Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

ĐỌC “KHI ANH CHẾT”, THƠ LÊ MAI / Châu Thạch


                                                Cố nhà văn Lê Mai

KHI ANH CHẾT

Khi anh chết, anh vẫn còn thấy đói
Anh nhìn tôi như hỏi: Có còn gì?
Mắt lệ nhòa, tôi còn biết nói chi
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

Khi anh chết anh vẫn còn muốn nói
Tâm sự gì với vòi vọi trời cao?
Gió thương anh nên cố sức phều phào
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

Khi anh chết anh vẫn còn muốn nhắn
Nhắn nhủ gì trong nước mắt rưng rưng?
Mắt đột nhiên biến sắc khoảng trời rừng
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

Anh chết vội tôi chôn anh cũng vội
Không đào sâu chôn chặt mộ cho anh
Biết làm sao anh hỡi chiến tranh
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

                             Lê Mai



                                 Nhà phê bình Châu Thạch


LỜI BÌNH CỦA CHÂU THẠCH    
                           
     Tôi là một người lính miền Nam, Lê Mai là một chiến binh miền Bắc, không phải vì thế mà không thể đồng cảm nhau, nhất là bài thơ của Lê Mai chỉ nói sự nằm xuống của một con người. Đọc toàn bộ bài thơ, lúc đầu ta tưởng chẳng có gì đáng phải khen, người chiến binh nào khi chết ở mặt trận thì cũng thế. Thơ anh không tiếng rên, chỉ có một chút nước mắt, khô cằn như sỏi đá. Tuy thế, chính sự khô cằn của bài thơ làm cho tôi thấy buốt giá, thấy rợn người và bắt tôi phải viết, viết ngay và viết khen.
    Hãy vào khổ thơ đầu tiên:

 Khi anh chết, anh vẫn còn thấy đói
Anh nhìn tôi như hỏi: có còn gì?
Mắt lệ nhòa, tôi còn biết nói chi
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

      Đọc thoáng qua nhiều người sẽ cho rằng nhà thơ nói đến “bụng đói” của người chiến sĩ trong phút lâm chung. Không đâu, chết mà đói là sự bình thường cúa tất cả những người trên chiến trận, không đáng gì để đưa vào thơ. Nhà thơ muốn nói đến cái đói khác, cái đói của người chiến binh nhập ngũ ở thời trai trẻ, kể từ đó cuộc đời họ hứng chịu cái đói, nhưng cái đói vật chất không đáng kể mà cái đói tinh thần mới quan trọng: Đói tháng ngày cận kề cha mẹ, đói tình yêu thắm thiết của em, đói niềm vui sự sống ... , nói chung đói tất cả những gì mà tuổi thanh niên cần nhận lảnh.

      Chữ đói trong thơ cho ta liên nghĩ đến tất cả những vật chất và tinh thần mà người chiến binh chịu thiếu hụt vì phải đầu quân. Tất cả từ ngữ trong khổ thơ nầy làm vệ tinh cho chữ “ đói” và chính cái tứ “ đói” của thơ ẩn chứa một nỗi đau bi thiết đã làm cho vế thơ đầu của bài thơ xao động con tim người đọc. Cái hay của thơ là ở đó, ở chổ nhờ một chữ bình dị mà chủ đạo, qua chữ ấy cả khổ thơ gây cảm kích và đi vào lòng người..

      Bước qua khổ thơ thứ hai chữ “đói” được thay bằng chữ “nói”. Chữ “nói’’ không chỉ là mang ý nghĩa những lời cuối cùng của người chiến sĩ sắp lâm chung. Chữ “nói” trong khổ thơ nầy cũng hàm chứa nỗi oan khuất của người trai trẻ phải tắt tiếng giữa cuộc đời trong khi những dự phóng cho đời mình chưa đạt được:

        Khi anh chết anh vẫn còn muốn nói
        Tâm sự gì với vòi vọi trời cao?
        Gió thương anh nên cố sức phều phào
        Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

    Ở đây tác giả muốn bày tỏ sự khao khát giao lưu truyền thông giữa người sắp chết và cuộc đời. Nếu không chết người lính sẽ còn bao nhiêu năm được nói với cha, với mẹ, với bạn bè, với em và với cả tha nhân.

     Chữ “nói” trong khổ thơ nầy cũng như chữ “đói” ở khổ thơ trên, mang toàn bộ ý nghĩa của đời người. Người chiến binh trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn còn “thấy đói” và “muốn nói”. Cái sự thấy và muốn ấy, không chỉ là sự thấy đói và muốn nói của thế xác mà ý nghĩa của thơ nặng về phần tinh thần, bày tỏ sức sống, ước vọng, nhu cầu của một sinh linh bị cắt đứt trong giây phút phủ phàng.

     Trong thực tế, trước phút lâm chung vì sự đau đớn, người thương binh có thể không thấy đói, không muốn nói gì nhưng sự “thấy đói” và “muốn nói’” trong thơ là nỗi thiếu thốn tinh thần dằn vặt theo năm tháng của đời làm lính, là niềm trắc ẩn chất chứa trong lòng có khi nó hiển lộ, có khi nó nằm trong tiềm thức.

     Tác giả bài thơ không chỉ bộc lộ nỗi niềm đó cho duy một chiến hửu chết trên tay ông mà ông bộc lộ nỗi niềm đó trong chính cõi lòng ông, là cảm nhận của ông, là biểu lộ hộ tiếng than ai oán, bày tỏ toàn bộ sự bi ai cho tất cả chiến binh đã chết trên hai chiến tuyến đối nghịch nhau, tố cáo sự bất công cắt đứt đời người vô lý của chiến tranh đã làm cho các tử sĩ chưa thực hiện được dự phóng mà mình ao ước thực hiện. Cái “thấy đói” và cái “muốn nói”ở phút cuối cuộc đời là cái thấy và muốn hoàn thành sự nghiệp còn bỏ lại dở dang giữa trần thế

     Qua khổ thứ ba của bài thơ, tác giả đề cập đến ý muốn nhắn nhủ của người tử sĩ. Người đọc thơ nên chú ý đến câu thơ “Nhắn nhủ gì trong nước mắt rưng rưng?”:

        Khi anh chết anh vẫn còn muốn nhắn
        Nhắn nhủ gì trong nước mắt rưng rưng?
        Mắt đột nhiên biến sắc khoảng trời rừng
        Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

     Ai cũng có thể đoán được người tử sĩ sẽ nhắn nhủ nhiều điều cho cha mẹ, cho vợ con, cho những người thân yêu còn ở hậu phương. Thế nhưng tác giả lại viết “nhắn nhủ gì” và đánh một dấu hỏi (?) to tướng, làm như không biết sự thường tình ấy đã được viết ra trong vô vàn tác phẩm. Vâng, tác giả biết đấy, nhưng ông muốn dùng một ẩn ý trong thơ để nói đến những lời nhắn nhủ cao hơn về những điều thiêng liêng hơn vợ con, cha mẹ, như là non sông đất nước chẳng hạn. Những lời nhắn nhủ ấy, có thể trăm ngàn tử sĩ không nói thành lời nhưng nó chất chứa đầy trong dòng nước mắt của họ.

      Những điều nhắn nhủ đó là những điều ẩn chứa trong câu thơ “tâm sự gì với vòi vọi trời cao” ở khổ thơ trên. Những lời nhắn nhủ “ tâm sự gì với vòi vọi trời cao” đó chính là ước muốn của họ gởi lại cho người còn sống thực hiện cho tổ quốc, cho non sông, cho lý tưởng mà họ từng theo đuổi chưa thành. Cái ước muốn hoặc là bồng bột, hoặc là tiềm ẩn trong lòng suốt cuộc đời binh nghiệp của người chiến sĩ, khi chết họ nói ra trong ánh mắt gởi lại cho bạn mình, trong ánh mắt chan chứa yêu thương nhìn cõi đời lần cuối.
      Khổ thơ chót đề cập đến sự chôn vội vã:

        Anh chết vội tôi chôn anh cũng vội
        Không đào sâu chôn chặt mộ cho anh
        Biết làm sao anh hỡi chiến tranh
Bốn phía rợn tiếng đề pa của pháo!

     Chôn vội vã là sự thật của chiến trường. Chôn vội vã là một ý chỉ sự khắc nghiệt của chiến trường, cũng là một ý chỉ sư khẩn trương của người còn sống. Chôn vội vã rồi đổ tội cho chiến tranh, “Biết làm sao anh hỡi chiến tranh” là tiếng ta thán chỉ trích chiến tranh. Chiến tranh đã dồn con người vào thế bỏ bạn, làm cho con người phải tự biến mình thành vô cảm khi chôn bạn mình một cách qua loa tạm bợ.

      Cả bốn khổ thơ đều có câu cuối “Bốn phía rộn tiếng đề pa của pháo!” khiến bài thơ như dồn dập tiếng nổ lớn, làm cho sự khẩn trương, cấp bách như đang xảy ra và chiến trường như đang ở gần bên người đọc. Đó là nghệ thuật dụng chữ làm cho bài thơ sôi động nhưng mặc khác, về dụng ý: tiếng pháo dồn dập đổ xuống trận địa chận sự “thấy đói”, chận sự “muốn nói”, chận sự “muốn nhắn” và làm cho “chôn vội” là hình ảnh của tất cả sự phủ phàng đổ ập xuống người chiến binh tử sĩ. Tiếng pháo dập xuống thể hiện cho sự chèn ép, sự bất công, sự đàn áp thô bạo cắt ngang ước muôn, tư duy, và cướp mất quyền làm người của  người tử sĩ. Tiếng pháo chính là thần chết mang đầy dẫy cái xấu của chiến tranh, làm những điều phi lý,đê hèn, đè bẹp ước muốn, bóp chết lời nói, cắt ngang sự sống của con người.

     Bài thơ “Khi Anh Chết” của Lê Mai không chỉ diễn tả “nỗi buồn chiến tranh viết bằng thơ” mà con là tờ cáo trạng chiến tranh viết bằng thơ. Tờ cáo trạng viết những lời khô khan, đanh thép nhưng chất chứa tiềm ẩn nỗi đau của vết thương không hề lành được. Không hề lành được vì người chiến binh đã chết mất rồi trong tiếng đề pa bốn phía rợn người của pháo./.

                                          Châu Thạch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét