Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

CÁC TƯ TƯỞNG LỚN GẶP NHAU: Chuyện nhặt Trần Mỹ Giống




 Một lần quần tam tụ ngũ với mấy cụ văn nghệ sĩ đàm đạo văn chương, chuyện phiếm mua vui, chúng tôi có nhắc tới mấy câu thơ gây ấn tượng với mình.

Cụ Lưu thi sĩ trẻ nhất hội mở đầu:
         - Tôi có đọc được một câu thơ rất ấn tượng của một nhà văn Việt Nam công bố năm 2006, xin đọc lại để các cụ cùng thưởng thức:
           Lâu rồi về với chợ quê
  Bước chân lạc giữa bốn bề thân quen.

       Cụ Đại Thắng thi sĩ góp lời:
       - Tôi xin đọc một câu cũng của một nhà văn Việt Nam công bố năm 2001 để các cụ nghe nhé:
           Lâu rồi tôi mới về quê
  Bước chân quen, lối con đê thuở nào

        Cụ Tống văn thi sĩ nói:
        - Tôi làm báo nên hay đọc các loại báo. Khoảng năm 80-90 tôi có được đọc một bài báo viết về phong trào văn hóa văn nghệ câu lạc bộ ở trường học thuộc Thanh Hóa. Tôi rất ấn tượng với câu thơ của một nữ sinh cấp hai tên là Tiểu Tuyền Thư trên báo tường của lớp. Câu ấy thế này:
            Lâu rồi tôi mới về quê
  Bước chân lạc giữa bốn bề thân quen.

Đến lượt cụ Trần góp chuyện:
         - Thưa các cụ. Nghe mấy câu các cụ đọc, tôi chợt nhớ một câu thơ của ông anh họ tôi, người được dân làng gọi là “Nhà thơ Xuân Bội”. Ông chỉ mới đọc thông biết thạo, nhưng rất hay làm thơ. Khoảng năm 1960, ông khoe với bố mẹ tôi một cuốn sách mỏng, giấy rơm đen ráp, do nhà xuất bản phổ thông hay nông thôn gì đó in, trong đó có bài “Về quê” của ông. Ông nhờ tôi đọc to cho bố mẹ tôi nghe. Bài thơ dài, nhưng tôi chỉ nhớ được hai câu, xin đọc hầu các cụ:
           Lâu rồi tôi mới về quê
   Bâng khuâng lại nhớ con dê con bò.

          Các cụ vỗ đùi, vỗ tay cười ha hả… Chợt cụ Đại Thắng bảo:
          - Này các cụ, sao bốn câu nó giống nhau thế. Liệu có sự đạo văn không các cụ…
          Cụ Tống văn thi sĩ góp lời:
          - Nếu có sự đạo văn thì cứ ai công bố sau là thuổng của người công bố trước.
          Cụ Trần tham gia:
          - Nếu bảo có sự đạo văn ở đây thì chỉ có thể diễn ra ở hai ông nhà thơ, chứ thơ của cô học trò và ông nông dân mới đọc thông viết thạo xuất hiện trước thì chắc chắn là không đạo của hai ông nhà thơ rồi. Nhưng bảo hai ông nhà thơ có đẳng cấp kia đạo văn của cô học trò và ông nông dân thì nó thế nào ấy các cụ ạ…
         Cụ Lưu thi sĩ trẻ tuổi nhất khơi mào cuộc vui, giờ lại là người kết luận:
        - Cụ Trần, cụ Tống nói đều có lý. Nhưng chúng ta không nên vội quy kết, nhỡ oan cho các nhà thơ đẳng cấp thì sao… Thôi thì tôi xin tóm lại thế này: Hiện tượng thơ của bốn vị gồm hai ông nhà thơ đẳng cấp, với cô học trò và bác nông dân tuy giống nhau nhưng không phải là đạo văn, mà là CÁC TƯ TƯỞNG LỚN GẶP NHAU đấy ạ.
        Các cụ văn nghệ sĩ vỗ tay đồng tình, cùng cười sảng khoái.

*

         Bây giờ nhớ lại chuyện này, lại thương cụ Tống đã thành người thiên cổ. Số phận đưa đẩy cụ Lưu phải theo con định cư bên Mỹ. Ba năm trước cụ có gửi tặng tôi bản thảo tập thơ “Paris đẹp như giọt lệ” sáng tác trong một tháng thăm nước Pháp. Cụ bảo con cái báo hiếu bao cho bố đi chơi các nước tiên tiến giối già... Không biết bây giờ cụ Lưu vi vu ở một nước tư bản giãy chết nào…
Thời gian xóa nhòa nhiều ký ức, nhưng chuyện này tôi vẫn còn nhớ…  

          TMG 

Chú thích:  Câu đầu là trong bài “Gặp ở chợ quê” trong tập “Khói thơm” của Đỗ Phú Nhuận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006, trang 76. Câu sau là trong bài “Lâu rồi tôi mới về quê” trong tập “Không thể không có lửa” của Phạm Trường Thi, Nhà xuất bản Văn học, 2001, trang 7…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét