QUÊ HƯƠNG
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được... chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ) cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!
(Giang Nam)
Khoảng
đầu năm 2022 một người bạn ở Cali gởi cho tôi cái link để nghe ca khúc Quê
Hương phổ thơ Giang Nam của nhạc sĩ Hùng Nguyễn. Lời thơ khi chuyển thành ca từ
đã được sửa chữa ít nhiều. Trong đó "Cô bé nhà bên" thay vì "vào
du kích" đã thành "y sĩ chiến trường".
Và
anh bạn hỏi: "Y sĩ chiến trường” nghe được hơn phải không bạn?"
Câu
hỏi làm tôi nổi hứng tìm đọc lại bài thơ và viết mấy lời bình.
Thể Thơ:
Thơ
Mới biến thể
Tứ Thơ:
Chàng
bộ đội được tin người yêu là cô du kích cạnh nhà bị giặc bắn quăng mât xác, đau
xé lòng.
Ngôn Ngữ Hình Tượng:
Dân
dã, đời thường, dễ cảm nhưng chưa được chắt lọc lắm. Câu cú dễ hiểu nhưng chưa
chắc gọn.
Kiếm Tông Hay Khí Tông?
Phân
mảnh đứt đoạn hay nhất khí liền mạch?
Mới
nhìn dễ lầm đây là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông, phân mảnh đứt đoạn. Bởi bài
thơ có 5 đoạn mà cuối mỗi đoạn đều thay ý, đổi vần. Nhưng đọc kỹ thì thấy tứ
thơ vẫn có dòng chảy - chính là dòng thời gian.
Dòng Tứ Thơ
Dòng
tứ thơ là dòng thời gian, lững lờ chảy qua 4 giai đọan của cuộc tình:
a/
Thuở còn thơ: Trốn học, mẹ chưa đánh đã khóc, bị cô gái nhà bên cười khúc khích
chế nhạo.
b/
Chàng đi bộ đội, em vào du kích, tình yêu nảy nở cùng tiếng cười khúc khích dễ
thương đó.
c/
Trở về quê gặp lại em, vẫn tiếng cười khúc khích ngày xưa và tình đã sâu đậm,
chín mùi, chàng kín đáo tỏ tình và đã đưọc em chấp nhận.
d/
Nhận tin em bị giết, mất xác; đau xé lòng, chết nửa con người.
e/
Cảm xúc đột ngột thăng hoa: Yêu quê hương vì từng nắm đất có xương thịt của người
yêu.
Âm Điệu:
Bài
thơ có lối gieo vần khá bay bướm. Vần chân liên tiếp là chính. Nhưng để
"thay đổi không khí" và tránh hội chứng nhàm chán vần tác giả cũng có
hai lần chơi vần gián cách ở đoạn 2 và đoạn kết:
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
và:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!
Ở
đoạn 1 ông còn chơi thêm vần lưng để ý thơ gắn bó và âm điệu ngọt ngào hơn.
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương
qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được... chưa đánh roi nào đã khóc!
Rất
điệu nghệ. Ngọt ngào mà vẫn không nhàm chán.
Nói
chung, vần của bài thơ Quê Hương vừa độ ngọt, như một chất keo nối kết các con
chữ, hình tượng ở mỗi đoạn một cách khéo léo. Có dòng tứ thơ nhưng là dòng thời
gian nên tốc độ chậm. Thời gian từ đoạn trước qua đoạn sau thường khá dài và cứ
mỗi đoạn lại ngừng nghỉ để lấy hơi và chuyển vần nên không có dòng âm điệu.
Nhịp Điệu:
Số
chữ trong câu thay đổi tương đối thoải mái với biên độ khá rộng nên nhịp điệu
uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt chứ không đều đều, tẻ nhạt.
Dòng Cảm Xúc
Không
có dòng âm điệu nên cảm xúc chỉ biết nương theo dòng tứ thơ mà trôi. Nhưng dòng
tứ thơ lại chậm, không có "sóng sau dồn sóng trước" nên đến cuối đoạn
3 cảm xúc tầng 3 cũng chi phơn phớt nhẹ vì không tạo được cao trào.
Những Câu Thơ Nổi Bật
1/
Đơn
vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa
đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
Không
nói ra lời nhưng tình yêu của anh bộ đội với cô du kích đã được thổ lộ một cách
kín đáo và sâu sắc.
2/
Tôi
nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em
vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hai
câu thơ là cách tỏ tình và chấp nhận lời tỏ tình (không lời) thật độc đáo và dễ
thương.
Tâm Thế Của Tác Giả
Thi
sĩ sáng tác bài thơ Quê Hương khi vừa nhận tin người yêu bị bắn chết nên đau
thương chất ngất. Lúc ấy tâm thế thuộc loại "Get it off your chest"
nghĩa là "Mở tim để nỗi lòng, cảm xúc tuôn ra". Đây là loại tâm thế mạnh
nhất, tốt nhất để làm thơ.
Rất
tiếc bài thơ không có dòng âm điệu nên không có "sóng sau dồn sóng trước",
không có cao trào, rất khó tạo được hồn thơ.
May
mắn thay, ông đã khéo léo đưa chi tiết nhận tin dữ vào đoạn 4 (kế chót) nên nỗi
đau thương quá lớn khiến "cảm xúc thăng hoa" đột ngột phát sinh, và kết
quả là, đã có một đoạn kết mà hồn thơ đủ làm ấm lòng độc giả.
Cảm Xúc
1/
Cảm xúc tầng 1:
Do
ngôn ngữ, hình tượng dân dã, đời thường, dễ cảm nhưng chưa chắt lọc, câu cú dễ
hiểu nhưng chưa chắc gọn nên khoái cảm của độc giả khi tiếp cận với tầng 1 của
bài thơ chỉ ở mức trung bình.
2/
Cảm xúc tầng 2:
Bố
cục của bài thơ theo trình tự thời gian rất mạch lạc, chặt chẽ nên khoái cảm của
độc giả khi tiếp cận với tầng 2 của bài thơ rất cao - giống như được xem một đội
bóng mà các tuyến phối hợp nhịp nhàng, lên công về thủ hợp lý, hiệu quả.
3/
Cảm xúc tầng 3:
Do
không có dòng âm điệu, không có sóng sau dồn sóng trước, không tạo được cao
trào nên đến cuối đoạn 3 mà cảm xúc tầng 3 vẫn chỉ phơn phớt nhẹ. Nhưng đến đoạn
4 và đoạn 5 tình thế đã đổi khác.
Cảm Xúc Thăng Hoa
Khi
dòng tứ thơ bước qua đoạn 4:
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
là lúc nỗi đau thương đã dâng
lên cao ngất vì mất mát quá lớn.
Và
bắt đầu từ đoạn 5:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
dù không có "sóng sau dồn
sóng trước" nhưng cảm xúc đã đột ngột tăng lên khá mạnh. Đây là trường hợp
đặc biệt. Cảm xúc tầng 3 thăng hoa, vượt ra ngoài tiến trình lớn mạnh thông thường,
cho tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình yêu quê hương. Hồn thơ phát sinh và lan
tỏa, tuy không thật mạnh nhưng cũng đủ làm ấm lòng độc giả.
Theo
tôi, đây là đoạn hay nhất của bài thơ.
Khuyết Điểm
Bài
thơ có 3 khuyết điểm, đều là lỗi kỹ thuật:
1/
Trong câu "Có cô bé nhà bên"
ở đoạn đầu, chữ "Có" không cần thiết, có thể bỏ đi.
2/
Chữ "tôi" trong câu 3 đoạn 2
"Quê tôi đầy bóng giặc"
Điệp
ngữ với câu kế tiếp
"Từ biệt mẹ tôi đi"
Thay
chữ "tôi" (câu 3) bằng chữ "hương" vừa tránh được điệp ngữ
vừa hợp với tứ thơ hơn.
"Quê hương đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi"
3/
Trong câu "Không tin được dù đó là sự
thật", chữ "đó" thừa, có thể bỏ đi mà câu thơ vẫn trọn
nghĩa.
Trong
bài Nhà Thơ Giang Nam: Yêu Quê Hương Qua Từng Trang Sách Nhỏ của tác giả P.K
đăng trên báo Công An Nhân Dân Online ngày 19/05/2011 có đoạn:
Sinh thời nhà phê bình Hoài Thanh mặc dù
thừa nhận Giang Nam có những bài thơ hay, song cũng phải nghiêm khắc nhắc nhở
“Ngòi bút Giang Nam có khi quá dễ dãi”
Với
những bài thơ làng nhàng thì không nói làm gì, nhưng với bài thơ có giá trị nghệ
thuật như Quê Hương mà để 3 lỗi kỹ thuật ấy thì thật đáng tiếc.
Tóm Tắt Kỹ Thuật Thơ
Vần
vừa độ ngọt - câu thơ mềm mại nhưng không có hội chứng nhàm chán vần.
Nhịp
điệu uyển chuyển, lúc khoan lúc nhặt chứ không đều đều tẻ nhạt.
Tứ
thơ có dòng chảy là dòng thời gian - rất chậm
Không
có dòng âm điệu.
Dòng
cảm xúc bám theo dòng tứ thơ nên khó tăng tốc, lớn mạnh.
Nhờ
có nỗi đau thương, mất mát quá lớn đến bất ngờ nên cảm xúc đột ngột thăng hoa,
hồn thơ ở đoạn kết khá mạnh làm ấm lòng độc giả.
Ba
lỗi kỹ thuật làm giảm vẻ đẹp của mấy câu thơ.
Kết Luận:
Quê
Hương của Giang Nam là bài thơ có giá trị nghệ thuật cao. Tứ thơ và bố cục có
nét riêng, gây ấn tượng đẹp cho giới thưởng ngoạn.
Xin
được nói lời cám ơn tới anh bạn phương xa đã gởi đến cái link và câu hỏi
"têu tếu" mà nhờ đó tôi đã tìm đọc lại một bài thơ hay rồi nổi hứng
viết được mấy lời bình ưng ý.
Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com
PHẦN VIẾT THÊM
1/ Để Trả Lời Anh Bạn
Những
năm cải tạo tôi đã nhiều lần được nghe bài thơ Quê Hương của Giang Nam không biết
được ai đó phổ nhạc trong các chương trình văn nghệ do trại tổ chức. Nhạc sĩ
khi phổ nhạc đã đổi "du kích" thành "bộ đội" (sau đó là
"chiến sĩ").
"Cô
bé nhà bên (có ai ngờ) cũng vào bộ đội (thay
cho "du kích")
Hôm
gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt
đen tròn (thương thương quá đi thôi!)"
...........
"Giặc
bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ
vì em là chiến sĩ, em ơi!
Đau
xé lòng anh, chết nửa con người!"
Việc
thay đổi như vậy đã giúp ca từ ăn khớp với âm điệu của dòng nhạc nhưng đã có mấy
hậu quả không tốt:
1/
Tiếng cười khúc khích hòa quyện với âm vang của hai chữ "du kích" đã
tạo thành "nhóm âm thanh" đặc trưng, duyên dáng của bài thơ. Đổi
"du kích" thành "bộ đội" sẽ mất đi cái nét đặc trưng, duyên
dáng đó.
2/
Tác giả "Từ biệt mẹ tôi đi" và "Cô bé nhà bên (có ai ngờ) cũng
vào du kích". Nhóm chữ "có ai ngờ" có ý nói cô bé còn hơi quá trẻ
mà không ngờ đã mạnh dạn dấn thân. Nét hồn nhiên, ngây thơ của cô bé khiến mối
tình của hai người nên thơ hơn.
Mất
hai chữ "du kích" sẽ làm mờ nhạt cái nét hồn nhiên, ngây thơ của cô
bé và mối tình nên thơ của hai người.
3/
Nếu "cô bé" là bộ đội, đã mặc quân phục, cầm súng thì ở chiến trường
"cô không giết đối phương thì đối phương giết cô". Đó là chuyện bình
thường.
Nhưng
nếu "cô bé" là du kích thì lại là chuyện khác. Du kích là mặt chìm
(có thể gây nhiều thiệt hại cho quân địch), còn mặt nổi, trước bàn dân thiên hạ,
cô bé vẫn là "dân", mà lại là thiếu nữ (vị thành niên) chứ chưa phải
người dân trưởng thành.
"Giặc
giết em rồi quăng mất xác", trước công luận sẽ là một tội ác lớn. Sẽ có rất
nhiều người đồng tình lên án bọn "Giặc" đó. Và bài thơ sẽ là một tuyệt
chiêu tuyên truyền cho chính nghĩa của phe Cách Mạng.
Mất
2 chữ "du kích", về mặt chính trị, bài thơ không còn là thứ vũ khí lợi
hại đó nữa.
Theo
cái link của anh bạn gởi cho thì:
Năm 2020 trên Youtube cũng xuất hiện bản
nhạc Quê Hương phổ thơ Giang Nam của nhạc sĩ Hùng Nguyễn do chính tác giả hát.
Trong phần ca từ nhạc sĩ đã nâng cấp cho cô du kích thành "y sĩ chiến trường"
("mượn" ý bài Căn Nhà Ngoại Ô của Anh Bằng):
"Nào có ai ngờ cô bé nhà bên
nay là y sĩ chiến trường"
Độc
giả có thể nghe bản nhạc theo link sau đây:
https://www.youtube.com/watch?v=Z-ZXiyt8lcc
"Anh
bạn phương xa" thấy" đấy, cũng giống trường hợp trên, nhóm chữ
"y sĩ chiến trường" không những không "nghe được hơn" mà
còn làm giảm giá trị của bài thơ - cả về phương diện nghệ thuật lẫn chính trị -
rất nhiều.
2/ Điểm Còn Tranh Cãi
Đoạn
kết của bài thơ có 4 câu:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Một
số người cho rằng Giang Nam không đưa 2 chữ "tôi" vào câu 1 và câu 3
vì sợ điệp ngữ với chữ "tôi" cuối
đoạn.
Có
vài ý kiến khác biệt:
1/
Nên
thêm 2 chữ "tôi" vào câu 1 và câu 3:
Xưa tôi
yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay tôi
yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
để xác định đó là tâm tình của
nhà thơ chứ nếu không độc giả sẽ hiểu lầm là nhà thơ muốn từ nỗi mất mát đau
thương của mình ở đoạn 4 để kêu gọi mọi người cùng:
Xưa
yêu quê hương ...
và:
Nay
yêu quê hương ...
giống suy nghĩ của mình.
2/
Không
sợ hiểu lầm là kêu gọi chung như vậy vì hai nhóm chữ “có chim có bướm” và
"trốn học bị đòn roi" đã cho biết đây là "hoàn cảnh riêng"
của tác giả rồi.
3/
(có Phạm Đức Nhì)
Nên
đưa 2 chữ "tôi" vào:
Xưa tôi
yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay tôi
yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Lý
do:
a/
Khẳng định đây là tâm tình của tác giả
b/
Đọc nhóm chữ "trốn học bị đòn roi" để hiểu đây là "hoàn cảnh
riêng” của tác giả phải cần đến lý trí. Mà đoạn kết có hồn thơ khá mạnh, cho
nên cần câu chữ thuộc loại "dễ tiêu" chứ không phải chỉ "dễ hiểu"
hoặc "có thể hiểu được". Vì "hiểu" phải cần lý trí; mà lý
trí xuất hiện thì hồn thơ sẽ trốn mất hoặc yếu đi.
Thêm
hai chữ “tôi” sẽ giúp cả đoạn thơ “dễ tiêu” hơn.
c/
Không sợ điệp ngữ vì 3 chữ "tôi"
giúp nhấn mạnh tâm tình riêng tư của tác giả.
Chính
vì đây là điểm còn tranh cãi nên tôi không đưa vào phần khuyết điểm mà để tùy độc
giả thẩm định.
KHÓC NHẦM
Bài
viết Vài Cảm Nghĩ Về Bài Thơ "Quê Hương" Của Giang Nam của tôi (PĐN)
xuất hiện trên FB được khoảng một tuần thì tôi tình cờ đọc được trên trang Bảo
Tàng Văn Hóa Việt Nam bài viết Đi Tìm "Cô Bé Nhà Bên" Trong Thơ
Giang Nam.
Bài
viết này đã rọi chút anh sáng vào hai nhân vật:
1/
"Cô gái nhà bên" trong bài thơ Quê Hương
2/
Bà Phạm Thị Chiều, vợ nhà thơ.
Sự
khác biệt của 2 nhân vật này đã thôi thúc tôi tìm đọc thêm nhiều bài khác về
bài thơ đặc biệt này để làm tư liệu.
Nhận Diện Nhân Vật Trung Tâm Của Bài Thơ
Những
câu thơ quan trọng để nhận diện Nhân Vật Trung Tâm của bài thơ:
Đoạn
1:
Có
cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích
Đoạn
2:
Cô bé nhà bên (có ai ngờ) cũng vào
du kích
Đoạn
3:
“Lại gặp em”
thẹn
thùng nép sau cánh cửa
“vẫn khúc khích cười” khi tôi hỏi nhỏ
Đoạn
4:
Giặc
bắn em rồi quăng mất xác
chỉ
vì em là du kích em ơi
Đoạn
5:
Xưa
yêu quê hương vì có chim có bướm
có những ngày trốn học bị đòn roi
Như
vậy, nhân vật trung tâm của bài thơ là “cô bé nhà bên thuở còn thơ và sau này
trở thành du kích”.
Bóng
hình cô du kích với nụ cười khúc khích không chỉ bàng bạc mà tràn ngập bài thơ.
Ở
đoạn cuối, thoạt nhìn chẳng thấy cô du kích nào nhưng đọc 2 câu:
"Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn
roi..."
thì
hình ảnh cô du kích (thuở còn thơ) lại hiện ra rõ mồn một. Ngay cả từng nắm đất
quê hương trộn lẫn "một phần xương thịt của em tôi" thì "em
tôi" cũng là cô du kích chứ không thể là ai khác.
Hình
bóng cô du kích không phải chỉ ẩn hiện trong vài câu, vài đọan mà quyện chặt
vào, thấm đẫm vào từng câu, từng chữ (34 câu, 256 chữ) của bài thơ.
Sau
đây là vài ghi nhận từ những bài viết liên quan:
1/ Vợ Nhà Thơ Giang Nam
Không Phải Là "Cô Bé Nhà Bên"
Theo
Wikipedia thì:
Giang Nam quê quán xã Ninh Bình, huyện
Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; cô Phan Thị Chiều (các trang khác đều ghi là Phạm), vợ
nhà thơ, quê ở Cửa Bé, phường Vĩnh Trường,
Nha Trang.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Giang_Nam_(nh%C3%A0_th%C6%A1)
Hai
nhà cách nhau rất xa, nên xét về mặt địa lý cô Phạm Thị Chiều không phải là
"Cô bé nhà bên" trong bài thơ của ông.
Cũng
theo Wikipedia:
"Ông gặp cô Chiều xinh đẹp nhất ở Văn phòng Tỉnh
ủy Khánh Hòa hồi ấy đóng tại vùng núi giáp ranh Khánh Hòa, Phú Yên."
Như
vậy, lúc ông gặp cô Chiều thì cô đã trưởng thành (nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy
Khánh Hòa) - nghĩa là thuở còn thơ hai người không hề biết nhau, không có chung
những kỷ niệm "người này trốn học bị đòn, người kia cười khúc khích"
và mối tình "yêu xa" cũng không hề xảy ra.
2/ Cô Chiều, Vợ Nhà Thơ,
Không Phải Là Du Kích
Trong
bài Đi Tìm "Cô Bé Nhà Bên" Trong Thơ Giang Nam, khi người phỏng vấn
thắc mắc:
"Nội dung bài thơ hầu như rất ít ăn
nhập với nhân vật thật là người vợ, vì lời thơ không hề có bóng dáng thấp
thoáng của vợ con, của hôn nhân, mà chỉ là cảm hứng từ tình cảm trai gái thoáng
qua, yêu trộm nhớ thầm, sau mới gặp hung tin…"
Nhà
thơ cười hóm hỉnh:
“Chất liệu để xây dựng hình ảnh cô du
kích trong bài thơ phần lớn lấy từ nguyên mẫu người vợ tôi nhưng không phải
nguyên mẫu hoàn toàn”.
Cụ
kể thêm:
"Ở đó còn có hình ảnh, câu chuyện của
nhiều cô du kích khác mà mình từng gặp, từng công tác chung trên đường chiến đấu".
https://baotangvanhoc.vn/cau-chuyen-nha-van/di-tim-co-be-nha-ben-trong-tho-giang-nam/
Trong
đoạn này chính nhà thơ đã xác nhận vợ ông không phải là du kích.
Nhóm
chữ “phần lớn lấy từ nguyên mẫu người vợ
tôi” mà nhà thơ trả lời phỏng vấn là không thật, không ăn khớp với nội dung
bài thơ.
3/ Cô Phạm Thị Chiều, Vợ
Nhà Thơ, Là Đảng Viên
Trong
bài Những Bí Ẩn Của Tác Giả Và Bài Thơ Quê Hương có đoạn:
Về
lai lịch bài thơ Quê Hương, nhà thơ Giang Nam kể:
Bài thơ ấy nói về người tôi yêu Phạm Thị
Chiều. Tôi gặp Chiều ở khu căn cứ miền rừng. Một người con gái xinh đẹp và là đảng
viên.
https://suckhoedoisong.vn/nhung-bi-an-cua-tac-gia-va-bai-tho-que-huong-169167859.htm
Nhà
thơ đã cung cấp thêm một chi tiết: Khi gặp nhau ở khu căn cứ miền rừng cô Phan
Thị Chiều đã là đảng viên.
Nhà
thơ Giang Nam lại một lần nữa nói không thật. Bài thơ Quê Hương – như đã phân
tích trong phần Nhận Diên Nhân Vật Trung
Tâm Của Bài Thơ - chỉ nói về “cô du kích”, không có chỗ nào nói đến người
ông yêu Phạm Thị Chiều hết.
4/ Vợ Chồng Chung Sống Và
Có Con
Cũng
trong bài Đi Tìm "Cô Bé Nhà Bên" Trong Thơ Giang Nam, có đoạn:
Duyên
phận đưa đẩy họ đoàn tụ tại Đồng Nai.
“Chúng tôi thuê căn nhà lá nhỏ trong một
xóm lao động nghèo ở Biên Hòa để ở. Hằng ngày vợ tôi đi bán bánh bò ngoài chợ,
còn tôi làm thuê cho một tư sản thầu khoán người Việt. Người con gái đầu lòng của
tình yêu ra đời.”
Hai
người đã có những tháng ngày chung sống, tuy nghèo nhưng hạnh phúc, sinh con
trong hoàn cảnh gia đình thấm đẫm yêu thương.
Và
đây là đoạn ông nhận được tin dữ:
Tôi nghe tin mà choáng váng như trời sập.
Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp, vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy
nước mắt, cả hai mẹ con cô ấy đều khóc ròng… Tất cả như sống dậy xót xa, nhức
nhối và rõ ràng cứ như mới xảy ra hôm qua.
Tôi đã viết bài thơ Quê hương trong tâm
trạng đau đớn tột cùng ấy.
Kỷ
niệm đẹp quá, “tình yêu e ấp vụng dại dễ thương quá”, đau đớn dâng lên cao quá,
nhưng bài thơ Quê Hương không có một chữ nào nói đến quãng đời quan trọng này,
đến những kỷ niệm đẹp, dễ thương này. Đoạn trả lời phỏng vấn của nhà thơ Giang
Nam ở trên không có tý sự thật nào hết.
Kết Luận
Kết
thúc cuộc phỏng vấn, hai phóng viên Thái Lộc và Duy Thanh của Báo Tuổi Trẻ
Online đã viết:
Trước chúng tôi cũng có người đến hỏi
“Cô Bé Nhà Bên là ai?” Và mai này chắc vẫn còn người thắc mắc khi ngâm nga bài
thơ tràn đầy cảm xúc yêu thương, bi tráng.
Không
biết giờ này câu hỏi “Cô Bé Nhà Bên là ai?” đã có người nào tìm được câu trả lời
hay chưa?
Nhưng
sau khi phân tích để nhận diện nhân vật trung tâm của bài thơ rồi đọc mấy bài
trả lời phỏng vấn báo chí của nhà thơ tôi đành phải kết luận:
Nhà
thơ Giang Nam viết bài thơ Quê Hương để khóc thương vợ con nhưng không biết vì
sao ông lại vô ý khóc thương nhầm một người khác.
Phạm Đức Nhì
binhthochonloc.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét