Biết nhà văn Lê Mai qua
nhà thơ Nguyễn Khôi và blog Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã giới thiệu một số bài
thơ và 7 truyện ngắn của ông nên khi nhà thơ Nguyễn Khôi có nhã ý muốn trang
nhà đăng lại bài Nguyễn Khôi cảm nhận về thơ Lê Mai - người bạn, người em tri
kỷ của ông - tôi đã đắn đo khá nhiều, bởi blog Trang Đặng Xuân Xuyến không đăng
lại những bài đã đưa lên trang nhà, đang hiện diện trên trang nhà nhưng trước
tấm chân tình dành cho người bạn, người em của nhà thơ lão niên làm tôi cảm
động. Dù lưng rất đau, tôi cũng cố ngồi đọc để viết đôi lời giới thiệu về một
số truyện ngắn của nhà văn Lê Mai đã đăng trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến.
*
Quyền Được Rên là một truyện ngắn hay,
tạo được nhiều chú ý trong dư luận. Lúc sinh thời, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc
Kiên đã không tiếc lời ca ngợi: - “Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng
“Quyền được rên” của nhà văn Lê Mai có thể xếp trên “Sống mòn” của Nam Cao; vì
“Sống mòn” viết về cuộc đời của ông giáo Thứ rất khổ cực trước cách mạng tháng
Tám. Ở đây nhân vật chính là Hoàng không những vô cùng cực khổ mà còn phải chịu
trăm đắng ngàn cay! “Quyền được rên” còn xếp trên “Chuyện kể năm 2000” của Bùi
Ngọc Tấn, có dung lượng mấy trăm trang, cuối cùng chỉ đi tìm câu trả lời vì sao
mình bị tù. “Quyền được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang,
nhưng nó có tầm tư tưởng rất lớn của một tiểu thuyết. Nó được viết ra không
phải để gây thù chuốc oán hoặc khắc sâu thêm mối hận thù. Mà nó rất bao dung để
nhớ lại một thời ấu trĩ!” (Quyền Được Rên - Một Kiệt tác của nhà văn Lê Mai
; Nguyễn Ngọc Kiên). Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là trong
trường hợp đem so sánh Quyền Được Rên với Sống Mòn của
Nam Cao, Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn thì thật khiên
cưỡng. Tôi nghĩ, vì yêu Lê Mai quá mà Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên đã “xếp”
Quyền Được Rên “có thể” trên Sống Mòn nhưng anh “còn xếp trên “Chuyện
Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn” thì thật khó hiểu. Anh lý giải: “Quyền
được rên” là truyện ngắn nén rất chặt trong mấy chục trang, nhưng nó có tầm tư
tưởng rất lớn của một tiểu thuyết.”, theo tôi là không thuyết phục vì
truyện ngắn là truyện ngắn, tiểu thuyết là tiểu thuyết, không nên vì quý mến
nhau mà ưu ái khen như thế, hơn nữa, “Chuyện Kể Năm 2000” thực ra là hồi ký của
Bùi Ngọc Tấn được viết dưới dạng tiểu thuyết nên các yếu tố văn chương như: thủ
pháp, cốt truyện... không được tác giả chú trọng như các yếu tố: tư liệu, giãi
bày..., đem 2 thể loại văn học này đặt cạnh nhau để so sánh về giá trị văn
chương hay về chủ đích sáng tác... đều không thỏa đáng. Nhưng công bằng nhận
xét thì Quyền Được Rên là một truyện ngắn viết bạo tay và hay, có
sức khái quát sâu và rộng về QUYỀN CON NGƯỜI bị xúc phạm trắng trợn ở cái chế
độ luôn ra rả đề cao QUYỀN CON NGƯỜI, làm lu mờ nhiều truyện ngắn được Hội Nhà
văn Việt Nam trao giải.
Mặt Trời Xanh là câu chuyện của tình
người còn sót lại, lắng lại ở một ông quan to lúc cuối đời muốn chuộc lại những
lỗi lầm của kiếp làm quan bằng vài việc rất đời, rất người. Cốt truyện chỉ đơn
giản là vậy, không đao to búa lớn, không lên gân triết lý về nhân sinh quan ở
đời. Và người kể chuyện, cũng không cố dụng công sắp xếp những tình tiết của
câu chuyện, không chú trọng tô vẽ diễn biến tâm trạng của nhân vật, cứ chậm rãi
dẫn bạn đọc vào truyện bằng lối kể chuyện thủng thẳng, chân chất để tái hiện
câu chuyện một cách tự nhiên, chân thực. Vì thế, người đọc thấy thương và tiếc
cho “cậu học trò” đã ngộ được đạo làm người nhưng lại chậm và “sai thời điểm”,
thấy tin và trân quý những lời bộc bạch thật tận đáy lòng của vị “khách quan” “người
gày gày, da mai mái nhưng thần thái vẫn rực lên những nét quyền uy, lịch lãm”
với thầy giáo cũ.
Nhập truyện tự nhiên, diễn biến truyện cũng tự nhiên, hợp lý. Chủ đích của
nhà văn Lê Mai qua Mặt Trời Xanh đã thành công: TÌNH NGƯỜI LÀ VĨNH
CỬU. Chỉ tiếc, ở đoạn kết truyện: “Đặt lá thư xuống bàn ông Nhân thờ thẫn
ngứơc cặp mắt hoen rỉ nhìn vào khoảng không mờ ẩm trước mặt. Không gian bổng
chuyển màu ngọc bích xanh suốt mang mang... và phía xa, xa thẳm của không gian
ngọc bích một đốm sáng nhập nhoà nhấp nháy như vẩy như gọi ông... mông lung, mờ
ảo. Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi
thở của rừng già heo hút.”, nhất là ở những dòng cuối cùng để khép lại
truyện, khi nhà văn đặc tả hình ảnh thầy giáo Nhân: “Ông vật người ra nghế
cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.”
đã hướng câu chuyện chuyển mạch, đẩy truyện sâu vào BI, khiến niềm tin vào TÌNH
NGƯỜI tưởng vẫn còn sức sống âm ỉ trong đời sống xã hội thông qua sự thức ngộ của
“cậu học trò làm quan” lúc cuối đời sẽ lan tỏa bỗng thành mong manh. Truyện kết
thúc với gam màu tối, u ám. Vô tình, dù không có chủ ý nhưng hình ảnh thầy giáo
Nhân ở kết truyện như thế đã ít nhiều giảm chủ đích tích cực của nhà văn.
Tìm Cha Trong Gương là truyện ngắn đề cập
đến những di chứng sau cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam - Bắc. Đây là mảng đề
tài những nhà văn cùng thế hệ với Lê Mai hay khai thác vì có nhiều “mảng miếng”
để các nhà văn thi thố “dụng võ”. Viết về đề tài này, Lê Mai lên án chiến tranh
ở góc nhìn khác với số đông, được phản ánh qua câu chuyện về những thân phận
(ruột thịt) bị ly tán bởi hệ lụy của chiến tranh và sự ươn hèn, tệ bạc của thói
đời, lòng người. Truyện phát triển bằng cách sắp xếp những cuộc đối thoại giữa
các nhân vật trong hành trình tìm lại người thân, và trong hành trình đó, nhà
văn chỉ “khách quan” gạch đầu dòng thật trung thực những cuộc đối thoại, rồi
thi thoảng “chêm” vào đôi ba lời dẫn chuyện. Thật tiếc là tôi chưa được đọc 3
tiểu thuyết: Tẩu Hỏa Nhập Ma, Bạn Cùng Lớp và Thời
Gian Xuẩn Ngốc của Lê Mai nên khi đọc truyện ngắn này đã có những băn
khoăn không biết có phải đấy là chủ ý của nhà văn không chú trọng vào miêu tả
diễn biến tâm trạng của nhân vật? hay miêu tả nội tâm nhân vật không phải là
điểm mạnh của nhà văn Lê Mai nên diễn biến Tìm Cha Trong Gương được
nhà văn sắp xếp là những cuộc đối thoại giữa các nhân vật bằng những gạch đầu dòng
liên tiếp?! Nhưng với bố cục truyện chặt chẽ, tiết tấu truyện nhanh và mạch lạc
như thế, khiến truyện ngắn Tìm Cha Trong Gương cuốn hút được người
đọc thì tôi nghĩ đấy có thể là chủ ý của nhà văn Lê Mai chứ không phải do sự
vụng về của tác giả.
Hoa Trạng Nguyên là truyện ngắn được viết
theo thủ pháp phúng dụ, mượn chuyện bà Lan Phương thủ thỉ trước 2 ngôi mộ: với
Thiện, là bạn, cũng là người bà yêu nhưng dứt khoát không chọn làm chồng; với
Thiên, là bạn, cũng là chồng, tuy không yêu nhưng bà nhất tâm chọn làm chồng,
về những chuyện bà đã cùng họ (Thiên và Thiện) trải qua, khi tuổi đã xế chiều,
lúc lắng lòng đã buông bỏ tất cả những ham hố sân si mới tĩnh tâm ngộ ra được,
để ám chỉ cái bản ngã của con người thật mong manh trước những cám dỗ của vật
chất, trước những toan tính ma mãnh mà khốc liệt đến trần trụi của kiếp người.
Lê Mai đã thành công với truyện ngắn Hoa Trạng Nguyên khi phản
ánh cuộc đấu tranh giữa lý trí và dục vọng, giữa tốt với xấu, giữa cao cả với
thấp hèn....
Những hình ảnh ở đoạn kết
truyện được nhà văn khắc họa thật đẹp, giàu tính nhân văn, đượm triết thuyết
của đạo làm người trong cõi vi vô: Con người ta tất thảy đều sẽ trở về với cát
bụi. Mọi tranh quyền đoạt lợi dù có được thì rồi cũng thành hư vô. Chỉ có sự vô
tư, trong sáng của đạo làm người mới trường tồn, bất biến trước mọi thử thách
khắc nghiệt của thời gian, không gian:
“Bà Lan Phương từ từ
đứng dậy, bẻ một nhành cây trạng nguyên bên mộ chồng cắm sang mộ bạn. Rồi cắm
trước mộ bạn một tấm bia nền đen trên khắc hai câu thơ không đầu, không cưối,
không tác giả lấp lánh ánh vàng:
...Vi anh khát một bát
nước trong
Nên phải uống cạn dòng
sông đục...
Xong xuôi bà Lan Phương
lững thững ra về. Hình như lòng bà thanh thản hơn và thiên nhiên làng quê hình
như cũng thế.”.
Cún Khóc, là truyện ngắn hài
hước, ngộ nghĩnh về chuyện “có một nhà nọ” nuôi mèo để bắt chuột nhưng mèo lại
ma mãnh thông đồng với lũ chuột đã thành tinh để lòe chủ nhà, bỡn cợt chủ nhà
khiến chủ nhà phải nuôi chó thay mèo bắt chuột. Và rồi, chó trung thành là thế,
mẫn cán là thế cũng bị lũ chuột đã thành tinh qua mặt, diễu cợt, chấp nhận bất
lực mà gầm gừ “đau đớn” ngước nhìn “trên xà nhà, nóc nhà có tới bốn năm con chuột
đang khả ố trêu ngươi”. Chuyện hài nhưng hay mà đau ở chỗ: Mèo được tạo hóa
ban cho đầy đủ sức mạnh của thiên chức dùng để bắt chuột, diệt chuột thì lại
quay sang “bắt tay” “câu kết” với lũ chuột đã thành tinh cùng diễn trò, bỡn cợt
chủ nhà. Chó trung thành, mẫn cán, căm ghét lũ chuột, quyết tiêu diệt lũ chuột
tới cùng nhưng vì sức mạnh của thiên chức bắt chuột, diệt chuột không có nên
đành nhìn lũ chuột ngang ngược hoành hành mà ngậm ngùi nằm “khóc” vì bất lực.
Đọc Cún Khóc khiến người ta liên tưởng tới vấn nạn tham nhũng
và thực trạng diệt trừ tham nhũng đang diễn ra trong xã hội Việt Nam nó hài
hước mà xót xa, đau đớn làm sao. Ở truyện ngắn này, với lối viết nhẹ nhàng, hài
hước, nhiều ẩn dụ... nhà văn Lê Mai đã mang đến cho bạn đọc nụ cười chua chát
đi cùng những giọt nước mắt xót xa về chuyện của đời nhưng không phải là chuyện
chỉ của riêng nhà “người ta”.
*
Nhìn chung, 7 truyện ngắn
của Lê Mai trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến đều được viết với văn phong giản dị,
câu chữ trong sáng. Tình tiết của truyện được sắp xếp nhẹ nhàng, hợp lý, các
xung đột cũng rất ít khi được đẩy đến gay gắt, một mất một còn để truyện có
điểm bùng nổ như Quyền Được Rên. Tuy vậy, 7 truyện ngắn của nhà văn Lê Mai đều
rất đáng để bạn đọc bỏ công sức tìm kiếm.
Định cố viết giới thiệu đủ 7 truyện ngắn của Lê Mai đã đưa lên blog Trang
Đặng Xuân Xuyến nhưng vì lưng tôi đau quá, cũng không thể để bài viết này dở
dang lâu thêm nên 2 truyện ngắn: Hình Như Trong Sữa Có Máu và Cho
Nó Có Đạo Đức xin được giới thiệu với Quý bạn đọc vào dịp khác.
*.
Hà Nội, ngày 06 tháng 06.2019
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét