Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH NAM ĐỊNH PHỎNG VẤN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỒNG NGỌC HOA - TÁC GIẢ TIỂU THUYẾT LÃO HÓI


NNC Đồng Ngọc Hoa


        PV:   
1. Xin chào bác Đồng Ngọc Hoa (ĐNH), hội viên hội VHNT tỉnh, chánh VP Hội KHLS tỉnh. Trước hết xin được chúc mừng cuốn tiểu thuyết đầu tay của bác vừa ra mắt độc giả. Xin bác chia sẻ đôi điều về tác phẩm này ạ?
       ĐNH:        Cám ơn nhà báo, cám ơn Đài Phát thanh Truyền hình Nam Định đã đọc và chúc mừng cuốn tiểu thuyết của tôi. Thưa quý vị, thưa các bạn.

     Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi viết về những người tham gia chống giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Hai thứ giặc mà nhân dân cả nước căm ghét, với nhân vật chính là Lão Hói được đặt tên cho tác phẩm. Họ là những người đã xông ra nơi đầu sóng ngọn gió, mặt đối mặt với quân thù, lăn lộn trên khắp các chiến trường, trên mọi nẻo đường chiến trận không ngại gian khổ, không quản hy sinh, kể cả những chiến sĩ quân giới trên mặt trận thầm lặng mà ít người biết đến.  Lão Hói cũng là nhân vật trong lớp người ấy.
        Khi là sĩ quan quân đội lão làm việc cần mẫn, thông minh, tính kỉ luật cao, thẳng thắn, không khoan nhượng với những việc làm chạy theo thành tích, qua loa vô trách nhiệm. Khi về hưu lão trở thành người cầm cờ trong việc đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền tham nhũng ở địa phương. Qua tiểu thuyết Lão Hói tác giả muốn cho người đọc biết về lớp thanh niên có học được đào tạo cơ bản phục vụ quân đội trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Lâm Thanh- Lão Hói, một chiến sĩ quân giới năng nổ, hăng hái nhiệt tình, có trình độ, trách nhiệm luôn làm hết sức mình. Ở tiền phương anh luôn xông pha xoay tìm hỏng hóc, ở hậu phương anh luôn miệt mài gia công sản xuất để đảm bảo cho súng pháo nổ dòn sẵn sàng tiếp sức cho tiền duyên, xứng đáng kế tiếp lớp quân giới của Ba Tơ anh hùng, của núi sông Việt Bắc, của chiến thắng Điện Biên vẻ vang. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực tự hoàn thiện mình của Lâm Thanh - Lão Hói cũng không phải không gay go quyết liệt qua chuyện phản đối sử dụng hàng ngàn chiếc kim hỏa súng B40 không đạt yêu cầu, việc báo cáo thành tích giả qua chuyện nhập kho khống và người xấy thuốc ngủ quên đến việc buộc phải túm cổ áo trung úy trưởng phòng kế hoạch, cấm đốc công Phiên lấy số liệu để phát thanh làm cho chính ủy nhà máy cũng phải khiếp lão. Lão Hói, một người vì dân, thương dân bị hành hạ qua chi tiết người chồng phải bế con lên nhà kho HTX nơi người vợ bị giam vì thiếu sản để người mẹ vạch vú đút qua song sắt cửa sổ cho con bú thì cả thế giới vụ việc như vậy chỉ có ở Việt Nam. Lão tự hào với những chiến công của những người giữ đất, giữ làng như liệt sĩ Hà Sĩ Hùng thà chết chứ nhất định không chịu rơi vào tay giặc. Ông đã tung lựu đạn chiến đấu hy sinh. Liệt sĩ Hà Tất Đạt bỏ tài liệu vào mồm nhai nuốt rồi đập cằm xuống bàn cho đứt lưỡi hy sinh trước mặt kẻ thù đang dụ dỗ ông khi bắt được. Lão ghét cay ghét đắng những kẻ gọi là đầy tớ của dân nhưng lại ăn bớt, ăn chặn của dân ăn ráo cả lần trong lần ngoài, ăn cả cái đầu cúi tôn chổng của dân, ăn hết phần của cả của trẻ con qua lời thề của thằng bé đứng cửa buồng cắn móng tay nhìn cán bộ ăn xông ra nói: “Tôi thề với các ông là chỉ còn tí nước” rồi nước cũng chẳng còn. Lão thương dân khi một cổ ba tròng Nhật, Pháp và phong kiến tay sai đè hầu bóp cổ nhân dân gây ra nạn đói năm 1945 chết nhiều người còn đau đến hàng trăm năm làm cho cái lò so uất hận bật mạnh bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương.
        Lão rất yêu mảnh đất nơi sinh ra mình đó là xã Mỹ Khê, một xã anh hùng thời chống Pháp, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm do có thành tích chăn nuôi dẫn đầu toàn Miền Bắc. Lão yêu con người làng mình, xã mình nên yêu cả những nghề phụ góp phần nuôi sống dân mình như nghề dệt chiếu và cả câu cáy lão cũng cho là một nghề vì làm ra những giọt nước chấm ngon hơn cả Chin-su khi nhấm nháp thấy mằn mặn, ngòn ngọt, thơm thơm tê tê mùi cà cuống.
          Nhưng rồi cái yêu làng yêu người đã làm lão gặp phải không ít khó khăn, khi chống lại cái xấu, cái ác, cái đểu, cái mà làm lão suýt đến mất mạng trên mặt trận chống tham nhũng ngay tại chính quê hương mình. Nhờ có đồng chí đồng đội và nhân dân ủng hộ nên những kẻ xấu nơi một xã tưởng như bình yên đã được lôi ra ánh sáng, đã bị vạch mặt, kỉ luật để răn đe kẻ khác muốn nhấp nhổm làm cán bộ với mục đích lấy của dân làm giàu,  lấy lại niềm tin của dân đối với đảng quang vinh.

        PV:   2. Cơ duyên nào khiến một nhà sử học lấn sân sang lĩnh vực tiểu thuyết thưa bác?
        ĐNH:  Trong cuộc chiến chống tham nhũng cá nhân tôi cũng muốn hong thêm mấy thanh củi góp vào lò lửa của Tổng bí thư cháy mãi. Người dằn mặt loại cán bộ ra điều ta đây “Nói Trên nghe, đe dưới sợ”. Đe dưới là đe ai? Lão Hói thì ngược lại. Lão nói dân nghe, đe cán bộ phải sợ.

        PV: 3. Một nhà viết sử khi chuyển sang viết tiểu thuyết có khó khăn và thuận lợi gì ạ?
        ĐNH:  Tiểu thuyết lịch sử là một dạng tiểu thuyết hay. Chuyển các tư liệu lịch sử sang dạng tiểu thuyết cũng là cách tuyên truyền lịch sử làm cho người đọc dễ nhớ lịch sử hơn và việc này cũng là nghề của người viết sử.

        PV:  4. Viết sử cần sự trung thực. Còn tiểu thuyết lại phải hư cấu. Trong cuốn tiểu thuyết này có bao nhiêu phần là thực và bao nhiêu phần là hư cấu thưa bác?
        ĐNH:  Đúng như bạn nói. Phần nào là lịch sử thì là thật. Còn các phần khác hư hư thực thực một cách lô gíc mới tạo nên tiểu thuyết được, còn bao nhiêu phần là hư cấu thì có lẽ tác giả phải bí mật mới hay.

        PV:  5. Nhân vật lão hói được xây dựng từ nguyên mẫu thật hay chỉ là do tưởng tượng nên ạ?
        ĐNH: Nhân vật Lão Hói cũng có lúc thật 100% như hồi còn ở quân đội, lúc chống tham nhũng ở địa phương, cũng có lúc là mẫu người mà người khác cứ tưởng là mình.
 
        PV:  6. Cháu thấy cuốn tiểu thuyết này của bác có rất nhiều thông tin lịch sử, vì sao bác lại đưa nhiều vào tiểu thuyết? Phải chăng đây là dụng ý nói lên nhiều điều ạ.
        ĐNH: Người ta mượn Lão Hói viết lịch sử đảng bộ và nhân dân địa phương thì phải viết lịch sử. Lịch sử thì phải dựa vào tư liệu lịch sử đã diễn ra trên quê hương lão. Tư liệu lịch sử thì nhiều nhưng đưa vào tiểu thuyết là có chọn lọc để giới thiệu với cả nước. Ví như xoay quanh cái cầu Vô Tình đã có rất nhiều tư liệu về văn học kể về sự tích cây cầu và lịch sử từ thời Trần đánh quân Nguyên, đến thời đánh đồn Vô Tình do quân Pháp đóng  cũng xoay quanh cái tên Vô Tình. Ngoài ra còn các tư liệu lịch sử các di tích đền chùa cũng liên quan đến hoạt động của Lão Hói được dân tin cậy giao cho.

        PV:  7. Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay này bác có ý định gì mới trong sáng tác ạ?
        ĐNH:  Tôi sẽ viết tiếp Lão Hói tập hai. Tập một nói về lớp người chống giặc ngoại xâm và nội xâm là hai nhiệm vụ quan trọng. Còn các việc khác chỉ là thứ yếu. Tập hai sẽ nói về lớp người lập thân, lập nghiệp. Lớp người này cũng có hai hạng người. Lớp thì “mình vì mọi người” tiếp tục chiến đấu hy sinh về nghĩa cả. Lớp còn lại là vì tiền tài và danh vọng
                                                                  
        PV:  Xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện và chúc bác thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét