Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

TÂM SỰ CÙNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỀ TỬ VI / Nguyễn Thanh Lâm




        Cơ duyên trời đất tôi biết Đặng Xuân Xuyến từ năm 1999, năm tôi ra tập thơ “Những Bình Minh Chiều” nhờ Xuyến bán giúp. Rồi đến năm 2001 tôi ra tập thơ “Thơ Tình Phố Cổ” tôi lại nhờ Xuyến bán hộ. Tôi đến nhà sách của anh ở đường Láng khi ấy anh đang xem tử vi của anh và số tử vi của vợ anh. Xuyến không ngờ tôi là người nghiên cứu sâu và ứng dụng tử vi đã lâu năm, tôi nói về đời anh, về tính cách của vợ anh và mối tình của anh với vợ sẽ tan vỡ làm Xuyến giật mình. Nhưng bản chất của Xuyến là người tốt, thương vợ thương con hết mình, anh tin vào tình yêu và lòng tốt của mình nên lúc ấy Xuyến chỉ ngờ ngợ chưa tin. Thời gian trôi đi… những điều tôi nói đã thành sự thật, khi con người gặp cảnh đau lòng mới ngộ ra và tự hỏi mình là ai?


        Con người có số phận thật chăng và Xuyến đã miệt mài nghiên cứu tử vi để tự tìm hiểu cuộc đời của mình. Rồi anh viết sách về tử vi, trong cuốn sách anh trích lời bàn của tôi rất công tâm và cuốn sách bán rất chạy. Tôi đã tâm sự cùng Xuyến: Đời tôi cũng nhiều thăng trầm và ngay từ nhỏ đã được những người thân trong gia đình truyền thụ về tử vi, đến năm 1979 đi bộ đội tôi có duyên gặp vị hòa thượng ở chùa Thiên Phúc làng Trà Phương - Đồ Sơn - Hải Phòng chọn tôi là người truyền nhân, hòa thượng đã chỉ cho tôi rất căn bản về tử vi - kinh dịch - bốc phệ, và tôi vốn đã say mê lại đọc thêm nhiều sách, qua năm tháng tử vi đã ngấm dần vào máu của tôi.

        Nay Đặng Xuân Xuyến đề nghị tôi viết về tử vi, đăng lên trang mạng cá nhân của anh để bạn đọc cùng tham khảo, chiêm nghiệm. Tôi trân trọng Xuyến là người đã nghiên cứu và viết sách về tử vi mà giãi bày tâm sự như một người bạn cùng đam mê môn khoa học tử vi này.

        Tử vi thật mênh mông, các sách viết về tử vi rất nhiều, các tác giả viết về tử vi thường nói về căn cốt của tử vi, nhưng đều có kiến giải khác nhau, mỗi người giỏi về một mặt. Căn cốt và thời vận - số của mỗi tác giả, trời cho mỗi người một tạng, cũng như trong y khoa có bác sỹ chuyên về tim mạch, có vị chuyên về ngoại khoa, nội khoa .v.v… Đọc sách tôi thường tìm ra chìa khóa mở ra sự thâm hậu của mỗi cuốn sách. Rút ở mỗi tác giả sự tinh hoa và nhìn rõ mặt khiếm khuyết của từng tác giả. Bởi thời họ sống, nhân sinh quan và tầm nhìn của họ khác nhau.

        Có người chỉ nghiên cứu mang tính lý thuyết, có người bằng vốn đời, bằng thực nghiệm để bình xét về lá số. Cũng như thơ mỗi người một tạng khác nhau và hàng trăm năm mới có một thiên tài như Nguyễn Du, trời đã chọn Nguyễn Du là thiên tài.

        Đọc sách để nắm được căn bản của khoa tử vi là chuyện cần, thuộc các hành của các sao trong tử vi, cách cục của tử vi… cũng là việc cần. Nhưng để linh hồn của các ngũ hành, các sao, cách cục thời vận ngấm vào máu mình là cần hơn. Phải đạt tới mức như Liệt Tử tự hỏi mình “Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta” thì mới khó. Đấy là cái đích vươn tới của người nghiên cứu và ứng dụng môn khoa học này.

        Quan điểm của tôi là phải ứng dụng. Xem tử vi cho mọi người tôi thường nói: “Xem để tự biết mình là ai, khi thời vận tốt thì cần cố gắng. Khi thời vận kém nên cẩn trọng giữ gìn và vận động theo quy luật của riêng mình”.

        Ai chẳng muốn giàu sang, quyền vị, vợ đẹp con khôn, nhà lầu xe hơi. Nhưng số có được hưởng cái khao khát ấy không là chuyện khác. Nếu số không được hưởng thì hãy bình tâm tự tin. Cho là đủ là ổn thì sẽ đủ sẽ ổn, không nên kỳ vọng sang giầu để mua lấy âu lo, thậm chí lại tự đưa mình vào vòng lao lý!

        Xem tử vi và ứng dụng tử vi cho con người bằng tầm nhìn của xã hội hôm nay, xưa kia nghề nghiệp con người chỉ là Sỹ - Nông - Công - Thương - Binh. Nhưng ngày nay có nhiều nghề mới mà xưa không có. Thì các sao trong cung quan lộc cũng phải nhìn bằng con mắt mới.

        Tình yêu và hôn nhân xưa kia bó hẹp trong truyền thống đạo đức, nhưng ngày nay nam nữ bình đẳng thì các sao trong cung phu thê cũng cần nhìn bằng con mắt thời đại.

        Có thể nói: “Ứng dụng tử vi bằng tư duy mới”.

        Người xem tử vi cũng cần nghiên cứu kinh dịch. Bởi kinh dịch là cha đẻ ra môn tử vi và nhiều môn học khác, thấu đáo về kinh dịch sẽ quyết đoán hơn khi luận giải lá số.
Xin kể: “Hàng xóm của tôi có ông thầy thuốc, ông đi khám bệnh cho bệnh nhân về tạt vào nhà tôi chơi. Nhìn sắc mặt ông có vẻ buồn, tôi hỏi ông “Hôm nay gặp ca khó chăng?”. Ông bảo: “Có bệnh nhân bị bệnh viện trả về mới gọi đến chữa, tôi đã bắt mạch thấy kém quá, có lẽ bó tay”. Tôi độn một quẻ dịch và bảo ông thầy thuốc: “Dù bệnh nhân bị bệnh viện trả về nhưng chưa thể chết được, ít nhất cũng phải 5 đến 6 năm nữa mới đi. Ông cứ chữa và đặc biệt cho thuốc mát (hành mộc) khí sẽ vượng lên, khí vượng lên thì huyết sẽ lưu thông và bệnh ổn dần.
        Ông vốn biết tôi và tin tôi nên ông làm theo tôi và kết quả bệnh nhân 7 năm sau mới hết số. Đấy là ứng dụng bằng kinh dịch”.

        Ôi ông bạn Đặng Xuân Xuyến của tôi ơi, bàn về tử vi thì mênh mông lắm, bàn đến bao giờ cho hết cái mênh mông. Sách vở chỉ là ngón tay chỉ trăng, hãy đến tận mặt trăng, hãy xét từng lá số cụ thể và ứng dụng. Nhập tâm từng lá số cụ thể và hãy xuất thần như nhà thơ tìm tứ, tìm ra linh hồn, chìa khóa mở cho từng lá số. Mỗi lá số có một chìa khóa mở riêng, không nên áp dụng lý thuyết máy móc đã định sẵn, cũng như con người không ai giống ai, kể cả sinh cùng năm tháng ngày giờ cũng khác nhau.

        Ôi xem tử vi thật khó sao! Cần có bản lĩnh cao, và có tâm mới mong đắc đạo môn khoa học này.
*
NGUYỄN THANH LÂM
Nhà thơ, nhà ứng dụng Kinh Dịch
Địa chỉ: Số 4, ngõ 179 Minh Khai
quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com
Điện thoại: 0984787426



1 nhận xét:

  1. Bài viết của Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm rất sâu sắc. Có số tử vi tốt rồi, nhưng sống trong cái cõi: Lưu manh nhung nhúc từng bầy/ Dã tâm đen tối nhuộm ngày thành đêm, thì số có tốt mấy cũng lao đao, thưa Nhà thơ. Tôi vẫn nhớ những ngày cùng nhau sinh hoạt ở Thi đàn thứ 7 Vũ Trọng Phụng. VŨ XUÂN QUẢN

    Trả lờiXóa