Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

CHUYỆN VỤN NGÀY ĐẦU NĂM 2024 / Đặng Xuân Xuyến

 


       Sáng nay, nghe một bạn thơ "tâm sự mấy lời gan ruột" về nhà thơ Lại Duy Bến tôi vào facebook tìm nick Lại Duy Bến nhưng gõ mãi cũng không tìm được, mới vỡ lẽ thì ra tôi đã "được" nhà thơ Lại Duy Bến ưu ái chặn nick, chắc lại vì mắc tội "đã dốt nát còn thích bày đặt góp ý thơ văn với người khác".

Chuyện là thế này:

Một lần dạo facebook, gặp bài thơ "Có bao điều chẳng để ý đúng sai" của nhà thơ Lại Duy Bến sáng tác ngày 29 tháng 5 năm 2023:

"Nhớ về nhau vết sâu

lúc trời mưa nghịch nắng

 

Những tung hô mờ nhòe

vết chân chim cay đắng...

 

Tiến hay lùi

khi dân tộc háo danh?

 

Thế hệ chúng tôi đi qua chiến tranh

từng sợi tóc cũng trở mình thao thức

 

Máu xương

lát những con đường

đi và đến những đâu..."

Đọc 2 câu thơ: "Tiến hay lùi / khi dân tộc háo danh?", tôi lưỡng lự khá lâu mới comment: - "Thật tiếc 2 câu: "Tiến hay lùi / khi dân tộc háo danh?" đã phá hỏng bài thơ hay!".

Vì chỉ là "bạn" mới quen trên facebook, tuổi tác ở 2 thế hệ, mà tôi lại nghe nhiều người nói "cái tôi" của các nhà thơ nhà văn lớn lắm nên cứ đắn đo nhưng rồi vì quý trọng tuổi tác của nhà thơ Lại Duy Bến tôi mới tặc lưỡi comment để ông cân nhắc, tránh gặp phải phiền phức khi bạn đọc nào đó nhắm vào 2 câu "Tiến hay lùi / khi dân tộc háo danh?" mà hạ bút luận bàn.

Thực ra bài thơ "Có bao điều chẳng để ý đúng sai" chỉ ở mức bình thường, câu chữ chỉ cố gò tạo dáng, ý tứ cũng không có gì đặc biệt nhưng trước những comment phóng bút của nhà thơ Giang Đăng: - "Có những điều chưa biết đúng hay sai / Nhưng hãy tin máu xương mình đã đổ / Dẫu câu thơ có buồn đau khốn khổ / Thì bút thần cũng ngoáy tận trời xanh / Chúc mừng những câu thơ tuyệt hay và những bức thư pháp tuyệt đỉnh của bạn." và nhà thơ, nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường: - "Câu nào cũng khiếp sợ / Lay động cả quỷ thần" nên tôi thêm chữ "hay" vào cuối câu comment để tránh "lạc lõng" giữa những lời khen chất ngất rồi lại bị la ó thế này thế nọ.

Có lẽ nhà thơ Lại Duy Bến không hài lòng với comment của tôi nên ông phản hồi tức thì: - "Cũng là một ý, nhưng mình lại không bỏ ý này. Cám ơn Đặng Xuân Xuyến.". Tôi thật lòng trả lời: - "Vâng, thưa Chú! Không có Dân tộc nào háo danh trong cuộc chiến này cả mà chỉ có "những kẻ" háo danh thôi ạ! Cháu nghĩ một câu thơ xúc phạm cả Dân tộc không nên chút nào!". Một lúc sau nhà thơ Lại Duy Bến thủng thẳng: - "Cám ơn nhé, đã sửa.". Tôi comment trả lời: - "Vâng, thưa Chú!". Rồi đọc lại bài thơ "Có bao điều chẳng để ý đúng sai", thấy nhà thơ Lại Duy Bến đã sửa 2 câu: "Tiến hay lùi / khi dân tộc háo danh?" thành: "Dân tộc thịnh hay suy / khi những kẻ cầm quyền háo danh?", tôi định comment nên bỏ 2 câu đó thì bài thơ sẽ gọn và hay hơn nhưng chợt nhớ tới chuyện có lần nghe một nhà thơ tâm sự anh “phải ra thật nhiều tập thơ, phải tạo được “hiệu ứng” thì mới được xét kết nạp vào Hội Nhà Văn. Có người phải mất hàng trăm triệu mới được xét kết nạp vào Hội” nên anh phải thật cố gắng. Nghĩ tới tuổi tác của anh, hoàn cảnh của anh (vợ ốm yếu, con nhỏ dại) mà nguồn thu nhập chính của anh lại bấp bênh, nhiều yếu tố phụ thuộc vào sự may rủi, tôi không ghìm được chua xót mà thật lòng: - “Sao phải khổ thế anh? Người ta cố chen vào Hội để hưởng quyền lợi, bổng lộc của chế độ chứ anh vào chỉ để giải quyết chuyện “con gà”, chuyện “một miếng giữa đàng” thì vào làm gì.”. Thế là anh ấy giận tôi từ đó đến giờ, thậm chí còn hủy kết bạn facebook, chặn cả nick facebook của tôi nên tôi thôi không comment thêm dưới bài thơ "Có bao điều chẳng để ý đúng sai".

Tôi cũng lưỡng lự định xóa mấy comment đã viết vì nhớ lần đọc comment của nhà văn Bùi Công Thuấn trên trang facebook nhà thơ Phùng Hiệu: “Cần xác định thơ ca nào? Thơ phong trào hay thơ chuyên nghiệp? Hiện nay thơ quần chúng tràn ngập mọi nẻo đường, liệu có ích gì không hay chỉ làm cho đường đi của dân tộc ngập ngụa rác?” và comment của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: “thơ quần chúng làm ra một đời sống tinh thần, còn các nhà thơ chuyên nghiệp thì sáng tạo ra nghệ thuật thi ca và tư tưởng.“. Tôi đã phản hồi comment của 2 ông Bùi Công Thuấn và Nguyễn Quang Thiều là “hồ đồ và hợm hĩnh” thì ít phút sau nhà thơ Phùng Hiệu xóa hết những comment đó (chắc để "bảo vệ uy danh" 2 nhà thơ nhà văn có "số má" trong hội nhà văn Việt Nam) rồi chặn nick Đặng Xuân Xuyến. Và lần đọc statuts của nhà văn Y Ban, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội: "Trai khôn dạy vợ / Gái ngoan dạy chồng. / Tao sẽ bầy cho các gái ngoan cách dạy chồng như sau. / Chồng nốc rượu khố đái ra cò thì ta cũng nốc rượu... khố đái ra bím. / Chồng đi chơi, ta cũng đi chơi. / Chồng cờ bạc, ta cũng cờ bạc. / Chồng gái gú, ta cũng trai gái. / Nói túm lại là ăn miếng trả miếng. / Nên nhớ miếng đáp lại kia phải hoành hơn miếng của chồng. / Cho đến khi nào đéo còn giề phải giữ nữa thế là xong. / Bởi sống ở đời này làm đéo gì có đứa nào dạy được đứa nào.", tôi đã comment: - "Trời! Sao chị cợt nhả dễ dãi thế này?!". Thế là nhà văn Y Ban liền xóa comment đó rồi chặn nick facebook của tôi nên tôi đắn đo định xóa mấy comment dưới bài thơ "Có bao điều chẳng để ý đúng sai" nhưng rồi nghĩ bình luận của tôi chân tình và thiện chí, chắc nhà thơ Lại Duy Bến không hành xử giống mấy nhà thơ nhà văn nọ nên tôi thôi không xóa.

Sáng nay, nghe những lời tâm sự “cũng rất gan ruột" của bạn thơ mới thấy sự chân thành, tính thẳng thắn lại không được chào đón trong nhiều trường hợp!

 

       Hà Nội, sáng 02 tháng 01-2024

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét