Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

NGHỀ LÀM CÓT Ở LÀNG TRÀ LŨ BẮC / Đỗ Hữu Trác



        Sống giữa vùng nông nghiệp gần như là thuần lúa, lại do giao lưu với mọi miền nhiều, nên cư dân Trà Lũ Bắc sớm tìm học và phát triển nghề đan lát, làm cót. Không biết Tổ nghề đan cót nước Việt Nam là ở đâu nhưng cứ như theo tôi tìm hiểu nghề nghiệp và sản phẩm thì có lẽ ở Trà Lũ Bắc có ngành nghề đan cót sớm vào bậc nhất nước Việt Nam. Nghề ấy đã làm phong phú thêm hoạt động kinh tế của cư dân làng, đem lại việc làm cho số đông cư dân trong xã những dịp nông nhàn. Xưa, sau những ngày làm đất, cấy lúa, và sau những ngày gặt hái một năm hai vụ thì người dân xã ta chủ yếu là chơi, “nông nhàn”. Nghe các cụ kể lại thì dân ta hồi ấy chưa có phát triển ngành nghề thủ công mang tính chất hàng hoá. Trong làng có một số người làm nghề “phi nông nghiệp” thì vẫn là theo các nghề, các “chuyên môn dịch vụ” phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là chính như thợ rèn làm liềm, hái, rèn dao, cuốc, lưỡi cày, thợ mộc làm nhà cửa, đẽo cày, bừa…Những sản phẩm (ngoài lương thực, thực phẩm) phục vụ đời sống và sản xuất với số lượng lớn như cót lá, chiếu cói, nón lá và theo đó là các ngành nghề làm ra xuất hiện khá muộn về sau này.


        Ông Tổ ngành nghề đan cót ở làng Trà Lũ Bắc có lẽ là ông cụ Lực, nhà ở xóm 4, gần chỗ cầu qua Xóm 7 hiện nay. Cụ có con trai là ông Kỳ, sau này chuyển cư xuống ở Sa Châu và vẫn làm nghề đan cót. Cụ Lực được dân làng gọi là “Ông Cót” đến nỗi chả mấy ai nhớ mà gọi đúng tên huý, tên cúng cơm của cụ. Những năm cuối 1950, đầu 1960 tôi được biết Cụ Lực là người đầu tiên và duy nhất ở Trà Lũ Bắc làm nghề đan cót. Lượng sản xuất ra cũng ít, chủ yếu bán cho người có nhu cầu cắt cạp làm cánh cửa “cửa liếp” (nay thất truyền, không còn thấy ở đâu nữa.), cắt cạp treo làm “đình màn” chống giột, bụi. Thời ấy, nông nghiệp còn kém phát triển, sản lượng lúa thấp, thu hoạch lúa của mỗi nhà cũng rất ít, nhu cầu tích chứa gần như không có, chưa ai biết và cần dùng “cót” để quây thóc. Nhà nào khá giả một chút, có vài tạ thóc thì sắm cái bồ đại để dùng. Người có ít thì cứ đề ở thúng hay cho vào chum, vại để giữ.
Sau năm 1960 hợp tác hoá nông nghiệp, các kho lương thực, nơi Nhà nước chứa lúa thu thuế của dân và các kho hợp tác xã nông nghiệp, các đội sản xuất là nơi đầu tiên có nhu cầu quây thóc bằng cót. Nhu cầu nhiều lên, trong xã xuất hiện nhiều gia đình học và làm nghề đan cót. Ở xóm 1 có nhà ông Hoan, cụ Duyệt, ở xóm 3 có nhà ông cụ Thúc (khu ngoài) và nhà cụ Lương (bố tôi). Và chỉ sau một hai năm gì đó khắp làng nở rộ phong trào học và làm nghề đan cót. Nghề sơn tràng với tư cách là nghề khai thác, cung cấp nguyên liệu cho nghề làm cót cũng phát triển theo. Đến những năm sau này thì thực sự Xã Xuân Bắc đã trở thành “thủ đô” của vương quốc Cót. Nhà nhà đan cót, người người đan cót. Sông Trà đoạn từ đầu xóm 3 xuống tận cuối xóm 9 ít khi vắng bóng bè nứa đậu chờ bán cho người đan cót. Trước nữa, chả mấy ngày không có thuyền chở cót đi bán ở Giao Thuỷ, Hải Hậu hay các xã khác. Sau này thì xe đạp thồ ngày nào cũng có hàng chục chuyến thồ cót qua Thái Bình bán. Đến thời kỳ đổi mới, ô tô xuất hiện nhiều, người ta chở nứa “bổ” (nứa đã được đẵn thành từng ống, bổ làm đôi làm ba cho gọn, bó thành bó, tiết kiệm không gian vận chuyển) về bán ở chợ Bắc. Thông tin truyền tai nhau, các bà các cô í ới gọi nhau ra chợ chờ xe về, chọn mua, cân, đội về nhà làm. Lúc ấy người ta sống đã nhanh hơn, nứa từ khi khai thác, chặt đẵn, pha mảnh chở về đến quê hết ít thời gian, nứa còn tươi, đẹp, còn “màu”, chất lượng tốt, chẻ nan đan cót dễ hơn xưa nhiều.

        Con dao chẻ nan đan cót cũng được dân làng ta rút kinh nghiệm từ chính công việc mà cải tiến đi nhiều. Ở các làng nghề đan vót khác ở Hà Đông, Sơn Tây hay bên Thái Bình, trên Mỹ Lộc, con dao chẻ, vót nan cán ngắn, lưỡi dao dày. Bởi ở đó chỉ cần chẻ nan dày và vót kể cả đối với nan đan rổ, đan rá, dần, sàng. Chỉ với nghề đan cót, nan cần mỏng (để đan được nhiều cót từ một lượng nứa nhất định), rộng bản (để đan cho nhanh) con dao chẻ nan đan cót được dân xã ta đặt hàng với ông Đài thợ rèn làm thặt sắc, thật mỏng và có cán dài 35 - 40 cm để ngồi chẻ nan thì còn chống cán xuống đất, dùng lực thuận tiện hơn, lâu mỏi hơn vì bàn tay đã được giải phóng khỏi động tác giữ dao khỏi rơi. Dao mỏng thì dễ mài sắc, sắc lâu cùn hơn, “bâm” lưỡi dao vào thịt thanh nứa dễ hơn, chẻ được mỏng hơn. Một thanh nứa dùng dao chẻ nan chuyên dùng đó mà chẻ thì chẻ được 10 nan, nếu dùng dao phay, dao rựa mà chẻ thì chỉ được 6 - 7 nan. Thật thế. Nan đan cót được tách chẻ một lần là xong ngay, không cần vót chuốt nên chẻ nan được càng mỏng, càng nhiều càng tốt. Tất nhiên lá cót đan ra sẽ mỏng, mềm và yếu ớt nhưng chả mấy ai đi đòi hỏi cót phải nặng, phải dày mà yêu cầu….chẻ nan dày cả.

        Thời kỳ đầu, nhà làm cót phải mua nứa xuôi bè từ Yên Bái, Tuyên Quang về. Nứa khai thác để trên rừng đã lâu, lại qua thời gian chậm xuôi trên sông về, ngâm nước dầm dề, mùi thối rất đặc trưng. Mua về, kiếm cây xoan, cây bàng gì đó mà dựng nứa lên cho róc nước hoặc khẩn trương chặt thành từng gióng, đổ nước đi rồi pha thành thanh đều nhau, bó thành bó, ngâm, xát sạch, để ráo, bớt mùi và….chẻ nan. Hồi còn bé đi học cấp 3, cứ nghe bạn học ở các xã khác bảo là: con gái Xuân Bắc xinh, da trắng vì ngồi trong nhà khâu nón, chẻ nan đan cót, răng trắng vì “ngoạm”, “cắn” khi chẻ nan. (Thời ấy chưa có phong trào “đánh răng” như sau này đâu!).

        Những năm đầu ấy, chả biết Nhà nước, lâm sản dùng nứa to vào việc gì mà phân phối phần trăm cho các bác sơn tràng quê ta toàn nứa nhỏ. Bé tí xíu thì các cụ gọi là “nứa tép”, khá hơn chút thì gọi là “nứa bảy” (bó 7 cây cho một người vác), nhỉnh hơn chút nữa thì gọi là “nứa năm” (bó 1 vác 5 cây), trên mức đó thì gọi là “nứa GỘC” hay “nứa NGỘ”. Nứa đã bé (hầu hết chỉ bằng cỡ bắp chân), lại giập vỡ khi khai thác, xuôi bè, chặt thành gióng muốn lành lặn rất khó. Cứ phải lựa theo vết dập, vỡ mà….chém, sao cho không làm chấn động vỡ giập thêm, hao nan. Đẵn gióng rồi, chọn đầu gốc, chọn đúng dây đường kính mà đặt lưỡi dao, pha thành từng thanh đều đặn. Sau này học lên mới biết ra rằng có đặt dao đúng dây đường kính thì bản nan mới song song với tiếp tuyến cung tròn của thanh, ống nứa, nan cót mới đều đẹp. Pha các nan có rộng đều nhau thì sau này đan cót mới không bị thưa, rỗng, khuyết. Những thanh nhỏ, lỡ cỡ thì bỏ riêng một chỗ gọi là “thanh xẹp” dùng chẻ đan riêng một lá cót nan nhỏ hoặc “áo cối” (tấm cót bé xíu rộng chừng 35 cm để quây làm “áo” cho “cối” xay, che thóc gạo khỏi văng ra khi xay).

        Sau khi pha ống nứa thành thanh rồi, thường thì phải đem ngâm cho mềm ra (với nứa đã dựng khô kiệt, cứng), hoặc cho hoà tan bớt mùi vị thối (với nứa ngâm), xát vò kỹ rồi đựng khô, đem chẻ nan. Để chẻ, “bâm” dao được thuận tiện và nan cót lành, cần “tề” thanh nứa trước khi chẻ (Chặt cho bằng đầu chiều gốc của thanh nứa). Kỹ thuật “tề” này cũng đòi hỏi nghiên cứu công phu. Lưỡi dao chặt phải đi hơi vát, nghiêng so với mặt phẳng thanh nứa để tiết diện vết cắt rộng hơn, dễ “bâm” dao khi chẻ hơn. Vết cắt phải mịn, “một nhát ăn ngay” để không có gờ, vết dễ làm rách nan khi chẻ. Vết “tề” phải nghiêng nghiêng chút so với chiều dài thanh nứa để khi chẻ tì dao bâm vào có lực hơn. Và cuối cùng đoạn đầu thanh nứa bị “tề”, cắt bỏ đi phải thật ngắn, tiết kiệm. Nhìn những “mấu nứa”, “đầu tề” thải ra ở một nhà làm cót, biết ngay thâm niên nghề của nhà đó.
Chặt cây nứa thành từng gióng, đốt, ống đòi hỏi “chuyên môn” nếu muốn sản phẩm tốt. Dao chặt nứa phải là dao rựa, nặng và thật sắc, chém đâu ngọt đấy. Thêm nữa dao sắc rồi cũng chưa bằng “chắc kê”, phải có cục “KÊ” bằng gốc gây gì đó nặng, chắc để tì cây nứa lên đó mà chặt. Có vậy nhát chém, chặt mới chắc, ngọt, không ray, rung, ống nứa đỡ bị giập vỡ. Người chặt nứa giỏi là chặt được cả hai đầu ống nứa, loại ra các mấu nứa “đầu mặt” tròn, sau này ống nứa pha thanh cũng nhanh hơn, lại có nhiều đầu mặt to làm….củi đun. Người vụng hơn chút hoặc gặp nứa giập vỡ nhiều thường chỉ chặt được một đầu phía gốc của gióng nứa, phía ngọn thì để đầu mặt lại. Sau này khi pha thành từng thanh nứa rồi, phía ngọn vẫn còn đầu mặt, phải làm động tác chặt bỏ theo từng thanh. Củi đun vẫn có nhưng vụn, hao hơn. Việc chặt nứa, pha thanh thường giành cho đàn ông, tay khoẻ. Phụ nữ và trẻ em thường đảm nhận việc chẻ nan, đan cót.

        Pha ống nứa thành thanh cũng đòi hỏi sự tinh tế. Ống nứa thường khi chặt ra có 1, 2 vết dập. Gõ nhẹ vào cạnh ống nứa tai nghe sẽ biết ống nứa có giập không, rồi soi tìm vết dập, lựa nhát dao tách thanh đầu tiên vào đúng vết đó. Như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều nứa hơn, pha thanh ít có các thanh “xẹp” hơn. Dựa theo chiều dài của gióng, ống nứa người ta chia thành nứa “RÁN” (dài) và nứa “DẨN” (ngắn). Hồi bé cứ nghe và nói thành quen như thế mà chả biết sao lại nói như vậy? Sau này đi xa, nhớ việc làm hồi bé ở nhà, ngẫm nghĩ chắc là chữ “RÁN” xuất xứ từ “gián”, “giãn” (xa, dài) và “DẨN” xuất xứ từ ‘bần” (ngắn, thấp). Một lối biến động ngôn ngữ trong đời sống kiểu như “lý ngư bát NGOẠT”.(từ câu “lý ngư bát NGUYỆT” – cá chép tháng Tám).

        Có nan rồi là đến việc đan cót của tụi trẻ chúng tôi. Hồi ấy lên 5, lên 6 là đã được bố mẹ, anh chị dạy đan cót. Đầu tiên là cho học “gầy”, cho học đan chung vào cùng một mái cho thuộc “lống đôi”, học cách “BẺ BIÊN” chạy “LỐNG” (mà chắc là “NỐNG” mới đúng), bọc cách “BẤT”. Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng những mảng đan đầu tiên đều bị thưa, lệch, cần có cha mẹ, các chị sửa, “DỊCH” lại cho ngay ngắn, chặt chẽ. Và có người lớn học đan cót rất lâu mà vẫn cứ….”đè biên hai nan”, ngộ thế. (bởi luôn nhớ câu “thần chú” là “cất đôi, đì đôi” mà nên nỗi !). Thời kỳ đầu, toàn thấy đan cót theo kích thước rộng 80 cm, dài 10, 12 thước (thước = 0,4 m, 10 thước = 4 m), có lẽ nó phù hợp với việc quây tròn một “cót thóc” thông thường có đường kính chừng 1,3 – 1,5 mét?. Sau này khi có nhu cầu dùng cót làm cốp pha đổ bê tông nhà mái bằng, người ta còn đặt hàng thửa riêng những tấm cót có kích thước “ngoại cỡ”, “độc bản”, lớn bằng với diện tích mái định đổ (là nói mãi về sau 1985). Học cấp I, sáng đi học về, chiều mỗi đứa trẻ chúng tôi thường đan 1 – 2 lá cót 12. Định mức vậy rồi nên thường làm cố cho xong, “gầy” thêm một đoạn “làm vốn” cho ngày hôm sau. Nhiều khi vào lúc rộ vụ cót, còn phải đan cót dưới ánh trăng (vì thời đó chưa có điện, đèn dầu hoả cũng chỉ thắp được thời gian ngắn, số lượng hạn chế vì dầu cũng khan hiếm). Đan đến nỗi, thuộc lống, nhắm mắt vào vẫn đan hai tay rào rào, nối nan chả sai tẹo nào). Rồi lại còn được khuyến khích đan nhanh, đan đủ, và vượt định mức thì được cho nan “dẩn”, nan “xẹp” đan áo cối, bán lấy tiền mua nhãn vở, mực hay dây cước, lưỡi câu câu cá. Thời ấy đồng tiến hiếm hoi lắm.

        Cót đan từ nứa, sợi xenlulô trong nan cót là món ăn khoái khẩu của mọt. Một thời gian dùng, mọt đục bụi bay lả tả. Thời xưa theo yêu cầu của khách hàng và những người buôn cót chuyên nghiệp, nhà tôi và nhà ông Hoan cụ Duyệt xóm 1 có đào đắp “lò hun cót”. Lò hình tròn, như cái cốc ngửa, đào sâu xuống đất chừng 1 mét, miệng rộng chừng 2 mét, trên miệng có 2 thanh “dầm”, “đà” kê phên để xếp cót bên trên, trong lòng lò rải rơm khô (mồi), rơm ướt, trấu ướt, lá xoan tươi). Cót xếp cỡ 60 - 70 lá quây tròn bên trên, có che kín phía trên cùng (lợp mái). Cạnh lò có đường ống thông xuống đáy lò để….châm lửa hun khói. Khi lửa cháy âm ỉ bên dưới, khói rơm ướt và khói cháy lá xoan ngấm, ám vào các lá cót phía trên, tạo màu nâu vàng, khô kiệt và…có vị đắng khiến sau này…mọt…hãi. Lá cót hun xong cũng ít bị…mốc. Mỗi mẻ hun khói vậy kéo dài 2 - 3 giờ, hết khói, nguội lò lâu lâu thì dỡ cót ra, qua đêm cho nguội rồi mới đóng thành “bễ” (10 lá 1 cuộn). Cũng có khi rải rơm, xếp cót xong rồi, châm lửa thì….tịt do rơm trấu quá ẩm hoặc mồi….kém. Thế là lại phải hì hục dỡ cót ra, lôi đám “nhiên liệu” bên dưới ra, làm lại…

        Về sau này đi ra ngoài mới thấy người ta chế các tấm “cót ép” để làm trần nhà (2 lớp cót quét sơn, nhựa rồi ép dán lại với nhau, phẳng, cứng) nhưng có lẽ cót ấy được đan đâu đó trên Hoà Bình, hay trong Thanh Hoá không phải xuất xứ từ xã ta.

        Trong khoảng thời gian 1960 – 1980, chẻ nan đan cót là ngành nghề phổ biến ở làng, góp phần làm giàu cho quê hương đất chật người đông Trà Lũ Bắc chúng ta.


Đỗ Hữu Trác

* Trà Lũ Bắc nay là xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét