Cả thôn dạo này xôn xao về tin: Có một Việt kiều bên Mỹ sẽ đem một số tiền về cho thôn; tu sửa ngôi chùa đã xuống cấp muốn sập mấy năm nay. Nghe nói đâu số tiền cả mấy chục ngàn Đô La, đổi ra tiền Việt cũng ngót nghét mấy trăm triệu chứ ít gì đâu. Theo lời các cụ bô lão trong làng kể lại: Người xin đem tiền về tài trợ cho thôn, là con của một ông lão ngày xưa sinh ra ở trong thôn, có tên là đội Hinh. Khi Pháp tái chiếm lại Việt Nam, ông đã bị bắt đi lính. Chả biết tham gia đánh nhau bao nhiêu năm; mà đến khi hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết, ông cũng đã lên tới chức đội. Nhắm không thể sống sót nếu ở lại sẽ bị Việt Minh đấu tố, nên cả gia đình ông đã cuốn gói xuống tàu Pháp ở Hải Phòng chạy vào miền Nam. Sau giải phóng miền Nam cả gia đình đã bỏ chạy qua bên nước Mỹ. Vì tuổi cao sức yếu, ông đội Hinh cũng ra đi mấy năm nay. Thể theo ước nguyện trăn trối của ông; các con đã cùng nhau gom góp một số tiền, cho người con trai cả mang về quê hương. Gọi là chút lòng thành công đức của kẻ mấy chục năm phải ly hương.
Lão
trưởng thôn là một cựu binh thời chống Mỹ, tuổi đời cũng trên năm mươi. Nghe
nói đâu được kết nạp vào đảng từ hồi còn ở trong quân đội. Chân tay lành lặn
như thế chả hiểu bằng cách nào; mà lão cũng có cả thẻ thương binh hạng chót, rồi
chất độc màu da cam. Lương thương binh cộng phụ cấp chất độc da cam, cùng chức
trưởng thôn; tính ra một tháng lão cũng được ngót nghét năm triệu bạc. Ở cái
vùng thuần nông này, mỗi người chỉ có hơn sào ruộng. Thu nhập như lão phải nói
rằng thuộc hàng trung lưu. Ngồi đâu hoặc trong các cuộc họp; luôn luôn lão tỏ
ra ta là cán bộ chín chắn, am hiểu và năng động trong mọi vấn đề. Từ một gia
đình gốc gác thành phần ông bà là cố nông; vậy mà mấy năm trong nền kinh tế thị
trường mở cửa và từ ngày lão lên làm trưởng thôn. Cái căn nhà lợp lá mía xập xệ
bao năm nay, đã được thay bằng căn nhà lầu cao nhất nhì trong thôn. Ai bàn tán
xầm xì thì lão chặc lưỡi bảo: “ Đời hơn nhau là ở cái đầu”. Nghe tin con ông đội
Hinh đem tiền về làm công đức. Lão trề môi dè bỉu: “ Mấy đồng tiền bẩn thỉu của
những kẻ phản động vong quốc; nhận làm chi cho ô uế...”. Nhiều khi nghe lão
nói, cũng đã có người lớn tuổi hơn đi bộ đội trước và thâm niên đảng nhiều hơn
lão; không nhịn được liền bốp chát lại:
- Thế
nào là tiển bẩn thỉu, những đồng lương và phụ cấp rồi tiền xây nhà cửa của ông;
chắc chắn bằng đồng tiền sạch không? Người ta có lòng ủng hộ còn bày đặt...ông
nhân danh gì mà dám nói người ta như vậy?
Đụng
phải mấy tay này, lão đành im miệng như hến; chẳng dám ho he. Mọi người dân trong
làng bao năm nay đã nhìn thấu ruột gan bản chất của lão; chẳng hiểu do phe cánh
thế nào mà lão cứ chễm chệ nắm chức trưởng thôn cả chục năm nay.
Mọi
việc diễn ra đúng như dự định. Người con trai của ông đội Hinh đã bay từ bên Mỹ
về thôn. Trước là thăm quê hương họ hàng thân tộc, sau là đem số tiền về giao
cho thôn để sửa chữa chùa. Gần sáu mươi tuổi mới có dịp trở về quê cha đất tổ.
Thôi thì họ hàng thân tộc nhận nhau trong mừng mừng tủi tủi. Đi tới đâu người
ta cũng bàn chuyện con ông đội Hinh, đem tiền về quê làm công đức sửa
chùa.
Sau
khi con đội Hinh về quê hương được vài ngày. Thể theo yêu cầu của mọi người,
trong thôn có cuộc họp. Đại diện gồm mấy cụ cao niên bên hội các cụ, phụ nữ...đại
diện cho chính quyền là lão trưởng thôn.Trước mặt mọi người, con ông đội Hinh
đã giao đúng số tiền hai mươi ngàn Đô La, như đã hứa trước khi về quê hương.
Sau khi đã nhận đủ số tiền; cuộc họp xoay quanh bàn về cách sửa chữa chùa. Sau
đó cũng đã nhất chí bầu ra ban điều hành. Trưởng ban là lão trưởng thôn, thư ký
kiêm thủ quỹ là bà chi hội trưởng phụ nữ, cũng là đảng viên. Ban giám sát gồm mấy
ông đều là cựu binh có uy tín trong thôn.
Với
số tiền trên bốn trăm triệu, theo ước tính sẽ thay toàn bộ những cột kèo, rui
mè bị hư hỏng. Phần vật tư là do lão trưởng thôn, và bà trưởng ban phụ nữ thôn,
liên hệ mua chở về chùa. Mỗi khi hàng về các ông trong ban giám sát thôn đều có
mặt kiểm hàng cùng so sánh hóa đơn. Cứ cuối tuần là lão trưởng thôn lại bày ra
tiệc nhậu vào cuối giờ chiều thứ bảy; đều có mời các ông đại diện trong thôn tới
dự. Có ông xót của đã nói thẳng:
- Tiền
công đức này là để sửa chữa chùa chứ đâu có thể ăn nhậu được.
Lão trưởng thôn mặt đỏ gay vì rượu, xoa xoa
hai tay:
- Các
bác thông cảm, đây là tục lệ rồi; có vui vẻ thế này các bác thợ đây mới nhiệt
tình chứ ạ.
Cả
bàn nhậu cười òa lên, có vẻ đắc ý về câu nói của lão.
Từ
đó mấy ông trong ban giám sát, không ai tới dự buổi liên hoan mỗi cuối tuần.
Duy có lão trưởng thôn, lý do đại diện cho dân trong thôn chẳng thiếu buổi ăn
nhậu nào.
Có
một buổi tối lão từ cuộc nhậu cuối tuần với các tay thợ, vừa khật khưởng bước
ra. Mấy tay cùng trang lứa với lão đứng đợi ở ngoài đường; có tay hất hàm hỏi
thẳng vào mặt lão:
- Chúng
tao còn nhớ, khi nghe tin người bên Mỹ đem tiền về; mày bảo rằng đồng tiền bẩn
thỉu không thèm nhận. Vậy bây giờ mày ăn nhậu bằng đồng tiền đó mày không thấy
thối tha à?
Lão
làm bộ say, ngước cặp mắt lừ đừ lên nhìn:
-
Các bác thông cảm, em nhậu nhẹt đây là vì thôn xóm vì nhân dân cả đấy chứ!
Đám
người đứng trợn mắt nhìn, có người nhổ nước bọt trước mặt lão cười khinh bỉ:
- Đúng là đồ...!
Trong
vài tháng, ngôi chùa tu sửa còn đang thi công dở dang; thì lão trưởng thôn và
bà thư ký báo cáo số tiền đã hết. Nếu không huy động thêm tiền trong dân, công
việc tu sửa chùa phải bỏ dở dang.
Cuộc
họp đã mời đông đủ các nhà trong thôn. Sau khi nghe báo cáo quyết toán, và dự
trù số tiền còn thiếu. Chia đều cho số dân hiện có trong thôn; từ già trẻ, lớn
bé phải đóng góp một trăm ngàn đồng một đầu người. Sau những cuộc tranh luận
cãi vã. Mọi người đều nhất trí đóng góp theo số nhân khẩu trong gia đình.
Các
ông trong ban giám sát việc xây chùa, không thể tin tưởng lão trưởng thôn và bà
trưởng ban phụ nữ này nữa. Dò hỏi mãi rốt cuộc cũng lần ra, ông chủ cửa hàng vật
tư bức xúc về kiểu ăn bẩn thỉu của hai người này; nên đã khai ra thủ đoạn ăn bớt
số tiền. Ông ta chậm rãi kể:
- Cách
nay mấy tháng, lão trưởng thôn có tới đặt vấn đề mua vật tư; để sửa chữa chùa
trong thôn. Lão ra điều kiện với tôi: Nếu là gạch thì tính theo viên, cứ mỗi
viên tôi bán ra mười đồng thì ghi trong hóa đơn là mười hai, còn xi măng và sắt
thép thì kê tăng giá lên mười phần trăm. Có những loại lão ta còn đề nghị ghi
khống tăng số lượng lên nữa.
Nghe
tới đây mấy ông trong ban giám sát đều lắc đầu:
-
Tụi này mất hết nhân tính rồi! Đến tiền sửa chữa chùa mà nó còn bớt xén, thử hỏi
nó còn từ cái gì mà không ăn?
Sự
việc đã như vậy, mấy ông đành phải cử người, tìm ra sự gian dối chênh lệch
trong hóa đơn của cửa hàng; và hóa đơn lão trưởng thôn đã nộp quyết toán với
ban giám sát. Sau khi đã so sánh tìm đủ chứng cớ, yêu cầu người chủ cửa hàng ký
tên xác nhận.
Cuộc
họp của tổ điều hành sửa chữa chùa và ban giám sát diễn ra trong bầu không khí
căng thẳng nóng hừng hực. Một số dân làng nghe tin hiếu kỳ cũng đã vây quanh
nhà văn hóa thôn, nơi diễn ra cuộc họp. Lúc đầu lão trưởng thôn và bà chi hội
trưởng phụ nữ còn chối bai bải. Sau khi các ông trong ban giám sát đưa ra chứng
từ về sự chênh lệch giá cả, và kê khống số lượng vật tư. Lão trưởng thôn và bà
hội trưởng phụ nữ lúc đó mới im lặng cúi gầm mặt xuống, trong tiếng la ó và tiếng
chửi đổng của dân làng.
Sau
khi quyết toán công khai số tiền bị ăn chặn. Một ông trong ban giám sát đứng dậy
phát biểu:
- Thưa
toàn thể các cụ, các bác và bà con có mặt hôm nay. Vì lòng tin vào đức Phật từ
bi cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Ông đội Hinh cùng các con đã gom góp tiền gửi
về thôn cho chúng ta sửa chữa lại chùa; để có nơi cho mọi người tu niệm. Ông
trưởng thôn đây đã bao năm làm trưởng thôn, lại là một đảng viên kỳ cựu, cấu kết
với bà chi hội trưởng phụ nữ. Từ bấy lâu nay chúng ta tin tưởng, giao cho công
việc coi sóc sửa chữa chùa; mà lại bày mưu gian dối với nhau tìm đủ mọi cách bớt
xén tiền công đức. Chúng tôi trong ban giám sát quyết định: Tất cả số tiền kê
khống vật tư và chênh lệch giá cả; hai người đã ăn bớt phải trả lại cho thôn để
sửa chữa chùa.
Ông
trưởng ban giám sát vừa dứt lời. Tiếng hô đồng thanh từ trong nhà đến ngoài nhà
vang lên:
- Phải
trả, phải trả...đồ ăn bẩn!
Lão
trưởng thôn và bà chi hội trưởng cắm mặt xuống chẳng dám nói lời nào. Chỉ biết
hứa ngay ngày mai sẽ phải trả số tiền đã gian lận. Mọi người nhất trí không cho
hai người làm trong ban điều hành sửa chữa chùa nữa. Thay thế là ban giám sát sẽ
đứng lên điều hành tiếp những công việc còn lại.
Công
việc tu sửa chùa cũng hoàn tất sau mấy tháng trời. Số tiền dân đóng góp còn dư,
đã xây một ngôi nhà thủy tạ nổi ở giữa ao chùa. Cùng chiếc cầu uốn cong cong có
lan can hai bên từ bờ ra nhà thủy tạ. Dưới ao là những hoa sen đang mùa rộ hoa
đỏ thắm, vươn lên cao khỏi những lá sen xanh thẩm phủ kín mặt nước.
Ngày
khánh thành việc tu sửa chùa; rền vang tiếng chuông và tiếng mõ, tiếng tụng
kinh. Dòng người trong thôn và cả những bà con ở các thôn khác cũng tới dự. Những
nét mặt tươi cười rạng rỡ, chật cứng từ trong chùa đến ngoài sân. Đêm đến còn
có cả đội ca nhạc của thôn góp vui. Thôi thì đã bao năm nay, chùa chiền xuống cấp
dân thì nghèo; cũng nhờ có tiền công đức của Việt kiều, cùng sự đóng góp của
dân chúng trong thôn. Ngôi chùa mới sáng sủa và đẹp đẽ như ngày hôm nay. Hỏi
làm sao mà dân trong thôn không vui mừng. Duy chỉ vắng mặt lão trưởng thôn, và
bà chi hội trưởng phụ nữ; vì xấu hổ với dân làng mà không dám ló mặt ra.
Vũ
Việt Thắng
* Nguồn: Thắng hương khói /
Việt Thắng. – H.: Hội nhà Văn, 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét