Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

DI NGÔN QUÝ HƠN NÚI VÀNG CỦA CHIÊU QUỐC VƯƠNG TRẦN ÍCH TẮC / Vũ Bình Lục

 


Tác giả ở đền Trần, Đông Triều, Quảng Ninh

 

XUẤT QUỐC

Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,

Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.

Bất vị Văn Công đào Tấn nạn,

Thử ky Vi Tử kế Ân vương (vong).

Cơ cừu vị mẫn tiên nhân chí,

Giản sách ưng lưu vạn cổ phương.

Hoàn vũ xa thư hội đồng nhật,

Cố gia tông tự Việt sơn trường.

 

Dịch nghĩa:

RỜI ĐẤT NƯỚC

Năm đó vì trọng nghĩa mà rời khỏi nước Nam,

Tấc lòng son canh cánh (của ta) chỉ trời xanh mới biết.

Chẳng phải Văn Công bỏ nhà Tấn lúc nguy nan,

(Mà) ngõ hầu (như) Vi Tử nối dõi nhà Ân đã mất.

Chí nối nghiệp cũ của cha ông vẫn không hề tiêu tan,

Nên để sử sách lưu lại tiếng thơm ngàn đời.

Đến ngày bờ cõi thống nhất (chúng ta) cùng gặp gỡ,

Thì dòng dõi cha ông nối tiếp, lâu bền như núi non nước Việt vậy!

 

Dịch thơ:

       Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,

Trời xanh mới biết tấm lòng son.

Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,

Mà như Vi Tử muốn Ân còn.

Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,

Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.

Một mai thống nhất giang sơn ấy,

Dòng dõi cha ông vững Việt non.

                            (VŨ BÌNH LỤC dịch)

       Chỉ cần hiểu rõ nội dung bài thơ của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, người đọc ngày nay đã có thể hiểu rõ tâm sự của ông. Tác giả muốn nhắn gửi đến muôn đời sau sự thật về cuộc đời có phần ngang trái, nhưng vô cùng vĩ đại. Ông phải hy sinh cả danh phận cao quý của mình, vì lợi ích lâu dài cho sự tồn vong của đất nước. Nếu hiểu được nội dung bài thơ, chúng ta sẽ hiểu ngay rằng, Trần Ích Tắc không phải là kẻ “phản quốc” như cái tiếng xấu ông phải mang vác nó, đeo đẳng nó theo suốt cuộc đời ông. Sự thật là, tầng lớp lãnh đạo tối cao nhà Trần đã giao cho Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc thực thi nhiệm vụ trá hàng. Nghĩa là Chiêu Quốc Vương phải khoác chiếc áo một tên PHẢN QUỐC. Đó chính là một sự hy sinh vĩ đại của một nhà tình báo chiến lược vĩ đại.

       Mở đầu bài thơ, Chiêu Quốc Vương viết:

Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,

Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.

Năm ấy (đương niên), là vì trọng nghĩa (với triều Trần, đồng nghĩa với nước Đại Việt), cho nên, ta mới phải rời Nam bang, tức nước Đại Việt của ta. Chứ đâu phải là ta bỏ mặc quê nhà trong lúc nguy khốn mà chạy sang nương náu cửa người, để kiếm chút lợi nhỏ. Tấm lòng trung nghĩa của ta, chỉ có trời xanh mới biết mà thôi!

       Đó là một sự khẳng định. Đương nhiên, đó cũng là điều hết sức bí mật. Có lẽ, lúc bấy giờ chỉ có Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thái Sư Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh Vương Trần Tung, biết và theo dõi chuyện này.

Lãnh đạo triều Trần đã bí mật tổ chức một cuộc đào tẩu, trá hàng một cách tinh vi, hoàn hảo đến mức ngoạn mục như vậy. Trong khi những nhà chép sử thì cứ vô tư chép đại ý: “Trần Ích Tắc cực kỳ thông minh. Ông tự cho mình là thông minh tài giỏi hơn tất cả các vị Hoàng Tử nhà Trần. Mới 14 tuổi, Ích Tắc đã được phong tước Chiêu Quốc Vương. Khi 15 tuổi đã muốn được làm vua. Không thỏa chí thì sinh ra bất bình, bèn đem theo cả gia quyến, bỏ nước chạy sang nhà Nguyên”. Đó là ngày 15-3-1285. Một cuộc tẩu thoát không hề có ai ngăn chặn. Thế là sao?

 Chuyện “năm ấy” là vậy. Nhưng tấm lòng “vì nghĩa” lớn của ta, chỉ có trời xanh mới biết mà thôi!

Tác giả viết tiếp:

Bất thị Văn Công đào Tấn nạn,

Thử ky Vi Tử kế Ân vương (vong).

Thế là sao? Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc nói rằng, ta không phải là kẻ như Văn Công bỏ nhà Tấn trong lúc nguy nan đâu. Mà ta như ngài Vi Tử kia, muốn nối dõi nhà Ân đã mất.

Rõ là hai nhân vật lịch sử Trung Quốc đời xưa, tình cảnh đối lập nhau. Tấn Văn Công (697TCN-628TCN), chính là công tử Trùng Nhĩ. Hồi nước Tấn loạn, các vị công tử tranh đoạt ngôi báu. Công tử Trùng Nhĩ bèn đem theo một số tùy tùng bỏ nước Tấn chạy sang lánh nạn ở nước ngoài. Được nước ngoài giúp đỡ, công tử Trùng Nhĩ đem quân về giành được ngôi báu. Đó chính là vua Tấn Văn Công.

Tấn Văn Công là thế đấy. Nhưng ta tuyệt nhiên không phải như Tấn Văn Công, thấy nước nguy nan mà bỏ nước ra đi, để sung sướng lấy một mình, rồi một khi nào đó, trở về nước đoạt lại ngai vàng!

Ngược lại, ta như ngài Vi Tử kia, muốn nhà Ân còn mãi, tức là ta muốn nhà Trần còn mãi, cho nên ta phải bỏ nước ra đi, gánh vác nhiệm vụ mới vô cùng nặng nề và cũng vô cùng nguy hiểm.

Vậy Vi Tử là ai? Vi Tử, tức Cơ Tử, là anh (có sách nói là chú) vua Trụ nhà Ân (Thương). Vua Trụ tàn ác lắm. Vi Tử khuyên can, nhưng Trụ chẳng thèm nghe, còn sai bắt Vi Tử giam vào ngục, chờ giết. Vi Tử phải giả điên, mới thoát chết. Kịp khi Chu Vũ Vương diệt Trụ, Vi Tử không chết theo nhà Ân. Ông nhận tước phong của Chu Vũ Vương. Vũ Vương cho Cơ Tử (Vi Tử) làm vua nước Triều Tiên. Chính Vi Tử là người đem chữ Hán và văn hóa Trung Hoa truyền sang Triều Tiên, tương tự như Sĩ Nhiếp đem chữ Hán sang truyền bá ở Giao Châu, mà các nhà Nho nước ta tôn vinh Sĩ Nhiếp là NAM GIAO HỌC TỔ, mặc dù, đó chỉ là ngộ nhận.

       Nhắc điển này, Trần Ích Tắc muốn nói điều gì? Tất nhiên là ông muốn nói rằng, cái việc ra đi của ông là khác hẳn Tấn Văn Công, chỉ muốn nhờ thế lực ngoại bang để quay về làm vua nước Đại Việt (Nam bang) đâu! Ông muốn như Cơ Tử, xây dựng thế lực mới, mở rộng lãnh thổ nhà Trần về phương Bắc.

Vậy đấy. Trần Ích Tắc thông minh mưu lược như vậy, đương thời, ngoài mấy vị lãnh đạo chủ chốt, thì ai biết? Các nhà chép sử nước ta, ai biết? Họ cứ thấy hiện tượng như vậy thì chép như vậy, chứ đâu biết thực chất câu chuyện bí mật kia nó như thế nào? Cũng không thể trách cứ được họ.

       Thực tế thì sao?  Với cương vị rất cao mà Hốt Tất Liệt trao cho ông chức HỒ QUẢNG BÌNH CHƯƠNG CHINH SỰ (Tể tướng) Trần Ích Tắc đã cùng các con trai của mình âm thầm chia rẽ nội bộ nhà Nguyên, xây dựng được một lực lượng quân sự hùng mạnh, chủ yếu là người Bách Việt, thuộc Lưỡng Quảng ngày nay.

Trần Hữu Lượng xưng Hán Đế, lấy quốc hiệu là ĐẠI HÁN, giương cờ Hán chống quân Nguyên. Ông đã chiếm được vùng đất rộng lớn, bao gồm lộ Thái Bình, lên đến vùng trung lưu sông Trường Giang. Cuộc chiến đấu quyết liệt của Trần Hữu Lượng khiến nhà Nguyên suy yếu dần, rồi tan rã. Tiếp đó, một số thế lực mới nổi dậy tranh giành đất đai, ai cũng muốn làm chủ Trung Nguyên. Nhà Nguyên phải rút chạy lên phía Bắc, thành lập triều đại Bắc Nguyên. Vùng Trung Nguyên chỉ còn ba thế lực tranh giành, tiêu diệt lẫn nhau, tương tự như cuộc chiến của ba tập đoàn Nguỵ (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị), Ngô (Tôn Quyền) ở thời TAM QUỐC vậy.

Thế lực của Trần Hữu Lượng (tự xưng Hoàng Đế Đại Hán) mạnh mẽ nhất. Lực lượng quân đội của ông có tới 65 vạn tinh binh, chiếm lĩnh lộ Thái Bình (Quảng Tây) và cả vùng trung lưu sông Trường Giang. Sau đó là thế lực của Chu Nguyên Chương. Còn lại là Trương Sĩ Thành. Tình thế chiến cuộc giống như thời Tam Quốc vậy.

       Trung Quốc gần đây mưu toan hạ thấp vai trò làm tan rã Mông Nguyên của Trần Hữu Lượng. Họ dựng phim nhiều tập về Trần Hữu Lượng chiến đấu với Chu Nguyên Chương, chỉ coi Trần Hữu Lượng như tuyến nhân vật phản diện, là “giặc cỏ” kiểu như nhân vật Từ Hải mà thôi. Nhưng đó chỉ là tài liệu ngụy tạo mà người Trung Quốc muốn làm méo mó sự thật lịch sử mà thôi. Cái mẹo “khôn khéo” này, người Trung Quốc vốn là bậc thầy. Thế nên, các thế hệ người Việt bị lừa bịp, hoang mang, nghi ngờ. Họ lừa bịp cả thế giới, chứ chả phải chỉ mấy anh người Việt hiền lành chất phác đâu!

       Ví thử nếu muốn trở về Đại Việt chiếm lấy ngôi vua, Trần Hữu Lượng với sáu bảy chục vạn tinh binh, thủy quân gồm hạm đội nhiều chiến thuyền lớn, nhỏ, thì việc đoạt lấy ngai vàng nhà Trần, bấy giờ là Vua Trần Dụ Tông hèn kém, chắc chắn dễ như trở bàn tay. Nhưng mà, “Ta chẳng phải như Tấn Văn Công” hèn hạ thế đâu!

Nhưng trời không giúp Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương, lực lượng chỉ bằng một phần ba Trần Hữu Lượng, nhưng nhờ có quân sư Lưu Bá Ôn rất giỏi mưu lược, cuối cùng, Chu Nguyên Chương đã chiến thắng. Lưu Bá Ôn tài năng chả kém gì Khổng Minh. Ông ta đã dùng kế hỏa công đánh bại hạm đội hùng hậu của Trần Hữu Lượng trong trận quyết chiến chiến lược trên hồ Bà Dương. Bị một mũi tên lạc trúng vào đầu, Hoàng Đế Đại Hán Trần Hữu Lượng hy sinh tại trận. Quân sĩ mất vua, mất tướng chỉ huy, tan rã sau hơn hai tháng chiến đấu quyết liệt trên hồ Bà Dương, còn gọi là hồ Bành Lãi, thông ra sông Trường Giang.

Chu Nguyên Chương sau đó tiếp tục đánh bại Trương Sĩ Thành, rồi tiếp tục tiến lên “Bắc phạt”, đánh bại nhà Bắc Nguyên, thống nhất thiên hạ, lập ra triều đại nhà Đại Minh. Ví thử, Trần Hữu Lượng chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược trên hồ Bà Dương, thì làm gì còn có nhà Đại Minh nữa? Đất đai nhà Trần sẽ rộng lớn thế nào? Chẳng phải là không thua kém gì sự nghiệp của Triệu Vũ Đế, vua nước Nam Việt của chúng ta hay sao?

Chiêu Quốc Vương khẳng định:

Chí nối nghiệp cũ cha ông (của ta) vẫn không hề tiêu tan,

Nên để sử sách lưu lại tiếng thơm ngàn đời.

Và Chiêu Quốc Vương mơ ước cái ngày thắng lợi:

Đến ngày bờ cõi thống nhất, (chúng ta) cùng gặp gỡ,

Thì dòng dõi (cha ông) nối tiếp, lâu bền như núi non nước Việt vậy!

Một niềm tin tưởng sáng tươi!

Bài thơ XUẤT QUỐC của Chiêu Quốc Vương như một di ngôn vô giá, để lại tâm sự và ước nguyện của ông cho đời sau. Những văn bản đã được viết ra ở mọi thể loại, ở các thời đại sau, kể cả NGUỴ THƯ và CHÍNH THƯ, đều chỉ là những điều trông thấy, những điều nghĩ của những người ngoài cuộc. Thực chất của vấn đề là ở phía sau hiện tượng trông thấy cho một kịch bản hoàn hảo, trà trộn vào đối phương, leo cao chui sâu để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: ĐÁNH PHÁ ĐỊCH, NGAY TRONG LÒNG ĐỊCH. Con cháu đời sau như chúng ta, cần phải tỉnh táo, suy ngẫm cho thấu đáo, chớ mắc bệnh “ăn theo nói leo”, không phải chỉ để vén lên bức màn huyền bí của lịch sử, mà còn để chiêu tuyết cho một nhân vật lịch sử vĩ đại, một người con anh hùng của đất nước phải dằn lòng gánh chịu oan khuất mấy trăm năm.

 

Vũ Bình Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét