Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH HUYỆN GIAO THUỶ (NAM ĐỊNH) TỪ TK19 ĐẾN NĂM 2005 / Trần Mỹ Giống




        - Vị trí huyện Giao Thuỷ hiện nay phía bắc giáp huyện Xuân Trường, phía tây giáp huyện Xuân Trường và huyện Hải Hậu, phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía đông nam giáp biển Đông.

        Bờ biển giao Thuỷ từ cửa Ba Lạt (xã Giao Thiện) đến cửa Hà Lạn (xã Giao Lâm) dài 32 km. Sông Hồng là ranh giới tự nhiên từ thị trấn Ngô Đồng đến cửa Ba Lạt ngăn cách huyện Giao Thuỷ với tỉnh Thái Bình. Sông Sò là ranh giới tự nhiên ngăn cách huyện Giao Thuỷ với huyện Xuân Trường và huyện Hải Hậu.
        Vùng đất huyện Giao Thuỷ hiện nay là vùng đất phía nam huyện Giao Thuỷ thuộc phủ Thiên Trường xưa, phần lớn được phai phá từ thế kỷ XVIII đến nay, còn phần lớn đất huyện Giao Thuỷ xưa nay là vùng đất của huyện Xuân Trường.
          Huyện Giao Thuỷ xưa thuộc phủ Thiên Trường. Phủ thiên Trường thời Lý là Hải Thanh, thời Trần đổi là Thiên Thanh rồi Thiên Trường, thời thuộc Minh đổi là Phụng Hoá, thời Lê lấy lại tên Thiên Trường, thời Tự Đức đổi là Xuân Trường. Phủ Thiên Trường gồm các huyện Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Nam Chân. Sau thành lập huyện Chân Ninh cũng thuộc phủ Thiên Trường. Thời Pháp thuộc phủ Xuân Trường tương đương với huyện, gồm phần đất huyện Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ hiện nay.
Năm 1934 tách phủ Xuân Trường thành phủ Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ.
Huyện Giao Thuỷ hiện nay hồi cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX gồm các tổng xã sau:
        1- Tổng Hà Cát gồm 9 xã, thôn, phường: Hà Cát, Mạn Đông, Đông Hào, thôn Thượng thuộc xã Mạn Tứ, thôn Hạ thuộc xã Mạn Tứ, Mạn Thục, Thượng Điền, phường Giáo Phòng, Mạn Trung. Sau cắt một số xã sang tỉnh Thái Bình.
        Đầu thế kỷ XX tổng Hà Cát gồm các xã, ấp: Hà Cát, ấp Định Hải, Hà Nam, phường Giáo Phòng, Nam Thành gồm giáp Nam Thành Giáo (Thuận Thành), Thanh Hương (Thanh Nhang), Lạc Thành.
        Tổng Hà Cát nay là khu vực xã Hồng Thuận, xã Giao Hương, xã Giao Thanh.
        2- Tổng Hoành Nha có 11 xã, thôn, trang, phường: Hoành Nha, trang Quất Lâm, thôn Hoành Đông, thôn Hoành Lộ, thôn Hoành Tứ, thôn Diêm Điền, thôn Hoành Nhị, thôn Hoành Tam, phường thuỷ cơ Hoành Đông, trang Hải Huyệt (gồm thôn Hải Huyệt Bán Trang Tam và thôn Hải Huyệt Bán Trang Tứ).
       Đầu thế kỷ XX tổng Hoành Nha gồm 14 đơn vị hành chính: phường thuỷ cơ Hoành Đông đổi thành Đông Bình, trang Hải Huyệt Bán Trang Tam thôn đổi thành Hải Huyệt Tam, trang Hải Huyệt Bán Trang Tứ thôn đổi thành Hải Huyệt Tứ. Thêm ba đơn vị hành chính đất mới khai phá là Kiên Hành, ấp Lạc Nông, ấp Nho Lâm.
Tổng Hoành Nha nay là phía bắc huyện Giao Thuỷ gồm thị trấn Ngô Đồng, xã Hoành Sơn, xã Giao Tiến, xã Giao Châu.
         3- Tổng Hoành Thu là đất mới khai phá dưới thời Minh Mệnh do Nguyễn Công Trứ tổ chức. Đầu thế kỷ XX tổng này có 14 xã, ấp, trại: ấp Bỉnh Di, ấp Duy Tắc, Du Hiếu, ấp Đắc Sở, giáp Địch Giáo, trại Hiệt Củ, giáp Khắc Nhất, trại Mộc Đức, trại Ngưỡng Nhân, Quân Lợi, trại Thuý Rĩnh, Thức Hoá, Tồn Thành, Tự Lạc. Tổng Hoành Thu nay thuộc khu vực xã Giao Thịnh, xã Giao Tân.
         4- Tổng Lạc Thiện là tổng mới khai phá cuối thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX tổng Lạc Thiện có 15 ấp: Phú Thọ, Hành Thiện, Hoành Đông, Hoành Lộ, Phú Vinh, Hoành Tam, Lạc Nghiệp, Lục Thuỷ, Phú Giáo, Sa Châu, Thiện Giáo, Thuỷ Nhai, Thượng Miêu, Trừng Uyên, Xuân Hy Thượng. Tổng Lạc Thiện nay thuộc khu vực xã Giao Hương, xã Giao An, xã Giao Thiện, xã Giao Thanh.
          5 – Tổng Quất Lâm thành lập cuối thời Minh Mệnh (1846) trên cơ sở tách một số xã của hai tổng Hoành Thu và Hoành Nha, gồm các xã: Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ, Văn Trì, Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Trì, Du Hiếu, Mộc Đức.
Năm 1940 – 1944 Chính phủ bảo hộ Pháp sát nhập một số ấp xã nhỏ thành các xã mới:
        - Xã Đông Thiện gồm ấp Phú Lương, Phú Ninh, Hoành Đông.
        - Xã Thiện Nguyên gồm ấp Hoành Tam, Thượng Phúc, Sa Châu.
        - Xã Chí Thiện gồm ấp Lạc Nghiệp, Phú Thọ, Lục Thuỷ.
        - Xã Tập Thiện gồm ấp Nam Thiện, Đại Đồng.
        - Xã Quân An gồm ấp Thuỷ Nhai, Hoành Lộ.
        - Xã Lạc Thiện gồm ấp Trừng Uyên, Xuân Hy.
        - Xã Trà Hương gồm ấp Lũ Lương, Lũ Giáo.
        - Xã Quần Long gồm Kiên Long, Nam Long, Trung Long, Long Hành.

         Thay đổi địa danh hành chính huyện Giao Thuỷ từ sau năm 1945:
         Sau Cách mạng tháng Tám 1945, bỏ cấp tổng, lập cấp xã trên cơ sở một hoặc nhiều xã cũ. Huyện Giao Thuỷ từ 56 xã cũ thành 24 xã mới:
        - Xã Quất Hải gồm các xã Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ.
        - Xã Hiếu Đức gồm Du Hiếu, Mộc Đức.
        - Xã Tân Dân gồm Địch Giáo, Quần Lợi, Duy Tắc.
        - Xã Gi Thành gồm Bỉnh Ri, Tồn Thành.
        - Xã Minh Đức gồm Hiệt Củ, Đắc Sở, Thuý Rĩnh.
        - Xã Hải Yến gồm Liên Trì, Đan Phượng, Thanh Khiết.
        - Xã Thọ Tiên Châu gồm Sa Châu, Tiên Chưởng, Duyên Thọ.
        - Xã Hoành Nha.
        - Xã Liên Hoành gồm Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ.
        - Xã Hoành Sơn gồm Hoành Nhị, Khắc Nhất.
        - Xã Đông Hoà gồm Hoành Đông, Đông Bình.
        - Xã Diêm Điền.
        - Xã Quần Long gồm Kiên Long, Nam Long, Trung Long, Long Hành.
        - Xã Kiên Lâm gồm Kiên Hành, Nho lâm.
        - Xã Cát Hải gồm Hà Cát, Định Hải.
        - Xã Giáo Thành gồm Lạc Thành, Thuận Thành, Giáo Phòng A – B.
        - Xã Nam Thiện gồm Hà Nam, Nam Thành, Thiện Giáo.
        - Xã Thức Hoá.
        - Xã Lạc Nhân gồm Ngưỡng Nhân, Lạc Nông.
        - Xã Tam Thiện gồm Đông Thiện, Thiện Nguyên, Chí Thiện.
        - Xã Xuân Lạc gồm Xuân Thiện, Tam Lạc, Phú Ninh.
        - Xã Thanh Nhang.
        - Xã Thiện An gồm Lạc Thiện, Quân An.
        - Xã Thiện Hương gồm Trà Hương, Tập Thiện.
Năm 1952 điều chỉnh hợp nhất một số xã và đổi tên xã của huyện Giao Thuỷ theo nguyên tắc có chữ “Giao” ở đầu:
        - Xã Quất Hải đổi thành xã Giao Lâm (gồm Quất Lâm Hạ, Quất Lâm Thượng, Văn Trì).
        - Xã Hiếu Đức đổi thành xã Giao Hiếu (gồm Du Hiếu, Mộc Đức).
        - Hợp nhất hai xã Tân Dân và Minh Đức thành xã Giao Tân (gồm Địch Giáo, Quần Lợi, Duy Tắc, Hiệt Củ, Đắc Sở, Thuý Rĩnh).
        - Xã Hải Yến đổi thành xã Giao Yến (gồm Liên Trì, Đan Phượng, Thanh Khiết).
        - Xã Thọ Tiên Châu đổi thành xã Giao Châu (gồm Sa Châu, Tiên Chưởng, Duyên Thọ).
       - Xã Hoành Nha đổi thành xã Giao Tiến.
       - Xã Liên Hoành đổi thành xã Giao Hoành (gồm Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Lộ).
       - Xã Hoành Sơn đổi thành xã Giao Sơn.
       - Hợp nhất hai xã Đông Hoà và Diêm Điền thành xã Giao Điền Hoà (gồm Hoành Đông, Đông Bình, Diêm Điền).
       - Hợp nhất xã Thức Hoá với xã Gi Thành thành xã Giao Hoan (gồm Bỉnh Ri, Tồn Thành, Thức Hoá).
       - Hợp nhất hai xã Quần Long và Kiên Lâm thành xã Giao Hải (gồm Kiên Long, Nam Long, Kiên Trung, Kiên Hành, Long Hành, Nho Lâm).
       - Xã Cát Hải đổi thành xã Giao Hồng (gồm Hà Cát, Định Hải).
       - Xã Lạc Nhân đổi thành xã Giao Nhân (gồm Ngưỡng Nhân, Lạc Nông).
       - Sát nhập thôn Trà Hương của xã Thiện Hương vào xã Thiện An và đổi thành xã Giao An (gồm Lạc Thiện, Quân An, Trà Hương).
       - Xã Tam Thiện đổi thành xã Giao Thiện (gồm Đông Thiện, Thiện Nguyên, Chí Thiện).
       - Hợp nhất xã Thiện Hương với xã Giáo Thành thành xã Giao Đồng Lạc. Sau đó lại đổi là Giao Lạc (gồm Đại Đồng, Nam Thiện, Thuận Thành, Lạc Thành, Giáo Phòng).
       - Xã Xuân Lạc đổi thành xã Giao Xuân (gồm Xuân Thiện, Tam Lạc, Phú Ninh).
       - Hợp nhất hai xã Thanh Nhang và Nam Thiện thành xã Giao Hà Thanh (gồm Thanh Nhang, Hà Nam, Nam Thành, Thiện Giáo).
Sau năm 1953 hợp nhất xã Giao Thiện với xã Giao An thành xã Giao Thiện.
Sau cải cách ruộng đất năm 1956 điều chỉnh một số xã huyện Giao Thuỷ như sau:
        - Xã Giao Hải chia thành hai xã Giao Hải và Giao Long.
        - Xã Giao Lâm chia thành hai xã Giao Lâm và Giao Phong.
        - Xã Giao Tiến chia thành ba xã Giao Tiến, Giao Hùng, Giao Thắng.
       - Xã Giao Điền Hoà chia thành hai xã Giao Hoà, Giao Bình.
       - Xã Giao Lạc chia thành hai xã Giao Lạc, Giao Thuận.
       - Xã Giao Thiện chia thành hai xã Giao Thiện, Giao An.
       - Xã Giao Hà Thanh chia thành hai xã Giao Thanh, Giao Hương.
       - Xã Giao Tân chia thành hai xã Giao Tân, Giao Minh.
       - Xã Giao Sơn chia thành hai xã Giao Sơn và Giao Hà.
Năm 1965 hợp nhất tỉnh Nam Định với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Huyện Giao Thuỷ thuộc tỉnh Nam Hà.
        Quyết định số 247-NV ngày 6 – 8 -1966 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thành lập xã mới Bạch Long trên cơ sở đất mới khai phá, cắt thôn Đan Hải thuộc xã Giao Yến huyện Giao Thuỷ về xã Bạch Long. Xã Bạch Long gồm 8 hợp tác xã: Long Phúc, Long Cương, Long Thành, Long Bình, Hải Thanh, Ninh Dương, Long Trường, Long Ninh.
        Năm 1967 hợp nhất huyện Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ thành huyện Xuân Thuỷ. Các xã của huyện Giao Thuỷ cũ nay thuộc huyện Xuân Thuỷ.
        Quyết định số 164-NV ngày 28 – 3 – 1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hợp nhất một số xã của huyện Xuân Thuỷ thuộc địa bàn huyện Giao Thuỷ ngày nay như sau:
        - Hợp nhất xã Giao Hoà và xã Giao Bình thành xã Bình Hoà.
        - Hợp nhất xã Giao Hoan và xã Giao Hiếu thành xã Giao Thịnh.
        - Hợp nhất ba xã Giao Hùng, Giao Tiến, Giao Thắng thành xã Giao Tiến.
Quyết định số 233-TTg ngày 21 – 8 – 1971 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng hợp nhất xã Giao Hoành và xã Giao Sơn thành xã Hoành Sơn.
Sau năm 1973 cải tiến quản lý hợp tác xã lên quy mô sản xuất lớn, hợp tác xã toàn xã, có sự điều chỉnh và hợp nhất một số xã theo vùng như sau:
        - Xã Giao Minh được giải thể để chia về xã Giao Châu và Giao Tân.
        - Xã Giao Châu gồm Tiên Chưởng, Sa Châu, Thuý Rĩnh, Đắc Sở.
        - Xã Giao Nhân gồm Duyên Thọ, Ngưỡng Nhân, Lạc Nông.
        - Xã Hoành Sơn gồm Giao Hoành, Giao Sơn.
        - Xã Hồng Thuận gồm Giao Hồng, Giao Thuận.
        - Xã Giao Tân gồm Quần Lợi, Địch Giáo, Duy Tắc, Hiệt Củ.
Năm 1975 hợp nhất tỉnh Nam Hà với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Huyện Xuân Thuỷ (bao gồm vùng đất huyện Giao Thuỷ) thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Quyết định số 34- HĐBT ngày 1 – 4 – 1986 của Hội đồng Bộ trưởng thành lập thị trấn Ngô Đồng trên cơ sở một phần đất tự nhiên và dân cư của ba xã Bình Hoà, Xuân Phú (của huyện Xuân Trường), Hoành Sơn. Thị trấn Ngô Đồng là huyện lỵ của huyện Xuân Thuỷ.
Năm 1991 chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Huyện Xuân Thuỷ (bao gồm vùng đất huyện Giao Thuỷ ngày nay) thuộc tỉnh Nam Hà.
Năm 1996 chia tách tỉnh Nam Hà thành tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam. Huyện Xuân Thuỷ thuộc tỉnh Nam Định.
Nghị định số 19-CP ngày 16 – 2 – 1997 của Chính phủ chia tách huyện Xuân Thuỷ thành huyện Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ. Huyện Giao Thuỷ có 21 xã, 1 thị trấn: Giao Nhân, Giao Châu, Giao Hải, Giao Long, Giao Hà, Giao Tân, Giao Tiến, Giao Yến, Giao Thịnh, Giao Lâm, Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Thanh, Giao Hương, Giao Lạc, Giao Xuân, Hoành Sơn, Bình Hoà, Bạch Long, Hồng Thuận, thị trấn Ngô Đồng.
         Nghị định số 19/1998/NĐ-CP ngày 26 – 3 – 1998 của Chính phủ thành lập xã Giao Hưng thuộc huyện Giao Thuỷ.
         Nghị định số 33/2006/NĐ-CP ngày 31 – 3 – 2006 của Chính phủ bãi bỏ Nghị định số 19/1998/NĐ-CP ngày 26 – 3 – 1998 của Phính phủ về việc thành lập xã Giao Hưng của huyện Giao Thuỷ.
         Năm 2003 thành lập thị trấn Quất Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân cư của xã Giao Lâm.
         Các đơn vị hành chính của huyện Giao Thuỷ hiện nay gồm 20 xã, 2 thị trấn như sau:
        1- Thị trấn Ngô Đồng gồm các khu gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4A, 4B, 5, 6.
        2- Thị trấn Quất Lâm (gồm các xóm của xã Giao Lâm trước đó là Lâm Sơn, Lâm Quý, Lâm Dũng, Lâm Tiên, Lâm Thọ, Lâm Khang, Lâm Ninh, Lâm Tân, Lâm Thượng, Lâm Hạ, Lâm Chính, Bình Trung, Lâm Hoà, Cồn Tàu Tây, Cồn Tầu Đông).
        3- Xã Bình Hoà gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 16.
        4- Xã Giao An gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 22.
        5- Xã Giao Châu gồm các xóm Tiên Thuỷ, Tiên Thành, Tiên Hưng, Tiên Long, Minh Đoàn, Minh Lạc, Minh Thắng, Tây Sơn, Đông Sơn các đội sản xuất số 3, 4, 5, 6, 7, 8.
        6- Xã Giao Hà gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 12.
        7- Xã Giao Hải gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 18.
        8- Xã Giao Hương gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 14.
        9- Xã Giao Lạc gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 22.
        10- Xã Bạch Long gồm các xóm Tân Phú, Liên Hoan, Liên Hải, Hải Yến, Hoành Tiến, Thành Tiến, Hải Ninh, Nam Hải, Trung Đường, Xuân Ninh.
        11- Xã Giao Long gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 22.
        12- Xã Giao Nhân gồm các xóm Nhân Tiến, Nhân Thắng, Nhân Hoà, Duyên Hồng, Duyên Trừng, Duyên Hải, Lạc Thành.
        13- Xã Giao Phong gồm các xóm Lâm Hào, Lâm Hồ, Lâm Hoan, Lâm Quan, Lâm Bồi, Lâm Trụ, Lâm Hải, Lâm Tiến, Lâm Đình, Lâm Phú, Liên Phong.
        14- Xã Giao Tân gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 12.
        15- Xã Giao Thanh gồm các xóm Thanh Long, Thanh Hùng, Thanh Tân, Thanh Châu, Thanh Minh, Thanh Nha, Thanh Mỹ, Thanh An, Thanh Lâm, Thanh Giáo.
        16- Xã Giao Thiện gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 30.
        17- Xã Giao Thịnh gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 16.
        18- Xã Giao Tiến gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 18.
        19- Xã Giao Xuân gồm các xóm Xuân Thắng, Thị Tứ và các đội gọi theo thứ tự từ 1 đến 16.
        20- Xã Giao Yến gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 15.
        21- Xã Hoành Sơn gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 17.
        22- Xã Hồng Thuận gồm các xóm gọi theo thứ tự từ 1 đến 15.
   
       KẾT LUẬN
   
        Huyện Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ đều là vùng đất được khai phá muộn so với các huyện phía bắc tỉnh Nam Định. Huyện Xuân Trường được khai phá chủ yếu vào thế kỷ 14 – 15, huyện Giao Thuỷ vào thế kỷ 18 - 19.
        Quá trình thay đổi địa danh hành chính huyện Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ từ thế kỷ 19 đến 2005 diễn ra khá phức tạp, cả về tên đất và cả về ranh giới hành chính.
        - Tên đất ban đầu thường được lấy tên quê quán (hoặc một phần tên quê quán) của người chủ trì khai phá đặt cho vùng đất mới. Ví dụ: Dân xã Lạc Nghiệp khai phá đất mới ở Giao Thuỷ đã đặt tên cho đất khai phá là ấp Lạc Nghiệp. Người họ Trần ở làng Kim Lũ (Hưng Yên) về khai phá đất mới (ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường ngày nay) lấy tên làng là Trà Lũ (Trà Lũ Trung). Mục đích việc đặt tên đất như vậy là nhằm nhắc nhở người sau không quên cội nguồn, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền của một tộc người.
        - Quá trình thay đổi tên đất diễn ra khá phức tạp, tuỳ theo đặc điểm mỗi thời đại. Nói chung trong thời phong kiến, sự thay đổi tên đất rất ít xảy ra. Sự thay đổi tên đất diễn ra nhiều lần cùng với thay đổi ranh giới từ cuối thế kỷ 20 đến nay diễn ra khá phức tạp. Nhiều tên làng xã bị chia nhỏ hoặc hợp nhất với những tên mới bằng tên chữ số (số Ả Rập) hoặc tên nhân vật. Tính truyền thống từ tên đất vì thế cũng trở nên hạn chế. Nhiều xã trước đây nay là thôn, xóm với những cái tên bằng số thứ tự trùng lặp với nhiều xã khác, rất ít tính gợi cảm và khó phân biệt.
         - Một số rường hợp thay đổi tên đất và ranh giới:
          + Cơ bản giữ nguyên ranh giới và chỉ thay đổi tên gọi như xã Xuân Thượng (Thượng Miêu – Thượng Phúc).
          + Một xã chia làm nhiều xã ngày nay (Trà Lũ).
          + Nhiều xã, thôn của nhiều tổng, nhiều huyện trước đây nay hợp nhất thành một xã (Xuân Hồng).
          + Ranh giới tên đất trong quá trình thay đổi tên gọi có trường hợp bảo toàn ranh giới từng xã, thôn, ấp trước đây, đồng thời lại có trường hợp chia nhỏ ranh giới của xã trước đây ra nhiều xã mới (như vùng Xuân Phú, Xuân Đài...).

         Nghiên cứu quá trình thay đổi tên đất và địa giới hành chính giúp ta nắm được lịch sử từng vùng dất một cách cụ thể, trên cơ sở đó mà có cái nhìn, đánh giá lịch sử chính xác đối với từng địa danh cụ thể.

TRẦN MỸ GIỐNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 - Sách chữ Hán
- Hành Thiện xã chí / Đặng Xuân Bảng.
- Nam Định tỉnh chí / Ngô Giáp Đậu.
- Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục / Nguyễn On Ngọc.
- Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược / Khiếu Năng Tĩnh.
- Trà Lũ xã chí / Lê Văn Nhưng.
2 – Sách quốc ngữ
- Địa chí Nam Định. – H.: Chính trị quốc gia, 2003.
- Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường / Đảng bộ huyện Xuân Trường. – H. : Văn hoá Thông tin, 2004.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Giao Thuỷ 1930 – 2005. – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Giao Thuỷ, 2009.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Giao Châu (1930 – 2005). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Châu, 2007.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Giao Hải (1930 – 2005). Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Châu, 2007.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Giao Lạc (1945 – 2005). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Lạc, 2009.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Giao Thiện. – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Thiện, 2009.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Giao Tiến (1930 – 2000). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Tiến, 2004.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Bắc (1930 – 2005). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Bắc, 2007.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hoà (1930 – 2005). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Hoà, 2007.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Phú (1930 – 2005). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Phú, 2006.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Thượng (1930 – 2000). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Thượng, 2006.
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Trung (1930 – 2000). – Nam Định : Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Trung, 2007.
- Lịch sử làng Thi. – Nam Định : Tổ lịch sử quê hương Xuân Thuỷ, 1985. – 2 T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét