Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

THƠ TRẦN MẠNH HẢO – LÀM BỪNG SÁNG THI CA VIỆT NAM! / Trần Văn Thuyên

 

            Nhà thơ Trần Văn Thuyên và nhạc sĩ Lê Huy Tập với Tuyển tập Thơ Trần Mạnh Hảo


        Trước đây tôi biết thơ anh Trần Mạnh Hảo qua trò chuyện với bạn bè, khen cũng nhiều và chê cũng lắm. Ngày đó nổ ra những cuộc tranh luận về thơ cũ thơ mới, về thơ phản thơ, về văn mẫu rồi thơ tân hình thức v.v… Rất gay gắt, khốc liệt… Đến nỗi anh đã ra khỏi hội nhà văn. Tôi nghĩ như một tai nạn văn chương “Bút sa gà chết”. Như Hữu Loan, Quang Dũng, Xuân Sách, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp… Rồi mải lo cơm áo chúng tôi dần lãng quên đi.

       Hôm nay được cầm trên tay cuốn TRẦN MẠNH HẢO tuyển tập thơ của anh mới được Hội nhà văn Việt Nam xuất bản. Tôi rất vui mừng đọc và ngẫm nghĩ thơ hay như thế này mà không in ra cho quần chúng cùng đọc thì phí và uổng quá.

       Tôi là một CCB yêu thơ nhưng bình phẩm lại có hạn. Tôi chỉ muốn nói vài nét về bài thơ SÔNG LAM, con sông của quê tôi. Bài thơ được viết bằng những câu thơ lấp lánh như sau:

Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hoá lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh

Sông đi thành ví dặm trời xanh

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi

Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời

Con cò mặc áo tơi đi học

Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi

Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh

Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài

Trời hào phóng mây trắng

Đất tằn tiện ngô khoai

Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa

Đồ Nghệ sông Lam dạy biển cả học bài

Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng

Sông Lam nuôi nứt nẻ những hạt vàng

Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng

Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang

Sông thao thức sóng tràn bờ bắc

Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam

Thuý Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc

Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang

Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước

Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng

Sông Lam ăn cát mà xanh uống trời mát

Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn

Người giàu có nên đất nghèo khô khát

Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…

Mở đầu bài thơ anh viết:

“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hoá lục bát Nguyễn Du”

Đúng rồi, sông Lam là ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh, chính xác như thầy giáo dạy địa lý, như thầy giáo dạy lịch sử, văn hoá vậy.

       Ta lại đọc tiếp các câu:

       “Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh

       Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài”

       Cứ thế dẫn ta vào một thế giới cổ tích, huyền thoại, lịch sử văn hoá miền “Đất địa linh nhân kiệt” xứ Nghệ… Câu nào cũng hay, cũng đẹp, cũng lấp lánh như nhưng viên ngọc bích.

       Thật vui sướng và tự hào với hai câu thơ như vàng như ngọc:

       “Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh

       Đồ nghệ sông Lam dạy biển cả học bài”

       Hai câu thơ này đã giăng ngang Quốc tử giám trong ngày tết Nguyên tiêu, ngày thơ Việt Nam.

       Lại lan man một chút, xứ Nghệ tôi có câu đối truyền đời rất hay:

       - Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, cả ngày khoai

- Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, cả nhà đỗ (Đỗ đạt)

       Thực thế, chúng tôi lớn lên từ ngô khoai. Ngày còn là xã viên HTX chúng tôi đã trồng khoai, chăm bón từng dây khoai lang khi nó hay bò ngang xuống trọt thì phải bắt đỡ nó lên. Nhưng được vài hôm nó lại bò ngang xuống thật là gàn bướng. Thế mà không viết được câu thơ như anh Hảo:

       “Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng

       Khoai lang gàn luống đọc thích bò ngang”

       “Khoai lang gàn” đặc tính sinh trưởng của cây khoai lang, thường bò ra những nơi nhiều ánh sáng, hướng về phía mặt trời. Cũng như tính gàn gàn của dân xứ Nghệ (Thẳng thắn nhưng hơi gàn).

       Chỉ qua câu thơ này anh xứng đáng là dân xứ Nghệ thứ thiệt, thật bái phục anh.

       Từ bài thơ đầu tập thơ: Mặt trời và hạt sương, rồi đến sông Hồng, những dòng sông miền Trung, tiếng gà trưa ở đồng Tháp… đâu đâu ta cũng gặp nhửng câu thơ hay:

       “Bông lục bình vưa đi vừa nở.”

       “Cá sông lam còi cọc toát mồ hôi”

       Hay như: Bài thơ trên váy (Tr.338):

       “Bao nhiêu vua chúa qua rồi

       Chỉ còn chiếc váy tốc trời thi ca”

       Viết “váy tốc” thấy “trời thi ca” kinh  hãi thật! Nhưng mà hay thật!

       Và tôi đã dừng lại rất lâu ở bài thơ:

       THƯƠNG THỚT

Số phận cho ta làm mặt thớt

Kể gì thịt cá nát đời nhau

Sinh ra là để người ta chặt

Ta chỉ ăn toàn những vết dao

“Thương thớt” và càng thương anh Hảo!

Từ trái đất có lúc ta thấy mặt trời bị mây mù che phủ, nhưng thực ra mặt trời vẫn cháy sáng. Thơ cũng vậy có khi do chủ quan người ta chưa nhìn hết giá trị vẻ đẹp của nó, nhưng thơ hay muôn đời vẫn hay!

       Thơ anh được Hội nhà văn xuất bản, mừng cho anh và cũng mừng cho nền thi ca Việt Nam. Nhân sự kiện vui này tôi viết tặng anh bài thơ ngắn:

RẤT TỈNH

Tên anh thật là hay *

Thơ tình tít cánh bay

Kẻ ghét gọi là Chí **

Nhưng anh chẳng hề say!

Trước đây có kẻ ganh ghét đố kỵ gọi anh là gã say Chí Phèo nhưng anh là người rất tỉnh táo, chu đáo trong cuộc sống cũng như trong thơ văn. Anh rất tỉnh với đời, với người, với thơ và với tình.

       Chúc anh chân cứng đá mềm trên con đường nghệ thuật đầy chông gai nhưng cũng rất vẻ vang này.

 

       Trần Văn Thuyên

…………..

          (GC:* Hay là tốt.đẹp, Hảo hảo. ** Chí Phèo nhân vật của Nam Cao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét