Nghề làm nón lá đội đầu ở Trà Lũ Bắc không nổi tiếng như một thương hiệu, một “làng nghề” như ở làng Chuông – Phương Trung – Thanh Oai – Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), làng Hạ Thôn Quảng Tân – Ba Đồn – Quảng Bình, hay về nét đặc trưng như nón bài thơ xứ Huế. Thiệt thòi như thế là bởi vì dân làng Trà Lũ biết và giỏi nhiều nghề thủ công quá, không chuyên sâu một nghề như những xứ trên. Và tỉ lệ dân làng làm nghề thủ công này cũng không quá lớn, dân cư còn chia sẻ vào những ngành nghề khác như đi buôn, làm cót lá, đan bồ, làm bánh kẹo…. Thực tình, cầm cái nón trên tay mà ngắm nghía, săm soi từng mũi kim, từng đường khâu, từng mép lá, sờ vuốt từng “dòng” khâu, từng mối “nứt” và đưa cái nón ra xa, nheo mắt ngắm màu trắng loá của nó, người có kinh nghiệm một chút sẽ thấy nón lá Xuân Bắc đẹp, chắc hơn hẳn các loại nón lá có xuất xứ từ các làng nghề mà tôi kể ở trên.
Nói như thế, không phải vì tôi yêu quê hương Trà Lũ Bắc, thấy con người cảnh vật Trà Lũ Bắc thân thương, lớn lên bên cạnh những sản vật ấy mà nói như vậy đâu. Một thời do nghề nghiệp, tôi có điều kiện đi, ở, ăn nghỉ, làm việc ở nhiều tỉnh thành, tiếp xúc với các sản phẩm thủ công, làng nghề, các nghệ nhân rất nhiều, xem, ngắm nhiều loại nón, nhưng có thể nói rằng: NÓN LÁ Xuân Bắc là cầu kỳ, đẹp và chắc chắn nhất, bền nhất.
Xưa, nón lá được dùng nhiều lắm, giành cho cả đàn ông, đàn bà, con trẻ, người già đội đầu đi mưa, đi nắng. Nón được mua tặng người sống và làm cả…nón hàng mã để “đốt” dâng tặng người đã khuất. Nón đội đầu nhẹ, thoáng, mát, có cái quai chằng xuống cằm giữ cho nón ngự vững trên đầu, tránh bị gió thổi bay rơi. Quai nón còn giúp các bà các cô làm duyên, kéo nổi gò má hồng bầu bĩnh dưới vành nón khuất hở. Vành nón nghiêng nghiêng giúp thiếu nữ dậy thì che mặt làm duyên mà vẫn có cơ hội... nhòm thầm, ngắm vụng. Ở vùng quê Xuân Trường những năm 1950 – 1990, nón lá là một phần không thể thiếu của… trang phục cô dâu ngày cưới, thậm chí người ta còn gọi riêng một loại nón làm cẩn thận, trau chuốt là… nón cưới nữa kia đấy. Thời ấy, thay vì hỏi cô gái sắp đi lấy chồng là đã đặt váy cưới chưa? Đã mua nhẫn cưới chưa?… thì người ở quê ta hỏi là: đã đặt nón cưới chưa? Bây giờ, giao lưu kinh tế nhiều, cuộc sống nhanh, mạnh hơn, trang phục của con người ta có nhiều thay đổi. Nón lá ít được dùng hơn xưa, thay vào đó là “mũ” (khâu bằng vải). Nón lá chỉ còn được chuộng dùng ở các vùng quê yên bình và khâu …bán cho khách du lịch nước ngoài.
Để ra đời một chiếc nón lá, mang trên mình nó ít lá, ít vòng tre, ít dây, đơn sơ, mảnh mai và nhẹ bấc nhưng thiết tưởng cũng công phu lắm. Người không chứng kiến các bà, các cô làm ra cái nón từ đầu đến cuối thì không thể hiểu được cái cầu kỳ, phức tạp, nhiêu khê, tỉa tót của cái công việc tạo hình và chăm chút hoàn chỉnh nó.
Này bà! Nếu bà là một người phụ nữ Xuân Bắc làm nghề khâu nón vào những năm 1965 – 1970 (lúc ấy gọi là “cô”, là thiếu nữ chừng 18 đôi mươi, nay đã lên “lão”), hãy lặng nghe xem tôi kể chuyện khâu nón ở Xuân Bắc cho khách du đường xa đến làng mình xem có đúng không bà nhé !? Nếu tôi kể còn sót điều gì, còn bỏ qua vấn đề gì thì xin bà hãy coi như câu chuyện rì rầm giữa các cô ngày xưa cùng ngồi khâu nón nói chuyện với nhau mà dặm, mà bổ chính cho!.
Khách hỏi tôi: sao cái nón đều nhau về hình hài, kích thước như vậy? Tôi bảo: Để tạo ra được cái nón cứng cáp từ những thứ nhẹ hều, mảnh mai và mềm oặt như vậy, cần liên kết chúng lại thông qua một cái gọi là “khuôn” (nhiều người cứ nhầm mà phát âm thành “khuân”). Cái khuôn ấy đã được ông Tổ nghề làm nón Việt Nam quan sát từ hình dáng, cái đầu, bờ vai và các động tác vận động của người Việt Nam đi lại, làm việc dưới nắng mà đúc rút, chế tạo ra. Nó không quá to để vướng víu, nó không quá nhỏ để hở cổ, vai người dưới nắng trời. Nó không quá cúp để hở mình, mà cũng không quá “giãng” để dễ bay và… kém đẹp. Này bà, bà cứ thử nghĩ xem, cái nón mà to thêm tí nữa, nhỏ thêm tí nữa hay giãng bẹt thêm tí nữa, cúp cụp thêm tí nữa thì… nó sẽ xấu lắm, đúng không!?
Khuôn nón được làm từ một cái vòng lớn gắn buộc 8 cái “thang” nghiêng theo chiều cạnh nón, chụm đầu nhọn hoắt vào nhau tạo thành điểm tựa cho “chóp”, “đỉnh” nón. Chỗ “chụm đầu” người ta dùng dây đánh đai níu chặt các “thang” vào với nhau thông qua một lỗ khuyết dùi thủng qua thân “thang”. Tám chân thang được giàn đều, quấn chặt vào một cái vòng tròn to, cứng. Trên các thang khoét các khuyết thật khéo để đỡ “vòng” nón. Khuyết này được khoét rất khéo, trông rất đơn giản nhưng lại có tác dụng đỡ vòng nón khi “vào vòng”, “vào vành”, mà lại có thể tháo ra dễ dàng sau khi khâu nón xong, chiếc nón đã định hình. Mỗi thanh thang như thế đều khoét 16 khuyết để đỡ 16 cái vòng nón, từ vòng to nhất (đường kính chừng 50 cm), đến vòng bé nhất (đường kính chỉ….chừng 3 cm) Sau này, vòng bé nhất được thay bằng “vòng tầu” kim loại đúc sẵn cho dễ làm, khỏi chắp uốn vòng bé xíu khó khăn. Chiếc khuôn trông thoáng thế, để người khâu nón có thể tự do tung hoành kim chỉ ở những khoảng trống, luồn kim qua lại giữa hai mặt nón. Khoảng trống cũng đủ hẹp để hình hài chiếc nón, bộ khung chiếc nón được chắc chắn, không bị xô lệch khi xê dịch để khâu hàng vạn mũi kim cho một chiếc nón. Chưa khảo sát, nhưng có lẽ mỗi chiếc khuôn nón có thể giúp người ta khâu hàng ngàn, hàng vạn chiếc nón mà….chưa chịu hỏng.
Không biết từ “nón” có từ bao giờ, do đâu, xuất xứ, nguyên lai thế nào? Có người bảo là do “nón” là tên gọi của cái cây có lá dùng để làm nên cái nón. Nhưng không có lý vì để làm nên cái nón người ta có thể dùng lá cọ, vải, phên nứa….để khâu, sao không vì thế mà gọi chiếc nón là “chiếc cọ”, “chiếc vải”, “chiếc nứa”…Có người bảo, gọi nón là gọi cái thứ đội trên đầu, che nắng mưa. Nhưng người miền Bắc thì phân biệt hẳn nón ra nón, mũ ra mũ, trong khi người miền Nam mới gọi tất cả những thứ đội, che trên đầu là….NÓN. Cãi nhau mãi, bất phân thắng bại, thôi thì đành thoả mãn với cách giải thích rằng “nón là cái che nắng mưa làm nên từ lá cây …NÓN”, và cùn nhất là…”các cụ gọi thế!”.
Cái cây NÓN này lạ lắm. Không phải là nhà sinh vật học để nghiên cứu sâu, chi tiết về nó, nhưng ngắm cái lá nón mình cứ liên tưởng thấy nó giống giống với lá cau, lá dừa, lá cọ ngày….còn non. Cả một cành lá gồm nhiều phiến lá, mỗi phiến lá xếp nếp vào nhau, gọn gàng, thon dài như một búp lá. Trông một chùm lá héo giống như một chùm đỗ giải áo dốc xuôi. Phiến lá mỏng dính xanh non nõn nà mà khi chế biến xong thì dai, chắc bền với nắng mưa ghê gớm. Giống lá ấy đâu như mọc nhiều ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ. Dân ở đó thu hoạch lá khi còn rất non, màu xanh ngọc mướt, bó thành từng bó lớn bán cho các bà ở ta đi tàu hoả, xe đường dài, thuyền tới….cất về. Cứ ít ngày một lại có một chuyến…lá nón của các bà đi chợ xa mang về chợ Bắc bán. Rồi cũng thành lệ, chả cần ra ngồi chợ, các bà cứ ngồi nhà, tin có lá về lan nhanh, đâu đó các bà các cô đến chọn mua về làm. Lá nón mua về, đầu tiên phải phơi cho hơi héo đi một chút, để phiến lá dai hơn, khó rách khi….”thanh” lá (dùng tay lần kéo giãn rộng bề mặt phiến lá ra vì nó đang bị….xếp nếp). Thanh lá xong lại đem phơi. Phơi lá cũng phải rất chú ý sao cho vừa phải, không đủ nắng thì lá không đủ khô, héo, không thuộc để sau khi khâu xong, mặt nón dễ bị nhăn hoặc nếu phơi quá khô, lá dòn hoặc quá căng, mũi khâu dễ lộ, khi vào vành, lên khuôn, khâu cũng…khó. Phơi đủ rồi, người ta cắt rời ra từng phiến lá, cắt cuống đủ vừa để tận dụng được nhiều bề mặt lá mà cũng không bị sót gân cuống lá cản trở việc lên khuôn, vào vành. Lá mang ở rừng về, còn nhiều màu xanh của chất “diệp lục”, muốn nó trắng tinh ra khi làm nên nón thì phải đem sấy bằng “sinh” (lưu huỳnh). Đốt một cục lưu huỳnh bỏ vào cái bát mẻ, che chống cháy rồi xếp lá lên trên, trùm chiếu che cho kín, ít thời gian sau dỡ ra….lá nón trắng bóc do được tẩy bằng khói đốt lưu huỳnh (SO2 hay gì gì đó!). Đây là một loại khí độc, có điều xưa dùng ít, lại trong không khí thoáng đãng nên bà con ta cũng phớt lờ, chả…. để ý.
Sấy, tẩy xong rồi, lá đem đi … là. Công cụ … LÀ lá này cũng…. cổ điển, đơn giản mà… LẠ lắm. Mảnh lưỡi cày cũ (lưỡi cày chìa vôi phẳng mới dùng được chứ lưỡi cày 51 vặn vẹo vênh váo thì… chịu) và…. cục giẻ rách cuộn lại to bằng cái bát. Đốt lửa nung cho cái lưỡi cày ấy nóng lên, áp cái lá nón lên bề măt lưỡi cày, tay kia cầm cục giẻ đè lá xuống áp sát mặt lưỡi cày nóng, tay cầm cái mảnh lá thì…. kéo. Lật mặt lá, áp, đè, kéo thêm cú nữa. Thế là được một tấm lá trắng tinh, phẳng, thẳng, mịn, sẵn sàng cho việc lên khuôn, vào vành. Xưa không có điện, không có bàn là điện, để là được mẻ lá theo cách truyền thống, cổ điển như trên giữa trời nắng hè khô nóng như … rang, quả thật là vất vả, mệt mỏi vô cùng. Nhều khi là…. cũng gặp sự cố kỹ thuật. Lửa đung bằng rơm rạ rều rác, ngọn lửa không chủ động, có khi lưỡi cày quá nóng, áp cái lá lên là…. sém vàng hoặc cháy đen, vứt! Về sau xuất hiện… bếp dầu, công việc LÀ LÁ có đỡ vất vả và căng thẳng hơn. Chọn lấy khoảng 20 – 25 tấm lá dài, cắt vạt nhọn đầu, xếp nếp, dùng chỉ khâu đính chỏm lá vào với nhau, thế là đã có một vòng, tán lá cơ bản để lợp lên khuôn nón, xuay giàn đều ra rồi lấy dây buộc ép nhẹ lên khuôn nón. Mỗi cái nón khâu cần có 2 lớp lá (trong và ngoài), lớp trong thì không cần lá nuột, đẹp miễn là nó giao nhau cho kín, che được phần “thịt” bên trong của nón. Lớp lá ngoài cần mịn màng, đồng đều, “rặt”, trắng để khi khâu xong, nhìn mặt cái nón cứ mịn lừ đi, trắng loá lên, chả có gân, có vết hay gờ mép gì cả. Tất cả những cái đó chỉ có được với sự tỉ mỉ, kỹ càng của các bà các chị khi chọn lá để lên khuôn. Lợp lá vào khuôn bắt đầu từ việc lợp lớp lá trong. Cắt xén các mảnh lá nhỏ để đan cài vào những khoảng trống xen giữa các tấm lá cốt, sao cho các mép lá cắt được giấu vào phía trong của “thịt” nón. Tiếp theo là lợp đến lớp lót. Lớp lót này là “thịt” nón, nằm giữa 2 lớp lá trong – ngoài. Lớp lót được làm bằng mo (bẹ) cây tre và sau này thì bằng mo nứa rừng. Mo tre nhỏ, cứng, lắm lông, lại cong queo, khó làm, nón làm ra lại thô, xấu, mặt nón kém phẳng. Mo nứa to, mịn, phẳng, ít lông, dễ làm, làm nhanh hơn, cái nón trông cũng đẹp hơn, thanh thoát hơn. Lớp mo lót này cũng được giàn ra, lát kín hết bề mặt của chiếc nón. Cứ tháo dây chằng đè ra, lát được một vài tấm lá, lại chằng dây lại giữ chặt, định hình. Lên khuôn vào vành cho một chiếc nón qua 3 lớp lá, lót phải tháo ra buộc vào đoạn dây chằng và căn chỉnh các mảnh lá không biết bao nhiêu lần. Công phu lắm.
Trước khi giàn lá, lợp khuôn, công việc quan trọng là vào vòng, vào vành. Ngoài vòng cái là chiếc vòng lớn nhất, tiết diện to nhất, vót bằng tre làm khung chính cho cái nón thành phẩm, bộ vòng nón còn 15-16 vòng tiết diện nhỏ hơn. Những “vòng” đó ở xã ta xưa được ông Thiện – chuyên gia vòng nón, hàng mã - ở xóm 7 vót bán. Từ những nan vòng dài, thẳng, người thợ khâu nón khi vào vòng phải uốn, nắn, ướm vào khuôn cho vừa khéo rồi vót nhỏ bớt 2 đầu, buộc giáp mối thành vòng tròn tựa vào những cái khuyết khoét sẵn trên thanh khuôn.
Sau công đoạn lên vành, vào khuôn, đến công đoạn quan trọng nhất: khâu nón. Khâu lần lượt từng vòng, từng hàng từ chóp xuống, trừ vòng bé nhất (vòng này sẽ khâu cuối cùng sau khi tháo khuôn). Khâu đến đâu lại vuốt cho mặt lá ngoài căng phẳng, nón khâu xong sẽ phẳng, nhẵn, đều. Sợi dây khâu được luồn vào kim, mũi 1 khâu từ trong ra để giấu mối giây, và hàng mũi cứ xuyên vào phía trên vòng, lồng qua vòng nón rồi xuyên ra trùng đúng với cái lỗ kim khi xuyên vào ở phía sau sợi chỉ khâu. Một mũi như vậy là đủ một vòng (hở) ôm chặt lấy cái vòng xương ở phía trong, ép các lớp lá vào vòng mà chỉ để lại trên mặt lá một lỗ kim bé tí xíu đã được sợi giây khâu che lấp gần hết. Tính tế hơn, sau khi rút siết sợi giây khâu cho chặt vừa đủ, người khâu còn dùng sống móng tay cái miết một cái dọc theo đường khâu, vết khâu…. biến hẳn đi, chả còn nhìn thấy gì nữa. Xa xưa người ta còn phải khâu bằng sợi guột, sợi móc. Sợi khâu hơi thô, nhất là guột lại lộ mầu, xấu. Sau này có sợi cước nhỏ tí, dai bền, lại trong suốt, khâu nón không lộ sợi khâu, nón cứ trắng lừ đi, rất đẹp. Với nón hàng chợ, người ta chỉ cần khâu thưa, mỗi mũi khâu dài chừng 1 cm. Với nón kỹ, nón đặt, nón thửa làm quà, nón cưới….thì mũi khâu dày hơn, 4 – 5 mm một mũi khâu là thường. Vòng dưới cùng (vòng cái) thì mũi khâu có thưa hơn và đôi khi được gia cố thêm một đường chỉ khâu to, mũi lớn sau khi hoàn thành, nứt nón. (Một câu chuyện vui: Hồi học cấp 3, có anh bạn học ở xã Xuân Trung lên nhà chơi, rồi nhìn mấy người ở chỗ xóm 8, xóm 11 khâu nón, mấy hôm sau đi học, anh ta bảo: “Tao thích mình được như cái nón đang khâu, được các cô vuốt ve đến cả…. vạn lần !?” Nghịch thế !)
Khâu xong hết các vòng, tháo nón ra khỏi khuôn, dùng kéo cắt sạch đám lá, lót dư ở chân vòng cái. Bước tiếp theo là đến công việc của người…. ”nứt” nón. Một miếng guột dài để phủ lên đầu lớp lá, lót vừa xén lộ ra, 2 nan kèm 2 bên và kim, giây…. bắt đầu nứt. Mũi giây nứt nón cũng đi theo lối nửa vòng hở như khi khâu, có điều lúc này chỉ phải thao tác ở một mặt, không phải dò như khi khâu các vòng trên. Với cách “nứt” như vậy, chỉ cần dây nứt đứt ở đâu đó là nó sẽ làm lỏng dần toàn bộ đường nứt, long rời miếng guột đè đầu và 2 miếng kèm ra. Mà lạ là sao người ta không thực hiện đi kim, thắt giây khi nứt giống như kiểu thắt “giềng”lưới cá!? (tức là thắt chặt vòng dây ở từng mũi mà cũng chả thêm lên bao nhiêu sự phức tạp của thao tác khâu, nứt.). Mấy chục năm rồi, giờ soi vào mũi nứt nón, vẫn thấy… giống ngày xưa!?. Mà này, các bà thử để ý mà xem, nón hỏng bao giờ cũng bắt đầu từ hỏng đường…. NỨT, có đúng không?
Nứt nón xong rồi, xâu nhôi xanh đỏ và…. đem bán!
Xưa xã ta các bà, các cô xóm 8, xóm 11, xóm 9 là nổi tiếng với việc khâu nón đẹp.
Nghề khâu nón cũng là một nghề thu hút nhiều lao động của xã Xuân Bắc, thành “thương hiệu” của xã. Trong bài hát văn ca ngợi đất và người Xuân Trường của cụ Đỗ Công Tuất xóm 10 sáng tác, đoàn văn công của huyện đem biểu diễn đoạt giải A trên tỉnh (cô Vân người xã Xuân Tân hát) có câu “Chiếu hoa, nón trắng Bắc, Phương nghĩa tình/ Bèo dâu Xuân Bảng, Trung Linh….” (nói về nghề dệt chiếu hoa, khâu nón của các xã Xuân Phương, Xuân Bắc.).
Thời đại có đổi thay, khoa học kỹ thuật có đến 4.0, 5.0 hay tỷ tỷ. 0 chăng nữa, thì có lẽ cũng không có máy móc, rô bốt, trí tuệ nhân tạo, người máy nào làm ra được những cái nón như bà con quê Trà Lũ Bắc chúng ta đã làm ra ! Có phảỉ vậy không hở các bà?
(Xin thứ lỗi cho tôi đã dùng hình ảnh minh hoạ từ nguồn internet vì không có ảnh chụp liên quan cụ thể từ quê nhà!)
ĐỖ HỮU TRÁC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét