-1-
Tôi và ông Bảng, bà Sen có thời cùng
đơn vị. Tôi là học viên sĩ quan. Bà Sen làm y tá. Ông Bảng là anh nuôi. Từ ngày
ra trường về đơn vị, tôi mất liên lạc với hai người. Cách đây hai năm, bất ngờ
bà Sen điện cho tôi:
- Ông Giống phải không?
- Vâng! Tôi Giống đây. Ai đấy ạ?
- Ối giời ơi! Đúng là tiếng ông Giống rồi!
Tôi Sen y tá đại đội đào tạo sĩ quan đây! Còn nhớ không?
- Ôi trời! Bà Sen hả? Hơn bốn chục năm
rồi còn gì. Sao bà biết số của tôi?
- Tình cờ thấy cháu nó mở đọc blog Trần
Mỹ Giống. Cái tên độc đáo của ông chắc trên đời này chỉ có một. Tôi tò mò xem
blog thì đúng là ông rồi. Tôi liền gọi theo số điện thoại ông ghi trên đó.
Sau một thôi một hồi ríu rít hỏi han sức
khỏe, gia đình, công việc của nhau, tôi hỏi:
- Thế bà có biết tin gì về ông Bảng
không?
Giọng bà Sen buồn sịu:
- Ông Bảng mất rồi! Buồn lắm ông Giống ạ.
- Sao mà mất vậy?
- Để tôi kể ông nghe: Ông về đơn vị độ
hai năm thì tôi và ông Bảng đều được xuất ngũ. Nhà ông Bảng cách nhà tôi hơn chục
cây số, cùng huyện. Chúng tôi vẫn thường qua lại thăm nhau. Tôi thì nhỡ nhàng.
Ông Bảng thì vợ mất vì ung thư, ở vậy một mình nuôi thằng con độc nhất. Hai
chúng tôi muốn “rổ rá cạp lại”. Nhưng thằng con ông Bảng không đồng ý. Nó quát
vào mặt tôi: “Cháu chỉ có một người mẹ đã mất. Cô đừng có mà dụ dỗ bố tôi. Âm
mưu chiếm đất chiếm nhà hả? Rồi cô chết, tôi phải làm ma hả? Cô tránh xa bố tôi
ra!”. Nó học xong thạc sĩ, lấy vợ thủ đô, con nhà quyền quý. Nó về bắt bố bán
nhà cho nó mua nhà Hà Nội. Ông Bảng chiều con, bán nhà, đi ở với vợ chồng nó. Rồi
không hiểu chuyện gì xảy ra, một năm sau, ông Bảng bỏ về quê. Nhưng nhà bán rồi.
Ông Bảng ra từ đường dòng họ xin ở nhờ. Từ đấy, ông Bảng sống như cái bóng. Ông
ấy sinh ra rượu chè, lúc nào cũng rầu rĩ. Tôi thương ông ấy mà không biết làm
sao. Ông ấy mất hai ngày mới có người biết. Vợ chồng thằng con về làm ma to lắm!
Đám ma ông ấy to nhất huyện từ trước đến nay. Cơ man là ô tô xếp hàng phúng viếng…
-2-
Chú rể tôi mồ côi cha mẹ từ bé. Lớn lên ông đi bộ đội kháng
Pháp. Hòa bình lập lại, ông về quê làm thợ quai búa lò rèn và xây dựng với dì
tôi. Dì tôi không có con. Năm chú bảy mươi tuổi thì dì tôi mất. Hết tang vợ, nhờ
người mai mối, chú lấy bà kế, gái son, gần bằng nửa tuổi chú. Mười năm, vợ chồng
chú sòn sòn đẻ ba con trai. Chú tôi như trẻ lại. Thấy bố con chú đứa trên lưng,
đứa dắt tay, có người trêu:
- Bát tuần rồi thì có con thế quái nào được. Chắc cụ “tráng
men” thằng khác rồi…
Tưởng chú tôi sẽ nối cáu lên, nhưng ông lại cười rất tươi:
- Ôi dào! Cá vào ao ta ta được! Kệ thiên hạ!
Giờ thì chú tôi đã ngoại cửu tuần. Bà kế mới gần năm chục,
trông cứ như con gái. Mỗi khi có dịp cùng nhau đi đâu đó, ông bà ríu rít như vợ
chồng mới cưới…
Thật là mỗi người mỗi cảnh. Hạnh phúc tùy thuộc vào quan niệm
của mỗi người.
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét