Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: KHÔNG NÊN XÃ HỘI HÓA SÁCH GIÁO KHOA / Trần Thị Nhật Tân

 


 

       Kính thưa bạn đọc! Đến lúc cần nói thẳng, nói thật về giáo dục.

       Tôi Trần Thị Nhật Tân, tác giả tiểu thuyết "Dòng xoáy" ấn hành 1989 "Từng bị văng khỏi cuộc sống". Vì tôi đến Bộ Giáo dục phản ánh bài học dở hơi và "cải cách" chữ viết những năm tám mươi thế kỷ trước. May tôi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cứu, được cấp sổ hưu 1990. Tổng Bí thư viết hai thư tay mời gặp tôi. Lần thứ nhất ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Kém hai phút đầy ba tiếng đồng hồ. Tổng Bí thư lắng nghe tôi nói "Những việc cần làm ngay" - Về sách giáo khoa - Phương thức dạy và học ở biên giới, hải đảo phên dậu Tổ quốc v.v... Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất tâm đắc. Tổng Bí thư nói sẽ giao cho đồng chí Đỗ Mười làm việc với Bộ Giáo dục những ý kiến đóng góp của tôi. Không hiểu sao mãi năm 2004 Bộ Giáo dục mới sửa lại chữ viết thanh lịch như vở tập viết lớp Một nay. Còn sách giáo khoa thì sao? Năm nào cũng "Cải cách", bỏ sách năm trước, in sách mới tốn kém. Rất lãng phí tiền của. Chương trình nặng, ôm đồm, ép mua sách tham khảo từ lớp tiểu học. Các cháu đeo ba lô sách nặng như thời chúng tôi đánh Mỹ 1964. Dân ta còn người nghèo. Dân tộc miền núi, hải đảo, cực kỳ khó khăn muôn mặt. Nhiều thanh thiếu niên dân tộc biên giới không biết chữ. Đau lắm. Cha mẹ đi làm, áp lực công việc. Tối họ lại phải đưa đón con đi học thêm. Thầy và trò học cả ba buổi mệt phờ, quay như chong chóng; Cha mẹ không có thì giờ nói chuyện với con, sẻ chia vui buồn. Các cháu mệt mỏi vì học, áp lực thầy cô, áp lực gia đình. Đầu óc căng thẳng dễ sinh trầm cảm...

       Bệnh thành tích ở ngành Giáo dục rất nặng, kéo dài từ lâu nay. Cả lớp học sinh giỏi. Cả trường học sinh giỏi. Bằng khen học sinh giỏi như lá rụng mùa thu. Cạnh nhà tôi có cháu học THPT, từ lớp 10 đến lớp 12 đều "học sinh giỏi". Môn nào cháu cũng điểm 10. Với kinh nghiệm, tôi nhắc bố mẹ: Cháu học vờ. Bố mẹ cháu trả lời: "Con cháu thông minh lắm. Nó chỉ học ở lớp hai buổi thuộc hết bài. Tối để cháu đi chơi thoải mái". Vâng, "cháu đi chơi" nên thi đại học, không môn nào có điểm. Vì tôi dạy học từ thiện môn Văn lớp 12 thi đại học. Tiếp xúc với các cháu, tôi biết một số học sinh ở các cấp lười học, cha mẹ mua điểm cho con. Học sinh lười học, chơi lêu lổng ở xung quanh chỗ tôi, thường xa vào tệ nạn... bạo lực học đường.

       Năm 2018, 2019, 2020 tôi viết bài phản ánh hiện trạng tiêu cực trong học đường gửi Bộ Giáo dục. Không trả lời. Năm 1973 ông trọc đầu ở Bộ Giáo dục đuổi "Con điên" Trần Thị Nhật Tân, nay "không thèm" trả lời!? Bộ Giáo dục thù dai tôi. Tôi gửi bài tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Không được hồi âm. Rào cản vô hình nào ngăn cản đóng góp tích cực của tôi chăng?... Tôi rất buồn. Đầu tháng 6/1996 tôi thăm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lần hai, tại số 110 Trần Quốc Toản, quận Ba, TP Hồ Chí Minh. Cố Tổng Bí thư nói: "Rất tiếc, buổi nói chuyện năm 1989 đồng chí đề nghị tôi ghi âm, tôi lại không ghi. Giá ghi âm, sắp tới tôi đi dự Đại hội tám, mở ra cho Đại hội nghe thì hay quá!"

       Bài viết này, tôi hy vọng được đăng báo, để bạn đọc cùng bàn thảo với tôi. "Cải cách" sách giáo khoa + chương trình, bùng nhùng mãi...

       1- Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp Một năm học 2021 - 2022:

       - Lấy từ ngữ nước ngoài dịch sang Tiếng Việt, dạy trẻ con Việt?... Tiếng Việt mẹ đẻ trong sáng. Từ ngữ Việt mênh mông, sao các nhà biên soạn sách phải mượn tiếng nước ngoài?

       - Giáo viên, cha mẹ không biết tiếng nước ngoài để dạy trò.

       - Tôi nghe đài Tiếng nói Việt Nam ông nào ở Bộ Giáo dục trả lời giáo viên rằng: "Xem từ ngữ Tiếng Việt nào na ná như tiếng nước ngoài thì thay vào dạy học sinh"... Giáo viên tìm đến tác giả tiểu thuyết "Dòng xoáy" tìm hộ "Tiếng Việt na ná...". Tôi chịu.

       2- Chương trình sách giáo khoa THCS, THPT: Ôm đồm, không cốt lõi chính. Câu hỏi môn Ngữ Văn dài dòng, không cô đọng nội dung văn bản; Buộc giáo viên giảng nhanh như máy cho vừa 45 phút kẻo cháy giáo án. Và rồi phô tô bài văn 10 trang bán cho học sinh.

       - Năm 1994, tôi mua được ba gian nhà vách đất. Tôi dạy môn Văn từ thiện (không thu phí) lớp 9 và lớp 12 thi đại học. Tôi giảng ý chính nội dung, nghệ thuật, tư tưởng văn bản. Các cháu ghi chép hơn trang. Bài nào dài cũng chỉ hơn một trang rưỡi, hai trang. Các cháu nói dễ nhớ, thuộc ngay. Khi thi, cháu nào cũng đạt 7,5 đến 9 điểm. Một số cháu vào đại học được học bổng đi nước ngoài. Hiện nay tôi đang dạy.

       3- Học sinh học ba buổi: Không cấp nào được vui chơi. Trẻ con, người  già đều cần được vui chơi, thoải mái tinh thần mới học tốt. Ba buổi đi học, thứ bảy, chủ nhật bố mẹ vẫn đèo con đi học thêm ở cấp tiểu học, THCS quá mệt, chán học, dễ trầm cảm, bạo lực học đường... Phụ huynh tiểu học, THCS nói với tôi: "Cả lớp đến nhà cô học thêm. Con mình không đi, cô giáo ra bài kiểm tra bài cô dạy thêm, không phải bài ở lớp. Con mình bị không điểm."

       4- Giáo viên không ít áp lực: Hội giảng. Hội thi. Dự giờ. Kiểm tra giáo án. Họp tổ. Họp hội đồng. Họp công đoàn. Họp đoàn, đội. Họp phụ huynh v.v...

       - Đau đầu nghe phụ huynh kêu ca tốn tiền mua sách giáo khoa, sách tham khảo, v.v.... Sức ép trường, phụ huynh, ép giáo viên vào giữa.

       Tôi đề nghị:

       A- KHÔNG NÊN XÃ HỘI HÓA SÁCH GIÁO KHOA

       - Biên soạn sách giáo khoa theo kiểu xã hội hóa như nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, cải lương..., không thể chấp nhận được.

       - Xã hội hóa nghệ thuật sân khấu nhiều đoàn còn đói lơ lửng, bỏ nghề + Xã hội hóa sách giáo khoa, mỗi nhà xuất bản soạn nội dung theo ý mình. Họ tính lợi nhuận cao, nuôi no đủ nhà họ.

       - Nhà xuất bản này cạnh tranh nhà xuất bản kia. Thương trường là chiến trường. Có khi họ bàn nhau thống nhất giá sách cao.

       - Các nhà xuất bản lại thi nhau chào hàng, chèo kéo tỉnh này tỉnh kia mua. Sở Giáo dục, phòng, trường hưởng hoa hồng, đội giá sách giáo khoa lên cao.

       - Ép mua sách tham khảo, đồ dùng học tập. Khổ thầy và trò.

       B- ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ GIAO VIỆC BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA VÀ XUẤT BẢN CHO BỘ GIÁO DỤC

       Kính thưa bạn đọc! "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"

Giáo dục là nền tảng trí tuệ của mỗi nước cho hiện tại, tương lai, dân giàu, nước mạnh. "Không thầy đố mày làm nên".

       - Sách giáo khoa chuẩn cho đại trà cả nước là người thầy thứ nhất. Người thầy thứ hai là giáo viên giảng dạy.

       - Cần một bộ sách giáo khoa chuẩn cho cả ba cấp học trong cả nước.

       - Không nên tỉnh này chọn bộ của nhà này, nhà kia, lộn xộn như nay.

       - Hỏi làm thế nào có một bộ sách chuẩn cho học sinh cả nước? Một bộ sách thống nhất cho các trò mọi miền? Vì dân tộc nào cũng có người tài giỏi.

       Xin trả lời:

       1- Bộ Giáo dục chọn giáo sư dạy giỏi ở các trường đại học, cao đẳng v.v... Giáo sư ấy từng giao lưu, học hỏi, tham khảo sách giáo khoa tiên tiến thế giới. Tập hợp được số giáo sư đầy kinh nghiệm rồi. Yên tâm. Các giáo sư sẽ xem lại những bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản vừa rồi. Nếu bộ sách nào đạt chuẩn mà các giáo sư chấp nhận thì đẹp quá. Còn nếu như không bộ sách nào đạt chuẩn, các giáo sư phải biên soạn bộ sách giáo khoa mới.

       2- Cần có sách NÂNG CAO cho mọi môn. Học sinh nào thích môn gì, thích nâng cao hơn sách đang học. Các em mua sách nâng cao, tìm thầy giỏi học là việc rất thỏa đáng. Các em thi giỏi toàn tỉnh, toàn quốc, thế giới.

       3- Kinh phí biên soạn sách giáo khoa thống nhất toàn quốc, Bộ Giáo dục trình lên Chính phủ lo liệu. Đầu tư cho giáo dục là trụ cột vững chắc, tự chủ, tự cường, độc lập.

       4- Sách giáo khoa học hết năm, tặng lại thư viện trường. Hay cho em, họ hàng, cho hàng xóm nghèo. Rất tiết kiệm. Không lãng phí.

       - Chúng tôi, học sinh ngày hòa bình 1954. Cuối sách giáo khoa lớp nào cũng có bài toán - lý - hóa rất khó (ở cấp THPT). Giờ chơi, ba chúng tôi rủ nhau làm. Thầy xem đúng khen. Sai thầy giảng. Năm 1961 chúng tôi nhà quê, lên tỉnh Nam Định thi toán, lý, hóa đạt giải nhất toàn tỉnh. Năm 1964, chúng tôi lên đường đánh Mỹ. Sau 1975, ai còn sống trở về, mượn sách thư viện trường cấp ba. Vừa làm, vừa tự học, chúng tôi tốt nghiệp. Thi đại học, chúng tôi đỗ tuốt. Rõ ràng sách giáo khoa ổn định, không gây khó cho việc dạy và học.

       5- Học thêm: Cả lớp đến nhà cô giáo học tối, nên chấm dứt.

       - Em nào thông minh, học giỏi cần nâng cao hơn sách đang học, tìm thầy dạy giỏi học thêm là tất nhiên.

       - Mấy em kém, phụ huynh yêu cầu kèm thêm không sao.

       - Đời sống ngày nay nâng cao. Công nghệ thông tin choáng ngợp. Lớp học không đông, ngồi thưa. Không có chuyện cả lớp dốt, đã học hai buổi.

       - Thời chúng tôi học, 50 - 60 em một lớp. Học một buổi. Một buổi đi làm kiếm sống cùng cha mẹ. Chỉ ăn khoai không được no. Vậy mà mỗi lớp chỉ năm ba bạn dốt. Tối chúng tôi học nhóm, vui trò dân gian.

       6- Lương cho giáo viên trực tiếp dạy:

       Thưa bạn đọc, tiểu thuyết "Dòng xoáy" tập 1 (1989) tôi đã nói: "Có hai người thầy cao quý trong xã hội là thầy giáo và thầy thuốc. Một thầy mở mang trí tuệ. Một thầy cứu sống người. Lương của hai thầy này phải đủ sống mới yên tâm nghiên cứu, sáng tạo để dạy tốt, chữa bệnh nhân tốt. Thực tế, thầy nào không làm tốt, chuyển ngành khác".

       - Giáo viên miền núi, dạy các cháu dân tộc cực kỳ khó khăn. Lương của họ nên gấp đôi giáo viên miền xuôi.

       - Năm 1989, gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi đã nói ý trên. Tổng Bí thư rất tán thành. Không hiểu sao đến nay, lương của hai người thầy chưa cải tiến là bao? Hỏi đến bao giờ? Trong khi các ngành khác có lương tháng mười ba, thưởng, lộc v.v...

       Vì nói quá nhiều về Giáo dục, hơn 20 giờ tôi bước ra phòng bảo vệ. Đồng chí Công an nói: "Cô nói chuyện với Cụ lâu thế? Cụ Nguyễn Văn Linh tiếp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi có năm phút. Cháu chưa thấy Cụ tiếp ai lâu thế này...".

       Trên đây là những ý kiến tôi mong nền Giáo dục nước ta tiên tiến, giữ gìn trong sáng Tiếng Việt. Học sinh hôm nay là tương lai của đất nước, sánh vai với các cường quốc năm châu như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

       Tôi trân trọng cảm ơn!

 

       Nam Định, ngày     tháng    năm 2022

                     Trần Thị Nhật Tân

                       ĐT: 0793.511.609

Đ/c liên lạc: Trần Thị Nhật Tân, nhà số 1 ngõ 89, Đinh Công Tráng,

phường Lộc Hạ, TP Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét