Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

TRẦN MẠNH HẢO NGƯỜI TẠO NÊN GIÁ TRỊ MỚI VỀ THƠ / Nguyễn Quang Vinh

 


Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

 

       Những năm gần đây thơ ca nước Việt nở rộ như nấm mọc sau mưa. Thơ ra đời từ những câu lạc bộ thơ của làng, của xã, của hội này, phường kia, của ông này, bà nọ hết thời làm quan đang tìm lối làm dân chưa đặng bèn “tức cảnh sinh tình” mà tìm đến thơ như một sự cứu cánh, một sự khẳng định giá trị bản thân. Thậm chí có ông đang làm quan to cũng ghé vào thơ “một tý” để thể hiện “tầm cỡ văn hóa” của mình. Cũng có không ít nhà thơ tự nhận biết sự cũ mèm của thơ mình, cựa quậy thế nào cũng không vượt qua khỏi cái bóng của các cây đa cây đề, nghe thơ cứ na ná như nhau, có cảm giác dường như đã đọc, đã nghe ở đâu đó, thơ thành ra càng ngày càng nhạt, nhiều người không còn muốn đọc thơ, nghe thơ nữa. Đã thành câu cửa miệng: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”!

       Thơ ca nước Việt đứng trước nguy cơ lạc lối giữa mê lộ văn chương, nghệ thuật đương đại. Để phá vỡ sự bế tắc đó nhiều người đã thay đổi cấu trúc và cả nội dung câu thơ, bài thơ, nhiều bài thơ khiến người đọc không hiểu ra làm sao, người ta cho chung vào cái rổ của trường phái thơ “hậu hiện đại” hoặc “tân cổ điển”... Cũng có nhiều người được giải thưởng này nọ thuộc các trường phái này, báo chí truyền thông làm om sòm vào những dịp trao giải thưởng, có khen, có chê nhưng qua “thời vụ” rồi thì không mấy ai nhớ những bài thơ, thậm chí cả những tập thơ ấy. Thơ ngày càng rời xa người đọc, có nhiều lý do, nhưng theo suy nghĩ của không ít người nghiêm túc thì vấn đề căn bản nhất là thơ chưa đạt đến sự sáng tạo nghệ thuật đích thực, cũng có nghĩa là lao động nghệ thuật của nhà thơ còn hời hợt, dễ dãi và nhận thức không đầy đủ về vẻ đẹp của thơ ca mang đậm hồn dân tộc. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có nhiều bài viết phê phán những trường phái “thơ phản thơ” ấy.

       Trong lúc người ta đi tìm cái áo mới khoác lên cho thơ gọi đó là cách tân, là sáng tạo thì bậc thi bá Trần Mạnh Hảo theo sự dẫn dắt của triết học, thần học tìm vào cõi mênh mông của bản ngã, đem cái tôi đầy trách nhiệm và độc đáo để cắm mốc vào giữa cái ta mung lung mà xây lên từng lâu đài diễm lệ của thơ ca. Và bây giờ, theo một ý nghĩa nào đấy, Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo ra đời như một minh chứng đầy thuyết phục về những thành công to lớn của ông trên con đường tìm tòi và sáng tạo, tiếp nối mạch nguồn và đẩy những giá trị thơ ca truyền thống của dân tộc lên những đỉnh cao mới, đó là đóng góp vô giá của ông vào tài sản văn chương của đất nước.

       Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo ngay lập tức tạo nên một sự kiện văn chương hàng trăm năm nay mới có, không chỉ ở sự đồ sộ của tác phẩm với 530 bài thơ lấp lánh trí huệ của bậc thi bá. Đó còn là một sự kiện lớn lao, tác động cả chiều rộng và bề sâu vào đời sống văn chương, nó như tiếng sấm mùa khai hạ, rung chuyển trời đất phá tan sự bí bách, ngưng trệ, mang đến những cơn mưa rào đầu mùa để cỏ cây mọc lên xanh tốt, lúa xuân bước vào thì con gái, báo hiệu một mùa sinh sôi đã đến, làm cho thi đàn nước Việt được thức tỉnh bởi những giá trị sáng tạo nghệ thuật trên đỉnh cao chót vót của thơ ca. Rồi từ những đỉnh cao ấy sẽ làm sứ mệnh định hướng cho thơ ca nước Việt đi tới, nó rạch ròi phá vỡ cái mê lộ văn chương đang bị ảo ảnh huyễn hoặc bởi những cách tân hình thức, tạo nên chuẩn mực giá trị mới về thơ ca.

       Là một người có may mắn được đọc thơ của Trần Mạnh Hảo từ cuối những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, lúc còn là bộ đội, khi là sinh viên, trên báo chí, và mãi sau này, một thời gian dài không được đọc, vì 25 năm thơ ông không được in trên báo, thì tôi vẫn đọc trên các trang mạng xã hội và đọc lại các bài thơ và trường ca của ông trên sách báo cũ. Có cái lạ là bây giờ đọc những bài thơ ông viết cách nay ba, bốn mươi năm vẫn thấy mới, vẫn thổi vào lòng người tình yêu hừng hực với quê hương, đất nước, vẫn thấm đẫm nhân tình thế thái, có quá nhiều vấn đề để ta suy ngẫm, chiêm nghiệm và đồng cảm. Thơ ông gần nửa thế kỷ qua là sự tự thân kế thừa và nâng cao, như những quả núi xếp lên nhau để hình thành đỉnh cao mới, lúc nào cũng như dẫn dắt ta đi trên con đường muôn hình vạn trạng với đầy rẫy gian nan, thương khó nhưng vẫn lấp lánh niềm tin vào những điều cực kỳ cao quí, đó là phẩm giá làm người, là cuộc sống gian nan và hạnh phúc, cái hạnh phúc cao nhất là được làm người – người được sinh ra từ giây phút hạnh phúc tuyệt đỉnh của bậc sinh thành. Thơ Trần Mạnh Hảo đọc rất dễ “nhập tâm” vì thế mà có biết bao người thuộc thơ ông, thuộc rồi thì nhất định phải đọc lên thành tiếng. Thơ ông luôn mang âm hưởng của anh hùng ca, những vần thơ có thể vang vọng trên chiến hào đánh giặc, át tiếng đạn bom, có sức mạnh như hàng vạn hùng binh, cũng có khi thống thiết mà vò xé tâm can với nỗi nhân tình đau đáu mà vẫn vô cùng bi tráng.

       Nếu nhìn thơ ca dưới góc độ là món ăn tinh thần cao quí thì khi lật từng trang, đọc từng câu trong tuyển tập có cảm giác như người đang đói được dự một bữa đại tiệc sang trọng chưa từng có trong đời. Những món “đặc sản” từ thời Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tú Xương đến thời của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi… được bàn tay tài hoa tuyệt đỉnh chế tác rồi đặt lên đĩa ngọc mâm vàng trong tòa lâu đài thi ca uy nghi và diễm lệ cho người đọc thưởng thức. Với Xuân Diệu “Yêu là chết ở trong lòng một ít” thì ở Trần Mạnh Hảo “Yêu để chết” là “Van xin mình làm em chết mau đi”, là “Đạp thân xác nhau ra mới tìm thấy Niết Bàn”. Có hạnh phúc thân xác, có khoái lạc thì mới có Niết Bàn.

       Tôi đọc ngấu nghiến gần hết đêm khi vừa nhận được tập thơ ông tặng, những bài thơ ông viết gần đây vẫn liền một mạch, vẫn cùng một nhịp với những trường ca đánh giặc mấy chục năm trước, dù sự suy tư, chiêm nghiệm có đẫm chất triết học và tôn giáo hơn, thì cái chất tài hoa như mê hoặc người đọc vẫn y nguyên. Những câu thơ khuấy động tâm can, tự thân nó đã thành những tuyên ngôn, dù tôi có viết ra những cảm nghĩ của mình thì cũng chỉ là cái nhìn phiến diện, nhỏ hẹp đầy tính chủ quan của một người yêu thơ Trần Mạnh Hảo, mà yêu thì là cảm tính, không còn lý trí hoặc không cần lý trí. Viết về thơ Trần Mạnh Hảo phải là những công trình nghiên cứu dày công của những bậc trí giả có học vấn uyên thâm về triết học, thần học, văn hóa học, xã hội học, đất nước học và phải có sự uyên bác về thơ ca… thì may ra mới có thể thấu lý, đạt tình, xứng với thơ ông. Tôi nghĩ không lâu nữa sẽ có những luận văn của sinh viên văn khoa, những đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh về thơ Trần Mạnh Hảo, và vài chục năm nữa những thế hệ mai sau sẽ có những nhà Trần Mạnh Hảo học, với các công trình nghiên cứu về ông không chỉ văn chương mà còn nhiều lĩnh vực khác như triết học, văn hóa học… hậu thế sẽ nghiên cứu về ông với tầm cỡ của một nhà văn hóa có nhiều thành tựu đỉnh cao, một nhà thơ có công làm mới nền thi ca nước Việt.

       Thơ vốn là cái để con người tự cảm, mỹ cảm thơ ca tạo ra sự đồng điệu của con người, do vậy, khi đọc một bài thơ hay người ta dễ đồng cảm và chia sẻ, dù chưa thể hiểu hết cái hay của bài thơ.

       Cũng bằng cái “cảm” ấy, xin được chép ra đây bài “ Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò tết”, một bài chưa được nhiều người nhắc đến.

Mẹ vẫn gánh con đi qua trái đất

Đòn gánh cong một nửa địa cầu

Tiếng ru mẹ à ơi trong gió bấc

Thằng bé già khóc mẹ bạc đầu râu

 

Xin nấm cỏ thay ổ rơm ấp mẹ

Nơi mẹ nằm giun dế rét ngừng kêu

Chiêm bao nào mẹ vẫn còn đau đẻ

Sinh ra con hoa quấn cổ bọc điều

 

Đêm quặn mình bật ra mầm nấc thét

Thế giới bùng sấm sét oa oa

Con được sống giờ mẹ thì đã chết

Giấc mơ con nghe gió bấc khóc òa

 

Trời cắt ruột mẹ lượm từng thóc lép

Ngụp sông tìm cái tết nuôi con

Giờ mẹ vẫn ngoài đồng mò tôm tép

Đói rét ơi đói rét vẫn đang còn

 

Tâm hồn con là dòng sông rét mướt

Mẹ mò tết nuôi con dù ở trên trời

Con hãy ngủ như vẫn còn đất nước

Như nghìn đời mẹ vẫn hát à ơi.

Không có lời bình nào xứng với nỗi đau thiêng liêng thần thánh về tình mẫu tử, về “Thằng bé già khóc mẹ bạc đầu râu”. Chỉ cần lắng lại dư âm ngân nga mà lạnh buốt sẽ thấy cõi lòng mênh mông và cô đơn đến tuyệt đỉnh nhưng không hề vô vọng. Đồng cảm và thấm thía mỗi câu thơ khiến con người xao xiết tâm can, lại thấy trời xanh cũng là của kiếp người, chưa hết... Đó phải chăng là triết lý tôn giáo đã thấm sâu vào tư tưởng thơ ông?

       Không đi đến tận cùng cõi lòng thăm thẳm suy tư thì cũng không vượt lên được đỉnh chót của tư duy khai phóng. Con người bay lên bầu trời dễ hơn đi tới tận lòng mình, trên mặt đất có đỉnh Everest thì dưới đại dương cũng có rãnh Mariana, đường lên đỉnh Everest dễ hơn đường xuống rãnh Mariana; và thơ chỉ thật là thơ khi xuất phát từ hai cực đó trong lòng. Con đường thơ của Trần Mạnh Hảo là đường nối hai cực ấy, điểm xuất phát là từ rãnh Mairiana trong bản ngã của ông.

       Chúng tôi, cách nay vài chục năm khi lính Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đọc thơ Trần Mạnh Hảo cũng chưa thể hiểu được bài thơ, câu thơ hay ở chỗ nào, hay như thế nào nhưng cùng nhau đọc thơ ông, đọc say sưa và xúc động, đọc xong thấy hừng hực trong lòng, muốn được xông ra mặt trận đánh giặc. Nhiều người khi làm đơn tình nguyện ra mặt trận có một phần thúc giục bởi hùng khí thơ ông.

       Đó có thể là thi pháp và cũng là thành tựu của thơ ông. Nếu thế thì ông xứng đáng được nhà nước tưởng thưởng bằng các vinh dự quốc gia, đáng được thưởng huân chương lao động. Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo đáng được trao giải văn chương cao nhất.

       Viết đến đây tôi cũng như bao bạn đọc khác không thể không tỏ lời cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho phép xuất bản tập thơ này. Tôi cũng như nhiều bạn đọc mong rằng, sắp tới những trường ca, những phê bình văn học và phê bình triết học của Trần Mạnh Hảo sẽ được ra mắt bạn đọc; và có thể cả những giai thoại văn chương của bản thân ông sẽ được xuất bản và trở thành tài liệu quí cho các nhà nghiên cứu sự nghiệp văn chương Trần Mạnh Hảo sau này./.

 

NQV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét