Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

ĐỌC TẢN VĂN “NGANG QUA CUỘC CHƠI” CỦA TRẦN HUY THUẬN / Trần Mỹ Giống



Tác phẩm xuất bản lần đầu và tái bản hai lần
 
           Trong lịch sử văn học Việt Nam hiếm có tác giả thành danh bằng thể loại tản văn, nên khi mượn được cuốn tản văn Ngang qua cuộc chơi của Trần Huy Thuận, tôi tò mò muốn đọc ngay. Sách dày 312 trang, khổ 21 cm, bìa màu xanh trang nhã, trình bày bắt mắt, do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2009. Sách gồm trên năm chục bài viết trong nhiều năm, nội dung đề cập phần lớn là những chuyện đời thường, nhiều khi ta cho là nhỏ nhặt như chuyện sinh hoạt của cá nhân (ăn mặc, tắm gội, đi đứng, nói, nghe, làm…), chuyện xã hội (bầu bán, quan chức, giáo dục, văn hoá…), mới lướt qua thì thấy chả có gì mới mẻ, toàn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng nhẩn nha đọc kỹ lại “giật mình” vì sức lôi cuốn của tác phẩm.


Nhà văn Trần Huy Thuận (1935-2013)

            Trần Huy Thuận nguyên là hội viên, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Ông đã đoạt hai giải nhất về văn xuôi và thơ cuộc thi thơ văn trào phúng tỉnh Hà Nam Ninh năm 1984, giải khuyến kích cuộc thi về kỷ niệm sâu sắc hoạt động khoa học kỹ thuật của tạp chí Khoa học và đời sống năm 1994. Trần Huy Thuận mê viết văn từ nhỏ. Ông đã có nhiều bài in trên báo Nhân dân, Lao động, Nông nghiệp Việt Nam, Tuổi trẻ cười… Nhưng ông không có ý định làm một nhà văn. Ông chỉ viết khi có hứng, hoặc trăn trở về một điều gì đó, viết như rút ra từ gan ruột của mình.
            Những bài viết của ông dưới thể loại tạp văn đề cập đến một số vấn đề văn hoá, xã hội, chính trị nóng hổi, bức xúc thường ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng, nhanh nhạy, lý lẽ sắc sảo, giọng văn hóm hỉnh đầy tính suy tưởng, có tính phê phán mạnh mẽ các thói xấu, vạch rõ khuyết điểm, chính kiến rõ ràng và có tính giáo dục cao.
           Bàn về hiện tượng một số cán bộ có chức có quyền ngày nay nhũng nhiễu dân (Cán bộ thời nay: Đầy tớ dân hay cha mẹ dân?) tác giả phân tích nguyên nhân một cách sâu sắc và nêu yêu cầu về cán bộ thời nay: “Không cần làm đầy tớ, chỉ cần làm tròn lương tâm, trách nhiệm và đúng pháp luật. Đừng cho mình là tầng lớp cao hơn dân, hoặc nhầm tưởng mình giống như vua quan phong kiến, lúc nào cũng chỉ muốn làm cha, làm mẹ dân”. Quả thật, cán bộ chỉ cần làm được thế cũng tốt cho dân lắm lắm.
          Bài Lương, thưởng - Đôi điều muốn nói lại chỉ ra một cách thuyết phục về sự bất hợp lý giữa lương và thưởng, giữa lương và lương hưu, giữa lương và kết quả công việc. Việc xây dựng và thực hiện chế độ lương chưa đúng với quan điểm của Đảng (con người là vốn quý nhất cần phải ưu tiên đầu tư) nên còn nhiều bất hợp lý, làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội.
           Bài Giáo dục và tự giáo dục làm hiển hiện trước mắt bạn đọc hai sự thật trái ngược: Ngày giáp Tết quan chức, cán bộ (nhiều người từng đứng trên bục giảng, hoặc thường xuyên rao giảng đạo đức cho nhân viên) lũ lượt xe pháo đi tham quan, lễ hội, biếu xén cấp trên, phè phỡn mỗi suất ăn hàng mấy trăm nghìn đồng, có VIP lại còn đánh bạc một đêm thua mấy chục nghìn USD vẫn thản nhiên bay đi Thái Lan chơi gái “giải đen” bằng tiền công quỹ, trong khi đó biết bao em bé không được cắp sách đến trường, hoặc phải bán lì xì mua… tết như “Nguyễn Văn Cư 12 tuổi đang học lớp 4 Trường tiểu học Mỹ Kim, cũng như anh em U, Nhàn, Cư phải len lỏi trong chợ suốt ngày dể bán bao lì xì mua… Tết”. Câu hỏi của tác giả “Biết thậm chí còn giỏi giáo dục quần chúng, sao không biết tự giáo dục chính bản thân mình, gia đình mình?” nghe nhẹ nhàng mà nghiêm khắc, mà đau. Phản ánh hiện tượng thầy thuốc, thầy giáo vì tiền mà quên đạo làm thày, đánh mất lương tâm, tác giả khẳng định: “Trong hoàn cảnh nào cũng cần chăm lo gìn giữ bằng được “Đạo làm thầy”! Điều này đương nhiên không chỉ phụ thuộc vào người thầy, mà còn là trách nhiệm của xã hội, trong đó có phần cơ chế, chính sách”. 
           Những vấn đề Ngang qua cuộc chơi phản ánh thật phong phú: Chuyện cán bộ chỉ biết hành dân, bòn rút của dân (Vài suy nghĩ về tham nhũng và chống tham nhũng), sự xuống cấp của một số trí thức hiện nay (Bằng cấp chưa hoàn toàn tạo nên trí thức), chuyện một số người chạy chức, giữ chức bằng mọi giá (Chiếc ghế và văn hoá ngồi), chuyện dân chủ giả vờ trong Bầu bán, chuyện có quan chức lợi dụng quy hoạch chiếm đất của dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (Chợ Bút Điền: Dân thành Nam mình tốt thật), chuyện các hủ tục ăn uống lãng phí trong ma chay cưới xin, chuyện về gia đình và văn hoá gia đình, chuyện làng xóm, chuyện đồng môn, bạn bè, chuyện giáo dục trong nhà trường, chuyện ứng xử nơi công cộng…
         Đọc Chuyện văn chuyện đời, tôi cứ bị ám ảnh mãi về những điều tác giả viết. Nhà văn quá cố nổi tiếng Chu Văn nguyên là Trưởng ty Văn hoá kiêm Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh từng là nạn nhân của mưu đồ lật đổ tranh giành quyền lực. Mỉa mai thay, ngay sau lễ “Chào mừng Đại hội thành công tốt đẹp”, đại hội mà Chu Văn bị bôi nhọ, người ta tiến hành lễ trao tặng Huân chương Lao động cho Chu Văn. Sau khi nhà văn Chu Văn qua đời, một đường phố ở chính thành phố nơi ông bị hạ nhục được mang tên ông. Tuy có chậm, nhưng ông đã được lịch sử nhìn nhận đúng với công lao của mình. Sau “Đại hội hạ bệ” Chu Văn, những người “chiến thắng” ngày ấy lại trở thành nạn nhân của những mưu đồ xấu xa mới. Triết lý nhân quả trong văn Trần Huy Thuận là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những kẻ mang tâm địa xấu xa.
           Ngang qua cuộc chơi có nhiều chuyện ca ngợi gương người tốt, việc tốt, nhưng có lẽ sở trường của Trần Huy Thuận là phát hiện, phanh phui, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Người biết ghét và giám phê phán cái xấu, cái tiêu cực thì mới biết yêu tha thiết và bảo vệ cái đẹp, cái tốt. Trần Huy Thuận phê phán tiêu cực cũng chính là làm theo lời Bác Hồ dạy (Người cán bộ cách mạng phải là công bộc của dân, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư) và nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng, chống tiêu cực.
          Những vấn đề viết trong sách toàn là những sự việc tác giả mắt thấy tai nghe, những số phận con người có quan hệ trực tiếp với tác giả. Từ những sự việc có thật tác giả khái quát về một vấn đề, thể hiện thái độ và lý tưởng thẩm mỹ của mình. Những trang viết về đồng môn của ông thật xúc động, thao thiết. Một “thằng Thuỷ” đã là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, một nghệ sĩ nhân dân vẫn không quên bạn cũ từ thời để chỏm. Một “thằng Mốc làm quan” hãnh tiến chỉ vì một bài báo đụng chạm đến mình mà ra tay cho bạn nếm đòn quyền lực. Một người nhân hậu mà chuân chiên như nhà văn Phương Thuỷ… Nếu ở các bài phiếm luận về các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, giọng văn của ông khúc triết mà giàu chất thơ, nhẹ nhàng mà không khoan nhượng, thì khi viết về con người, ông như trút vào trang văn tình cảm nhân hậu, đề cao giá trị đạo đức Việt Nam, bằng tâm hồn đa cảm dạt dào cảm xúc, đồng cảm và sẻ chia với số phận con người. Viếng một đồng môn là “kẻ hát rong” bị người đời coi thường nhưng đầy tự trọng, ông khấn thầm những lời thống thiết, chân thành: “Ánh ơi! Đây hoàn toàn là những đồng tiền sạch. Chú của cháu, bạn đồng môn của ánh chưa bao giờ biết cầm một đồng tiền bẩn. ánh hãy yên tâm mà nhận cho lòng tôi được an ủi”.
           Những bài phiếm luận, nhàn đàm, tạp văn nghị luận của Trần Huy Thuận sử dụng nhiều ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao khái quát vấn đề một cách khéo léo và chính xác, giàu chất văn. Chẳng hạn, bàn về chuyện cái tai như “Trung ngôn nghịch nhĩ”, “đàn gảy tai trâu”, “Nghe hơi nồi chõ”, “như vịt nghe sấm”… Hoặc về cái sự ăn: “Ăn trên ngồi trốc”, “Miệng ăn núi nở”, “Ăn xổi ở thì”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Ăn thủng nồi trôi rế”, “Ăn to nói lớn”, “Ăn cháo đá bát”, “Ăn không nói có”, “Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”…
            Một số bài viết dưới dạng hồi ký, truyện ngắn thường kết cấu đơn tuyến, sự kiện diễn biến chặt chẽ xoay quanh nhân vật nên đọc dễ nhớ. Chuyện thằng đổ vỏ kể về một đứa con phải lấy cô gái đã mang thai mà cha hắn dùng làm vật hy sinh “tế” thủ trưởng, làm cho hắn quyết chí phấn đấu làm “sếp” của tất cả các “sếp” của cha hắn, đọc mà buồn, mà xót, mà đau. Người có hàm răng chuột là một trong số truyện ngắn trào phúng, có ý nghĩa sâu xa và hay. Chuyện kể rằng có một bệnh nhân, từ ngày lên “sếp” thì hàm răng mòn đi rất nhanh, phải đến bệnh viện thay hàm răng mới. Nhưng răng mới lại mòn nhanh hơn cả răng cũ nên các nhà khoa học đã phải thay cho ông ta hàm răng… chuột. Quả nhiên, bệnh nhân không quay lại bệnh viện nữa. Người ta đã nghĩ phải cấp huân chương cho tác giả hàm răng chuột. Bất ngờ bệnh viện lại phải tiếp nhận một bệnh nhân bị bệnh suốt ngày gậm nhấm bất cứ thứ gì ông ta thấy vì răng cứ mọc dài ra rất nhanh. Thì ra ông ta chính là bệnh nhân trước đây được thay hàm răng chuột, từ ngày về hưu bỗng trở bệnh lạ này…
            Dù là tạp văn, phiếm luận, hồi ký hay truyện ngắn, Ngang qua cuộc chơi vẫn mang yếu tố tự truyện cao. Đằng sau những hình tượng văn học và ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng là một thái độ đúng đắn rõ ràng, là tấm lòng nhân hậu, đồng cảm, sẻ chia với con người, thiết tha với cuộc sống của tác giả. Có người bảo, cái tên sách Ngang qua cuộc chơi là mượn từ câu nói của nhà viết kịch Tào Mạt: “Cuộc đời này chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chơi”. Trần Huy Thuận có thời gian sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh. Vậy việc viết văn, và cả hội văn cũng chỉ là một cuộc chơi mà ông từng tạt ngang qua. Có thể là ông khiêm tốn mà nói thế. Tên sách cũng dễ làm ta hiểu lầm rằng chỉ là sách viết cho vui. Nhưng từng dòng từng trang văn của ông cứ cuốn hút, cứ ám ảnh bạn đọc, buộc bạn đọc phải suy nghĩ trăn trở về nhân tình thế thái, về lẽ sống ở đời. Cái làm nên điều đó phải chăng ngoài nội dung ngồn ngộn chất liệu cuộc sống còn là cách viết rất riêng của Trần Huy Thuận.

 Thành Nam, 3-2-2010
              TMG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét