Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

THI PHÁP BÀI THƠ “THÁC NƯỚC” CỦA TRẦN ĐĂNG TÍNH / Trần Mỹ Giống

 


Trần Mỹ Giống và Trần Đăng Tính

 

       Nhà thơ Trần Đăng Tính hiện sống tại phố Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Đinh. Ông là kỹ sư, nhưng lại có năng khiếu về thơ. Ông đã có hai tập thơ và bốn đĩa ghi hình nhiều ca khúc nhạc sĩ Đặng Ngọc Độ phổ nhạc thơ ông, một số ca sĩ ngâm và hát thơ ông. Trên blog cá nhân của tôi đã đăng gần hai trăm bài thơ và bình thơ của ông. Bài “Thác nước” là bài đầu tiên ông gửi đăng trên blog của tôi.

 

              THÁC NƯỚC

 

Thác nước tinh khôi chảy giữa rừng

Núi non trùng điệp ấp bưng

Khe đá rậm xanh rêu cỏ

Nước dòng lướt thướt trắng bọt tung

Dốc nước trút lòng rần rật đổ

Suối nghiêng mở dạ phởn phơ rung

Thác tiên quyến rũ chim cánh vỗ

Nhạc nước cuồng si bướm vẫy vùng.

                                  TRẦN ĐĂNG TÍNH

 

       THI PHÁP BÀI THƠ “THÁC NƯỚC”

 

       1/ - Căn cứ từ thứ 2 câu một (“nước”) là vần trắc, xác định bài thơ làm theo thể trắc Đường luật thất ngôn bát cú. Trên cơ sở quy định thể trắc Đường luật thất ngôn bát cú, thấy một số từ thất luật:

       - Câu 2 từ thứ 6 (“”) phải là vần bằng thì ở đây lại dùng vần trắc. Tương tự, câu 3 từ thứ 2 (“đá”) và từ thứ 4 (“”), câu 4 từ thứ 2 (“dòng”) và từ thứ 4 (“thướt”), câu 7 từ thứ 6 (“cánh”) là thất luật.

       Câu đầu, câu 5, câu 6 và câu kết đúng luật.

       Tóm lại, một số trong các vị trí từ 2, 4, 6 ở các cặp câu 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 thất niêm, chưa đạt yêu cầu kết dính, đồng vận.

Riêng cặp câu 1 - 8 đạt yêu cầu.

 

       2/ Nhịp điệu:

 

       Nhịp điệu 4/3 của bài thơ đọc lên xuôi tai, nhịp nhàng, có nhạc tính. Nhưng do toàn bài chỉ dùng một loại nhịp nên không tạo được nhịp sinh động, phong phú, không phát huy cao nhất sự thích thú khi đọc bài thơ thành lời.

 

       3/ Vần:

 

       Bài thơ 8 câu 5 vần. Vần chính là “ưng”. Ba vần cuối là “ung”. Xét riêng về nguyên âm tạo vần thì “ư” và “u” là lân vận. Vần cụ thể “ưng” và “ung” có thể coi là vần thông. Trường hợp này chấp nhận được, vì sự khác vần ở đây tạo ra sự phong phú âm vận, tránh được sự nhàm chán.

 

       4/ Âm điệu:

 

       Âm điệu bài thơ nhìn chung có nhạc tính. Nhưng riêng câu 5 (Dốc nước trút lòng rần rật đổ) không nên để ba từ đầu câu đều là vần trắc, khi đọc lên sẽ thành khổ độc (khó đọc), trúc trắc, mất âm điệu.

 

       5/ Đối:

 

       Các cặp câu 3 - 4 và 5 - 6 đạt được yêu cầu cơ bản về đối ý và thanh:

       Khe đá rậm rì >< Nước dòng lướt thướt

xanh rêu cỏ >< trắng bọt tung

       Dốc nước trút lòng >< Suối nghiêng mở dạ 

rần rật đổ >< phởn phơ rung

       Khi đọc các cặp đối ta cảm được trạng thái sảng khoái, phấn khởi, thích thú… Âm điệu, nhạc tính rõ rệt.

 

       6/ Ngôn ngữ:

 

       Ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại dễ hiểu. Có sử dụng từ láy (rần rật, phởn phơ…) tạo điểm nhấn gây được sự chú ý, tăng thích thú, cảm nhận, khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc.

 

       7/ Kết cấu, bố cục:

 

       Bố cục bài thơ theo mô hình luật Đường thi đã quy định: Đề, thực, luận, kết. Thiết nghĩ bạn đọc đã biết, không cần đi sâu phân tích.

       Tác giả mô tả cảnh đẹp hùng vĩ của thác, rừng, núi bằng cách tiếp cận từ xa đến gần, càng gần chi tiết càng cụ thể, rõ nét. Hai câu kết mượn hình ảnh ẩn dụ chim và bướm thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả một cách khéo léo, nhẹ nhàng, gợi cảm.

 

       8/ Cảm xúc và tâm thế:

 

       Bài thơ ghi lại cảm xúc của tác giả trước cảnh thiên nhiên đẹp của đất nước (tức cảnh sinh tình): Từ trong khe đá rậm rì rêu cỏ xanh hai mép, được che phủ bởi núi rừng trập trùng, dòng nước lướt thướt chảy ra từ độ cao nhất định tuôn thẳng xuống tự do tung bọt trắng rần rật ào ào… Bên dưới là suối sung sướng mở dạ đón nhận dòng nước từ thác đổ xuống nuôi dưỡng mình một cách thích thú, đam mê, thỏa mãn đến phởn phơ rung động. Âm thanh do sự giao thoa giao hợp giữa thác và suối tạo ra, làm nên bản nhạc tự nhiên hấp dẫn đến độ chim và bướm cũng bị quyến rũ mê hoặc (huống chi khách tham quan).

       Trong tâm thế chủ thể sáng tạo, tác giả mô tả cảnh đẹp thiên nhiên mà mình trực tiếp để chia sẻ cảm xúc với bạn đọc về cảm hứng xốn xang rung động đến độ thăng hoa…  Mô tả cảnh vật thiên nhiên bằng ngôn ngữ đời thường dễ hiểu có chọn lọc, gần với ngôn ngữ nghệ thuật, tác giả thể hiện rõ nét tình cảm tự hào, yêu thiết tha thiên nhiên đất nước của mình…

       Từ ngữ, ngữ cảnh trong bài làm cho bạn đọc liên tưởng tới phong cách thơ Hồ Xuân Hương, cảm được sự nhẹ nhàng, pha chút hài hước, thêm thích thú, vui vẻ...

 

       9/ Kết luận:

Luật thơ Đường được dân gian đúc kết từ hàng nghìn vạn bài thơ qua thời gian rất dài, đã đạt đến độ chặt chẽ, hoàn thiện. Bài thơ viết đúng luật chưa chắc đã hay, nhưng chắc chắn khi đọc lên sẽ có âm điệu nhạc tính bổng trầm nhẹ nhàng lưu loát. Song, cố bám chắc niêm luật nhiều khi lại gò bó, gượng ép, mất tính tự nhiên chân thực. Đôi khi, một vài sự biến thể phá cách nho nhỏ hợp lý lại đạt được sự tự nhiên, phóng khoáng, thể hiện tốt hơn sự thăng hoa cảm xúc của tác giả, đem lại cho người đọc khoái cảm thẩm mỹ cao hơn. Chỉ những tác giả nhuần nhuyễn luật thơ và có tài năng thực sự mới có thể thực hiện biến thể, phá cách có hiệu quả.

Ngoại trừ một vài từ thất luật nêu ở phần trên, bài thơ “Thác nước” khá hay. Có thể coi những điểm thất luật ấy là sự phá cách, biến thể, có chủ đích của tác giả, để bài thơ gần gũi với thơ tự do hiện đại. Tác giả có bố cục thanh trong câu nên dù thất luật đọc lên vẫn cảm nhận có sự cân bằng thanh. Từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, gợi cảm, nghệ thuật dùng từ láy, điệp từ khá đắc dụng, nghệ thuật nhân cách hóa, thể hiện được sự cao hứng thăng hoa, cảm xúc chân thật như một dòng chảy liền mạch từ câu đầu đến cuối bài thơ.

Chúc mừng tác giả Trần Đăng Tính.

 

10/ Phụ:


       - Tôi liều thử làm một biên tập viên thay đổi một vài từ nhằm minh họa cho luật thơ mà tôi nêu trên, chứ tuyệt nhiên không dám chữa thơ làm thay đổi mạch cảm xúc và thông điệp bài thơ của tác giả.

                     THÁC NƯỚC

Thác nước tinh khôi chảy giữa rừng

Núi non trùng điệp ấp che bưng

Khe sâu rậm rịt xanh rêu cỏ

Dòng mát chan hòa trắng bọt tung

Dốc đứng chao lòng rần rật đổ

Suối nghiêng mở dạ phởn phơ rung

Cảnh tiên quyến rũ chim dang cánh

Nhạc thủy cuồng si bướm vẫy vùng.

       - Tôi đã tuyên bố treo bút nghiên cứu phê bình từ bảy năm trước vì nhiều lý do, trong đó có lý do tôi đã già cảm xúc trơ lỳ, não hóa, hay quên, không còn minh mẫn. Song do tình bạn với nhà thơ Trần Đăng Tính mà tôi liều viết đôi dòng về thi pháp bài thơ “Thác nước” của ông. Nghĩ nhà thơ Trần Đăng Tính là bạn tri kỷ nên tôi có thể nói thật cảm nhận của mình về cái được và chưa được của bài thơ mà không sợ ông giận. Tuy vậy, tôi vẫn muốn nói câu “nếu có gì không đúng”, mong các bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo.

 

       Tệ xá bắc Thành Nam, 17-6-2022

              TRẦN MỸ GIỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét