Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

THI PHÁP BÀI THƠ “ĐÊM YÊN DŨNG” CỦA TRẦN MỸ GIỐNG / Phạm Đức Nhì

 


Nhà nghiên cứu Phạm Đức Nhì và Trần Mỹ Giống


 

ĐÊM YÊN DŨNG

 

Trên trời cao

một ngôi sao nhấp nháy

như ánh mắt người yêu ta thuở ấy

hẹn chờ nhau

xao xuyến buổi ban đầu.

 

Đồi bạch đàn

gió lao xao trong lá

ái ân niềm tâm sự

ngàn xưa.

đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

 

Gió tạm biệt đồi cây

lá theo ngừng tâm sự.

đất say nồng giấc ngủ từ lâu

Trên trời cao

giọt sao còn thức

vẫn nhấp nháy nhìn

vẫn đợi chờ

chung thủy đến ngàn sau

 

             Trần Mỹ Giống

 

       HAI CÁCH LÀM THƠ VÀ HAI HƯỚNG ĐI CỬA THƠ

       1/ Phe Kiếm Tông: Chú trọng “chiêu thức”.

       Thi sĩ thường làm thơ ngắn (4 câu), thơ đường luật hoặc chọn thể thơ Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu – (Thơ Haiku cũng thuộc loại này).

       Vì không có dòng chảy, cảm xúc hố nào nằm im ở hố đó không lưu chuyển nên không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.

       Để chinh phục độc giả thi sĩ chỉ trông nhờ vào ý tứ, câu chữ, ngôn ngữ hình tượng, các thủ pháp kỹ thuật, các biện pháp tu từ, nói chung là cái đẹp văn chương.

       2/ Phe Khí Tông: Chú trọng nội công, cảm xúc.

       Thi sĩ cũng sử dụng chiêu thức nhưng chú trọng nội công.

       Nói theo ngôn ngữ văn chương thì đây là loại thơ chú trọng Cảm Xúc – chinh phục độc giả không phải bằng thứ cảm xúc bình thường nằm trong ý nghĩa của câu chữ, thế trận của bài tthơ mà là “luồng hơi nóng nằm giữa hai hàng kẻ” – nghĩa là nằm ngoài câu chữ.

       Đó là thứ cảm xúc cao cấp, cho độc giả cái cảm giác đã nhất, sướng nhất - người ta gọi là hồn thơ. Hồn thơ chỉ có thể xuất hiện khi lý trí vắng mặt, chữ Xạo trong lời thơ, ý thơ trốn mất. Thi sĩ và độc giả - qua bài thơ – trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

Như vậy, nếu có tầm nhìn xa hơn, thi sĩ sẽ chọn hướng đi của phe Khí Tông. Nếu thi pháp thích hợp, tâm thế lại đang trong cơn cao hứng đến mức nổi điên, ngài sẽ có cơ hội cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca.

       Mà dù chưa thể đến đích, bài thơ viết theo hướng này rất dễ tạo được cảm xúc tầng 3, được đánh giá cao hơn những bài thơ làng nhàng của phe Kiếm Tông.

 

       THI PHÁP LÀ GÌ?

       Đọc thơ, thưởng thức thơ, bình thơ là tự mình tìm tòi và khám phá phần trả lời của hai câu hỏi:

       1/ What?

       Bài thơ viết về cái gì? Ngôn ngữ văn chương gọi là Tứ Thơ; nếu có ẩn dụ toàn bài thì người đọc, người bình phải từ Tứ suy ra Ý.

       2/ How?

       Viết thế nào? Đó chính là Phương Cách thi sĩ diễn đạt, chuyển tải Tứ Thơ đến người đọc.

Ngôn ngữ văn chương gọi là Kỹ Thuật Thơ; nếu dùng ngôn ngữ chuyên môn hơn một tý thì gọi là Thi Pháp, còn ngôn ngữ đời thường thì có thể gọi là Tài Thơ của thi sĩ.

       Trong bài viết ngắn này tôi không bình thơ mà chỉ trả lời câu hỏi 2 – nghĩa là bàn về thi pháp của bài thơ.

 

       THI PHÁP CỦA BÀI THƠ “ĐÊM YÊN DŨNG”

 

1/ Kiếm Tông hay Khí Tông?

       Đây là bài thơ viết theo lối Khí Tông, nhất khí liền mạch - tứ thơ chảy liên tục từ câu đầu đến câu cuối. Chỗ ngừng nghỉ không phải do luật tắc bó buộc của thể thơ mà là chỗ thi sĩ lấy hơi đi tiếp.

       2/ Thể thơ: Thơ Mới biến thể  

       3/ Vần: Xuất hiện tự nhiên không gò bó vừa đủ ngọt (không có hội chứng nhàm chán vần) tạo thành dòng âm điệu khá du dương.

       4/ Nhịp điệu: Lúc khoan, lúc nhặt, sống động chứ không đều đều, tẻ nhạt, buồn chán. Lý do: Số chữ trong câu thay đổi thoải mái.

       5/ Ngôn ngữ hình tượng: Ngôn ngữ đời thường, hình tượng đơn giản, dễ hiểu, dễ “bắt”.

       6/ Cái tựa “Đêm Yên Dũng” hơi dở - không nêu được cái “cốt tủy” của bài thơ.

       7/ Đoạn kết xuất sắc.

       8/ Tâm thế của thi sĩ: Viết để chia sẻ tâm tình với độc giả (Share feelings with them); có hứng, có xốn xang rung động nhưng không mạnh.

       9/ Dòng cảm xúc: Dòng chảy của tứ thơ hòa vào dòng âm điệu kéo theo  dòng cảm xúc. Ba dòng nhập một thông thoáng nhưng không mạnh.

       10/ Độ dài của bài thơ: Đã có chút ít cảm xúc tầng 3 nhưng chưa đủ dài để tận dụng được sức mạnh của “sóng sau dồn sóng trước”

       11/ Cảm xúc:

     a/ Tầng 1 từ câu chữ: Khá mạnh.

     b/ Tầng 2 từ bố cục, thế trận của bài thơ: Mạnh

       3/ Tầng 3 từ tâm thế của thi sĩ và dòng cảm xúc: Có chút ít, không đáng kể,

 

       Tóm lại, bài thơ thành công về mặt thi pháp nhưng a/ Cơn hứng của tác giả chưa “cao”. b/ Bài thơ chưa đủ dài nên tuy “ba dòng nhập một” vẫn chưa đủ mạnh, chưa tạo được cao trào.

 

       PHẠM ĐỨC NHÌ

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét