Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

“MIẾU ĐỀN TÔI” - MỘT BÀI THƠ ĐÁNG ĐỌC / Phạm Đức Nhì

 

    


 

(Thân mến tặng chị Ngọc An)

 

Lời Nói Đầu

 

       Kết bạn Facebook với thi sĩ Thiên Hà đã khá lâu nhưng mãi đến khi thấy “tệ nạn” Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp và Bình Thơ Chỉ Khen Không Chê ngày càng lan rộng tôi mới thử nghiệm việc Bàn Thi Pháp Theo Yêu Cầu. Tác giả chỉ cần đăng bài thơ của mình trên FB, tag tên tôi với ghi chú “nhờ bàn thi pháp” thì tôi sẽ xắn tay áo làm ngay.

       Tôi nhận được khá nhiều những bài thơ như thế nhưng qua địa chỉ emails với lời yêu cầu “Bàn xong, xin liên lạc email”. Họ không muốn bài thơ của mình bị phơi bày những chỗ “không đẹp” nơi công cộng.

       Thi sĩ Thiên Hà không ngại điều đó. Và tôi đã có dịp bàn thi pháp cho bài thơ Tháng Năm Tôi Đi Tìm Tôi(1) của ông trên FB.

       Sau đó ông đề nghị tôi chọn bất kỳ một bài thơ nào đó của ông, bình một cách bài bản để ông biết điểm mạnh, điểm yếu của mình.

       Tôi đã chọn bài thơ Miếu Đền Tôi của ông để viết lời bình. Có 2 lý do:

       1/ Có tý tình riêng: Tôi thực sự quý mến và nể trọng thi sĩ lão thành Thiên Hà.

       2/ Ưu khuyết điểm của thi phẩm Miếu Đền Tôi nếu được phân tích – tôi tin rằng - cũng sẽ hữu ích cho độc giả yêu thơ và chơi thơ.

 

MIẾU ĐỀN TÔI

 

Không điện ngọc cung son

chẳng cần chi lăng tẩm

không là vua

dinh thự cũng chẳng màng

là kẻ lạc loài

giữa rừng sâu núi thẳm

miếu đền tôi

hoang mạc cõi nhân gian.

 

Rất đêm bao dung

rất ngày độ lượng

biết giận hờn

mà cũng biết ăn năn

rất bơ vơ

không công hầu khanh tướng

miếu đền tôi

cõi tạm chốn dương trần.

 

Khúc sinh ca

bi hùng lạc điệu

giữa đầm lầy

bầy dã thú hỗn mang

có giống loài

ỷ mạnh ăn hiếp yếu

miếu đền tôi

cõi trú kẻ lạc đàn!

 

Sáu mươi năm

cuộc tình bút mực

lắm nhục nhằn

mà rất đỗi ung dung

rồi ngẩn ngơ

giữa trường văn trận bút

miếu đền tôi

lảnh lót tiếng Sâm Cầm(2)

 

Suối thiêng em

dặm dài đo nỗi nhớ

mái tình thơ

xanh biếc bến tâm hồn

ai đã khuất

và những ai còn đó

miếu đền tôi

trầm mặc với thế nhân.

 

Sóng thiêng em

cuộn trào như thác

cho mạch thơ

lai láng suối nguồn

bản tình ca

nửa chiều nhan sắc

miếu đền tôi

hoa cỏ ngát hương

 

(Thiên Hà)

 

Tứ Thơ

Thi sĩ Thiên Hà – qua bài thơ – đã cố gắng bày tỏ một vài cách ứng xử của mình trước cảnh đời. Những cách ứng xử nếu được tuân thủ một cách vui vẻ, tự nguyện như có “một niềm tin thiêng liêng” sẽ giúp ông biểu hiện một cá tính, nhân cách đặc biệt trước “bàn dân thiên hạ”

Bên cạnh đó ông cũng chia sẻ những trải nghiệm riêng tư về tình yêu, tình người và trên “trường văn trận bút”.

 

       Ngôn Ngữ, Hình Tượng

       1/ Theo cách suy nghĩ của người Việt Nam miếu đền là nơi tàng trữ những gì quan trọng, quý giá, linh thiêng (về mặt tinh thần) của người đời. Cho nên có thể nói cái tựa Miếu Đền Tôi rất độc đáo, đã nêu bật được tầm quan trọng, “niềm tin thiêng liêng” của tác giả đối với nội dung của tứ thơ.

       2/ Câu cuối của 6 đoạn

     a/ Miếu đền tôi hoang mạc cõi nhân gian.

     b/ Miếu đền tôi cõi tạm chốn dương trần.

     c/ Miếu đền tôi cõi trú kẻ lạc đàn

     d/ Miếu đền tôi lảnh lót tiếng sâm cầm

     e/ Miếu đền tôi trầm mặc với thế nhân.

     f/ Miếu đền tôi hoa cỏ ngát hương

đều là những câu thơ “nặng ký”, tóm kết ý chính của đoạn thơ một cách khéo léo và sâu sắc. Những câu thơ còn lại “yếu cơ” hơn nhưng cũng tạm coi là hoàn thành nhiệm vụ “diễn giải” theo ý của tác giả.

 

Thể Thơ:

Thơ Mới Trường Thiên, phân mảnh đứt đoạn. Có 24 câu, phân thành 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, diễn tả một ý riêng biệt. Tứ thơ không có dòng chảy. Đây là loại thơ viết theo lối Kiếm Tông chú trọng cái hay, cái sâu sắc, mới lạ của câu chữ, ý tứ, các biện pháp tu từ - nói chung là cái đẹp văn chương.

 

Vần Và Nhịp Điệu

1/ Vần: Miếu Đền Tôi có 6 đoạn, 24 câu, được gieo vần gián cách (1/3 thanh trắc, 2/4 thanh bằng), 12 cặp vần cứ đến hẹn lại lên nên hội chứng nhàm chán vần khá rõ nét. Do cứ hết đoạn lại chuyển vần nên bài thơ không có dòng âm điệu.

2/ Nhịp điệu: Số chữ trong câu thay đổi với biên độ rất hẹp (6 câu 7 chữ, 17 câu 8 chữ, 1 câu 10 chữ) nên nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt.

 

Bố Cục, Thế Trận

Bài thơ có 6 đoạn thì 3 đoạn đầu là 3 cách ứng xử trước cảnh đời.

1/

Không điện ngọc cung son

chẳng cần chi lăng tẩm

không là vua

dinh thự cũng chẳng màng

là kẻ lạc loài

giữa rừng sâu núi thẳm

miếu đền tôi

hoang mạc cõi nhân gian.

Câu thơ chính mang trọn sức nặng ý nghĩa của đoạn 1 là “miếu đền tôi hoang mạc cõi nhân gian”. Tác giả muốn sống như Tarzan, một “kẻ lạc loài giữa rừng sâu núi thẳm”. Đó chỉ là một phát biểu về cách ứng xử chứ không phải trải nghiệm cụ thể của thi sĩ trước cảnh đời. Ba câu trước đó chỉ diễn giải để tạo độ khả tín, sức thuyết phục cho câu thơ chính mà thôi.

2/

Rất đêm bao dung

rất ngày độ lượng

biết giận hờn

mà cũng biết ăn năn

rất bơ vơ

không công hầu khanh tướng

miếu đền tôi

cõi tạm chốn dương trần.

Tương tự như đoạn 1, ở đây tác giả coi đời mình chỉ là “cõi tạm chốn dương trần”. Đó là ý chính; phần còn lại của đoạn thơ chỉ là cành lá trang điểm.

3/

Khúc sinh ca

bi hùng lạc điệu

giữa đầm lầy

bầy dã thú hỗn mang

có giống loài

ỷ mạnh ăn hiếp yếu

miếu đền tôi

cõi trú kẻ lạc đàn

Cũng giống như hai đoạn trên, ở đoạn 3 tác giả coi đời mình chỉ là “cõi trú kẻ lạc đàn” (câu cuối); phần còn lại là mấy lời giải thích.

Đoạn 4 dưới đây vừa là cách ứng xử và cũng vừa là trải nghiệm của tác giả “giữa trường văn trận bút”

4/

Sáu mươi năm

cuộc tình bút mực

lắm nhục nhằn

mà rất đỗi ung dung

rồi ngẩn ngơ

giữa trường văn trận bút

miếu đền tôi

lảnh lót tiếng sâm cầm

Đoạn thơ này có nhóm chữ “lắm nhục nhằn” làm tôi hơi thắc mắc. Tôi hỏi thì được tác giả trả lời: “Trước 75 viết không khéo dễ bị cho là Việt Cộng; sau 75 sơ suất một tý thì bị quy là Việt Gian, Phản Động”.

Tôi tìm hiểu tiểu sử thì được biết ông đã từng “tham gia phong trào Sinh Viên Học Sinh đấu tranh chống chính quyền và viết thơ văn phản chiến trước năm 1975.”

Còn sau năm 75 thì chỉ cần đọc cái tựa bài viết của Lại Văn Long:

Nhà Thơ Thiên Hà - Một Phóng Viên Đàn Anh Trong Đại Gia Đình Báo Công An Thành Phố(3) là đủ thấy ông đã nhiễm chứng bệnh “teo chim” khá nặng, nhất là hơn nửa đời còn lại. Như vậy nhóm chữ “lắm nhục nhằn” ông đã viết rất thật lòng. Cái cảm giác cắn răng nuốt nhục, tỏ vẻ “rất đỗi ung dung” viết ra những câu thơ, những đoạn văn “luồn lách tránh đạn” thật đau đớn đối với người cầm bút.

Bỏ qua những quan điểm, lập trường chính trị để chỉ nhìn về khía cạnh văn chương, sự chân thật của ông trong đoạn thơ rất đáng kính trọng. Đọc những đoạn thơ như thế, cũng giống như ông, tôi cảm thấy đâu đó quanh mình hình như đang “lảnh lót tiếng Sâm Cầm”

Hai đoạn cuối(5,6) là trải nghiệm với những “suối thương em” và “sóng thương em” - những “người đàn bà đi qua đời tôi” - của thi sĩ.

5/

Suối thiêng em

dặm dài đo nỗi nhớ

mái tình thơ

xanh biếc bến tâm hồn

ai đã khuất

và, những ai còn đó

miếu đền tôi

trầm mặc với thế nhân.

Thi sĩ Thiên Hà sinh năm 1940, lập gia đình năm 33 tuổi (1973). Được hơn 6 năm thì người vợ bỏ đi để lại cho ông hai đứa con - đứa 5, đứa 6 tuổi. Giờ đây, nhìn lại những người phụ nữ đến tụ hội với “mái tình thơ xanh biếc bến tâm hồn” của mình thuở ấy ông không khỏi “trầm mặc với thế nhân” – nghĩa là trầm ngâm suy nghĩ về nhân tình thế thái. Câu thơ “ai đã khuất và những ai còn đó” (số nhiều) đã giúp tôi không lầm với “sóng thiêng em” ở đoạn cuối.(4)

6/

Sóng thiêng em

cuộn trào như thác

cho mạch thơ

lai láng suối nguồn

bản tình ca

nửa chiều nhan sắc

miếu đền tôi

hoa cỏ ngát hương!

Đây là đoạn thơ viết về người phụ nữ đã đem đến cho ông tình yêu và hạnh phúc ở cuối đời. Bốn năm sau khi bị tình phụ (ở tuổi 43) ông đã gặp và nhúm lại ngọn lửa tình với chị Ngọc An (trẻ hơn ông một con giáp), viết lên “bản tình ca nửa chiều nhan sắc”. Cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, sau gần 40 năm, mạch thơ trong bản tình ca đó vẫn “lai láng suối nguồn” và trước căn nhà của đôi vợ chồng già ở đồi Tăng Nhơn Phú(4) vẫn “hoa cỏ ngát hương”.

Bài thơ có 6 đoạn thì 3 đoạn đầu là 3 cách ứng xử trước cảnh đời – tác giả chỉ nói đến chứ không bộc lộ những trải nghiệm cụ thể của mình.

Thay vì nói “Anh yêu em say đắm” - một phát biểu “chung chung” - nhà thơ Nguyên Sa đã viết:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Sợ thư tình chưa đủ nghĩa yêu thương

Anh thay mực cho vừa màu áo tím.

(Tuổi Mười Ba)

Tác giả Tuổi Mười Ba đã bộc lộ trải nghiệm sinh động cụ thể của tâm mình. Viết như thế tình tứ, hấp dẫn và “thơ” hơn rất nhiều.(6)

Ba đoạn sau của Miếu Đền Tôi viết theo lối này nên thi sĩ đã có thể đưa độc giả đến tận cánh cửa trái tim của ông để cùng trải nghiệm, lúc thì tận cùng đau đớn, khi thì trầm mặc suy tư và lúc khác, là cả một quãng đời ngập tràn hạnh phúc.

Đoạn Kết Của Bài Thơ

Thi sĩ đã chọn “trải nghiệm với người tình cuối đời” để làm đoạn kết cho bài thơ.

Cuộc đời ông như thế là có hậu. Cho đến khi tôi viết lời bình cho Miếu Đền Tôi ông đã gần 40 năm được “đầu gối tay ấp” với người mình yêu và cũng hết lòng yêu mình trong một gia đình vợ chồng con cháu hòa thuận, ấm êm.

Câu “Miếu đền tôi hoa cỏ ngát hương” đã được đặt vào vị trí đẹp nhất trong bài thơ. Có thể nói đó là câu thơ đắc địa, tỏa hương thơm ngát, để lại ấn tượng ngọt ngào, sâu đậm trong tâm hồn người đọc.

       Tâm Thế Của Thi Sĩ:

Nhà thơ Thiên Hà viết Miếu Đền Tôi với tâm thế muốn chia sẻ tâm tình với độc giả (Share feelings with them). Ông cũng có thể đang ở trạng thái xốn xang, rung động nhưng bị thể thơ “bó buộc tay chân” nên không thể tạo cao trào để cảm xúc tầng 3 xuất hiện được. 

Cảm Xúc

1/ Cảm xúc tầng 1: Mạnh mẽ tỏa ra từ câu chữ, nhất là 3 đoạn cuối, bộc lộ trải nghiệm của thi sĩ.

2/ Cảm xúc tầng 2: Do bố cục mạch lạc nên cảm xúc tầng 2 cũng có thể nói là mạnh, gây cảm giác thích thú cho độc giả như được xem đội bóng có đấu pháp toàn đội hợp lý, hiệu quả đang biểu diễn trên sân cỏ.

3/ Cảm xúc tầng 3: Do tứ thơ và âm điệu không có dòng chảy nên không có dòng cảm xúc; không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có cảm xúc tầng 3 - loại cảm xúc cao cấp nhất – và dĩ nhiên, không có hồn thơ.

Kết Luận

Thi sĩ Thiên Hà viết Miếu Đền Tội có vẻ như là để “khoe” một triết lý sống thanh cao bằng những cách ứng xử của bậc “bề trên” thường được người đời nể trọng.

Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, những đoạn mang nặng tính triết lý ấy lại rất mờ nhạt trên trang thơ. Ngược lại, những trải nghiệm đời thường ở mấy đoạn khác thì nhiều cảm xúc, cứ dai dẳng bám theo tâm trí người đọc, lưu lại dấu ấn sâu sắc đầy tính nhân văn.

Không biết nên gọi đó là tài thơ hay may mắn? Nhưng gọi là gì đi nữa thì Miếu Đền Tôi cũng là bài thơ đáng đọc.

 

League City tháng 6/2022

 Phạm Đức Nhì

 

CHÚ THÍCH:

1/ http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2022/05/thi-phap-bai-tho-thang-nam-toi-i-tim-toi.html

2/ Sâm Cầm, theo tác giả là một loài chim “dân dã”

3/ Báo Công An Thành Phố HCM số ra ngày 25/05/2005

4/ Thủ Đức

5/ Phỏng vấn vợ chồng thi sĩ Thiên Hà, báo Phụ Nữ Thành Phố

6/ Thủ pháp Show, Don’t Tell của Âu Mỹ

Tell: (Kể, nói) Michael rất sợ bóng tối.

Show: Bộc lộ (hiển thị) trải nghiệm cụ thể

Khi mẹ anh tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Anh thu mình dưới tấm chăn, nắm chặt ga trải giường và nín thở khi gió lướt qua tấm rèm.

Trong ví dụ “hiển thị”, thay vì chỉ nói rằng Michael sợ bóng tối, anh ta đã được đặt vào một tình huống để trải nghiệm về nỗi sợ hãi đó.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét