Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

VỊ TRÍ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT / Phạm Đức Nhì

 



        Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều luật lệ khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ.

       Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài Đường Luật hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.

Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ.

Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.(3)

       Tôi nhớ hồi còn ở trại A20 Xuân Phước, anh bạn thân của tôi, chiều đến, không biết bắt đâu được con nhái khá to - bằng 3 ngón tay xếp sát nhau.

Sau đó, tôi lùng sục hái được mấy cộng rau dền mọc hoang. Anh bạn tôi xé con nhái thành mấy mảnh, rửa sơ rồi cho cả rau và nhái vào lon ghi-gô, đổ đầy nước, len lén đem xuống nhà bếp nấu sôi, nêm tí muối, cho thêm vào nắm mì ăn liền. Hai đứa chia nhau xì-xụp húp. Thật tuyệt vời! Vị ngon ngọt của chén canh còn lưu lại trong ký ức tôi rất lâu.

Năm ngoái, gặp lại anh bạn ở California, nhớ đến chén canh chiều hôm ấy và những năm tháng cải tạo, hai đứa ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi.

Giờ đây, những ai đã từng trải qua năm tháng khổ cực, nghiệt ngã ấy, gặp nhau hay nhắc đến những món ăn kiểu “mì nhái rau dền” như những kỷ niệm khó quên. Nhưng nếu vì thế mà sau này trong mỗi tiệc tùng, họp mặt lại cứ tiếp tục “rau dền mì nhái” rồi xì xụp húp, khen ngon với nhau thì… chán lắm.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn, đói khổ, chén canh đó rất quý, rất ngon. Chúng ta không phải loại “có lê quên lựu, có trăng quên đèn” nên sẽ không phụ rẫy, sẽ không quên những “chén canh kỷ niệm” ấy.

Nhưng thời thế đã khác, hoàn cảnh đã khác. Chung quanh còn có biết bao nhiêu món ngon, vật lạ trong tầm tay để chúng ta chọn lựa.

Một người bạn thích thơ truyền thống cắc cớ hỏi tôi: “Nếu ở thời điểm này (2013) mà vẫn cứ thích làm thơ Đường Luật thì có sao không?” Câu trả lời là: “Chẳng sao cả. Quả địa cầu sẽ chẳng vì thế mà nổ tung. Dĩ nhiên, làng thơ vẫn dang rộng vòng tay đón chào. “

“Trên trang thơ của mình, trong cõi thơ của mình, thi sĩ là Hoàng Đế, có toàn quyền chọn lựa, quyết định. Từ tứ thơ, thể thơ, cách gieo vần, câu dài, câu ngắn, bài thơ dài hay ngắn, sử dụng các biện pháp tu từ… tuốt tuột. Không ai có thể chõ miệng vào bắt anh (chị) phải làm thơ kiểu này, kiểu nọ.”

Làm thơ Đường Luật ở thời đại này giống như đánh tennis với đối thủ (là những nhà thơ khác) mà khi banh về đến phần sân của mình thì lưới đột nhiên được nâng cao hơn, đường biên sân phía bên đối thủ ngắn và hẹp hơn, mình chỉ được di chuyển không quá 2 bước, lần trước đánh banh bằng tay phải thì lần sau phải đánh banh bằng tay trái…” nghĩa là bị gò bó đủ mọi bề.

Đánh banh hợp lệ vào đúng phần sân phía bên kia đã là khó chứ đừng nói chi đến thể hiện sự nhanh nhẹn, nhạy bén kỹ thuật.

Tranh tài kiểu này thi sĩ làm thơ Đường luật sẽ ở vào thế hạ phong, phần thua nhiều hơn phần thắng. Tạo được bài thơ nên vóc, nên hình đã mệt đứ đừ rồi, còn hơi, còn sức đâu mà để ý đến cảm xúc hay hồn thơ.

       Làm thơ, thưởng thức thơ, nói chung, là một thú vui tao nhã. Làm thơ Đường luật, xướng họa thơ Đường luật, đọc và thưởng thức thơ Đường luật nói riêng, là phương cách giải trí của các tao nhân, mặc khách. Ngoài âm luật khắt khe, người làm thơ Đường Luật còn phải đối ý trong 2 câu thực và 2 câu luận.

       Do đó việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Đường Luật, theo tôi, được để ý kỹ hơn (đôi khi phải “chẻ sợi tóc làm tư”). Kết quả là người làm thơ Đường Luật thường có khả năng dùng chữ chính xác hơn, đắt hơn, tinh tế hơn những người chuộng các thể thơ khác.

Đối với những vị chuộng thơ Đường Luật, đã “quen” với thơ Đường Luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường Luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy.

Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường Luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.

Những quý vị làm thơ Đường Luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.

 

     Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét