Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

NỮ TƯỚNG HỌ TRẦN: LINH TỪ QUỐC MẪU TRẦN THỊ DUNG / Trần Nguyên Trung


Ts. Trần Nguyên Trung


        Vào cuối triều Lý đã xuất hiện 2 người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Đó là Lý Chiêu Hoàng và Trần Thị Dung.


        Lý Chiêu Hoàng là Nữ Hoàng cuối cùng của triều Lý. Còn Trần Thị Dung (?- 1259) là một cô gái làng chài có nhan sắc đã nên duyên với Thái tử Sảm trong lần chạy loạn về Hải Ấp (sau này là vua Lý Huệ Tông) và trở thành Hoàng Hậu nhà Lý.

        Lý Chiêu Hoàng (là con gái thứ 2 của vua Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung) nhiếp chính thay vua cha lúc 7 tuổi, đã chính thức kết duyên với Trần Cảnh (8 tuổi) (con trai Trần Thừa), sau đó nhường ngôi cho chồng, chấm dứt hơn 200 năm cầm quyền của nhà Lý.

Tương thờ Trần Thị Dung
        Trần Thị Dung là người con gái họ Trần có tài sắc, thông minh và có chí lớn. Bà cũng là người có nhiều công lao đóng góp trong việc gây dựng nghiệp nhà Trần, mở ra một triều đại lừng lẫy trong lịch sử dân tộc với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi.

        Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ năm Mậu Ngọ (1258), trước thế mạnh của giặc, chủ trương của triều đình nhà Trần là tạm thời rút khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng, thực hiện mưu kế “vườn không nhà trống”, từng bước tiêu hao sinh lực địch bằng chiến thuật phục kích, tập kích bất ngờ khi có thời cơ.

        Trong khi các tướng lĩnh nhà Trần phải dồn sức ngăn chặn giặc Nguyên- Mông trên tuyến đầu, Trần Thị Dung được giao nhiệm vụ tổ chức sơ tán toàn bộ lực lượng, dân chúng ra khỏi thành Thăng Long và bảo vệ an toàn cho các vương tôn, quý tộc nhà Trần, đồng thời tích trữ đầy đủ lương thảo phục vụ quân đội tác chiến.

        Trước khi rút khỏi kinh thành Thăng Long, bà đã huy động thợ ngày đêm rèn đúc vũ khí, đôn đốc công việc chuẩn bị tích trữ lương thảo, vận chuyển về hậu phương an toàn. Dưới sự chỉ huy của bà, các thuyền bè lánh nạn có thu giấu binh khí đều bị khám xét và tịch thu để dùng vào việc quân.

        Ngày 13 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1257), khi quân đội nhà Trần cho phá cầu Phủ Lỗ (nay thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội), bày trận ở bên sông, chặn đánh giặc Mông Cổ, cũng là lúc Trần Thị Dung chỉ huy đoàn người lặng lẽ, trật tự rút khỏi kinh thành Thăng Long an toàn tuyệt đối.

        Giặc Nguyên- Mông sau khi phá vỡ các tuyến phòng ngự của quân dân Đại Việt đã dương dương tự đắc tiến thẳng vào thành Thăng Long nhưng kinh thành không có lương thực khiến cho chúng gặp rất nhiều khó khăn.

        Ngày 24 tháng Chạp, quân dân nhà Trần mở trận tập kích bất ngờ ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, khoảng phía trên cầu Long Biên, Hà Nội), khiến cho quân giặc không kịp trở tay, quân Mông Cổ đại bại đành rút chạy về nước. Kinh thành Thăng Long được giải phóng sau 9 ngày bị giặc chiếm đóng.

        Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258) của quân dân nhà Trần đã giành thắng lợi to lớn. chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của Nữ Tướng họ Trần Trần Thị Dung.

        Không chỉ là nữ Tướng giỏi về việc nước mà trong Hoàng tộc, Trần Thị Dung còn là một phụ nữ rất có uy tín và có sức thuyết phục. Khi An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với em trai mình là vua Trần Thái Tông, bà Trần Thị Dung với tư cách là người cô của vua đã đứng ra dàn xếp cuộc hòa giải. Nhờ đó, tình nghĩa huynh đệ được thắt chặt hơn, đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, phát huy sức mạnh đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

        Tháng Giêng, năm Kỷ Mùi (1259), bà qua đời, hưởng thọ gần 70 tuổi, được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ Quốc mẫu.

        Lịch sử VN ghi nhận, vương triều Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhiều danh nhân lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… nhưng không thể không nhắc đến Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

        Cuộc đời và sự nghiệp của Bà đã trở thành một biểu tượng anh hùng của người PNVN, gắn liền với sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Đúng như sử thần Ngô Sĩ Liên nhận định: "Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy".

        Hiện nay, khu lăng mộ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung đã được UBND tỉnh Thái Bình đầu tư xây dựng, mở rộng, khang trang, đẹp đẽ. Cuối năm 2008, cùng với lễ yên vị thánh tượng các vua đầu triều Trần và Trần Thủ Độ, thánh tượng Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung cũng được long trọng đưa vào thờ phụng tại nội điện Thái Đường Lăng (cụm di tích Đền thờ các vua Trần), thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

        Đây không chỉ thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với công lao to lớn của bà mà còn là sự tôn vinh tấm gương người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong lịch sử dân tộc.


        TRẦN NGUYÊN TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét