Nhạc sĩ Văn Cao hăng say hoạt động cho cách mạng từ trước mùa thu 1945. Ông sáng tác bài "Tiến quân ca" cho Trường Quân chính kháng Nhật, theo yêu cầu của tổ chức. Tự tay ông viết bài ca này lên đá in ở trang văn nghệ của tờ Độc lập. Ông kể:
- " Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát về Hà Nội. Qua một đường phố nhỏ (Bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập Tiến quân ca. Tôi đứng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn cả những tác phẩm, tôi đã ra mắt ở các rạp hát trước đây... Có thể những người cùng khổ, mà tôi đã gặp trên bước đường cùng khổ của tôi, lúc này đang cầm súng và đang hát".(1)
Ngày 17 / 8 / 1945 lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom, hàng ngàn người cất tiếng hát vang: "Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc... " Chính Hồ Chủ tịch đã chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca cho nước Việt Nam mới. Quốc hội khoá I chính thức phê chuẩn Quốc ca. Năm 1993 Quốc hội một lần nữa khẳng định vị trí bất di bất dịch bài Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao.
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê nội ở làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vì sinh kế ông Nguyễn Văn Tề (1885 - 1941), thân phụ Văn Cao đã đưa gia đình ra Hải Phòng lập nghiệp. Khi Văn Cao cất tiếng khóc chào đời thì người cha làm cai máy nước. Nhưng không lâu sau vì tị hiềm mà ông Tề bị mất chức. Văn Cao sớm chịu cuộc sống vất vả từ thuở thiếu niên. Cậu học trò Văn Cao thường cùng hai bạn Trần Liễn và Đoàn Tòng, đầu trọc lốc, cởi trần, quần đùi, học trường Bon-nan rong ruổi khắp các phố, từ Thượng Lý qua Cầu Đất, xuống Lạch Tray. Khi vào trường Xanh Giô-Dép Văn Cao đã sớm phải bỏ học vì cảnh nhà ngày càng sa sút. Rồi theo anh Tú tập võ, ném dao, phi đinh thuyền như một hiệp sĩ. Người cha đã xin cho con làm điện thoại viên ở Sở dây thép Hải Phòng gần nhà. Nhưng không bao lâu chàng tuổi trẻ đã bỏ việc, ôm đàn Vi-ô-lông theo nhập nhóm Du ca Hải Phòng. Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao bắt đầu từ bài “Buồn tàn thu” (1939). Khi nhóm Du ca lên Hà Nội, Văn Cao lại viết truyện ngắn, kịch ngắn và làm thơ. Dù được in trên Tiểu thuyết thứ bảy nhưng văn thơ của Văn Cao rất ít người nhắc tới. Ông lại về Hải Phòng. Năm 1941 cụ Nguyễn Văn Tề qua đời, gia đình về quê An Lễ sinh sống, Văn Cao thì nay đây mai đó, liên tiếp sáng tác ca khúc: “Thiên Thai”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Suối mơ”, đã làm lay chuyển, say đắm bao người.
Được bạn bè giúp đỡ, Văn Cao lao vào hội hoạ và đã theo lớp dự thính ở Mỹ thuật Đông Dương được hai năm. Trong triển lãm "Duy nhất", Văn Cao có ba bức tranh treo ở nhà Khai trí Tiến Đức. Trong đó bức "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử " được báo chí rất ca ngợi, nhưng tranh lại không bán được, nghèo vẫn hoàn nghèo, tủi cực vẫn hoàn tủi cực. Ông lại được mời viết ca khúc cho nhóm Đồng vọng của Hoàng Quý như bài "Gò Đống Đa", “Thăng Long hành khúc ca"...
Năm 1944, năm biến chuyển trong cuộc đời Văn Cao. Sau khi được đồng chí Vũ Quý (quyền Bí thư tỉnh uỷ Hà Nội lúc ấy)(2) giác ngộ, Văn Cao tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Với lòng hồ hởi nhiệt thành, ông viết bài in sách báo và truyền đơn của Đảng. Văn Cao còn được giao nhiệm vụ viết “Tiến quân ca” đồng thời phụ trách đội danh dự trừ gian. Việc làm của đội danh dự trừ gian này đã gây ảnh hưởng lớn cho cách mạng ở Hải Phòng và Hà Nội. Về nạn đói 1945, ông có thi phẩm “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc”.
Sau cách mạng Tháng Tám vì không ai mời nên Văn Cao không có trong "Văn hoá cứu quốc". Đồng chí Vũ Quý đã đưa ông đến với báo Lao động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Sau đó đồng chí Hà Đăng Ấn đã bố trí Văn Cao đi áp tải chuyến tàu hoả chở vũ khí và tiền Việt Nam vào cho chiến trường Nam bộ. Tàu đến Quảng Trị được chuyển giao. Bà Nguyễn Thị Định (sau này là Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam) đã tổ chức đưa tiếp vào Nam bộ. Về đến Hà Nội, cái nghiệp lại kéo Văn Cao về với âm nhạc. Thông qua Tố Hữu, Văn Cao được gặp Bác Hồ. Khí thế cách mạng đã giúp ông vượt qua được những khó khăn nhất thời. Ông lại có bộ tứ bình viết về lực lượng vũ trang non trẻ của cách mạng, đó là : “Chiến sĩ Việt Nam”, “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” và “Bắc Sơn” - Bài ca của dân quân du kích. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đưa gia đình đi tản cư, nhưng những bản hành khúc cách mạng thì nhanh chóng loang xa, loang sâu vào từng đơn vị bộ đội, từng người lính. Nó như hồi kèn thúc giục họ lên đường chiến đấu.
Văn Cao lại có dịp về quê hương thăm mẹ già. Tại đình làng An Lễ, ông đã diễn thuyết: "Trường kỳ kháng chiến chia làm ba giai đoạn"(3). Ông đã dạy cho thanh niên trong làng học chữ, học võ, học bắn súng và hát những bài ca cách mạng. Ông còn kể cho họ nghe về hoạt động du kích và những cuộc tiễu trừ Việt gian phản động...
Đầu năm 1947 Văn Cao đưa gia đình về Ba Thá (Chương Mỹ, Hà Đông). Sau ngày cưới vợ, theo yêu cầu của đồng chí Lê Giản, Văn Cao đã móc nối với đồng chí Minh già - Công an khu X để lên Lào Cai tổ chức phòng mật, lập ra một màng lưới để ngăn chặn gián điệp Tàu Tưởng xâm nhập vào nước ta. Theo yêu cầu của tổ chức, Văn Cao đã làm lễ kết nghĩa anh em với vua Mèo Voòng A Tưởng ở Bắc Hà. Đồng chí Trần Huy Liệu nhân danh Trung ương có mặt để chứng kiến.(4)
Sau chiến thắng Sông Lô thu đông 1947, Văn Cao đã đến bên bờ sông lau sậy còn chưa tan khói súng sáng tác "Trường ca Sông Lô" hoành tráng, bất hủ ở chiến khu Việt Bắc.
Sau khi được kết nạp vào Đảng (tháng 3 - 1948) Văn Cao trở về khu III công tác phong trào văn nghệ, làm báo Thủ đô của Uỷ ban hành chính Hà Nội. Cũng trong thời gian này ông viết "Làng tôi", "Ngày mùa" và đặc biệt là hành khúc trữ tình "Tiến về Hà Nội" - một dự báo trong âm nhạc về ngày giải phóng Thủ đô. Cuối năm 1949 Văn Cao thôi làm báo Văn nghệ, chuyển sang phụ trách đoàn Nhạc sĩ Việt Nam - Trưởng ban âm nhạc Vụ Văn học nghệ thuật thuộc bộ Giáo dục. Năm 1951 ông trở về Hội Văn nghệ công tác trong Ban Chấp hành hội. Ông vẫn tiếp tục sáng tác: "Tiểu đoàn Lũng Vài", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Toàn quốc thi đua". Ông vinh dự được nhận phần thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất vì có công soạn “Tiến quân ca”.
Hoà bình lập lại (1955 - 1958) ông là cán bộ thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, hội viên các hội: Nhạc sĩ, Mỹ thuật và Nhà văn - Tổng thơ ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Văn Cao còn trở lại với thơ, ông đã cho ra đời trường ca nổi tiếng "Những người trên cửa biển".
Năm 1959 ông chuyển về hội Nhạc sĩ làm công tác nghiên cứu âm nhạc. Văn Cao âm thầm lặng lẽ làm thơ, lặng lẽ tự học để viết các tác phẩm khí nhạc cho Pianô như: “Sông tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa” và soạn nhiều nhạc phim như: nhạc phim Lửa rừng, Đi bước nữa... Với mùa xuân thống nhất đất nước, Văn Cao có "Mùa xuân đầu tiên", bài này đã được dịch ra tiếng Nga và ấn hành tại Mátxcơva. Ông lại tiếp tục làm thơ, vẽ minh họa và làm bìa sách.
Năm 1968 thân mẫu ông, cụ Phạm Thị Nhìn (1891 - 1968) qua đời, gia đình Văn Cao đã đưa về quê an táng bên cạnh mộ người cha. Từ đó vào các ngày giỗ, tết, thanh minh ông thường cùng gia đình con cháu về thăm quê hương đều đặn hơn trước để thắp nén hương cho tổ tiên, cha mẹ và người em xấu số. Ông cũng có mặt trong buổi lễ long trọng khi xã nhà (xã Liên Minh) được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1983, sau khi tái cử trở lại là uỷ viên chấp hành hội Nhạc sĩ khoá III, Văn Cao tròn 60 tuổi, và năm đó 60 đêm nhạc Văn Cao được mở ra từ mùa xuân đến mùa thu. Ông vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III. Cũng từ đó vị trí của Văn Cao được xác lập như chính những cống hiến của ông cho tổ quốc và dân tộc. Ông được mời sang Đức với danh nghĩa là tác giả Quốc ca Việt Nam. Nhạc sĩ đã đến Kentô tỉnh Pốxđam nghỉ tại nhà riêng của nhạc sĩ Henâyxlơ, tác giả Quốc ca Đức. Năm 1993 Văn Cao được vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng nhất - phần thưởng cao quí ở tuổi 70, phần thưởng của một đảng viên 45 tuổi đảng. Năm 1996 Văn Cao đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về cụm ca khúc: "Tiến quân ca", "Chiến sĩ Việt Nam", "Làng tôi", "Sông Lô", "Tiến về Hà Nội", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch". Văn Cao đã về cõi vĩnh hằng, nhưng nhạc Văn Cao vẫn âm vang cùng núi sông đất nước. Văn Cao ra đi, nhưng tên tuổi và sự nghiệp, những giai điệu, những vần thơ, những bức tranh của ông sẽ mãi mãi thấm vào tâm can của người Việt Nam.
Văn Cao thật xứng đáng là bậc tài danh thế kỷ.
Văn Cao thật xứng đáng là bậc tài danh thế kỷ.
TRẦN MỸ GIỐNG
------------------------------
Chú thích:
Bài trích trong “VĂN CAO BẬC TÀI DANH THẾ KỶ” : Thư mục nhân vật / Trần Mỹ Giống biên soạn. - Nam Định : Thư viện tỉnh. 1998.
(1) Văn Cao - Tại sao tôi viết Quốc ca
(2) Phi Văn Bài - Văn Cao với những nốt nhạc đầu.
(3) Trần Hồng - Tình quê hương của người viết Quốc ca // Văn hoá Nam Định. - 2001. - Số 1. - Tr. 55
(4) Nguyễn Thuỵ Kha - Văn Cao cuối cùng & còn lại.- Tp. Hồ Chí Minh : Trẻ, 1998. - Tr.271.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét