kiệm. Ô lạ quá, gửi quỹ tiết kiệm ở Tổng hợp bách hóa Tràng Tiền từ năm 1966. Tân đi ngay Hà Nội. Quỹ tiết kiệm ở Bách hóa Tràng Tiền giải thể từ lâu. Tân đến kho bạc hỏi, được chỉ đến số 25 Hai Bà Trưng. Nhân viên nói: “Tưởng chủ sổ tiết kiệm về trời rồi.” Năm 1966 Tân gửi có mấy chục đồng, nay lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều lần trúng số độc đắc, thành mấy chục triệu, đủ xây tầng hai. Tân khoe với anh chị Biền – Tuyến. Chị Tuyến bảo cho túi vải cũ, chuột cắn nham nhở. Anh Biền cùng đến quỹ tiết kiệm mang túi tiền về cho Tân. Kẻo Tân lớ ngớ bị cướp giật. Chị Tuyến lôi cái áo cũ, xé rạch lung tung đậy lên miệng túi cho Tân mang về Nam Định. Tân vào nhà chị Ngọc Anh khoe. Hai chị em mừng rơi nước mắt. Chị Ngọc Anh bảo lấn đất, xén bờ độc lắm. Nhà Thưởng – Huấn cướp đất của Tân, thế nào trời cũng phạt chúng.

       Tân nhờ anh Quỹ tìm giúp thợ xây. Hai tháng xong tầng hai. Mừng quá! Từ nay kẻ xấu khó ném túi chuột bả, phân lên trần nhà. Ai cũng tưởng thế. Tân biếu ông Chung tổ trưởng chai rượu nút lá chuối. Cảm tạ ông Chung mấy lần sang xua đuổi bè lũ ác ôn đánh Tân, phá nhà, ném bẩn.

 

TTNT

 


                        LÀNG ĐÔNG

 

Truyện ngắn Trần Thị Nhật Tân

 

       Sáng mồng một Tết nguyên đán, tôi xách lẵng quà sang chúc tết ông bà Cương. Hai vợ chồng đang ngồi bàn uống nước. Thấy tôi, bà vợ đon đả:

       - Em gái. Năm mới anh chị chúc em mạnh khỏe an khang thịnh vượng.

       - Em chúc anh chị mạnh khỏe sống lâu vui cùng con cháu.

       Ông chống rót nước mời:

       - Cô uống chén nước cho ấm bụng.

       Bà Cương cười tít mắt:

       - Em bày vẽ quá. Bộ đội xuất ngũ, độc thân, lương thấp hơn anh, em quà tết anh chị tốn kém quá.

       - Có đáng là bao chị. Em mừng, chị nhận em là em kết nghĩa ngay hôm ông địa chính xã đến đo đạc, làm trước bạ cho em.

       - Hì hì… Chị em mình cảnh mồ côi từ bé. Chị thương em gầy quá. Giá xẻ được thì chị cho em dăm ký. Chị ục ịch quá.

       Tôi nghĩ ông Cương gầy đét mo nang. Ngày hè ông cởi trần, chẳng khác gì bộ xương chết đói năm 1945. Còn bà vợ tròn ùng ục như bánh xe lu lăn đường.

                                  *

       Đi trên bờ ruộng ngoằn ngoèo ra đường mương, hít thơ không khí trong lành ban sớm, tôi thấy dễ chịu, đầu óc thanh thoát. Đàn có trắng muốt nghiêng cánh xuống cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt. Khi những tia nắng xòe quạt đằng đông, tôi rảo bước về nhà. Vào đến sân, tôi giật mình. Ông Cương bị con trai đấm đá bôm bốp vào mặt vào bụng. Mặt ông Cương bầm dập méo mó, miệng ú ớ không thành tiếng, ngã vào luống hoa. Bà Cương đứng ở sân thét:

       - Đánh cho chết mẹ thằng già đi.

       Thuân mặt đỏ gà chọi, mắt long sọc như mắt chó sói, nhổ nước bọt đi vào nhà. Tôi sợ chết khiếp, vào nhà nhìn qua cửa sổ xem ông Cương sống hay chết. Một lúc lâu, ông Cương chống tay ngồi thở… Ông lê lết vào nhà. Mấy phút sau đã thấy ông Cương băm bèo lợn ở cửa bếp. Tôi nghĩ lan man. Ông Cương bộ đội thời chống Mỹ, làm kế toán đơn vị địa phương. Ông không gian khổ gì, sao ông gầy thế? Thằng Thuân đánh bố, dân làng biết chưa? Bạo lực gia đình là phạm pháp. Ông Cương bị thằng con đánh trận nữa thì chết mất. Vợ chồng, bố con mâu thuẫn gì mà đánh bố ác thế?... Gặp ông tổ trưởng đi làm đồng về qua ngõ. Tôi kể chuyện Thuân đánh bố. Ông tổ trưởng cười:

       - Nó đánh bố lâu rồi. Tại con mẹ nó xui. Hội cựu chiến binh đã cử người góp ý nhưng hai mẹ con chửi té tát. Điên thì nó không điên. Nó ác tâm. Tôi là chú hó sang can, nó chửi bậy lắm. Khôt thân ông Cương gầy mòn đi. Chính quyền thì Chủ tịch, Bí thư xã gọi Thuân là bác xưng cháu, không dám nói.

       - Vậy công an đâu?

       Ông tổ trưởng lắc đầu:

       - Cậu công an là em họ nó, sợ nó như sợ cọp.

       Tôi vào hái rau ngót để sáng mai giao hàng. Mấy bà buôn rau tranh nhau mua rau của tôi. Để ôn hòa, mỗi lứa ra tôi bán cho một bà. Ai cũng khen rau của tôi sạch.

       Gần đến ngày tết Trung thu, tôi đi họp đồng môn lớp 10 một ngày. Chiều tôi về nhà. Vườn rau trơ thân mất ngọn, không còn cành lá nào. Tôi im lặng không nói với ai. Đang tiếc mất rau, tôi nghe “bịch”. Nhìn ra cổng tôi thấy buồng chuối tiêu quả tròn mập nằm dưới chân tường Chùa. Một mái đầu bạc nhô lên. Ối giời! Bà Chít ở trước nhà tôi, bảy mươi tuổi mà trèo tường nhẹn như trai trẻ. Tôi nói:

       - Bà Chít ơi, tường cao, mảnh thủy tinh nhọn bà không sợ à?

       Bà Chít giơ bao dứa lên:

       - Tôi gấp bao dứa dày thế này, chẳng thủy tinh nào đâm vào tay chân.

       - Buồng chuối bà mua hay nhà chùa cho?

       - Nhà chùa cho ấy mà. Thi thoảng nhà chùa cho tôi.

       - Sao bà không để các cháu đi làm về, sang chùa đem về cho. Cao tuổi trèo tường cao nguy hiểm lắm bà ạ.

       - Hứ, tôi vưỡn trèo quen, chả sao…

       Tôi ra giếng múc nước, lại bất ngờ. Máy bơm chạy xình xịch. Giếng không giọt nước. Một cánh cửa bị nhấc ra. Dây điện từ máy bơm vào trong nhà. Ai làm trò này? Tôi mở khóa cửa, lắp cánh cửa vào bản lề. Ông Cương nhảy tường ngăn sang, lẳng lặng cuộn dây điện, bê máy bơm về.

                                  *

       Mấy bó sách tôi gửi bạn khi nhập ngũ, nay có nhà tôi mới đem về. Nhiều cuốn sách bị gián gậm nhấm sờn rách. Tôi lật giở mấy trang sách “Dưa hấu” của nhà văn Thái Vũ, rơi ra sổ tiết kiệm. Ơ, sổ tiết kiệm có mấy đồng, tôi gửi quỹ tiết kiệm ở tầng hai Bách hóa Tràng Tiền, Hà Nội. Thế mà tôi quên. Nghĩ mấy phút tôi nhớ ra. Cuối năm 1964 tôi được nhập ngũ. Nghĩ ra chiến trường chả tiêu gì, tôi gửi tiết kiệm. Mấy chục năm trời, liệu sổ tiết kiệm này còn giá trị không? Mình thử đi Hà Nội xem gặp may không?...

       Tôi vào nhà đồng đội ở khu tập thể 147 Trần Hưng Đạo. Hai ông bà cao tuổi còn khỏe. Tôi mừng, kể cho anh chị nghe về sổ tiết kiệm. Chị Tuyến giục anh Biên đi ngay với tôi. Chị bảo có khi giời phù hộ một bó tiền về làm nhà tầng luôn. Hai anh em đến Bách hóa Tràng Tiền thì không còn quỹ tiết kiệm nữa. Tôi lơ đãng nhìn các quầy hàng tấp nập người mua. Anh Biên kéo tay tôi: “Anh em mình đến kho bạc hỏi.”

       Nhận sổ tiết kiệm của tôi, cô nhân viên tròn mắt thốt lên:

       - Ôi cụ Khốt! Con vái bà chiến binh trăm vái. Bà để con tìm sổ lưu trữ.

       Tay bấm máy tính, mắt cô nhân viên kho bạc sáng lên, mỉm cười…

       - Bà ơi, tổng tiền cả gốc lãi là một trăm hai ba triệu bốn trăm năm đồng! Số của bà tháng nào cũng trúng thưởng, độc đắc nhiều nhất. Bà hên quá!...

       Đến lượt tôi và anh Biền tròn mắt nhìn nhau. Hai anh em cho tiền vào túi vải sờn cũ. Chị Tuyến đưa cho bảo cầm đi, nhỡ nhiều tiền mà đựng. Chị Tuyến nói thiêng thật. Giá tôi không gửi tiết kiệm thì mấy đồng bạc ấy tiêu ma trong bom giặc Mỹ rồi. Ngân hàng giữ tiền cho dân an toàn lâu dài, còn có lời. Vậy mà nhiều người dại, chơi hụi hội tan nát nhà.

       Về quê tôi khoe số tiền gửi tiết kiệm với bạn bè, ai cũng mừng. Tôi sang nhà ông Cương nói việc làm nhà, xin ý kiến anh chị. Bà Cương mặt sát khí phừng phừng, mắt cá rói đỏ đục long sòng sọc, đứng phắt lên đi ra. Thuân ở đâu vào, xỉa tay mặt tôi:

       - Đ… mẹ con đĩ già. Bố bảo con phải làm cách tường ngăn nhà bố hai mét. Nghe chưa?

       Bạn bè nghe chuyện thái độ của hai mẹ con bà Cương đối với tôi, rất bức xúc. Ai cũng bảo mình làm nhà đúng luật pháp sợ gì. Đất của mình nó cấm làm sao được. Tôi nghĩ thân cô thế cô, nhẫn nhịn một chút. Tôi làm cách tường ngăn nhà Thuân hai mét cho yên. Khi thợ xây phá xong nhà cũ, căng dây đào móng. Vợ chồng Thuân nhổ cọc lấn đất, phía sau nhà chiều dài 15,5 mét. Tôi phải nín nhịn. Khi thợ xây lên tầng hai, vợ chồng Thuân, ba em gái lấy chồng ở đâu về, vác đòn càn, dao chọc lợn xông vào đánh thợ tới tấp. Thuân cầm dao bầu quát:

       - Con đĩ già làm nhà hai tấng thì nhà bố thành ổ chuột à? Bố phá!

       Chúng hò nhau phá tường. Thợ chạy mất tăm. Tôi vào UBND xã trình bày sự việc, nhờ chính quyền can thiệp. Chủ tịch, Bí thư nói:

       - Bố bác ấy đánh mấy năm nay. Chúng tôi là cháu, nói bác ấy đánh chết.

       Tôi vào nhà ông mặt trận kêu cứu. Ông ta nói:

       - Hôm bà ra xã báo cáo, chỉ nói mồm. Thời buổi này phải phong bì này phong bì kia… Vừa nói ông mặt trận vừa đưa tay làm động tác đếm tiền.

       Tôi chạy về đến nhà mình. Hơn chục người họ hàng xung quanh nhà Thuân hò reo. Thuân to mồm gào liên hồi:

       - Phá bằng đi bà con ơi!... Phá đi… phá!...

       Đứng từ xa nhìn cảnh nhà đang xây bị phá, tôi buốt ruột, nước mắt ứa ra… Bỗng ông tổ trưởng ở đâu đến, cầm đòn gánh phang vào bọn người phá nhà tôi:

       - Tổ sư bố chúng mày đánh phá nhà người tử tế. Cả làng bắt nạt bà già. Mẹ cha đồ khốn nạn. Đồ chó không chết đi…

       Bao nhiêu sắt, xi măng mất sạch…

       Tôi gặp đồng chí Chủ tịch tỉnh, có đồng chí Bí thư đang làm việc. May quá, tôi trình bày sự tình. Hai ông cười:

       - Chúng tôi biết bà về quê hương, mới mua nhà ở xã ngoại thành. Anh em tôi đã nói với nhau hôm nào đỡ bận đến thăm bà. Làng Đông ở xã ấy nổi tiếng trộm cắp, tệ nạn xã hội. Công an mới dẹp được mấy năm nay. Nhưng máu côn đồ chắc chưa hết. Khổ cho bà cựu chiến binh đánh giặc giỏi, phải chịu bọn đầu mặn. Bà yên tâm, anh em tôi bảo mấy cháu công an đến canh cho bà làm xong nhà…

                                  *

       Làm nhà xong mấy tháng tôi bị tai biến não. Hai tuần điều trị ở Bệnh viện E, sức khỏe tôi đã khá lên. Tôi xin xuất viện. Bác xe xích lô dìu tôi vào sân. Ngooid thềm nhà tôi nhìn vườn rau xơ xác. Bà Cương ra sát tường ngăn nhảy múa vỗ tay:

       - Hoan hô sắp chết! Sắp chết! Sắp cướp được đất rồi con ơi…

       Tôi thừa biết bà Cương nói ám chỉ tôi. Nhưng tôi lơ đi, chấp làm gì loại người không bình thường ấy.

       Một hôm tôi đang nghe đài TNVN, phát ra nhạc hiệu “Quân đội nhân dân” buổi hai mốt giờ. Tiếng Thuân quát:

       - Đ… mẹ thằng già!... Bố bảo không nghe… Bốp… Bốp… (Thuân đánh bố).

       Tiếng bà Cương đanh lại:

       - Đưa thằng già vào nhà. Rửa sạch sân đi.

       Trưa hôm sau vợ chồng ba cô con gái đến khóc tu tu:

       - Bố ơi!... Bố ở!... Khổ thân bố!...

       Đến chiều, bà con họ hàng đến làm đám tang ông Cương. Thuân mặc áo dài trắng vải thô như mọi đám tang. Đầu Thuân đội vòng rơm, tay cầm gậy đứng thẳng đuỗn, mắt ráo hoảnh. Bà Cương khóc khầng khậc, mồm há lộ hàm răng trắng ởn. Người ta có cảm giác bà Cương cười, rơi nước mắt sung sướng…

       Hễ nhìn thấy tôi đi lại ngoài sân, bà Cương vỗ tay cười:

       - Sắp chết! Sắp chết! Chết đi!...

       Tôi lờ đi, coi như không nghe thấy gì. Hôm bốn chín ngày ông Cương, họ hàng, con cháu về đông đủ. Bà Cương ngồi nhặt rau, giục Thuân:

       - Con ơi rửa sạch thớt dao, để ráo nước tí chặt gà luộc. Con này…

       Bà Cương ngã ngửa ra sau, máu mồm ộc ra thành vũng, người giãy đành đạch mấy phút rồi nằm im.

       Ngày bốn chín ông Cương thành đám tang bà Cương.

 

                                         Ngày 12 – 07 – 2022

                                           Trần Thị Nhật Tân

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét