Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN / Đỗ Hữu Trác

 

 

 

       南無本師釋迦牟尼佛。

       Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 南無慧光塔敕賜僧統道原和尚清白比丘法諱覺道岸如常禪師不器菩薩禪座下。

       Nam mô Tuệ Quang tháp Sắc tứ Tăng thống Đạo nguyên Hoà thượng Thanh bạch tì kheo pháp huý Giác Đạo Ngạn Như Thường thiền sư Bất khí Bồ tát Thiền toà hạ.

       1. – XUẤT THÂN:

       Thiền sư Giác Đạo Ngạn, tên “khai sinh” là BÍCH () (0), sinh ra trong gia đình họ Đặng (1), người sống ở gần bìa làng (2), làng Ngọc Cục (3). Ngài sinh năm Ất Sửu (1805)(4). Trong họ, Ngài là chắt (cháu 4 đời – tằng tôn) của nhà sư Như Hải (5), trụ trì chùa Anh Quang (6) làng Ngọc Cục (còn gọi là làng Ngọc Tiên).

       2. – TRUYỀN THỪA:

       Ngài tự nhận mình là thuộc đời thứ 8 của Thiền phái Tào Động Nam truyền (7), pháp danh đứng vào hàng chữ “ĐẠO = 道“. Về sau, có lẽ do đạo mạch Tào Động vùng Nam Định, Thái Bình có “khủng hoảng truyền thừa”, các sư đời thứ 7 (chữ GIÁC) viên tịch sớm cả nên Ngài khi mới ngoài 40 tuổi đời, với phẩm hạnh cao đẹp, uyên thâm am tường đạo pháp đã được “đôn”, “thăng”, “tấn phong” lên hàng chữ GIÁC. Vì thế, năm 1858, khi 54 tuổi Người đã xưng pháp hiệu là “GIÁC ĐẠO NGẠN” (😎 trong khi vẫn nhận mình thuộc đời thứ 8 (chữ ĐẠO) của thiền phái Tào Động Nam truyền.

       3. – XUẤT GIA THEO THẦY:

       Trong họ, Ngài là chắt (tằng tôn) của Thiền sư Như Hải, trụ trì chùa Anh Quang, nhà lại gần sát chùa (9), có căn tu, Ngài sớm xuất gia, làm tiểu theo thầy là Thiền sư Lạc Đạo (樂道禪師) (10). Đến tuổi đội mũ (20) Ngài xuống tóc quy y, thụ giới tì kheo, theo thầy là Thiền sư Lạc Đạo (11). Ba mươi tuổi đời, Ngài thụ giới tam đàn cụ túc bởi Tổ Khoan Nhân (寬仁) (12) ở giới đàn chùa Kim Sa – Lãng Lăng (金沙朗陵), nay thuộc thôn Lãng Lăng, xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định (13).

       4. – BẠN ĐỒNG TU, ĐỒNG LỨA:

       Các thiền sư hàng chữ Đạo ở vùng Nam Định – Thái Bình thì có nhiều, nhưng bạn đồng tu của Ngài (cùng theo một thầy, cùng giới đàn cụ túc) chỉ có:

       4.1. – Sư Đạo Lưu - 道流 (sinh năm 1804, viên tịch năm Tự Đức 3 – 1850), trụ trì chùa Thiên Thọ - Thọ Vực (Xã Xuân Phong, Huyện Xuân Trường). Chùa Thiên Thọ cách chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc chừng hơn 1 km.

       4.2. - Sư Đạo Thịnh - 道盛(chưa rõ là trụ trì ở chùa nào lân cận ?)

       4.3. – Sư Đạo Cẩn - 道謹 (về sau trụ trì chùa Trà Lũ Đông, cách chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc chừng 1 km) (14)

Cùng hàng chữ ĐẠO, ở các chùa lân cận vùng Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh thời kỳ nửa đầu thế kỷ 19 còn có các sư:

       - Đạo Minh (道明) : Ở chùa Viên Quang (lúc đó còn ở Bát Dương – Nam Trực, về sau (1866) tháo dỡ chuyển về làng Nghĩa Xá – Xuân Ninh – Xuân Trường) (15)

       - Đạo Hương (道香): Ở chùa Sùng Phúc – Kiên Lao (Xã Xuân Kiên – Xuân Trường). (16)

       - Đạo Trung (道忠): Theo nội dung bia tháp ở chùa Linh Quang – Phú Ninh – Trực Ninh – Nam Định.

       5. – CÁC BẬC THẦY, BỀ TRÊN CỦA THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN:

       Ngoài Sư Hoàng Nghiêm – Lạc Đạo Thiền Sư, các bậc thầy, bề trên trực tiếp, trước một hàng của Thiền sư Giác Đạo Ngạn, ở khu vực Nam Nam Định, có:

       5.1. – Sư GIÁC Kiệm Minh Đức (Bảo Quang Tháp) (1773 - 1846): Sư trụ trì chùa Cổ Chất (nay thuộc xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, cách chùa Cảnh Linh chừng 3 km theo đường chim bay). Về vị Tổ này, Thiền sư Giác Đạo Ngạn có soạn một biệt khoa cúng, hiện còn lưu ở chùa Cổ Chất. Tấm bia “Vạn Đại Như Kiến” “Muôn đời chẳng đổi” hiện còn lưu giữ ở chùa Cổ Chất (không ghi rõ năm khắc dựng) rất có thể cũng do Thiền Sư Giác Đạo Ngạn soạn văn và khắc dựng. (!?). Vấn đề này cần khảo xét tiếp. (17)

       5.2. – Sư GIÁC Trân (QUANG Chiếu Tháp) (18) (1781 - 1849): Sư trụ trì chùa Viên Quang (xưa ở gần Cống Khâm, Bách Tính, Đô Quan, 1866 tháo dỡ chuyển về làng Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường). Sư Giác Trân viên tịch năm 1849, tháng 5/1851, xây tháp, lập bia cùng với việc xây tháp, khắc dựng bia tháp của Tổ HẢI CẦN (VIÊN Chiếu Tháp). Hai tháp Tổ Hải Cần và Tổ Giác Trân về sau cũng được di dời cùng chùa Viên Quang về đất làng Nghĩa Xá hiện nay. Xem nét chữ, xét văn phong, tôi ngờ rằng cả hai tấm bia tháp Tổ này đều do Thiền Sư Giác Đạo Ngạn soạn khắc (19). Vào khoảng thời gian này (1850) trong các sư dòng Tào Động ở vùng Nam Định, thì Giác Đạo Ngạn là uyên thâm và lịch duyệt, uy tín và có vị thế cao nhất (Tăng thống = 僧統“ nên có lẽ hầu hết các văn bia tháp, minh chuông, khoa cúng Tổ là do Ngài soạn, khắc và việc giảng dạy cho các sư đời sau là do Ngài đảm nhận phần chính. (Các biệt khoa cúng Tổ trong sơn môn Trà Lũ Bắc về sau này đều thể hiện điều đó) (20).

       5.3. – Sư GIÁC Trường: (chưa rõ năm sinh, năm viên tịch), từng trụ trì chùa Sùng Phúc – Kiên Lao (Xã Xuân Kiên – Huyện Xuân Trường).

       6. - ĐẠT GIÁO PHẨM “TĂNG THỐNG”:

       Sách “Trà Lũ Xã Chí” chép: “僧諱璧。號如常。玉局社人。早皈依。明命年招諸僧來京作醮。僧奏上堂三通。中式。蒙給度牒告身。卓錫北村寺 = Tăng huý Bích, hiệu Như Thường, Ngọc Cục xã nhân. Tảo tuế quy y. Minh Mạng niên, chiêu chư tăng lai kinh tác tiếu. Tăng tấu thượng đường cổ tam thông, trúng thức, mông cấp độ điệp cáo thân, Trác tích Bắc thôn tự.”. Nghĩa là “Sư tên huý là Bích, hiệu Như Thường, là người xã Ngọc Cục. Thời Minh Mạng, triều đình triệu các Sư về Kinh đô Huế lập đàn cúng. Sư tấu ba hồi trống thượng đường, xếp loại đạt, được Triều đình ban cấp độ điệp ghi danh. Về trụ trì chùa thôn Bắc.”. Chưa có tài liệu nào nói rõ việc Ngài được phong giáo phẩm “TĂNG THỐNG” nhưng các khoa cúng Tổ trong khu vực Nam Định, Thái Bình và các Khoa cúng Tổ trong sơn môn Trà Lũ Bắc đều ghi, thỉnh giáo phẩm này của Ngài (21) và có nhắc đến Sắc của Triều đình ban cấp giáo phẩm cao nhất đó (sắc tứ).

       7. – VỀ TRỤ TRÌ CHÙA THÔN BẮC XÃ TRÀ LŨ – CẢNH LINH TỰ:

       7.1. - Sách Trà Lũ Xã Chí, mục “Tăng Ni” viết về Ngài: “Trụ trì ở chùa thôn Bắc. Phần nhiều tượng là do sư tô vẽ, lại ở nhà ngang lấy vỏ trai vỏ sò làm động rất khéo. Tự coi thanh cao, chén trà ấm trà đều là đồ xưa nhã đẹp, phướn rước lọng báu thuần dùng gấm vóc chế nên. Thích làm thơ văn, thường cùng văn nhân xướng họa. Trong làng có người vợ góa họ Nguyễn, nhà có núi giả (hòn non bộ), Sư nhờ người xin, họ Nguyễn tiến cúng. Sư tặng câu đối rằng: “gắng chí tam tòng, lòng trinh không phải đá; lưu danh tứ đức, coi trọng tựa núi non”

勵志三從貞匪石

留名四德重於山.

Lệ chí tam tòng trinh phỉ thạch

Lưu danh tứ đức trọng ư sơn.

Khi sư viên tịch dặn lại thiêu xác (hỏa hóa). Giữ xá lợi ở tháp.”

7.2. - Trong bia “Như Thường am bi ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc Ngài trực tiếp viết: “挂錫于此者。丁亥年間運逢桑海。不惜亡力克復前功。福菓圓完也。 = Quải tích vu thử giả, Đinh Hợi niên gian, vận phùng tang hải, bất tích vong lực, khắc phục tiền công, phúc quả viên hoàn dã” = “Đến khi xách tích trượng đến đây rồi, thì năm Đinh Hợi [1827], kiếp vận gặp phải cơn dâu bể, không sợ mất sức mà khôi phục lại công quả của người xưa, khiến cho quả phúc được vo tròn vậy.”.

Như vậy, sau khi thụ giới, Ngài đã về trụ trì chùa Trà Lũ Bắc – Cảnh Linh tự. Ngày 16/2/1827 quan quân triều đình tiễu phạt Phan Bá Vành, làng Trà Lũ bị triệt hạ, chùa Trà Lũ Bắc bị đốt cháy. Dân làng chỉ cứu giữ được khánh báu đúc năm 1796 và chuông đúc năm Minh Mạng 2 (1821). Sau kiếp nạn đó, Ngài đã chủ trì vận động nhân dân địa phương, thiện tín thập phương chung tay gom góp, xây dựng lại ngôi chùa Bắc to lớn, đẹp đẽ. (22). Bên cạnh việc xây dựng chính điện, tiền đường, hành lang, gác chuông to đẹp của chùa, trong khuôn viên chùa Cảnh Linh, Ngài còn bàn với sắc mục địa phương, vận động tín đồ hằng tâm hằng sản xây dựng Cung thờ Mẫu Liễu Hạnh và Miếu Thiên Quan thờ Thiên Quan và âm hồn ở bên phải ngôi tam bảo, đồng thời tìm kiếm, thu gom, quy tập hài cốt những người chết đường chết chợ, chết đói….về an táng ở nghĩa trang chung cạnh chùa. (23). Đây thực sự là một nghĩa cử hiếm có trong nhân gian mà mãi sau này có Thiền sư Thích Thanh Quyết – Thích Phúc Đức ở chùa Linh Quang – Trà Lũ Trung có noi gương mà thực hiện được sau nạn đói 1945.

8. – CÁC PHÁP TỬ CỦA THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN:

Theo một số di văn còn lại, Ngài có các pháp tử:

8.1. – Sinh Quang: (24) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào ?

8.2. – Sinh Trí: (25) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào ?

8.3. – Sinh Huy: (26) “南無本師密因塔清炤比丘法諱道生輝明定禪師解空菩薩禪座下 = Nam mô bản sư Mật Nhân tháp Thanh Chiếu tì kheo, pháp huý Đạo Sinh Huy, Minh Định thiền sư Giải Không bồ tát thiền toạ hạ.” . Sư Sinh Huy có tháp mộ ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực. Sư người quê gốc Phương Để (Trực Ninh), cha họ Nguyễn, mẹ họ Phạm, ban đầu theo thầy ở chùa Thiên Thọ, thụ cụ túc giới ở chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc, sau về trụ trì chùa Cổ Chất, rồi viên tịch, nhập tháp ở chùa Thiên Thọ Thọ Vực. (Trong tấm bia khắc dựng năm 1885, do Giải Nguyên Khoa Nhâm Tý (1852) lĩnh Án Sát sứ tỉnh Cao Bằng - Nguyễn Hữu Lợi - người làng Hành Thiện soạn văn, hiện còn lưu giữ ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực, thì Sư Sinh Huy được xác định là “Đệ Tam Tổ - Tổ thứ 3” với ngày giỗ là 28/3. Sư Đạo Lưu (1804 - 1850) được xác định là “Đệ Nhất Tổ - Tổ thứ Nhất” với ngày giỗ là 13/11 ( trên bia tháp Tổ Đạo Lưu thì ghi là 14/11))

8.4. – Sinh Diệu: (27) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào ?

8.5. – Sinh Trường: (28) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào ?

8.6. – Sinh Năng: (29) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào?

8.7. – Sinh Nghĩa: (30) 南無本師漕峒派恩賜憑給恩光塔青林比丘諱生義號明聞禪師肉身菩薩禪座下。Nam mô bản sư Tào Động phái, ân tứ bằng cấp Ân Quang tháp Thanh Lâm tì kheo, huý Sinh Nghĩa, hiệu Minh Văn thiền sư, nhục thân bồ tát Thiền toà hạ.

Sư người họ Nguyễn làng Trà Lũ Bắc, ban đầu làm tiểu ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực, thọ cụ túc giới ở giới đàn chùa Thiên Thọ, được thầy Giác Đạo Ngạn và Khoan Nhân trực tiếp truyền dạy rất nhiều, sau từng trụ trì ở chùa Linh Sơn - Đồng Đội (Vụ Bản), rồi về trụ trì chùa Thánh Ân – Chùa Cả (Thành phố Nam Định).

8.8. – Sinh Định: (31) Chưa rõ sau trụ trì ở chùa nào?

8.9. – Sinh Thành: (32). 南無尊師法諱字生成号清川智慧禪師座下。

Nam mô Tôn sư, pháp huý tự Sinh Thành, hiệu Thanh Xuyên, Trí Tuệ thiền sư toà hạ.

Sư sinh năm 1832, người họ Vũ, làng Cát Xuyên (Xuân Thành – Xuân Trường), được Tổ Giác Đạo Ngạn trao truyền y bát, từng trụ trì các chùa Phúc Khê (Chùa Chuỳ Khê – Xã Xuân Đài), chùa Linh Ứng (Chùa Thanh Trà thượng), Chùa Hưng Long (Chùa Chính) thôn Hoành Nha (Xã Giao Tiến, huyện Giao Thuỷ).

9. – TUỔI THỌ CỦA THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN:

Tôi chưa đọc được một tài liệu nào nói về năm viên tịch của Thiền sư Giác Đạo Ngạn. Trong các di văn, khoa cúng có các dấu mốc về tuổi thọ của Ngài như sau:

9.1. – Năm 1846, khi 42 tuổi, Ngài soạn văn bia tháp Tổ Hoàng Nghiêm ở chùa Linh Quang Trà Lũ Trung.

9.2. – Năm 1850, khi 46 tuổi, Ngài soạn văn bia Tháp Tổ Đạo Lưu ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

9.3. – Khoảng những năm 1850 – 1860, ngoài 50 tuổi, Ngài về tu sửa chùa Anh Quang, lập bia ghi chép sự việc. Bia này hiện còn lưu giữ ở tam quan chùa Thanh Quang – Ngọc Tiên.

9.4. – Tháng 7, năm Tự Đức 15 (1862 – Nhâm Tuất), 58 tuổi, Ngài chủ trì việc quyên cúng, đúc chuông đồng chùa Vạn Lộc. Sau đó ngài soạn khắc bài minh trên chính quả chuông này. Hiện – 2022 – quả chuông vẫn còn treo trên gác chuông chùa Vạn Lộc – Xuân Phong – Xuân Trường – Nam Định.

9.5. - Trên bia Đền Thần Trà Lũ Bắc, khắc dựng năm 1872 (Tự Đức 25 – Nhâm Thân) do Phó bảng - Hầu tước Đặng Đức Địch soạn văn, có ghi “Sư chùa Bắc là Giác Đạo Ngạn gửi ruộng cúng 5 sào ở xứ Đường Nhất” và “ Sư chùa là Đạo Ngạn cúng 5 sào tư điền tại xứ đồng Khẩu Tam”. Như vậy, năm 1872, Thiền sư Giác Đạo Ngạn vẫn còn đang sống ở tuổi 68. Tấm bia này, hiện – 2022, vẫn còn đang lưu giữ ở Đền Thần Trà Lũ Bắc.

9.6. – Năm 1874 – Giáp Tuất, Ngài cùng với hương mục làng Trà Lũ Bắc bàn bạc tu bổ miếu Thiên quan, phủ thờ mẫu và miếu âm hồn. Việc này khắc ghi rõ trên bia khắc dựng mùa đông năm 1874, do Tú tài Bùi Viết Phái (Tú tài khoa Tân Dậu - 1861) soạn văn (33). Tấm bia này hiện vẫn còn được lưu giữ ở chùa Cảnh Linh.

Như vậy, có thể thấy Thiền sư Giác Đạo Ngạn thọ ít nhất là 70 tuổi (1805 – 1874).

Mặt khác, trong các Khoa cúng có thỉnh đến Ngài thì đều thấy có ghi giáo phẩm “HOÀ THƯỢNG = 和尚”, tức là Ngài đã sống qua tuổi 60.

9.7. – Về ngày viên tịch của Thiền sư Giác Đạo Ngạn: Trong Khoa cúng ở chùa Hoành Nha, có ghi ngày cúng Ngài là 15 tháng Chạp.

10. – CÔNG QUẢ CỦA THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN:

Đức cao vọng trọng, uyên thâm đạo pháp, Ngài đã thực hiện được rất nhiều công quả trong việc hoằng dương đạo pháp, vận động, quyên cúng và thực hiện được nhiều công trình xây dựng, tu bổ, sửa sang các chùa, miếu trong khu vực, và đặc biệt là ở chốn Tổ Cảnh Linh tự (Trà Lũ Bắc) và chùa quê Anh Quang tự (Làng Ngọc Tiên). Ngoài ra, ở các chùa trong tổng, trong huyện và vùng Nam Nam Định, Ngài cũng có công lao vận động, chủ trì tu sửa, tô tượng, đúc chuông rất nhiều (34). Với tài năng và kiến thức đạo pháp uyên thâm, phẩm hạnh thanh cao, Ngài đã trao truyền, giảng dạy cho nhiều đệ tử (trực tiếp của mình và của bạn đồng hàng đồng lứa) trở thành những nhà sư đức cao vọng trọng nổi tiếng của hệ phái (như Tổ Sinh Nghĩa, Tổ Sinh Thành, Tổ Sinh Huy….) khiến Phật giáo vùng Nam Nam Định được liên đăng tục diệm, phát dương quang đại trong cả thế kỷ sau đó.

11. – DI VĂN, DI TÍCH CỦA THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN:

Được triều đình Minh Mạng ban cấp độ điệp, sắc tứ giáo phẩm “Tăng Thống”, lại “thích làm thơ văn, thường cùng văn nhân xướng họa.” (Trà Lũ Xã Chí), uyên thâm Phật pháp, với tuổi đời trên 70, tuổi đạo ngoài 50, lại giữ “trọng trách” trong Phật giáo vùng nam Nam Định, chắc chắn các tác phẩm của Ngài phải rất nhiều. Nhưng rất tiếc, do thời gian, cộng với những biến cải thăng trầm thế sự, di văn của Ngài còn lại được “phát lộ” không nhiều. Tôi tạm liệt kê theo hiểu biết của mình như sau:

11.1. – Tháp chí Thiền sư Như Thường: Hiện còn được lưu giữ ở chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc. Tháp chí bằng đá, khắc rõ :”

南無慧光塔清白比丘諱覺道岸如常禪師不器菩薩正覺靈禪座下

Nam vô Tuệ Quang tháp Thanh Bạch tì kheo huý Giác Đạo Ngạn Như Thường thiền sư Bất Khí Bồ Tát Chính Giác Linh Thiền toà hạ.” (35). Ngắm nét chữ và nghệ thuật chạm tạc tấm “tháp chí” này, cộng thêm với việc Ngài tự soạn khắc hai tấm bia tháp của mình, rồi lại dặn người sau là “khi mình viên tịch thì thiêu xác, thu xá lợi nhập tháp”, tôi ngờ rằng đây chính là tác phẩm của Thiền sư.

11.2. – Tháp Tuệ Quang : Là tháp mộ Thiền sư Giác Đạo Ngạn, sau 1, 2 lần xê dịch, hiện đang nằm giữa “vườn tháp” ở chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc. (36).

11.3. – Bia đá nói về việc chủ trì tu sửa chùa Anh Quang – Ngọc Tiên: “重修英光寺碑= Trùng tu Anh Quang tự bi”. Bia do đích thân Thiền sư soạn, khắc, nói về việc Thiền sư về cùng dân làng quyên cúng, tu sửa chùa Anh Quang vào những năm 1850 – 1860. (37)

11.4. – Bia tháp mộ ở chùa Bắc: “景靈寺如常庵記 = CẢNH LINH TỰ NHƯ THƯỜNG AM KÝ” do chính Ngài soạn khắc vào ngày Phật đản (8 tháng 4) năm 49 tuổi (1853). Ngài đã soạn, khắc sẵn bia tháp của chính mình ở ngôi chùa mà Ngài đang trụ trì. (38)

11.5. – Bia tháp mộ ở chùa Thanh Quang - Ngọc Tiên: Khi đã qua được tuổi 53, năm 54 tuổi, Ngài về chùa quê, cúng ruộng và xây sẵn tháp xá lợi cho mình, sau đó soạn khắc văn bia tháp nói rõ đầu đuôi, thân thế của mình. (39).

11.6. – Minh chuông chùa Linh Quang – Vạn Lộc (Xã Xuân Phong – Huyện Xuân Trường): Bài minh ghi rõ việc Thiền sư Giác Đạo Ngạn chủ trì việc quyên cúng đúc chuông và đích thân soạn khắc bài minh này. (40)

11.7. – Khoa cúng “南無功德塔摩訶比丘法諱覺儉明德禪師化身菩薩禪座下 = Nam mô Công Đức tháp ma ha tì kheo pháp huý Giác Kiệm Minh Đức thiền sư hoá thân bồ tát thiền toạ hạ. ” những năm đầu thế kỷ 21 còn lưu giữ ở chùa Cổ Chất. Ở trang 23 Khoa cúng này có ghi rõ: ” 漕峒正派沙門覺道岸恭撰 = Tào Động chính phái Sa môn Giác Đạo Ngạn cung soạn = Sư chính phái Tào Động cung kính soạn”. (41). Khoa cúng này được soạn sau năm 1846 là năm Thiền sư Giác Kiệm Minh Đức viên tịch.

11.8. – Khoa cúng “南無本師密因塔清炤比丘法諱道生輝明定禪師解空菩薩禪座下 = Nam mô bản sư Mật Nhân tháp Thanh Chiếu tì kheo pháp huý Đạo Sinh Huy Minh Định thiền sư Giải Không bồ tát thiền toạ hạ”. những năm đầu thế kỷ 21 còn lưu giữ ở chùa Cổ Chất. Ở trang 24 Khoa cúng này có ghi rõ: ” 茶北景靈寺沙門覺道岸恭撰 = Trà Bắc Cảnh Linh tự Sa môn Giác Đạo Ngạn cung soạn = Sư chùa Cảnh Linh Trà Bắc cung kính soạn”. (42).

11.9. – Bia tháp mộ Tổ Giác Kiệm Minh Đức ở chùa Cổ Chất :” 萬代如見 = Vạn Đại Như Kiến 寳光塔記 = Bảo Quang tháp kí”. Bia này được soạn, khắc sau năm 1846 là năm viên tịch của Thiền sư Giác Kiệm Minh Đức – trụ trì chùa Cổ Chất. (43)

11.10. – Bia tháp mộ Tổ Hải Cần “祖師圓照塔摩訶睿敏雅淡初終法諱海勤精進禪師 = Tổ Sư Viên Chiếu tháp ma ha Duệ Mẫn Nhã Đạm Sơ Chung pháp huý Hải Cần Tinh Tiến Thiền sư” khắc dựng tháng 5 năm 1851 ở chùa Viên Quang (44)

11.11. – Bia tháp mộ Tổ Giác Trân “QUANG CHIẾU THÁP Tịch Thiều Giác Trân, hiệu Minh Mẫn Thiền sư” (1781 - 1849), khắc dựng tháng 5 năm 1851 ở chùa Viên Quang. (45).

12. – THIỀN SƯ GIÁC ĐẠO NGẠN CÚNG RUỘNG VÀ GỬI GIỖ:

12.1.- Trên bia Như Thường am ký, khắc dựng năm 1853, Thiền sư có khắc :

- Thiện tín thôn Bắc cúng ba sào ruộng tại xứ đồng Khẩu Nhị.

- Nguyễn Huy Lung cúng ba sào ruộng tại xứ đồng Khẩu Nhị.

- Nguyễn Viết Hùng cúng ba sào ruộng tại xứ đồng Khẩu Tam.

- Bùi thị Hề cúng một sào 4 miếng ruộng tại xứ đồng Khẩu Tam.” (46)

12.2. – Trên bia khắc dựng năm 1858 ở chùa Anh Quang, có khắc:

Ruộng gửi giỗ 2 sào 5 miếng ở xứ đồng Tiền Đồng” (47)

12.3. – Trên bia Đền Thần Trà Lũ Bắc, khắc dựng năm 1872 (Tự Đức 25 – Nhâm Thân) do Phó bảng - Hầu tước Đặng Đức Địch soạn văn, có ghi “Sư chùa Bắc là Giác Đạo Ngạn gửi ruộng cúng 5 sào ở xứ Đường Nhất” và “ Sư chùa là Đạo Ngạn cúng 5 sào tư điền tại xứ đồng Khẩu Tam”. (48)

Ôi !

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;

Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.”

Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh;

Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh.” (Lậu Thất Minh – Lưu Vũ Tích)

Có thể nói:

Chùa Cảnh Linh Trà Lũ Bắc không tại vì to lớn hay cổ kính lâu đời, có Thiền sư Giác Đạo Ngạn trụ trì thì hoá lẫy lừng trong hệ thống chùa Phật vùng nam Nam Định trong gần hai thế kỷ qua !”

 

ĐỖ HỮU TRÁC

------------------------------------

CHÚ THÍCH:

(0).- Theo sách “Trà Lũ Xã Chí” của Cử nhân Lê Văn Nhưng, khắc in năm 1916, Đỗ Hữu Trác dịch, in năm 2019, Nxb Tôn giáo, trang 141 (chữ Hán), 102 (tiếng Việt).

(1).- Theo bia “Như Thường am bi ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc.

(2).- Theo bia “Như Thường am bi ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc và bia tháp ở chùa Ngọc Tiên “hạp cảnh = 境“ được tôi hiểu là ở ổng làng, bìa làng.

(3).- Theo bia “Như Thường am bi ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Cảnh Linh – Trà Lũ Bắc. Làng Ngọc Cục – Ngọc Tiên, nay thuộc xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định.

(4).- Theo bia “Thiên Trường phủ, Giao Thuỷ huyện, Ngọc Cục xã, Anh Quang tự, Tuệ Quang tháp ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Thanh Quang – Làng Ngọc Tiên – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định.

(5).- Theo bia “Thiên Trường phủ, Giao Thuỷ huyện, Ngọc Cục xã, Anh Quang tự, Tuệ Quang tháp ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Thanh Quang – Làng Ngọc Tiên – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định. Nhà sư Như Hải, tu hành vào thời Lê mạt, những năm giữa TK 18, chưa rõ là thuộc hệ phái nào.

(6).- Theo bia “Thiên Trường phủ, Giao Thuỷ huyện, Ngọc Cục xã, Anh Quang tự, Tuệ Quang tháp ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Thanh Quang – Làng Ngọc Tiên – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định. Nhà sư Như Hải trụ trì chùa Anh Quang thời kỳ cuối TK 18, đầu TK 19. Việc này có nói đến trong tấm bia Thiền sư Giác Đạo Ngạn khắc khi sửa chùa Anh Quang (hiện còn lưu giữ ở tam quan chùa Thanh Quang – Ngọc Tiên).

         (7).- Theo bia “Thiên Trường phủ, Giao Thuỷ huyện, Ngọc Cục xã, Anh Quang tự, Tuệ Quang tháp ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Thanh Quang – Làng Ngọc Tiên – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định. Ngài nhận mình là truyền thừa đời thứ 8 của thiền phái Tào Động Nam truyền là theo kệ truyền thừa sau : 1. Thông, 2. Tông, 3. Từ, 4. Tính, 5. Hải, 6. Khoan, 7. Giác,    8. ĐẠO. 9. SINH, 10. QUANG, 11. CHÍNH, 12. TÂM,…(Đời 1 là “THÔNGGiác Thuỷ Nguyệt”, Đời 2 là Chân Dung TÔNG Diễn, Đời 3 là TỪ Sơn Hành Nhất, Đời 4 là TÍNH Chúc Đạo Chu, Đời 5 là các Thiền sư hàng chữ HẢI (HẢI Cần, Hải Điện,…), Đời 6 là các Thiền sư hàng chữ KHOAN (KHOAN Nhân, KHOAN Dực,…), Đời 7 là các Thiền sư hàng chữ GIÁC (Giác Trân, Giác Kiệm Minh Đức, Giác Trường…), Đời 8 là các Thiền sư hàng chữ ĐẠO (ĐẠO Ngạn, ĐẠO Lưu, ĐẠO Minh, ĐẠO Cẩn, ĐẠO Hương, ĐẠO Thịnh,…)

          (8)- Theo bia “Thiên Trường phủ, Giao Thuỷ huyện, Ngọc Cục xã, Anh Quang tự, Tuệ Quang tháp ký” hiện còn lưu giữ ở chùa Thanh Quang – Làng Ngọc Tiên – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định.

          (9).- Hạp cảnh – bìa làng là nơi có chùa Anh Quang, hạ lưu bến đò Cựa Gà (Kê độ = 鷄渡) bên dòng sông Ninh Cơ. Dòng Ninh Cơ chuyển dòng, bìa làng và cả chùa Anh Quang có nguy cơ bị lở xuống sông, đầu thế kỷ 20 Thiền sư Quang Minh đã chủ trì cùng dân làng dỡ chùa Anh Quang, đem về kết hợp với tượng pháp, gạch, gỗ của chùa Thanh Quang xây dựng lên ngôi chùa Thanh Quang (còn gọi là chùa Ngọc Tiên) hiện còn tồn tại đến ngày nay (2022). Tháp mộ Tuệ Quang (chứa xá lợi Thiền sư Giác Đạo Ngạn) có được di dời đồng bộ về chùa Thanh Quang hay không thì không có tư liệu nào để khảo chứng, chỉ biết có di dời tấm bia tháp về chùa Thanh Quang và tấm bia này mới “phát lộ” trong thời gian gần chục năm trở lại đây.

(10).- Lạc Đạo Thiền sư: Chữ “Lạc Đạo Thiền Sư = 樂道禪師” là lấy từ “Cảnh Linh Tự Như Thường Am Ký = 景靈寺如常庵記”. Chữ “Lạc Đạo = 樂道“ này có thể là ghép từ hai chữ “Lạc Nghiệp = 樂業“ (làng Lạc Nghiệp), và “An Đạo = 安道“ (thôn An Đạo Liêu Đông) là tên hai thôn làng có chùa (chùa Sùng Ninh và chùa An Đạo) mà Thiền sư Hoàng Nghiêm đã từng trụ trì. Sư Hoàng Nghiêm (1768 - 1825), người làng Trà Lũ, viên tịch năm 1825, về sau, năm 1836 các pháp tử, pháp tôn xây tháp xá lợi ở chùa Linh Quang Trà Lũ Trung, năm 1846 Thiền sư Giác Đạo Ngạn cùng các pháp tử, pháp tôn lập bia tháp này (đến nay – 2022 – vẫn còn). Trong bài minh tháp này, Thiền sư Giác Đạo Ngạn cùng các Thiền sư Đạo Cẩn, Đạo Lưu, Đạo Thịnh với tư cách là “pháp tử - sư con” và các “pháp tôn – sư cháu” Sinh Nghĩa, Sinh Quang, Sinh Trí, Sinh Định, Sinh Huy đã đứng ra soạn minh. Từ đó suy luận ra rằng nhiều sư hàng chữ ĐẠO ở vùng Xuân Trường lúc đó ban đầu xuất gia là làm tiểu của Tổ Hoàng Nghiêm – Lạc Đạo Thiền Sư. Tổ Hoàng Nghiêm có thuộc hệ phái Tào Động Nam truyền hay không thì chưa có tài liệu nào nói rõ.

(11).- “Nhược quán phi tri tước phát, quy y vu Lạc Đạo thiền sư = 弱冠披緇削髮皈依于樂道禪師” – “Hai mươi tuổi cắt tóc quy y, theo thầy là Thiền sư Lạc Đạo”. Trích từ văn bia “Như Thường am bi ký”.

(12).- “Nhi lập, cụ túc tam đàn, thụ ký vu Phổ Tế bồ tát = 而立具足三壇授記于普濟菩薩“. “Ba mươi tuổi, thụ ba đàn cụ túc giới bởi Ngài Phổ Tế Bồ Tát”. “Phổ Tế Bồ Tát” là pháp hiệu của Tổ Khoan Nhân – một vị cao tăng nức danh trong hệ phái Tào Động Nam truyền. Câu này trích từ văn bia “Như Thường am bi ký”.

(13).- Thiền sư Giác Đạo Ngạn cùng một số thiền sư hàng chữ ĐẠO ở vùng Xuân Trường được thụ giới tam đàn cụ túc ở chùa Kim Sa – Lãng Lăng. Điều này có ghi trên bia tháp Tổ Đạo Lưu ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực (Xã Xuân Phong – Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định). “Tam thập dư, đỉnh lễ Kim Sa nhi tam đàn cụ túc” (Ngoài ba mươi, thụ giới tam đàn cụ túc ở chùa Kim Sa).

(14).- Bốn người : Đạo Cẩn, Đạo Lưu, Đạo Thịnh, Đạo Ngạn đồng xưng là “pháp tử” với Tổ Hoàng Nghiêm (trong bài minh bia tháp soạn năm 1846)

(15).- Tên nhà sư Đạo Minh có khắc ghi trong tấm bia công đức Tự Đức 7 – 1854 ở chùa Viên Quang.

(16).- Tên hiệu nhà sư Đạo Hương có khắc ghi ở bia ghi danh liệt Tổ ở chùa Sùng Phúc – Kiên Lao.

(17).- Bia “Vạn Đại Như Kiến”

(18).- Bia “QUANG Chiếu Tháp”

(19).- Bia “VIÊN Chiếu tháp”

(20).- Trong các Khoa cúng Tổ ở chùa Thánh Ân (chùa Cả), chùa Cổ Chất, chùa Hoành Nha, chùa Cảnh Linh, chùa Bộ La….đều nhắc đến Ngài với tư cách là thầy truyền y bát, thầy thụ giới đàn,

(21).- Nam mô Tuệ Quang tháp Sắc tứ Tăng thống Đạo nguyên Hoà thượng Thanh bạch tì kheo pháp huý Giác Đạo Ngạn Như Thường thiền sư Bất khí Bồ tát Thiền toà hạ. (南無慧光塔敕賜僧統道原和尚清白比丘法諱覺道岸如常禪師不器菩薩禪座下。). Rất có thể, Khoa khảo tăng thời Minh Mạng đã sắc tứ giáo phẩm “Tăng Thống” cho Thiền sư Giác Đạo Ngạn là khoa khảo tăng đầu tiên và duy nhất của triều đình nhà Nguyễn. Việc khảo tăng thì đã thành lệ ở triều Hậu Lê. Các sư chùa Viên Quang, Thần Quang xưa và cả sư Khoan Bình – Đào Phú ở chùa Linh Quang – Trà Lũ Trung cũng đã từng qua khoa khảo tăng và được ban phong vào “Tăng lục ti”.

(22).- Sách Trà Lũ Xã Chí đã viết về việc xây dựng, trang trí chùa, tạc tượng thờ của Ngài:”Trụ trì ở chùa thôn Bắc. Phần nhiều tượng là do sư tô vẽ, lại ở nhà ngang lấy vỏ trai vỏ sò làm động rất khéo. Tự coi thanh cao, chén trà ấm trà đều là đồ xưa nhã đẹp, phướn rước lọng báu thuần dùng gấm vóc chế nên.” (trang103), và :” Chùa thờ Phật có chính điện, tiền đường, hành lang, gác chuông. Gác chuông cũ chùa Cảnh Linh dựng 3 tầng, cao hơn 2 trượng, cột liền bằng gỗ tứ thiết. Cơn bão lớn năm Quý Mão thời Thành Thái (1903), gác chuông đổ, hư hỏng hết” (trang 74).

(23).- Điều này được ghi rõ trong tấm bia khắc dựng năm Giáp Tuất – 1874 do Tú tài Bùi Viết Phái soạn văn, hiện – 2022 – còn được lưu giữ ở chùa.

(24).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

(25).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

(26).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực. và Khoa cúng Sư Sinh Huy ở chùa Cổ Chất. (Phổ Quang tự).

(27).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

(28).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

(29).- Theo nội dung bia Tháp Sư Đạo Lưu 1850 ở chùa Thiên Thọ - Thọ Vực.

(30).- Theo nội dung bia tháp Tổ Hoàng Nghiêm 1846 ở chùa Linh Quang Trà Lũ Trung và Khoa cúng Tổ Thánh Ân tự (Chùa Cả TP. Nam Định)

(31).- Theo nội dung bia tháp Tổ Hoàng Nghiêm 1846 ở chùa Linh Quang Trà Lũ Trung.

(32).- Theo nội dung bia đá Thành Thái 18 (1906) ở chùa Chính Hoành Nha (Xã Giao Tiến – Huyện Giao Thuỷ - Tỉnh Nam Định).

(33).- Trong bia có nói, ông Phó Tổng Lê Văn Thuỳ, ông Hương trưởng Nguyễn Viết Đỉnh “cập xã tự lão tăng = 及社寺老僧 = cùng với vị sư già ở chùa Cảnh Linh”.

(34).- Chỉ cần xem danh sách các làng xã, các thiện tín thập phương xa gần tiến cúng, đóng góp khi Ngài chủ trì vận động đúc chuông chùa Vạn Lộc năm 1862, đủ thấy uy tín của Ngài trong vùng là như thế nào !( Làng Vạn Lộc, Thôn Bắc Trà Lũ, Hoành Nha, Hoành Quán, Chuỳ Khê, Kiên Lao, Xuân Hy, Hoành Vực, Trại Nam Điền, Phú Nhai, Thôn Trung Trà Lũ, Hạ Miêu, Hành Thiện, Ân Đạo, Liêu Thượng.v.v…các xã, trại đều có cúng tiền.)

(35).- Ở mặt sau tấm “tháp chí” này, sư đời sau có khắc thêm như một dòng ghi chú: ”Sư tu sửa chùa”.

(36).- Với uy tín và tầm ảnh hưởng rất lớn của mình, tôi ngờ rằng ở các chùa “thân cận” trong hệ phái như: Chùa Anh Quang, chùa Thiên Thọ, chùa Cổ Chất, chùa Hoành Nha, chùa Vạn Lộc….đều có tháp xá lợi của Thiền sư. Điều này cần khảo tiếp sau (?!).

(37).- Không hiểu vì lý do gì, phần chữ “ký tên” của Thiền sư ở cột thứ 4 trên tấm bia này bị mài cạo mòn đi, chỉ còn thấy lờ mờ mấy chữ (?!).

(38).- Tấm bia này hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa Cảnh Linh. Tuy đã bị vỡ làm đôi nhưng tất cả các chữ khắc trên bia đều còn rất rõ ràng, sắc nét, dễ đọc.

Cư sĩ Chân Thanh – Lê Quốc Việtdịch nghĩa văn bia này như sau :” Bài ký trên am Như Thường chùa Cảnh Linh thôn Bắc xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ phủ Thiên Trường.

Ôi! Am là gì? Là để cất giấu của báu của trời đất, cài then thị phi, đóng khoá tinh thần mà để lại cho đời sau thì đó là am này vậy! Tăng Đạo Ngạn tôi người xã Ngọc Cục nhà họ Đặng thuộc bản quận [3]. Đến tuổi đội mũ thì khoác nâu sồng, cắt tóc quy y nương vào Thiền sư Lạc Đạo [4]. Đến tuổi “Nhi lập” [5] thì ba đàn Cụ túc sẵn đủ, được thụ ký từ ngài Bồ tát Phổ Tế [6]. Ngày thường thì nhai cặn bã của Thánh hiền; uống bọt rãi của Phật Tổ. Như thấy được gan phổi; sáng tỏ xương tuỷ, thực không phí công thầy truyền trao vậy! Đến khi xách tích trượng đến đây rồi, thì năm Đinh Hợi [1827], kiếp vận gặp phải cơn dâu bể, không sợ mất sức mà khôi phục lại công quả của người xưa, khiến cho quả phúc được vo tròn vậy. Ngầm nghĩ khi Như Lai ra đời, còn chẳng lấy năm dài mà coi tuổi ngắn, huống là tăng tôi, sao còn muốn lưu luyến ru? Liền dựng am lập bia, tận tay viết bài minh. Đợi sau khi viên tịch làm nơi cất giữ xá lợi, làm chốn hội tụ anh linh, lấy chỗ cho Pháp tử thờ tự. Khiến đôi dòng Truy - Bạch mai sau chân bước đến am, mắt thấy bia này mà biết được đầu đuôi tăng tôi từ khi ứng thế cho đến nay, mà tự mình sắp theo dấu tích, nào dám mất công để vẻ vang riêng mình thôi ư! Lập bài ký vào ngày 8 tháng 4 niên hiệu Tự Đức 6 [1853]

Các thiện tín ở thôn Trung thuộc bản xã cúng một tấm bia.

Các thiện tín trong bản thôn cúng ruộng 3 sào ở xứ Khẩu Nhị.

Nguyễn Huy Lung cúng ruộng 3 sào ở xứ Khẩu Nhị.

Nguyễn Viết Hùng cúng ruộng 3 sào ở xứ Khẩu Tam.

Bùi Thị Hề cúng ruộng 1 sào 4 miếng ở xứ Khẩu Tam. ”

(39).- Khi tháo dỡ chùa Anh Quang chạy lụt về ghép chung với chùa Thanh Quang (ở xóm CỰU), tấm bia này được đặt ở góc vườn chùa, ít người thấy (Những năm 1971 – 1974, bản thân tôi trọ học cấp 3 ở chùa Thanh Quang, ra vườn chùa cắt lá phơi đun rất nhiều lần mà cũng không được thấy). Cách nay ít năm, tấm bia phát lộ và cho chúng ta biết được thêm nhiều điều về chùa Anh Quang, chùa Thanh Quang và Thiền sư Giác Đạo Ngạn.

Cư sĩ Chân Thanh – Lê Quốc Việtdịch nghĩa văn bia này như sau :

Bài ký trên tháp Tuệ Quang chùa Anh Quang xã Ngọc Cục huyện Giao Thuỷ phủ Xuân Trường.

Ôi! Tháp là để làm gì? Dựng lên để cất giữ xá lợi và ghi chép họ tên; ngước trông càng cao và vun bồi không sụt vậy. Bài ký này ghi chép về tăng Giác Đạo Ngạn là người họ Đặng ven làng quê nhà. Sư sinh năm Ất Sửu [1805], là cháu trong tộc họ của Thiền sư Như Hải. Nếu nói về đạo truyền thừa thì Giác Đạo Ngạn là đời thứ 8 của Thiền tông Tào Động Nam truyền. Ngày thường thì nhai cặn bã của Thánh hiền; uống bọt rãi của Phật Tổ mà như thấy được gan phổi; sáng tỏ xương tuỷ, thực không phí công thầy truyền trao vậy! Tự ngẫm đến tuổi về già, há có thể treo bút ở thôn xa, còn nơi chôn rau cắt rốn thì dấu tích lại bị trôi nổi? Vì thế mà trở về quê nhà dựng tháp liền ngay bên phải am Tổ sư. Đợi sau khi viên tịch, sẽ là nơi cất giữ xá lợi, làm chốn hội tụ anh linh, lấy chỗ cho tộc họ thờ tự. Đến nay lập bia, tự tay soạn bài minh, khiến đôi dòng Truy - Bạch mai sau chân bước đến am, mắt thấy bia này mà biết được đầu đuôi tăng tôi từ khi ứng thế cho đến nay. Liền tự mình làm bài tựa thuật lại dấu tích của mình, nào dám khoe công để vẻ vang cho riêng mình thôi ư!

Bài minh rằng:

Nhân gian kiếp sống bọt bèo,

Tuỳ duyên ứng hoá gượng cầu mà chi.

Tuổi già bóng xế về quê,

Tháp xây cao ngất ngàn Thu vững bền”.

Ngày Thượng tuần tháng 9 niên hiệu Tự Đức 11 [1858].

Ruộng cúng 2 sào 5 miếng ở xứ Tiền Đồng.”

(40).- Trong bài minh này, Ngài khắc rõ “漕峒正派沙門覺道岸銘 = Tào Động chính phái Sa môn Giác Đạo Ngạn minh = Sư chính phái Tào Động là Giác Đạo Ngạn viết bài minh này”. (Có thể lúc đó, trong vùng Nam Nam Định đã có sự phân biệt, chia rẽ….các hệ phái?!)

(41).- Trong Khoa cúng Tổ Giác Kiệm Minh Đức ghi là “Công Đức tháp = 功德塔”, trong khi trên bia đá ở chùa Cổ Chất thì khắc ghi “Bảo Quang tháp = 寳光塔”!? Điểm sai lệch này cần khảo xét thêm !

(42).- Đoạn cuối của Khoa cúng này (trang 23) có đoạn nói “Sư Sinh Huy ….thọ 80 tuổi” cần khảo xét tiếp. (Vì nếu như vậy thì Khoa cúng này phải được Thiền sư Giác Đạo Ngạn soạn sườn, khung trước khi….Sư Sinh Huy viên tịch?)

(43).- Các chùa Viên Quang, Nguyệt Quang, Cổ Chất, Thọ Vực, Trà Lũ Bắc, Hoành Quán, Lãng Lăng, Chuỳ Khê, Thanh Trà, Vạn Lộc… từ đầu thế kỷ 19 có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau (có thể là chịu ảnh hưởng của 1 nhánh lớn của hệ phái Tào Động Nam truyền : Từ Tổ Hải Cần – Tổ Khoan Nhân – Tổ Giác Trân, Giác Kiệm, Giác Đạo Ngạn – các Tổ hàng chữ Sinh…). Vì thế rất có thể nội dung tấm bia tháp Tổ Giác Kiệm Minh Đức này là do Thiền sư Giác Đạo Ngạn soạn khắc.

(44).- Xem chú thích 43.

(45).- Xem chú thích 43.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét