Trên mảnh đất hình chữ S này; đi tới đâu cũng thấy đầy rẫy những hàng chữ to tổ bố trên những cổng chào ở đầu khu phố, hoặc thôn( làng): Khu phố văn hóa, làng văn hóa... Theo như tiêu chí làng và khu phố văn hóa; thì phải có bao nhiêu điều kiện trong đó. Thậm chí có địa phương còn đưa thêm tiêu chí phải có: Câu lạc bộ thơ ca nữa. Nghe một ông bạn già kể lại mà cười ra nước mắt. Chính bản thân ông có biết chút chút làm thơ ca hò vè. Thế là phải thân chinh đi vận động rủ rê những người yêu thơ ca thành lập CLB cho đủ tiêu chí.
Chả hiểu bằng cách nào mà sao lắm làng,
khu phố đạt chuẩn văn hóa thế. Nhưng khi bước vào những nơi đó, đập ngay vào mắt
khách là những chai lọ, rác rến... vứt lung tung; thậm chí những kênh, ao...màu
nước đen thui nổi lều bều trên mặt nước là đủ thứ rác rến cùng mùi hôi thối.
Đêm đến tiếng loa từ các nhà hát nhạc hoặc karaoke mở hết công suất, đinh tai
nhức óc. Không hiếm có những vụ án mạng mà báo chí đã từng đề cập; cũng vì hát
hò làm ảnh hưởng đến người khác.
Có nhiều ông chồng cứ nhậu về nhà là vợ
chồng đánh chửi nhau như hát hay; vậy mà cuối năm họ cũng có giấy khen: Gia
đình văn hóa. Hỏi thì họ cười: “Khu phố họ đưa thì mình nhận, chả lẽ chối từ.”
À thì ra mỗi làng, khu phố văn hóa phải có bao nhiêu phần trăm (% ) gia đình đạt
chuẩn văn hóa; nên họ cứ đếm...mà cấp giấy khen chăng?
Xã hội ngày nay cái gì họ cũng đua chen,
khoe mẽ; ngay như vụ phong giáo sư gần đây thì cũng đủ hiểu. Hàng trăm ngàn tiến
sĩ, giáo sư vậy mà chế tạo máy liên hoàn gặt đập, hoặc máy công cụ đa
năng...thì toàn những anh hai lúa hoặc công nhân trình độ họ chỉ ở dạng trung học
cơ sở.
Ông bà ta xưa trải bao đời, đúc kết về con
người qua câu tục ngữ: “ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Thực tế thời nay toàn những
là: “ Tốt nước sơn hơn tốt gỗ”; thử hỏi dân không nghèo khổ, đất nước cứ lẹt đẹt
về trình độ khoa học ở phía sau thiên hạ mãi sao?
VŨ VIỆT THẮNG
(Bài đã in trong tập: Tốt đen
lạc loài, NXB Hội nhà văn 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét