Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN (1230 – 1300)

 

 


 


I - ĐÔI NÉT TIỂU SỬ HÀNH TRẠNG TRẦN QUỐC TUẤN

 

         Quê tại xã Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Năm sinh của ông có sách chép là 1228, 1231…

        Ông là con trai thứ ba của Khâm Minh đại vương Trần Liễu – anh cả của Trần Thái Tông Trần Cảnh, do vậy Trần Quốc Tuấn gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Cho đến nay vẫn không rõ mẹ ông là ai, có một số giả thiết đó là Thiện Đạo quốc mẫu, huý là Nguyệt, một người trong tôn thất họ Trần.(1)  Sau khi Trần Liễu mất (1251), theo "Trần triều thế phả hành trạng" thì bà Trần Thị Nguyệt đã xuất gia làm ni sư, hiệu là Diệu Hương. Ông có người mẹ nuôi đồng thời là cô ruột, Thụy Bà công chúa.(2)

         Năm1257, ông được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất (1258).

        Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, ông được phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước.  

          Năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đứng đội quân xâm lược của Trấn Nam vương Thoát Hoan xâm lược nước ta lần thứ hai.

         Năm 1288, ông chỉ huy quân Trần đánh bại cuộc xâm lăng nước ta lần thứ ba của quân Nguyên. 

         Tháng 4 âm lịch năm 1289,  ông được gia phong "Đại vương".

  Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp, mất năm 1300.

         Ông để lại các tác phẩm kinh điển như Hịch tướng sĩBinh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời Trần đến tận ngày nay.

 

        Các đền thờ ông tiêu biểu:

 

  Đền Kiếp BạcTp.Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đệ Nhất Linh từ

  Đền Sơn HảiBạch Đằng, Quận Hoàn Kiếm,Thành Phố Hà Nội. Sơn Hải Linh Từ

  Đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnhThái Bình

  Đền Trần, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

  Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đệ Nhị Linh từ.

Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định

Đền Cao An Phụ, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

  Đền Trần Hưng Đạo, xã Khánh CưYên Khánh, tỉnh Ninh Bình

  Đền Trần, làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà TrungThanh Hóa

  Đền Trần Hưng Đạo, làng Thành An, xãNghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

  Đình An Quý, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

  Đền Tân Phẩm, tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đền Linh Quang, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế

  Đền Trần Thương, tỉnh Hà Nam

  Đền Thái Vihành cung Vũ Lâm, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

  Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, ở 36 đường Võ Thị Sáu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

  Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, số 92 Dương Khuê, phường Hiệp Tân, quận Tân Phúthành phố Hồ Chí Minh

  Đình Tân Phong, thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

  Điện thờ Đức Thánh Trần, thôn Quang Trung, xã Diên Hông, huyện Thanh Miện, tỉnhHải Dương

  Đền thờ Đức Thánh Trần, thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, tỉnhNinh Bình

  Đền thờ Đức Thánh Trần, ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

  Đền thờ Đức Thánh Trần, đường Nguyễn Ái Quốc, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

  Đền thờ Hồi Nguyên Đường, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

  Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thôn Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội

  Di tích chùa Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

  Đền thờ Trần Hưng Đạo, số 124 đường Nguyễn Trãi, thành phố Nha Trang, tỉnhKhánh Hòa

  Đền thờ Đức Thánh Trần, số 68 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

 

II- MỘT NHÂN CÁCH LỚN

 

          Người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị Thánh trong tâm thức người Việt Nam. Nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn là Thánh vì sự hoàn thiện cả về tài năng và nhân cách của ông.

  

1- Trần Quốc Tuấn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân và gia đình. Ý thức trách nhiệm đó đã chi phối mọi hành động và mọi mối quan hệ xã hội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của ông, làm cho nhân cách ông trở nên lớn lao và cao đẹp.

 

         Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng về lòng trung quân ái quốc. Chính lòng trung thành đó đã giúp ông xử sự các mối quan hệ xã hội một cách đúng đắn, luôn vì lợi cho quốc gia, dân tộc. Trong xã hội phong kiến, chữ “trung” và chữ “hiếu” rất được coi trọng. Trần Quốc Tuấn đã nêu một tấm gương trong việc giải quyết mối quan hệ giữa trung và hiếu một cách trọn vẹn, biểu hiện rõ nhân cách lớn của ông – một bài học về đạo làm con khi quốc gia có đại sự.

 

          Cha Trần Quốc Tuấn là Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép nhường vợ đang có mang cho em trai là vua Trần Thái Tông. Trần Liễu nổi dậy chống lại nhưng bị thất bại. Từ đấy, Trần Liễu mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Trần Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh (Trần Liễu) cầm tay Trần Quốc Tuấn giối giăng rằng: “Con mà không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.(3)

 

          Sau này Trần Quốc Tuấn đem chuyện đó hỏi con trai mình là Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng có ý  muốn ông cướp ngôi nhà Trần. Ông nổi giận rút gươm toan xử tội và dặn người nhà rằng: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.(4)

 

          Lúc vua Trần lâm nguy, khi quân quyền đất nước nằm trong tay, Trần Quốc Tuấn vẫn một lòng trung thành với vua Trần, không hề có ý định thực hiện nguyện vọng của cha. Điều đó càng khẳng định nhân cách cao đẹp dũng cảm hiến dâng quyền lợi cá nhân và gia đình cho dân tộc của Trần Quốc Tuấn.

 

          Vào thời thịnh trị, các vua Trần có tài cao đức lớn đã thực sự là những ông vua sáng xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân. Vì vậy trung với vua cũng là trung với nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, Trần Quốc Tuấn một lòng phò vua cứu nước.

 

         Trong lúc xa giá nhà vua xiêu dạt, Trần Quốc Tuấn thường dùng cây gậy đầu bịt sắt nhọn để chống khi đi theo vua. Vua và quần thần thấy Trần Quốc Tuấn là bậc kỳ tài, lại có mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương nên rất lo ngại. Trần Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không. Những việc làm như thế đã xua tan mối ngờ vực của mọi người. Ông được vua Trần tin cậy ban cho đặc quyền nhưng ông không bao giờ lạm dụng những đặc quyền đó.

 

          Ngô Sĩ Liên có lời bình về việc này như sau:

 

          “Ban tước cho người là quyền của Thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi”... “Bề tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương”.(5)

 

         Điều đó cho thấy Hưng Đạo Vương rất nghiêm trong giữ gìn kỷ cương phép nước.

 

          2- Trong hoàng tộc, Trần Quốc Tuấn luôn cẩn trọng xử sự sao cho triều đình đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Ông chủ động dẹp mối bất hòa với Trần Quang Khải. Mối bất hòa giữa Trần Quốc Tuấn (con Trần Liễu) và Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai chi của họ Trần. Sự hòa hợp giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chính là biểu hiện thống nhất ý chí của vương triều Trần, góp phần đánh thắng giặc Nguyên hung hãn.

 

          Trần Quốc Tuấn hiểu rằng ông có được quân dân tin yêu hay không, sự thành bại của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông mà ông làm Quốc công tiết chế phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết trong hoàng tộc mà mối quan hệ giữa ông và Trần Quang Khải là tiêu biểu. Đoàn kết hoàng tộc vì lợi ích quốc gia là yếu tố quan trọng để chiến thắng quân xâm lược. Vì vậy Trần Quốc Tuấn sẵn sàng từ bỏ cái lợi ích riêng của mình, khi cần ông dám từ chối ân huệ của vua.

 

         Khi Trần Quang Khải theo Trần Thánh Tông đi đánh giặc, ghế Tể tướng bỏ không, vừa lúc sứ phương Bắc đến. Thái Tông phong Trần Quốc Tuấn là Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn chỉ nhận nhiệm vụ tiếp sứ, còn chức Tư đồ thì ông từ chối vì sợ “tình nghĩa trên dưới e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng quan gia và Quang Khải”.(6)

         

          3- Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông cưu mang, bồi dưỡng, trọng dụng và tiến cử nhiều người tài đức cho triều đình nhà Trần như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... Ông biết nhận xét đánh giá và sử dụng các tướng lĩnh bằng cả tài thao lược và nhân tâm. Những người này đều vốn là gia thần hoặc môn khách của Trần Quốc Tuấn. Họ thực sự là những người nổi tiếng về văn chương, quân sự và chính trị thời bấy giờ.

 

          Quả là Trần Quốc Tuấn chọn tướng thật tinh tường, thương quân hết mực. Tướng ấy, quân ấy sẽ là đội quân không thể chiến bại.

 

          4- Trần Quốc Tuấn là người có ý thức trách nhiệm rõ nét về cuộc đời mình. Chúng ta chưa có đủ tài liệu để dựng lại toàn bộ cuộc đời riêng, những quan hệ và sinh hoạt cá nhân đời thường của Trần Quốc Tuấn, nhưng ta vẫn có thể tìm thấy trong chính sử những dấu ấn về cuộc đời ông trong lĩnh vực này.

 

          Năm 1251, vua Trần Thái Tông “Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn”.

          “...Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa...”

          “...Vua bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn”.(7)

 

          Chúng ta biết rằng Đại Việt sử ký toàn thư được hoàn thành chủ yếu vào thế kỷ XV, thế kỷ mà tư tưởng Nho giáo là tư tưởng thống trị. Các nhà viết sử với quan điểm Nho giáo đã tỏ thái độ rất khắt khe đối với các hành động vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo của nhà Nho. Họ nghiêm khắc phê phán hành động “cướp lấy công chúa” của Trần Quốc Tuấn. Còn ở thế kỷ XIII, tư tưởng Phật giáo được coi là tư tưởng chính thống, các mối quan hệ con người với con người chưa bị ràng buộc chặt chẽ, nghiệt ngã của tư tưởng Nho giáo. Những biểu hiện nhân cách kiểu như Trần Quốc Tuấn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Ở thế kỷ này, chúng ta bắt gặp một Trần Ích Tắc sắc sảo nhưng đố kị và ích kỷ, một Trần Khánh Dư tài giỏi nhưng cũng mang đầu óc vụ lợi cá nhân, một Trần Tung thiền sư nổi tiếng với phong cách phóng cuồng... Những nhân cách rất riêng ấy là biểu hiện của yếu tố làm nên bản sắc riêng của từng người, tạo ra bản sắc thời Trần tỏa sáng hào khí Đông A.

 

         Hành động táo bạo cướp công chúa, bất chấp lệnh vua, không sợ nguy hiểm, làm một việc đã rồi buộc vua Trần phải chấp nhận của Trần Quốc Tuấn là biểu hiện sự “nổi loạn” của mối tình không chịu ép buộc và xếp đặt của người khác, đòi được tự do yêu đương và lựa chọn xây dựng hạnh phúc lứa đôi, cho thấy thời trai trẻ Trần Quốc Tuấn có tình yêu mãnh liệt và bột phát.

 

          Nhân cách của Trần Quốc Tuấn luôn được đề cao trong các tài liệu lịch sử, cũng như trong các tác phẩm văn học. Vào thế kỷ XV, khi chế độ phong kiến Việt Nam cực thịnh, một học giả uyên thâm là Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm (1456-1522) đã làm thơ ca ngợi như sau:

          Sinh phùng gia hấn thệ thấu trung

          Mậu kiến Trung hưng đệ nhất công

          Một hậu uy do tôi bắc lỗ

          Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong.

Dịch:

          Quyết bỏ hiềm nhà vẹn chữ trung

          Trung Hưng nghiệp lớn lập nhiều công

          Uy còn phá giặc thân tuy thác

          Tiếng gió gầm đêm kiếm múa vung (8)

 

          Đến thế kỷ XVII, trong Thiên Nam ngữ lục (chữ Nôm) cũng hết lời ca ngợi công đức, nhân cách của Trần Quốc Tuấn:

          Đền công huyết thực muôn xuân

          Sắc Thượng đẳng thần, muôn kiếp khói hương(9)

 

          Nhiều tác phẩm như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, hay Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính cũng luôn đề cao nhân cách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

 

          Tính cách mạnh mẽ đấu tranh cho quyền tự do, ý thức sâu sắc và hành động đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với quốc gia dân tộc thể hiện nhân cách lớn của Trần Quốc Tuấn. Có lẽ ông trở thành Đức Thánh Trần trong tâm thức dân gian không chỉ vì ông là một tài năng, mà còn là vì nhân cách cao đẹp của ông.

 

 

Iii- TƯ TƯỞNG “DĨ ĐOẢN, CHẾ TRƯỜNG" – ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

 

          Vào thế kỷ XIII, trong 30 năm (1258 – 1288) quân dân nhà Trần đã ba lần đại thắng Nguyên Mông, viết lên trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Vì sao và bằng cách nào mà nước Đại Việt nhỏ bé, quân ít, dân không đông, tiềm lực có hạn lại đánh thắng một đội quân xâm lược khổng lồ, hùng mạnh và tàn bạo nhất trong lịch sử, có trang bị mạnh, từng chinh phục đại bộ phận lục địa từ Á sang Âu? Để lý giải triệt để điều này, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn tiếp tục phân tích ngày càng rõ ràng hơn. Một trong những lý giải cho điều đó là Đại Việt đã vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự “Dĩ đoản (binh), chế trường (trận)” mà Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết.

 

          Năm 1300 Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần tới thăm và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn đã đúc kết kinh nghiệm trong suốt cuộc đời đánh giặc giữ nước của mình một cách súc tích:

 

          - “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã(10), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế.

 

          Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tuỳ thời tạo thế, có được một đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.(11)

 

          Trần Quốc Tuấn cũng từng dạy: “Phàm đánh trận thì đánh chỗ tĩnh yếu, lánh chỗ tĩnh mạnh; Đánh chỗ nhọc mệt, lánh chỗ nhàn rỗi; Đánh chỗ sợ lớn, lánh chỗ sợ nhỏ; Đó là đạo lý từ xưa nay vậy”... “Phàm hay lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch mạnh, lấy nhỏ mà chế lớn, thế mới gọi là thiện chiến”.(12)

 

          Theo tinh thần câu nói trên của Trần Quốc Tuấn, ta có thể hiểu:
          - Đại quân là quân lớn, quân đông, tức trường trận dùng để đánh những trận lớn.
          - Đoản binh là quân nhỏ, quân ít dùng để đánh tập kích và phục kích.

 

          Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần hồi thế kỷ XIII, ta có thể hiểu dĩ đoản chế trường là dùng lực lượng bộ binh nhỏ bé của Đại Việt để chế ngự kỵ binh hùng mạnh của quân Nguyên, bằng cách tránh cái mạnh của địch là tác chiến kỵ binh, công phá thành, đánh trên bộ... đồng thời lợi dụng và khoét sâu cái yếu của địch như thuỷ chiến, cướp lương, buộc địch phải dàn mỏng lực lượng trên địa bàn nhiều sông ngòi lầy thụt mà không phát huy được thế mạnh để tiêu diệt chúng.

 

Tóm lại, thực chất của tư tưởng quân sự dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn là dùng nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, dùng trang bị kém đánh đối phương có trang bị mạnh, phát huy mặt mạnh của ta, hạn chế mặt mạnh của địch để đánh thắng chúng.

 

          Tư tưởng chỉ đạo tác chiến dĩ đoản chế trường được thực hiện trong suốt lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và là một biểu hiện độc đáo của trường phái quân sự Việt Nam.

          Nước ta đất không rộng, người không đông, tiềm lực dựng nước và giữ nước hạn chế, lại luôn luôn phải đối phó với sự xâm lăng của quốc gia phong kiến phương bắc lớn mạnh hơn hẳn.  Muốn đứng vững, tồn tại và phát triển với tư cách là một nước độc lập tự chủ, không bị đồng hoá, không bị thôn tính và biến thành nước chư hầu của phong kiến phương Bắc, cộng đồng người Đại Việt phải đoàn kết chặt chẽ, lựa chọn kế sách, tìm ra nghệ thuật giành thắng lợi trước kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Dĩ đoản chế trường là một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam được hình thành từ thời Đinh, Lý đến thời Trần, được Trần Quốc Tuấn tổng kết, khái quát, vận dụng và phát triển với chất lượng mới. Thực tiễn ba lần đại thắng Nguyên Mông là một điển hình cho sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn.

 

          Trần Quốc Tuấn đã chỉ rõ, muốn đánh thắng giặc Nguyên, phải “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, phải đề cao tinh thần cố kết dân tộc, quân với dân một ý chí, tướng sĩ như cha con, toàn dân đánh giặc. Để thực hiện được tư tưởng dĩ đoản chế trường, lấy ít đánh nhiều, đòi hỏi quân đội phải tinh nhuệ, thiện chiến. Trong việc xây dựng quân đội, Trần Quốc Tuấn coi trọng chất lượng hơn số lượng. Ông từng nói: “Quân sĩ quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm được gì?” (13)

 

         Chính Trần Quốc Tuấn đã rèn luyện tướng sĩ theo nguyên tắc “quân quý tinh bất quý đa”, nhờ vậy mà quân Trần đánh thắng quân Nguyên dù chúng đông hơn gấp nhiều lần. Trần Quốc Tuấn từng soạn Binh thư yếu lược và sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư để truyền dạy binh pháp và luyện tập tướng sĩ.(14)

 

          Trước số lượng đông của đội quân xâm lược, Trần Quốc Tuấn không hề dao động. Ông chỉ rõ vai trò của người làm tướng và binh lính tinh nhuệ trong chiến đấu: “Kể ra, tướng là chí, ba quân là khí. Khí dễ động mà khó chế. Do tướng chế mà trấn tĩnh thì sợ hãi có thể định, phản trắc có thể yên, trăm vạn quân có thể tiêu diệt được. Chí ngay thẳng mà mưu có một, khí phấn khởi mà dũng gấp đôi thì thắng”.(15)

 

          Rõ ràng, trong việc xây dựng quân đội, Trần Quốc Tuấn coi trọng yếu tố tinh thần, quân tinh nhuệ phải là đội quân có lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc, phải biết biến lòng yêu nước thành hành động thiết thực. Ông đọc Hịch tướng sĩ kêu gọi mọi người “huấn luyện binh sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; Có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”. Ông chỉ rõ lợi ích thiết thực của việc đánh giặc giữ nước, lên án những kẻ “lo làm giàu mà quên việc nước”. Ông đòi hỏi quân sĩ phải đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Ông nêu một tấm gương sáng về lòng trung thành với dân với nước, dẹp hiềm khích gia đình để chiến thắng quân xâm lược. Quân sĩ nhà Trần đã thích lên cánh tay hai chữ “Sát thát” thể hiện quyết tâm không đội trời chung với giặc Nguyên.

 

         Trong nghệ thuật dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn, vấn đề nổi bật là tránh cái mạnh của địch, lấy cái mạnh của ta để đánh cái yếu của địch.

 

         Quân Nguyên Mông vốn quen với yên ngựa, cung tên từ khi năm, sáu tuổi, rất giỏi chiến đấu bằng kỵ binh, cơ động nhanh, mạnh về tiến công phá thành luỹ. Đội quân kỵ binh Nguyên Mông đã từng làm mưa làm gió từ Á sang Âu mà không hề thất bại. Ba lần xâm lược Đại Việt, nhất là lần thứ hai và ba, chúng dùng đội quân viễn chinh thiện chiến đông gấp nhiều lần quân Trần. Đó là cái mạnh cơ bản của địch. Nhưng vào đất Việt, chúng gặp phải những khó khăn không dễ gì khắc phục được như đường xa mỏi mệt, vận chuyển lương khó khăn, thuỷ binh yếu kém, gặp địa hình núi sông ngang dọc nên kỵ binh không thể phát huy ưu thế như tác chiến trên thảo nguyên đồng cỏ. Đó là chỗ yếu cơ bản của địch.

 

  Quân ta có đội tượng binh nhưng cơ động chậm, khó thắng được kỵ binh địch, ta phải dùng bộ binh đánh kỵ binh. Quân ta thông thạo địa hình, quen tác chiến trên sông và vùng ven biển, thuỷ quân của ta mạnh hơn thuỷ quân địch, huy động toàn dân đánh giặc với tinh thần cố kết dân tộc cao độ.

 

          Tháng 12 – 1257 quân Trần đánh chặn quân Nguyên ở Bình Lệ. Mặc dù có đội tượng binh chiến đấu ngoan cường và đích thân vua Trần chỉ huy, nhưng không thắng nổi kỵ binh thiện chiến của giặc, quân Trần phải làm vườn không nhà trống, bỏ kinh thành Thăng Long, rút về vùng Thiên Mạc. Khi quân Nguyên lâm vào cảnh thiếu lương ăn, mất đi cái nhuệ khí ban đầu thì quân Trần phản công, thắng lớn trận Đông Bộ Đầu, đánh tan cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất của quân Nguyên.

 

          Tư tưởng lấy nhàn chờ nhọc, dĩ đoản chế trường của Trần Quốc Tuấn hẳn đã manh nha và hình thành từ cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, để rồi được bổ sung và hoàn chỉnh trong lần kháng chiến sau, khi Trần Quốc Tuấn đã toàn quyền chỉ huy quân đội.

 

          Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn tổ chức phòng ngự có chiều sâu nhằm tiêu hao sinh lực địch và không để chúng đánh vu hồi, nếu có thể thì chặn đứng giặc tại biên giới. Đích thân Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh thắng trận đầu ở ải Nội Bàng, nhưng thế giặc hung hãn buộc quân ta phải lui về phòng tuyến Vạn Kiếp, Bình Than, Phả Lại. Tháng 2 – 1285 quân Nguyên tăng cường đội chiến thuyền lớn, tấn công quyết liệt. Quân ta chặn đánh gây cho địch nhiều tổn thất, nhưng kéo dài tình trạng này sẽ không có lợi cho ta. Trần Quốc Tuấn quyết định thực hiện kế “thanh dã” rút khỏi Thăng Long, lui quân về vùng Thiên Trường để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công. Giặc chiếm được kinh thành rỗng không. Trần Quốc Tuấn đem 1000 chiến thuyền trở lại Vạn Kiếp đánh vào sau lưng địch, làm cho Thoát Hoan phải kinh hoàng vì “bị treo lơ lửng ở giữa”.(16)

 

          Như vậy, từ phòng ngự chiến lược không thực hiện được, mau lẹ chuyển sang rút lui chiến lược một cách tài tình, Trần Quốc Tuấn đã thực hiện được điều ông suy nghĩ: “Vì là biết khó mà lui, lường thế không thể thắng được, bèn thu vén quân mà rút lui, hơn là tiến mà mất vậy”.(17)

 

          Tư tưởng này được thể hiện rõ rệt trong cuộc thoát hiểm tài tình vào tháng 3 – 1285, khi Trần Kiệm đầu hàng giặc ở Thanh Hoá, bỏ ngỏ phía Nam, làm cho quân Trần lâm vào tình thế hết sức nguy cấp là nằm giữa hai gọng kìm của địch. Thoát Hoan từ phía bắc đánh xuống Thiên Trường, Toa Đô từ phía nam tiến công Trường Yên. Quân ta bí mật rút lui qua cửa bể Giao Hải ra biển, làm cho giặc chưng hửng vì mất mục tiêu, không thi thố được sở trường và nhanh chóng rơi vào tình trạng quẫn bách vì thiếu lương ăn, vì ốm đau do không quen khí hậu.

 

         Chỉ trong một tháng (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 - 1285) quân ta phản công thắng lớn trong các trận A Lỗ, Giáng Khẩu, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, giải phóng Thăng Long, truy kích địch ra khỏi biển giới.

 

         Tránh cái mạnh của địch, dùng cái mạnh của ta để đánh cái yếu của địch, buộc địch phải bị động theo ý định tác chiến của ta, nắm thời cơ khi địch quẫn bách để phản công giành toàn thắng. Đó là biểu hiện sáng tạo tư tưởng dĩ đoản, chế trường mà Trần Quốc Tuấn đã vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Tư tưởng này đã được Trần Quốc Tuấn đưa tới đỉnh cao của nghệ thuật quân sự đương thời.

 

          Năm 1288 quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ ba với 50 vạn quân, ngoài bộ binh và kỵ binh còn có 500 chiến thuyền và một đoàn thuyền chở 70 vạn thạch lương. Trần Quốc Tuấn tự tin nhận định: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Lần kháng chiến này Trần Quốc Tuấn tổ chức trận địa phòng ngự tiêu hao địch nhưng đều để chúng đi qua, chủ động dụ chúng vào vòng vây thế trận của ta. Tháng 1 – 1288 Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, thọc một mũi dao vào tử huyệt của giặc, làm chúng không thể kéo dài cuộc chiến. Giặc vào Thăng Long nôn nóng tiêu diệt đối phương nhưng không tìm thấy dấu vết quân Trần, chúng buộc phải lui về Vạn Kiếp và tính kế rút quân. Từ thế chủ động tiến công, giặc lâm vào thế bị động lui quân và rơi vào trận địa quân Trần chờ sẵn. Quân thuỷ của giặc bị ta phá tan trong trận Bạch Đằng. Quân bộ của Thoát Hoan bị quân Trần cùng dân binh truy kích đánh cho tơi tả trên đường rút lui ra biên giới.

 

  Với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, Trần Quốc Tuấn đã chứng tỏ là một vị tướng lĩnh tài ba. Tư tưởng dĩ đoản chế trường mà ông có công tổng kết không chỉ là những tri thức quân sự thuần tuý, mà nó được bảo đảm chắc thắng dựa trên lĩnh vực chính trị “dân là gốc”, “toàn quốc đánh giặc”, “anh em hoà mục”, “tướng sĩ như cha con”.

 

         Tránh cái thế “hăng hái lúc ban mai” của địch, làm cho đội kỵ binh địch bị dàn mỏng trên địa hình sông ngòi chật hẹp, lầy thụt mà không phát huy được tác dụng; Dùng kế “thanh dã ”, triệt lương của giặc, đẩy chúng vào cái thế “tàn lụi lúc buổi chiều”; Lợi dụng sở đoản, kiềm chế sở trường của địch; Phát huy sở trường của ta là quen đánh giặc ở vùng sông nước và ven biển, buộc địch phải bị động tác chiến theo ý đồ của ta. Đó là nguyên tắc nghệ thuật quân sự, phép dùng binh của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cả hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông mà Trần Quốc Tuấn nắm toàn quyền chỉ huy quân đội, ông đều lợi dụng được địa hình, khí hậu, thuỷ văn có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Hai cuộc rút lui chiến lược của quân Trần đều theo đường thuỷ làm cho kỵ binh địch trở nên bất lực. Các trận thắng quyết định của quân Trần thường là thuỷ chiến, ở vùng sông nước mà đỉnh cao là trận Bạch Đằng lịch sử.


          Tư tưởng “dĩ đoản (binh), chế trường (trận)” được Nguyễn Trãi phát triển trong kháng chiến chống Minh thắng lợi. Nhân dân ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự dĩ đoản, chế trường, phát triển chiến tranh du kích kết hợp với quân chủ lực, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, nâng tư tưởng quân sự này tới đỉnh cao mới trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Nghệ thuật dĩ đoản, chế trường là một sáng tạo sâu sắc của dân tộc ta dùng chống lại kẻ thù đông và trang bị mạnh hơn hẳn mà Trần Quốc Tuấn có công khái quát, tổng kết với chất lượng mới trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông toàn thắng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

                                              TRẦN MỸ GIỐNG

 

….………….

 

Chú thích:

(1) "Trần triều thế phả hành trạng", tr.542, 543.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2) tr. 21 và 77.

(3), (4) Đại Việt sử ký toàn thư. - H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2. – Tr. 79-80.

(5), (6), (7) Sđd. – Tr. 10.

(8) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. – H.: Văn hóa, 1958. – Tr. 81.

(9) Tổng tập văn học Việt Nam. – Khoa học xã hội, 1997. – T.7. – Tr. 904.

(10) Thanh dã: Làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chỗ nào.
(11) Đại Việt sử ký toàn thư. – BK5. – T9a
(12) Binh thư yếu lược. – H.: Khoa học xã hội, 1970.
(13) Đại Việt sử ký toàn thư. BK 5. T51b
(13) Đại Việt sử ký toàn thư. BK5. T14a
(15) Binh thư yếu lược. H.: Khoa học xã hội, 1970. Tr.56
(16) Nguyên sử. – Q.13. – T.8b
(17) Binh thư yếu lược. – H.: Khoa học xã hội, 1970. – Tr. 385

 

* Phần II bài viết đã in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định. - H.: Quân đội nhân dân, 2000. - Tr. 209 - 214.

 

* Phần III bài viết đăng tạp chí Văn hoá Nam Định. – 2004. – Số 3. – Tr. 45 – 48. và trong Khoa học công nghệ Nam Định. – 2005. – Số 1. – Tr. 16.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét