Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

CÂU CHUYỆN XÂY NHÀ CỤ TÚ

Trần Thị Nhật Tân

 


           Những năm 80 thế kỷ trước, mộ thi sĩ Trần Tế Xương nằm sát hàng rào khuôn viên hồ Vị Xuyên, đối diện sở văn hóa. Khi ấy tôi đang bị “mất dạy” vì viết tiểu thuyết “Dòng xoáy” phản ánh tình trạng bán điểm, bán bằng, trù dập học sinh, trù dập giáo viên hết lòng vì học sinh. Ban ngày tôi đi làm thuê kiếm sống. Đêm tôi ngồi chân cột điện gần mộ cụ Tú, viết đi viết lại “Dòng xoáy”. Nhìn mộ cụ lùm lùm cỏ xác xơ, vài ba cọc sắt cắm xiêu vẹo, tôi quặn lòng xa xót. Tôi thường thắp hương lên mộ cụ cho ấm cõi lòng. Rồi một chiều, đầu tôi nảy ra 8 câu thơ. Tôi lấy bút viết ngay, không sửa một từ nào:

 

  VIẾNG MỘ TÚ XƯƠNG

 

Chiều hôm viếng mộ Tú Xương

Hàng cây đứng lặng bên đường buồn sao

Lối mòn một đoạn đi vào

Thấp tè nấm mộ cọc rào dăm ba

Ngước nhìn quanh quất vườn hoa

Thưa người ngắm cảnh chiều tà mờ sương

Lớn lao sự nghiệp văn chương

Nhỏ nhoi để lại nắm xương bên hồ

   

         Chiều hồ Vị Xuyên ngày 1.12.1986

 

Gặp anh em hội viên, tôi đọc cho anh em nghe. Ai cũng tâm đắc, đau lòng cảnh mộ cụ Tú. Có anh bảo tôi gửi báo Văn nghệ in để Trung ương đọc mà cho kinh phí xây mộ Cụ tử tế. Anh khác nói: “Chẳng biết mộ Cụ có được xây không, Nhật Tân bị quy chụp này nọ, tống giam thì ôi thôi...” Một anh nói quả quyết: “Bài thơ chân thực, xúc động. Nhật Tân cứ gửi thơ đi. Đằng nào Nhật Tân cũng “mất dạy” rồi. Ý thơ trong sáng nỗi lòng, chẳng phạm đến ai. Sợ gì!”…

 

Tôi gửi thơ đi mà thấp thỏm lo lắng. Ngày nào tôi cũng ghé vào Hội VHNT Hà Nam Ninh xem có báo biếu không. Tôi hy vọng, chờ đợi đến hết năm 1987, chẳng có tín hiệu gì. Anh em hội viên thơ bảo tôi đến Tòa soạn báo Văn nghệ hỏi xem, nhưng tôi ngại. Vì hai năm nay tôi không gửi thơ tới báo Văn nghệ. Tôi nghĩ tập trung sửa chữa “Dòng xoáy”. Chắc lý do gì đó mà báo Văn nghệ không thể in bài “Viếng mộ Tú Xương” được…

 

Một chiều cuối tháng tư năm 1988, tôi ghé vào Hội VHNT. Nhân viên văn phòng đưa cho tôi tờ báo biếu. Anh em khen bài thơ “Viếng mộ Tú Xương”. Tôi mừng rơi nước mắt. Thơ tôi gửi đi gần hai năm trời mới in báo Văn nghệ, số 16 ngày 16 tháng 4 năm 1988. Tôi cầm tờ báo đi ngay Hà Nội, gặp Bộ trưởng Văn hóa Trần Văn Phác. Không ngờ bác bảo vệ vui vẻ, dẫn tôi đến phòng thư ký của Bộ trưởng. Tôi đưa tờ báo Văn nghệ cho đồng chí thư ký đọc và xin đăng ký gặp Bộ trưởng năm phút. Thư ký ra khỏi phòng một lát quay lại, mời tôi sang phòng Bộ trưởng. Bộ trưởng Trần Văn Phác lắng nghe tôi trình bày hiện trạng mộ thi sĩ Trần Tế Xương. Nghe xong, Bộ trưởng nói:

- Trung ương đã cấp kinh phí cho tỉnh Hà Nam Ninh xây mộ cụ Tú rồi cơ mà. Hai năm sau, cấp tiếp kinh phí sửa sang mộ Cụ và xây nhà trưng bày tác phẩm cho khách tham quan. Đọc bài thơ Nhật Tân, chúng tôi ngơ ngác hỏi nhau, thơ nói thật hay nói đùa?

- Thưa Bộ trưởng, cử người về sát thị. Nếu mộ cụ Tú không đúng trong thơ, xin chém đầu Trần Thị Nhật Tân.

Bộ trưởng bảo tôi:

- Nhà thơ yên tâm về đi. Tôi cử ngay cán bộ về Hà Nam Ninh điều tra sự việc. Nếu đúng trong thơ, Bộ sẽ cử cán bộ về thiết kế, xây mộ thi sĩ Trần Tế Xương, được chưa?

 

Thưa quý vị, cán bộ được cử đi thị sát về, báo cáo với Bộ trưởng còn chi tiết buồn hơn tôi tả trong thơ. Bộ trưởng thưởng cho tôi một phần thưởng, mà tôi nhớ ơn suốt đời. Đó là tôi được lên nhà sáng tác Đại Lải Vĩnh Phúc một tháng, để hoàn chỉnh lần cuối tiểu thuyết “Dòng xoáy”. Một tiêu chuẩn của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam xuất sắc. Tôi, cho đến giờ vẫn chỉ là hội viên hội địa phương.

 

Sáng ngày 15-2-1990, tổ chức khánh thành nhà cụ Tú. Tôi và nhân dân thành Nam đến thắp hương. Sau khi chủ khách làm lễ xong, tôi xin thưa:

- Thưa Bộ trưởng Trần Văn Phác, thưa Bí thư tỉnh ủy Bùi Xuân Sơn, vì thơ tôi, cụ Tú có nhà. Nay tôi có thơ mừng nhà Cụ. Tôi xin đọc ạ.

Bí thư Bùi Xuân Sơn gạt đi:

- Chúng tôi bận việc, không có thì giờ nghe thơ.

Bộ trưởng Trần Văn Phác nói:

- Đúng rồi! Vì bài thơ của Trần Thị Nhật Tân, cụ Tú có nhà. Nhật Tân đọc thơ mừng nhà cụ Tú cho khách chúng tôi nghe, nhân dân nghe.

Nhân dân vỗ tay:

- Hoan hô! “Dòng xoáy” đọc đi!

(“Dòng xoáy” của tôi Nxb. Thanh Niên ấn hành tháng 6 – 1989)

- Vâng! Tôi xin đọc:

 

MỪNG NHÀ CỤ TÚ

 

Năm xưa viếng mộ Tú Xương

Thấp tè nấm mộ bên đường buồn sao

Xuân nay bia đá dựng cao

Bóng nghiêng đáy nước xôn xao sóng hồ

 

Con xin dâng mấy vần thơ

Cho con được đến ở nhờ dưới bia

Vì thơ con, Cụ có nhà

Còn thân con vẫn nằm hè Cụ ơi!...

 

Cụ kêu giúp con với trời

Dưới này Tú Út một đời long đong...

 

Viết bên mộ Cụ mới xây, đêm 27-12-1989

 

Tôi lấy bút danh Tú Út, in thơ ở các báo trung ương từ năm 1965.

 

Bộ trưởng nắm chặt tay tôi:

- Cảm động quá!... Cụ Tú đã phù hộ Nhật Tân “Dòng xoáy” ra đời. Thế nào cụ Tú cũng phù hộ cho Nhật Tân có nhà.

 

Sau ba năm tôi làm thuê đủ nghề, buôn hoa quả, đến ngày 25 tháng Chạp năm 1993 tôi mua được nhà. Tôi ra mộ cụ Tú thắp hương, khấn:

 

MỜI CỤ TÚ XƯƠNG VỀ ĂN TẾT

 

Cụ ơi! Con mới mua nhà

Ba gian mái ngói vườn hoa lá cành

Ao hồ đồng lúa bao quanh

Hái hoa xếp lá cũng thành vần thơ

Từ nay hết cảnh bơ vơ

Khổ đau đói rét vật vờ lang thang

Xã Lc Hòa, Đông Mạc làng

Sau chùa Cây Thị rõ ràng gần thôi

Con xin mời Cụ, Cụ ơi

Cụ về cho ấm tình người ngày xuân!

 

         Chiều ngày 25 tháng Chạp năm 1993

 

Kỷ niệm ngày thi sĩ Trần Tế Xương, tôi viết bài này, thành kính dâng anh linh Cụ. Mong cụ Tú phù hộ cho tôi viết được nhiều vần thơ, đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc.

 

Tháng 8 – 2016

Trần Thị Nhật Tân (Tú Út)

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định

Điện thoại  01213511609

Số 1 ngõ 89 đường Đinh Công Tráng, phường Lộc Hạ,

thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét