Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

TÂM SỰ THẦM KÍN CỦA TRẦN ÍCH TẮC TRONG BỮA TIỆC MỪNG VUA MỚI ĐĂNG QUANG / Vũ Bình Lục

 


Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

       Phiên âm bài thơ của Trần Ích Tắc:

HẦU TIỆC Ở NÚI VẠN TUẾ

Từ trời xanh vọng xuống tiếng chim loan, cách ngăn với trần thế,

Chốn cửa ngọc mở tiệc hội tụ với các vì tinh tú.

Các nàng tiên múa xong trở về nơi ở chỗ ba ngàn núi tuyết,

Rượu dâng lên mặt rồng, rực rỡ màu xuân vạn nước.

Gió lành thổi khắp muôn vật, vườn ngự uyển tươi tốt.

Ơn thánh thấm nhuần như nước sông Ngân tràn đầy.

Người Việt ở phương Nam tha hương, vinh dự được xếp vào hàng tân khách,

Ngước mắt nhìn ánh sáng mới của mặt trời mặt trăng (vua) đang ở rất gần.

 

Dịch thơ:

Trời xanh rót nhạc mừng xuân,

Cửa vàng tiệc lớn quây quần tú tinh.

Múa xong, tiên vút Thiên Đình,

Rượu dâng vua, rực xuân tình vạn bang.

Tươi vườn ngự, sáng muôn vàn,

Sông Ngân như thể ngập tràn Thánh ân.

Tha hương Việt quốc khách tân,

Ngước nhìn vua mới rất gần đó thôi!

                           (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là ngày đại khánh của vua Nguyên Thánh Tông (Thiết Mộc Nhi). Thiết Mộc Nhi lên ngôi kế vị Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Đây cũng là thời điểm Hoàng Đế Thiết Mộc Nhi ban chiếu bãi binh, đại xá thiên hạ. Thế là cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ 4 (1294) của đế quốc Mông Nguyên đã hoàn toàn chấm dứt từ đây.

Thường thì triều đình Bắc phương vẫn tổ chức mừng ngày Đại khánh (vui lớn). Có khi là chúc thọ nhà vua. Có khi là mừng vua mới đăng quang. Khi ấy, các nước chư hầu phải đến dâng lễ chúc mừng. “Thiên triều” thường treo biển VẠN QUỐC LAI TRIỀU, tức vạn nước phải đến triều đình Đại Đô (Bắc Kinh) dâng lễ chúc mừng.

       Xem tác giả tả quang cảnh hết sức linh đình được diễn ra ở núi Vạn Tuế, chúng ta có thể hiểu được điều đó.

       Tâm trạng thi nhân Trần Ích Tắc tất nhiên là rất bộn bề. Ông rất vui, phải nói là vô cùng vui sướng vì đại sự đã thành công, nhưng vẫn thấy phảng phất một chút tâm sự bùi ngùi. Cũng không thể khác được. Bởi đó mới là tiếng lòng chân thật của chính ông. Vẫn có hai con người trong một Trần Ích Tắc, con người đối diện với thiên hạ và con người đối diện với chính mình.

Tác giả viết: “Người Việt ở phương Nam tha hương, vinh dự được xếp vào hàng tân khách”.

Ngày Đại khánh của vua nhà Nguyên, cả thiên hạ đều mừng vui khôn xiết. Tất nhiên là tác giả cũng vô cùng vui sướng. Một niềm vui thầm kín, khôn tả, sen lẫn một chút bùi ngùi. Sao vậy? Là vì tác giả vinh dự được cầm chiếc thẻ bài quan đại thần, nhưng là quan đại thần của nước Nguyên, với chức HỒ QUẢNG BÌNH CHƯƠNG CHÍNH SỰ (Tể Tướng). Dẫu ông không muốn, thiên hạ vẫn coi ông là kẻ “hàng thần lơ láo”, vẻ vang cái nỗi gì? Nhưng thực chất, Trần Ích Tắc vẫn cho rằng, ông chỉ là “Người Việt ở phương Nam tha hương” mà thôi!

Nào ai biết được tâm trạng ngổn ngang trong cõi lòng sâu thẳm của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc nước Đại Việt?

Thế đủ biết, Trần Ích Tắc vẫn khẳng định rằng mình chẳng qua chỉ là một người Việt ở phương Nam tha hương ở xứ người. Ông vẫn là Chiêu Quốc Vương người Việt. Tổ quốc của ông là nước Đại Việt ở phương Nam.

Vua mới ở đây, chẳng phải là vua Nguyên Thánh Tông (Thiết Mộc Nhi), người đã ban chiếu bãi binh, chấm dứt cái họa chiến tranh “núi xương sông máu” mà phi nghĩa, phi nhân tính hay sao? Trần Ích Tắc, trong vai trò rất lớn, ở vị thế Tể Tướng, được gần vua Nguyên Thánh Tông, ngay cả khi ông ta còn là Đông Cung Thái Tử. Không biết rằng, với chức vụ rất lớn ấy, ông đã bền bỉ tham mưu khéo léo với vua Nguyên những điều lợi hại gì đó, để Thiết Mộc Nhi quyết định ban chiếu bãi binh, chấm dứt cuộc xâm lăng chắc chắn là sẽ vô cùng khốc liệt với Đại Việt. Đó là năm 1294 lịch sử. Hốt Tất Liệt băng hà, Thiết Mộc Nhi đăng quang kế vị ngai vàng. Ở quê nhà, một người anh em ruột thịt của Chiêu Quốc Vương là Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải cũng đã đi mãi vào cõi mơ màng.

Đây là bữa tiệc lớn vua Nguyên ban cho quần thần ở núi VẠN TUẾ. Quang cảnh cuộc vui ở VẠN TUẾ SƠN, trong khu vực Cấm Thành, được tác giả miêu tả rất hoành tráng.

Bích lạc minh loan cách thế trần,

Ngọc kinh khai yến hội tinh thần.

Các nhà biên soạn TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn ở TTNCQH cho rằng “cụm minh loan” không phải là “tiếng chim loan”, mà “là tiếng của một thứ nhạc cụ (gọi là “loan”) dùng để cầm nhịp, giữ phách khi tấu nhạc xưa”. Trước đó, đã có sách chuyển ngữ câu “Bích lạc minh loan cách thế trần” là “Tiếng chim loan hót vọng xuống từ khoảng không xanh”. Tôi tán thành cách chuyển ngữ này. Hay hơn, thơ hơn. Cái đặc sắc tài hoa của thi sĩ Trần Ích Tắc chính là ở chỗ đó. Còn như cách hiểu của TTNCQH, cũng là một cách hiểu, nhưng câu thơ đã bị vật chất hóa đi rồi. “Tiếng chim loan hót vọng xuống từ khoảng không xanh biếc”, mới là câu thơ hàm ẩn, mang tầm vóc vũ trụ, tương ứng với quang cảnh được tác giả miêu tả ở những câu thơ tiếp sau, tràn đầy thi vị. Thế mới biết, cảm được cái hay của thơ ca thời cổ đại, chẳng phải nhà biên soạn nào cũng có thể làm tốt được. Do vậy, mà họ đã vô tình hạ thấp giá trị nghệ thuật của nguyên tác, chưa nói là đôi khi còn hiểu sai cả nguyên tác nữa.

       Quả là một đại yến tiệc, chỉ có ở chốn cung vàng điện ngọc, hội tụ quây quần muôn ngàn tinh tú. Các nàng tiên bay xuống từ trên trời. Múa hát xong, các tiên nữ yểu điệu thướt tha lại lả lướt bay về trời. Cảnh các nàng tiên nữ phục vụ cho cuộc vui lớn, đã được thi nhân thơ hóa lên như một cảnh tiên huyền ảo đấy thôi. Rượu dâng lên vua, “rạng rỡ màu xuân vạn nước”. Quả đúng là “VẠN QUỐC LAI TRIỀU”.

Thế nên mới lại thấy:

Gió lành thổi khắp muôn vật, vườn ngự uyển (của nhà vua) tươi tốt,

Ơn thánh thấm nhuần như nước sông Ngân tràn đầy.

Cả đất trời dường như tươi tốt lại trong ngày Đại khánh. Đây chẳng phải là khi triều đình nhà Nguyên tổ chức đại lễ, yến tiệc linh đình, để mừng vua mới Thiết Mộc Nhi lên ngôi Hoàng Đế đó sao? Vua lên ngôi, đồng thời ban chiếu bãi binh, đại xá thiên hạ, để thiên hạ khắp bốn phương được vui hưởng ấm áp thanh bình. Thế nên, tác giả mới khẳng định rằng “Ơn thánh thấm nhuần như nước sông Ngân tràn đầy”. Chẳng phải là niềm vui cực lớn cho tác giả, cho nước Đại Việt, cho cả bách tính khắp gầm trời này hay sao?

Cho nên:

Người Việt ở phương Nam (là ta) vinh dự được xếp vào hàng tân khách,

Ngước mắt nhìn vua mới, ánh sáng mới của mặt trời mặt trăng, đang ở rất gần.

Tâm trạng của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc nhìn chung là vô cùng sung sướng và tự hào. Niềm vui của tác giả như đã nhuốm cả vào thiên nhiên, tạo vật. Lòng tác giả như nở hoa, muôn ngàn hương sắc tốt tươi. Cả cái vườn ngự uyển của nhà vua, vốn chỉ giành cho vua và các cung nữ đi dạo, vui chơi, bây giờ dường như nó cũng đang chuyển động, đang rì rầm tốt tươi trở lại. Hỏi rằng không sung sướng, không tự hào sao được. Bởi chính ông đã vừa lập được một chiến công vô cùng vĩ đại, vô cùng hiển hách, đã ngăn chặn được một cuộc xâm lăng được lên kế hoạch từ tên bạo chúa Hốt Tất Liệt. Thế nên, tác giả thầm biết ơn ân đức của vua mới, ngước nhìn VUA MỚI như thể “mặt trời mặt trăng, đang ở rất gần”!

       Thơ thể hiện tầm vóc tư tưởng và tâm hồn tác giả. Thơ phóng chiếu hình ảnh lịch sử, chính xác nhất, sinh động nhất. Toàn bộ bài thơ là một ẩn dụ tinh tế, thầm kín và sâu sắc. Người xưa nói “Thi dĩ ngôn chí” là vậy!

 

       Vũ Bình Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét