Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

CỔ THỤ NGÀN NĂM MÃI CÒN BÁI VỌNG / Nguyễn Mộng Nhưng




           Tháng 7 năm ngoái, sau khi đi Vườn quốc gia Cúc Phương về, mình đã có bài viết trên Facebook kể một số điều mắt thấy tai nghe. Hôm nay viết tiếp bài này vì mình mong muốn các bạn chưa từng đến đây được biết một sự thật.


            Chắc nhiều bạn đã biết: rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) không chỉ là một thắng cảnh mà còn là một trung tâm bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc biệt quý hiếm, có giá trị về khoa học tự nhiên...Và một trong những di sản đã trở thành biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương chính là Động người xưa và Cây chò ngàn năm. Điều này đã được nhắc đến trong ca khúc sâu lắng “Nhớ về Cúc Phương” của nhạc sĩ Trần Chung, lời ca có câu: “…Bâng khuâng giữa Động người xưa, vui với Cây chò ngàn năm…”.

           …Trước khi lên đường, mình hỏi chú em đã đi Cúc Phương một lần, chú em bảo: hình như cây chò ngàn năm chết rồi anh ạ! Mình nửa tin nửa ngờ.

          Đường từ trung tâm vườn quốc gia Cúc Phương đến Cây chò ngàn năm, biển chỉ dẫn là 2,5 km. Nhưng phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ vì phải lên đèo xuống khe, có đoạn dốc đá khá nguy hiểm. Đến nơi, việc làm đầu tiên của mình là ngửa mặt nhìn lên tán lá, sau đó đi quanh một vòng để “trực cảm” thân cây. “Mục sở thị” kỹ càng rồi, mình muốn kêu lên: Cây chò ngàn năm đã chết thật rồi. Buồn lòng nhưng mình vẫn chụp chung với gia đình người Úc vài kiểu ảnh cùng đứng dưới gốc cây chò.

         Mình tin rằng không chỉ gia đình người Úc, trước và sau ngày đó đã có rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài đã đến chiêm ngưỡng cây chò ngàn năm này. Nhưng nhiều người đã không thể nhận biết cây chò ngàn năm đã chết, vì có một cây con xanh tốt cao chừng 5, 7 m mọc lên từ gốc. Tiếc rằng cây này là loài cây khác chứ không phải là cây chò. Mình là dân Lâm nghiệp mình xin khẳng định điều đó.

         Cây chò ngàn năm đã chết hẳn rồi. Không phải “đang chết dần” như một báo điện tử đã loan tin.

          Những người có trách nhiệm, trước hết là cán bộ ký thuật và Ban quản lý vườn quốc gia Cúc Phương chắc chắn đã biết điều này. Nhưng họ biết phải làm gì hơn là im lặng. Chúng ta nên hiểu và thông cảm cho họ.

          Mỗi loài cây có một tuổi thọ khác nhau. Thường thì vài chục, vài trăm năm đã là “thượng thượng thọ” rồi. Riêng Cây chò chỉ trong rừng Cúc Phương sống đến ngàn năm thì cũng phải theo quy luật “Sinh – Lão – Bệnh - Tử” thôi!

                                        

           Nhưng các bạn hãy yên tâm, sau khi biết thông tin này, nếu có dịp về thăm vườn quốc gia Cúc Phương, các bạn vẫn nên đến chiêm bái cây chò ngàn năm – linh vật của rừng Cúc Phương đồng thời là biểu tượng sức sống của tạo vật thiên nhiên. Cây chò ngàn năm sẽ còn đứng đó nhiều  năm nữa. Với chiều cao gần 50 mét, đường kính gốc 5m, thể tích hàng trăm khối, cây chò ngàn năm có lẽ phải cần 100 năm nữa mới đi hết đời mình theo lộ trình: Xanh tốt > Héo khô > Mục ruỗng > Tan biến.

          Hà Nội, 9 – 2020
 NGUYỄN MỘNG NHƯNG





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét