Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Sách mới: TỐT ĐEN LẠC LOÀI : Tập truyện ngắn / Việt Thắng




        Chúc mừng nhà văn Việt Thắng có tác phẩm mới ra mắt bạn đọc:

        TỐT ĐEN LẠC LOÀI : Tập truyện ngắn / Việt Thắng. – H.: Hội Nhà văn, 2020. – 246 tr, ; 21 cm.


        Nhà văn Việt Thắng tên thật Vũ Đức Thắng, sinh 1950 quê Hưng Yên, hiện trú tại thành phố Hồ Chí Minh, là nhà thơ thuộc Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Việt Thắng thơ hay, văn giỏi. Ông đã trình làng 4 tập thơ và 3 tập truyện ngắn:
        - Gió buồn: Thơ. – H.: Thanh niên, 2011.
        - Lục bát về nguồn: Thơ. – H. : Hội Nhà văn, 2012.
        - Giọt chiều: Thơ. – H.: Hội Nhà văn, 2013.
        - Khát vọng & kiếm tìm: Thơ. – H.: Hội Nhà văn, 2014.
        - Đồng tiền nghiệt ngã: Tập truyện ngắn. – H.: Hội Nhà văn, 2016.
        - Thằng hương khói: Tập truyện ngắn. – H.: Hội Nhà văn, 2018.
        - Tốt đen lạc loài: Tập truyện ngắn. – H.: Hội Nhà văn, 2020.



        Xuất thân trong gia đình nông dân ở miền bắc, lớn lên thời chống Mỹ cứu nước, Việt Thắng nhập ngũ lên đường đi chiến trường B… Nhiều năm chiến đấu trong vùng địch, Việt Thắng có vốn sống thực tế phong phú. Đất nước thống nhất, Việt Thắng sinh cơ lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu viết văn khi tuổi đã cao. Chỉ trong vòng mười năm, ông đã liên tục cho ra đời bảy tác phẩm thơ văn và được dư luận bạn đọc mến mộ. Ông được Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh kết nạp vào bộ môn Thơ, nhưng những truyện ngắn cua ông lại được nhiều người quan tâm tìm đọc.
        “Tốt đen lạc loài” gồm 11 truyện ngắn và 20 tạp văn. Truyện ngắn của Việt Thắng tập trung tái hiện cuộc sống của người lính trong chiến tranh và trong thời bình với những hoàn cảnh đa dạng, những vấn đề xã hội quan tâm, đọc rồi có ấn tượng khó quên. Những trang tạp văn thể hiện góc nhìn riêng trước thực trạng xã hội và thái độ của tác giả về “Cái thời háo danh khoe mẽ”, “Cần gì phải học”, “Con người đang tự giết nhau”, “Sự bội thực về làng khu phố văn hóa”…
        Văn Việt Thắng giản dị, dễ đi vào lòng người, truyện thường kết cấu đơn giản nhưng coi trọng tính chân thực nên hấp dẫn người đọc.

        Cảm ơn nhà thơ – nhà văn Việt Thắng tặng sách và xin trích một truyện trong tập “Tốt đen lạc loài” trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:





                            
                  TÂN BINH ĐẶC BIỆT

       Qua chiến dịch mùa khô, đơn vị rút quân về căn cứ chỉnh huấn. Tiểu đội tôi 9 người, phần hy sinh, và bị thương... quân số còn lại 5 người kể cả tôi là tiểu đội trưởng. Sáng vừa cơm nước xong, chú liên lạc tới thông báo tiểu đội lên ban chỉ huy đại đội nhận tân binh. Tất tả theo chú liên lạc vừa đi tôi vừa khấp khởi mừng vì tiểu đội có thêm người. Lên tới ban chỉ huy đại đội đã thấy đâu hơn chục tân binh sắp hàng ngồi theo hàng dọc. Không đợi các tiểu đội lên đủ, đại đội phó mỉm cười nhìn tôi:
        - Cứ có tiểu đội nào lên tới là tranh thủ giao, đợt này trên bổ sung cho đại đội ta có mười mấy tân binh. Tiểu đội cậu quân số còn ít quá, đại đội bổ sung cho hai người là ưu tiên lắm đấy.
        Nhìn vào hàng quân đang ngồi chờ, anh vỗ vai tôi:
        - Cứ thứ tự từ trên xuống dưới.
        Và anh bảo hai chiến sĩ ngồi đàng trước đứng dậy. Trước khi giao tân binh cho tôi anh đọc lại tên tuổi từng người xem có đúng không. Người tân binh thứ nhất tên Tới, khi đọc tới tên Trần Văn Thơi, nghe tiếng có rõ to. Tôi giật mình vội đưa tay lên dụi mắt, cố căng mắt nhìn người tân binh. Ôi trời đất ơi...! Trời xui đất khiến làm sao tôi lại gặp cái ông thày hồi học cấp hai mà suốt đời tôi chẳng bao giờ quên. Để xác minh lại tôi đến bên cạnh người tân binh tuổi đời ngót nghét ba mươi; đang sắp sửa khoác ba lô lên vai. Nhìn thẳng vào mặt người tân binh; đúng là khuôn mặt lão thày giáo chủ nhiệm lớp tôi năm xưa, nay có già đi đôi chút, tôi gằn giọng hỏi:
        - Đồng chí là: Trần Văn Thơi... ở  Văn Giang, Hưng Yên, trước khi nhập ngũ là giáo viên...?
Người tân binh đứng nghiêm giơ tay lên chào:
        - Báo cáo đúng tôi là Trần Văn Thơi, Văn Giang, Hưng Yên, giáo viên dạy cấp 2...
        Tôi gật gật nhẹ đầu: “Thôi rồi đúng lão thày giáo này là chủ nhiệm lớp sáu A năm đó rồi”. Cũng vì lão bức bách tiền học phí có bảy đồng rưỡi mà tôi phải bỏ học. Những hình ảnh ngày đó còn in đậm trong tiềm thức kể từ khi tôi phải nghỉ học...

        Tiết đầu tiên của buổi học là môn hình học mà dạy môn này lại là thày giáo chủ nhiệm lớp sáu A, tuổi đời trên hai chục. Vừa bước vào lớp lão ta tràng giang đại hải nói về trách nhiệm đóng học phí của học sinh. Tôi nghe mà cứ nơm nớp lo sợ vì cả lớp chỉ còn mình tôi là chưa đóng học phí. Lão đi dọc theo lớp học, khi tới chỗ tôi vì tôi ngồi phía ngoài bàn lão bảo tôi đứng lên. Và lão mắng mỏ tôi là học mà không chịu đóng học phí thì nhà trường lấy tiền đâu trang trải... Lão trừng mắt nhìn tôi:
        - Hẹn cho em đúng ba ngày, nếu không đóng học phí tôi sẽ báo cáo lên ban giám hiệu thì em khỏi được học nữa.
Tôi tái mặt ấp úng:
        - Thưa thày...! Nhà em nghèo quá, bố em bệnh... chưa có tiền... Khi nào có em sẽ..
        Lão tiến sát lại bên tôi:
        - Không có sẽ gì cả, đã hết học kỳ một rồi, không có lý do gì để trây lỳ...
Lão đưa tay chỉ sát vào mặt tôi, tôi bực mình và xấu hổ với bạn bè; liền đưa tay hất tay lão ra, quát lại:
        - Nhà tôi nghèo chưa có tiền đóng học phí, ông làm gì mà chỉ tay như đấu tố địa chủ vậy? Tôi đếch thèm học nữa, ông tránh ra!
Tôi lôi sách vở trong hộc bàn, tay ôm mấy cuốn sách mặt hầm hầm đi ra khỏi lớp.
 
        Về tới nhà tôi quăng mấy cuốn sách xuống nền nhà ngồi khóc. Bố tôi hôm nay không đi trông ao cá cho hợp tác xã; ông ngồi trên giường cúi gập người, tay đang ôm bụng vì cơn đau dạ dày nhìn tôi chảy nước mắt:
        - Mẹ con thì chết sớm, bố trời đày sao lại bị cái bệnh đau dạ dày kinh niên, nhà có ba bố con, em con thì còn nhỏ mà gần như quanh năm ăn cháo, họa hoằn ngày mùa mới có được ít ngày ăn cơm độn khoai. Tại bố tất cả...
        Ông lấy lọ thuốc muối chữa đau dạ dày, múc một thìa cà phê cho vào cốc, khuấy khuấy cho tan rồi ngửa cổ uống. Vài phút sau nghe tiếng ông ngồi ợ hơi liên tục. Tôi ngưng khóc nhặt mấy cuốn sách gom vào góc nhà, quệt nước mắt tôi rắn giỏi nói với bố:
        - Bố yên tâm, con nay cũng mười sáu tuổi rồi; (Lứa tuổi chúng tôi hồi đó tám, chín tuổi mới được đi học vì không có trường lớp, nên học tới cấp 2 đã trở thành thanh niên, thiếu nữ gần như hết cả lớp), con sẽ ở nhà cua ốc phụ bố.
        Ngày hôm sau tôi nói bố đi vay được hai đồng bạc. Lên chợ tôi mua gần chục cái đó để đơm tôm tép. Cả ngày bố tôi hì hục cắt xén, lắp hom. Tối, tôi vác đó ra cánh đồng chiêm trũng đặt đó đơm tôm tép. Sáng hôm sau bốn giờ tôi đã thức dậy đi giở đó, cũng may mắn ngày hôm đó được gần hai bát cả tôm tép và cá lòng tong. Bố tôi đem ra chợ chồm hổm ở gốc đa đầu làng bán, đong được gần ca gạo. Ông nấu hẳn một nồi cơm gạo trắng, ăn với rau lang luộc trồng trong vườn chấm với nước tép kho. Cả nhà được bữa no nê và ăn ngon.
        Cứ vậy đêm tôi xách đó đi đơm, ngày thì cột cái giỏ cua bên hông, tay cầm cái móc cua cứ suốt ngày ngoài đồng. Hôm nào bố tôi cũng thức dậy sớm. Ông đóng những con cua vào hai thanh tre nhỏ hơn chiếc đũa ăn cơm, chiều dài khoảng bốn mươi phân mà ông đã vót sẵn, cứ mười mấy con cua to, hoặc hai mươi con cua nhỏ hơn vào một xóc (xâu). Sáng sớm ông ôm mớ cua cùng tôm tép ra chợ chồm hổm đầu làng ngồi bán. Ngày nào kha khá ông cũng mua được cả ca gạo. Từ đó cả nhà tôi ngày nào cũng được no nê với hai bữa cơm độn với củ dong riềng trồng trong vườn nhà. Chưa đầy tháng trời mà người tôi đã đen nhẻm như cột nhà cháy. Bạn bè gặp mặt chúng cười ái ngại cho hoàn cảnh của tôi. Kệ! Hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác nhau mà. Trong tâm nguyện của tôi sẽ cố gắng làm việc để bố và em tôi không phải ăn cháo độn rau má quanh năm, và nhất là thằng em tôi phải được học; chứ đừng như tôi phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
  
        Chiến tranh bùng nổ, tôi cũng đã bước sang tuổi 18. Nhiều lần sinh hoạt đoàn thanh niên, tôi đã nghe phổ biến về nghĩa vụ và lệnh tổng động viên. Được cán bộ đoàn đọc kỹ sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự của nhà nước; nếu trốn tránh không đi nghĩa vụ quân sự sẽ phải đi học tập cải tạo; và quyền lợi gia đình có con em đi nghĩa vụ nhất là vào chiến trường miền Nam. Lần đầu bị gọi đi khám sức khỏe; dù cân nặng của tôi chưa tới 40 kg, mà kết luận y khoa ghi sức khỏe B1+. Thế mà tôi vẫn bị gọi nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân hơn 5 tháng theo đường mòn Hồ Chí Minh mới tới điểm tập kết. Tôi bị sốt rét rừng quật ngã, may mắn sau cả tháng nằm bệnh viện tôi thoát lưỡi hái tử thần; được bổ sung vào sư đoàn miền Đông Nam Bộ này. Sau mấy năm tôi đã được cất nhắc lên chức tiểu đội trưởng; kinh qua mấy chiến dịch mùa khô còn sống.

        Nhiều chiến sĩ trong tiểu đội, biết Thơi là người đồng hương với tôi mà tình cảm giữa hai người như có một khoảng cách vô hình. Nhưng không ai biết lão là thày giáo chủ nhiệm tôi cách đây mấy năm. Họ có thắc mắc tôi chỉ nhe răng cười trừ, còn lão Thơi thì cúi đầu im lặng. Thường thường khi vui có mặt tôi và lão Thơi; thì hình như lão chiến sĩ mới này kiệm lời. Có lẽ do nghề nghiệp sư phạm quen đứng trên bục giảng, nên ít nhiều đã rèn cho lão một cá tính tỏ ra ta đây là thày? Tôi cũng chả bao giờ nhắc chuyện bị lão hoạnh họe làm nhục giữa lớp học mà phải bỏ học; vì không có tiền đóng học phí. Hình như lão cũng biết lỗi của lão nên những khi chạm mặt nhau, lão cứ nhìn đi chỗ khác, hoặc cực chẳng đã khi tôi hỏi cái gì đấy thì lão cũng trả lời cho có lệ rồi lảng đi chỗ khác.

        Chiến dịch mùa khô đã đến, sau mấy tháng dưỡng quân và chỉnh huấn; đơn vị rời căn cứ. Luồn lách hành quân hai ngày, tiểu đội tôi cùng đại đội mới tới được con đường nhựa, chạy từ Sài Gòn lên thị xã giáp biên giới Căm Pu Chia. Theo như sự phổ biến trên sa bàn, chỗ chúng tôi phải đào công sự phục kích đánh quân tiếp viện là đoạn đường cong hình cánh cung. Nơi này chỉ toàn những bụi cây núp xúp, chen lẫn là những khoảng trống cỏ tranh và những cây hoa mua. Chỗ đơn vị phục kích cách thị xã ngót chục cây số. Mỗi người phải cố gắng đào trong đêm cho xong một công sự cá nhân, cách mép đường lộ khoảng dưới chục mét. Chiều sâu mỗi công sự khoảng hơn một mét, ngụy trang bằng cách giẫy cỏ và chặt cành cây phủ lên những lớp đất ba zan đỏ ối mới đào lên. Nửa đêm chúng tôi đang hì hục đào công sự đã nghe tiếng súng lớn nổ rền vang từ phía thị xã. Tôi chắc mẩm ngày mai sẽ có hàng chục chiếc xe tăng, thiết giáp, xe chở quân... chạy qua đây lên tiếp viện cho thị xã.
        Lường trước trận đánh ngày mai sẽ ác liệt, nên tôi bố trí hai tân binh đào hầm gần tôi, để theo dõi và hướng dẫn. Phía tay trái tôi là tân binh trẻ tuổi tên Tới, bên tay phải tôi là lão tân binh thày giáo. Tờ mờ sáng tôi đã đào và ngụy trang xong công sự của mình. Mệt rã rời, tôi lôi bi đông nước ra tu ừng ực. Vội vàng quơ khẩu súng AK khoác lên vai, đi kiểm tra công sự của các chiến sĩ trong tiểu đội. Tới công sự của lão thày giáo đã đào xong, nhưng ngụy trang còn để hở nhiều chỗ đất đỏ mới đào lên. Tôi nhất quyết bắt lão phải xúc những phần đất đỏ vung vãi gom lại một chỗ, sau đó lấy cỏ và cành lá ngụy trang lên cho không còn thấy màu đất đỏ nữa. Lão đứng phì phò thở, tay chống nạnh nhìn, tôi quát:
        - Đây là chiến trường, đồng chí không thể cẩu thả được, không phải một sinh mạng của đồng chí mà cả đồng đội nữa. Tôi ra lệnh cho đồng chí 30 phút nữa phải ngụy trang xong.
        Lão phủi tay vào vạt áo nhìn tôi vẻ bực tức, nhưng cũng phải cầm xẻng gom đất lại. Làm sao lão biết được khi phục kích là phải tạo bất ngờ. Làm sao lão biết kẻ địch mạnh về không quân, và sự lợi hại của nó như thế nào? Chỉ cần lộ mục tiêu thì chúng sẽ gọi pháo, máy bay tới bừa tan nát trận địa chỉ trong vài giờ; chắc chắn bên ta sẽ chuốc lấy cái chết của đồng đội và sẽ lĩnh sự thất bại thảm hại.
        Phía đông mặt trời đã nhú lên đỏ ửng. Tiếng súng to nhỏ từ phía thị xã vẫn ầm ì vọng về. Trên trời phành phạch những tiếng máy bay trực thăng loại chở quân bay về hướng thị xã. Chiếc máy bay trinh sát OV-10 cũng bay tới vè vè trên đầu chúng tôi. Nó bay dọc theo tuyến quốc lộ, nghiêng cánh đảo qua đảo lại chỗ đơn vị nằm phục kích. Bỗng nó nghiêng cánh phóng ra một quả pháo màu chỉ điểm phía bên sườn đồi chúng tôi, cách chỗ tôi vài chục mét. Khói màu đỏ lan tỏa ra đường kính cả chục mét. Tôi hô to nhắc nhở tay tân binh sát hầm tôi và lão thày giáo phải bình tĩnh, vì đây là khói màu chỉ điểm, lát nữa sẽ có máy bay phản lực tới bỏ bom dọn đường cho quân tiếp viện.
     Chỉ vài phút sau ba chiếc máy bay phản lực nhào tới, mỗi lần nó nghiêng cánh là thấy hai quả bom lùi lũi lao xuống đất. Tôi hét tất cả ngồi thụp xuống công sự, tránh mảnh bom. Chúng toàn bỏ bom mé phía trên sườn đồi, vì công sự chúng tôi đào cách mặt đường chưa tới chục mét. Chúng đâu dám bỏ bom gần mép đường chắc chắn là sẽ sập đường, làm sao xe tiếp viện của chúng có đường mà chạy. Nên qua đợt bỏ bom, tất cả đều vô sự chỉ có đất đá văng vào người một vài chiến sĩ. Khi không còn nghe tiếng máy bay ném bom; là tiếng í ới gọi nhau xem có ai bị sao không. Mọi người đứng lên nhìn nhau, mặt ai nấy đỏ au như trát một lớp phấn màu đỏ. Cậu lính tân binh bên cạnh tôi nhe hàm răng trắng muốt, trên khuôn mặt lam nham màu khói bom và màu đất ba zan. Vừa đưa tay vuốt bụi trên mặt, mồm nhổ phì phì nhìn qua tôi cười:
        - Mẹ cha nó, chắc em hít và nuốt nhiều bụi đất đỏ lắm anh ạ.
Tôi cảnh báo và động viên:
        - Sẽ còn ác liệt hơn nữa cậu ạ, sắp tới có xe tăng, xe chở quân tiếp viện nữa đấy. Phải chú ý bám chặt công sự chờ lệnh.
        Cậu tân binh làm bộ đứng nghiêm, đưa bàn tay đầy bụi đất lên trên trán hô to:
        - Rõ!
        Tôi không khỏi phì cười vì tính hồn nhiên của cậu lính trẻ, lần đầu mới sơ sơ nếm mùi bom đạn. Nhìn qua bên lão tân binh thày giáo, mặt mày nhem nhuốc chẳng thua kém gì, có điều do tuổi tác, hoặc đã từng làm thày nên tính tình kín đáo hơn, chỉ lấy vạt áo lau mồ hôi và bụi cùng nhoẻn miệng cười.
        Nghe tiếng xe ầm ì từ phía xa, cậu liên lạc đại đội chạy xuống truyền lệnh:
        - Lệnh đại đội mọi người phải chờ pháo hiệu mới được nổ súng.
        Từ phía xa chiếc xe tăng đi đầu còn cách chỗ chúng tôi cả trăm mét; những khẩu đại liên trên các xe tăng bắn xối xả vào hai bên sườn đồi. Tiếng đạn ngăm vào đất nghe phịch phịch... trúng những cành cây gãy kêu răng rắc. Hình như có cả tiếng súng phóng lựu M-79 của tụi lính bộ binh trên xe bắn hòa theo.Tôi cúi đầu xuống khỏi thành công sự, tay phải nắm chặt khẩu B-40, tay trái nắm quả đạn xoay cho cái chốt vào ngàm nghe tiếng: Cạch. Và tôi nhủ thầm: “Tụi bay cứ bắn đi, tý nữa sẽ biết mèo nào cắn mỉu nào”.
        Tiếng xe mỗi lúc một gần, súng đại liên trên các xe tăng đường đạn bắn gần nghe chát chúa, đầu đạn găm vào thành công sự cày từng mảng đất tung lên bụi mù màu đỏ. Khi làn đạn chúng bắn qua chỗ khác, tôi ngóc đầu lên nhìn, thấy hai chiếc xe tăng đi đầu nối tiếp là những xe chở quân lính mặc đồ rằn ri đều chỉa súng về hai bên sườn đồi, và cả những xe kéo những khấu pháo. Hai bên sườn đồi cả một đội quân phục kích nằm chờ vẫn im lặng.  Dưới đường đoàn xe hỗn hợp vẫn ầm ì nối đuôi nhau chạy tới, xen lẫn trong tiếng nổ của đủ loại đạn. Điều tôi lo nhất lúc này là hai tân binh, chỉ sợ lần đầu ác liệt như thế này mà mất tinh thần vọt lên khỏi công sự bỏ chạy; không những sẽ chết mà còn làm lộ vị trí phục kích thì... Nên thỉnh thoảng trong làn đạn của quân địch bắn về phía chúng tôi rát quá, tôi hét lên:
        - Núp xuống công sự không được thò đầu lên!
        Những thằng lính rằn ri trên các xe vận tải, chúng chĩa súng về hai bên đường, cứ thấy bụi cây hoặc mô đất nào khả nghi là thi nhau xả hàng tràng đạn súng tiểu liên cực nhanh. Tôi cứ thấp thỏm chờ pháo hiệu.
        Trên trời vụt lên vệt pháo hiệu màu đỏ, kèm theo là tiếng nổ lớn của súng B-41; tiếp theo là đủ các loại súng cả hai bên. Tôi chồm người lên thành công sự đưa khẩu B-40 nhắm vào chiếc xe tải chở quân xiết cò. Sau tiếng nổ của quả B-40 chỉ thấy chiếc xe tải lảo đảo xoay ngang. Tiếng người la hét kèm theo những tràng tiểu liên bắn loạn xạ. Tôi cúi người xuống lắp tiếp quả đạn nữa, nhắm vào đám khói mù mịt có phát ra tiếng súng, bóp cò. Bên cạnh tôi tiếng súng AK của hai tân binh và đồng đội cũng nổ giòn giã. Vẫn còn những tiếng súng tiểu liên ở dưới đường bắn lên. Tôi rút lựu đạn, mở nắp giật nụ xòe vung tay ném mạnh  xuống dưới đường cùng hô to:
        - Lự..u đạn!
        Hòa theo tiếng nổ quả lựu đạn của tôi là liên tiếp những tiếng lựu đạn của đồng đội. Sau một hồi bị vùi dập bởi hỏa lực của quân ta; tiếng đạn thẳng, đạn M 79, đạn pháo xe tăng... của địch bắn về phía chúng tôi thưa dần.
        Từ phía chân trời nghe tiếng phành phạch, ngước đầu lên tôi thấy hai chiếc trực thăng chiến đấu, loại này mình dẹp thon thon chứ không như loại trực thăng chở quân hai bên thân phình ra. Một bên sườn những chiếc trực thăng chiến đấu này, có cả một giàn hỏa tiễn mười mấy ống, hai cửa bên sườn là hai thằng lính ôm hai khẩu đại liên. Chúng đảo qua chưa được một vòng là tiếng súng đại liên bắn ra nghe ồ ồ như tiếng bò rống, hòa trộn trong tiếng súng đại liên là những quả hỏa tiễn phóng ra: Cảo đùng... cảo đùng! Đất, đá màu đỏ quyện trong khói đen của đạn hỏa tiễn bay lên mù mịt. Đơn vị trợ chiến phòng không nằm trên mấy ngọn đồi cao, cũng đang nhắm vào mấy chiếc trực thăng nhả đạn. Chưa đầy mười phút một chiếc đã trúng đạn bốc khói đen kịt, lảo đảo lao đầu vào góc núi phía xa; chiếc còn lại hoảng hồn bỏ chạy.
        Chiếc trực thăng vừa đi khỏi, ba chiếc phản lực từ cuối chân trời nhào tới bỏ bom. Sau mỗi đợt bom nổ là những trận mưa đất, đá rơi xuống ào ào, tôi chỉ biết mọp đầu xuống công sự, khấn thầm đứng có cục đá to nào rơi trúng người. Trong tiếng gầm rú của máy bay và tiếng bom nổ, bỗng tôi nghe tiếng la : Ối! Từ phía hầm bên tay phải tôi. Tôi nghĩ có lẽ lão tân binh thày giáo bị trúng mảnh bom rồi chăng? Vừa lúc ba chiếc phản lực bỏ hết bom đã bay đi. Vội trườn người lên khỏi công sự, tôi bò về phía hầm lão thày giáo; vừa bò vừa gào to:
        - Đồng chí Thơi! Thơi...
        Không nghe tiếng trả lời, tôi càng bò nhanh hơn, tới công sự của Thơi; thấy lão ta đang ôm ngực bên phải, máu chảy ra xối xả. Tôi kéo lão lên khỏi công sự, máu từ vết thương bên ngực phải cứ phụt mạnh ra theo mỗi hơi thở của lão. Sợ đạn thẳng của địch bắn trúng hai người, tôi kéo lão lại núp sau một gò mối. Vội vàng rút con dao găm bên hông ra, rạch một mảng áo ngay vết thương cho rộng, tôi chỉ thấy một lỗ găm vào chứ không có lỗ đạn xuyên ra. Tôi đoán có lẽ lão bị mảnh bom; nên không đủ lực xuyên qua bên kia như đạn thẳng bắn gần. Vội vàng tôi bóc cuộn băng cá nhân của lão, lấy dao găm cắt ra một đoạn vo tròn lại áng chừng vừa vết thương, lấy tay ấn mạnh vào trong đó; lão thày giáo oằn mình lên kêu:           
        - Á!
Lấy đầu gối đè lên người lão, tôi quát:
        - Nằm im, để tôi băng cho!
        Cuộn băng còn lại chỉ quấn được mấy vòng ngực, tôi tháo cuộn băng cá nhân của tôi ra quấn hết cho chắc ăn. Băng xong thấy lão không còn há mồm ra hít không khí nữa, do vết thương thủng phổi đã được bịt kín lỗ. Tôi vỗ vai lão an ủi:
        - Yên tâm đi, vết thương thủng phổi bên phải, tôi sẽ cho người đưa đồng chí về tuyến sau. Nằm điều trị ít ngày là về đơn vị thôi mà.
        Lão nhìn tôi ứa nước mắt không nói gì. Tôi gọi người tới đưa lão về tuyến sau.

        Qua chiến dịch quân ta đã chiếm được thị xã. Đơn vị tôi chốt chặn đã đánh tan tác nhiều lần quân tiếp viện; hoàn thành suất sắc nhiệm vụ trên giao. Ngày được lệnh rút quân khỏi chốt chặn, chúng tôi những người còn sống sót, hò reo vui mừng ôm nhau chảy nước mắt. Không thể hình dung ra nơi chúng tôi phục kích, cây cối bây giờ gãy xơ xác, đang héo quắt dưới cái nắng gay gắt của mùa khô. Đất đá đã bị bom, pháo cày đi cày lại nằm đỏ au, chen lẫn những mảnh bom, pháo và đá đang nằm phơi dưới ánh nắng ban mai. Tổng kết đợt đánh chặn này, tiểu đội tôi hy sinh hai trong đó có cậu tân binh tên Tới. Bị thương hai người trong đó có lão thày giáo tân binh.

        Đang say sưa với giấc ngủ trưa, giật mình thấy cái võng bị lay và tiếng gọi to:
       - Báo cáo tiểu đội trưởng...!
     Mở mắt ra nhìn tôi chỉ kịp ồ lên, chưa kịp hỏi han gì thì lão thày giáo đã tháo ba lô bỏ xuống đất; lấy ba lô làm ghế ngồi lão ôm lấy tôi giọng nhỏ nhẹ:
        - Không có tiểu đội trưởng hôm đó... chắc tôi...
        Tôi bật ngồi dậy trên võng, vỗ vai lão cười:
        - Trong chiến đấu đã là đồng đội coi nhau như anh em; ở hoàn cảnh như vậy ai cũng phải làm như tôi mà thôi.
        Ngước vội mắt lên nhìn tôi, lão nhỏ nhẹ nhát gừng:
        - Tôi biết tiểu trưởng hận tôi về chuyện đóng học phí; thú thật tôi áy náy suốt kể từ ngày tiểu đội trưởng phải bỏ học.
        Tôi nhếch mép cuời:
        - Tất nhiên cả đời tôi không bao giờ quên chuyện đó; tôi giận đồng chí thì ít nhưng tôi hận đời thì nhiều.
        Nhắc lại chuyện năm cũ lòng quặn thắt, giọng tôi trầm xuống:
       - Tôi chỉ buồn vì mẹ tôi mất sớm, bố tôi lại bị bệnh đau dạ dày kinh niên; nhà tôi gần như quanh năm ăn cháo độn với sắn, khoai lang phơi khô, củ dong riềng, thậm chí phải nấu cháo với cả rau má. Có mấy đồng đóng học phí mà...
        Tôi kéo cái điếu cày ra, vê một điếu thuốc lào to, bật lửa kê mồm vào rít một hơi dài thuốc. Miệng nhả khói mắt lừ đừ nhìn bâng quơ lên mấy ngọn cây; nơi có mấy con chim chích chòe đang hót. Vỗ vai lão tôi nói dứt khoát:
        - Nhưng mà thôi, mỗi người đều có số phận cả, đồng chí đừng suy nghĩ làm chi nữa cho mệt. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; cầu mong Trời Phật phù hộ cho chúng ta còn sống tới ngày hòa bình là phúc đức lắm rồi.
        Lão ấp úng:
        - Nhưng dù sao tôi cũng mong tiểu đội trưởng thứ lỗi cho tôi. Chẳng qua tôi làm vậy cũng là do lệnh cấp trên...
        Ngước mắt lên nhìn thẳng vào mắt lão, tôi gằn giọng:
        - Chúng ta đi lính đây cũng bởi lệnh tổng động viên. Khi một đất nước có hai chế độ thì bên nào cũng đưa ra chiêu bài mỵ dân: vì lý tưởng này, lý tưởng kia.... Kích động sự hận thù; để rồi không đồng chính kiến thì gây ra chiến tranh. Trận đánh vừa qua cũng là lệnh của cấp trên. Suy cho cùng chúng ta là những dân đen trong chế độ nào cũng thế, đều chịu sự thiệt thòi và chết chóc vì những lý tưởng mà họ tuyên truyền, và những luật lệ họ ban ra.
        Tôi buồn buồn nhìn lão:
        - Hết chiến tranh nếu đồng chí còn sống sẽ trở về với nghề dạy học, có công việc ổn định; còn thất học như tụi tôi...
        Tôi bỏ lửng câu nói, chớp chớp hai mi mắt cố kìm những giọt nước mắt muốn ứa ra, nhìn mông lung về phía chân trời. Lão nhìn tôi:
        - Tôi biết... tôi biết!
        Và lão cúi nhanh xuống, lấy tay áo lính quệt vội những giọt nước mắt bất chợt tuôn ra.

                                        VIỆT THẮNG

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét