(Đọc Hạc Hồng – tiểu thuyết của Lê Hoài Nam. NXB Hội
Nhà văn tháng 1/2019)
Tiểu thuyết Hạc Hồng
mang nhiều màu sắc, nhiều chiều ý nghĩa, nhưng chủ đề lớn bao trùm, xuyên suốt
tác phẩm ấy là vấn đề chấn hưng đạo đức, mà thông qua câu chuyện giữa Đạo và Đời,
vốn là hai lĩnh vực rất khác nhau ở xứ xở của chúng ta: Đạo theo chủ nghĩa hữu
thần, Đời theo chủ nghĩa vô thần với hai hệ tư tưởng khác nhau
như Nước với Lửa này có thể dung hòa, đi
cùng đường với nhau hay triệt tiêu nhau? Tuy không phải người theo đạo Thiên
Chúa nhưng nhà văn Lê Hoài Nam cung cấp cho chúng ta những vấn đề cốt lõi của đạo
Thiên Chúa mà chủ yếu tập trung vào hai cuốn kinh căn bản Cựu Ước và Tân Ước.
Ông lại rất am hiểu về cuộc sống của những người theo đạo Thiên Chúa trong thời
hiện đại ở vùng quê Nghĩa Hưng – Nam Định của ông nên những gì ông đưa vào tác
phẩm rất chân thật, sống động. Trong tiểu thuyết, người đại diện tiêu biểu cho
phái hữu thần là linh mục Dương Khắc Thiệu. Vị linh mục này đang độ tuổi tráng
niên, có phông văn hóa khá cao, nhất là lĩnh vực khoa học xã hội & nhân
văn, có tầm hiểu biết khá sâu rộng về xã hội, phong cách sống hiện đại, tươi mới.
Ông kính Chúa, đương nhiên, và ông cũng rất yêu nước, yêu con người. Thời trẻ,
ông từng xung phong nhập ngũ cầm súng ra trận, chứng kiến những chết chóc đau
thương nên khi trở về cuộc sống thời bình ông biết nâng niu, trân quý từng phút
từng giây của cuộc sống. Ông muốn làm những việc thật hữu ích cho cuộc sống cộng
đồng. Ông yêu văn học, dầy công nghiên cứu văn học, tìm thấy ở văn học những
giá trị đích thực, mang tầm nhân loại, do đó ông nhìn cuộc đời khá cởi mở và
minh triết. Trong ngôi đền thánh Hải Hà, nơi ông cai quản, mỗi khi bước lên bục
giảng Kinh Thánh, ông thường lấy những dẫn chứng rất sinh động từ cuộc sống khi
Kinh Thánh soi chiếu, rút ra những bài học rất được bầy chiên ngưỡng mộ. Ra khỏi
nhà thờ, ông tham gia vào nhiều công việc của cộng đồng. Dường như cứ khi nào
cuộc sống cộng đồng trở nên trì độn, khó khăn, bế tắc thì ông lại xuất hiện
đúng lúc, góp phần khai thông bế tắc. Chẳng hạn, khi người dân phát hiện hàng
ngày có những thai nhi gói trong những chiếc túi nhựa thả trôi ra cửa sông, ông
liền cho lập một nghĩa trang trong khuôn viên đền thánh để những linh hồn bé bỏng
có mồ yên mả đẹp. Khi vùng quê, nơi có giáo xứ mà ông cai quản, bị ô nhiễm
nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, ông đã tự nguyện xắn tay lên tham
gia khắc phục bằng cách mua một một cỗ máy xử lý rác thải. Khi nhận thấy học
sinh vùng này chán học môn văn, bởi chúng phải học những tác phẩm khô khan,
giáo điều, giá trị văn chương thì ít, giá trị ngoài văn chương thì nhiều, ông
đã giành ra khá nhiều buổi đứng trên bục giảng của đền thánh nói về văn học cho
bầy chiên, nhất là bầy chiên đang trọng độ tuổi học đường. Những tâm huyết của
ông đã có tác động thực sự tới các em, nhen nhóm lên trong các em tình yêu văn
học thực sự…
“Đối trọng”
với linh mục Dương Khắc Thiệu là Lương Hải Hựu, một cựu sĩ quan từng tham gia
chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 khi ông mới 16 – 17 tuổi. Hồi ấy Hựu
là liên lạc của tiểu đoàn trưởng Dương Khắc Giới, bố của Dương Khắc Thiệu.
Lương Hải Hựu và Dương Khắc Giới có những kỷ niệm sâu nặng trong chiến tranh.
Nhưng khi hòa bình, Hựu bị xoáy vào guồng máy quyền lực (ông làm tới Phó giám đốc
một Sở) thì hầu như những người quan trọng nhất thời ở chiến trường cũng ít nhiều
nhạt nhòa trong ông. Vì vậy khi gặp linh mục Dương Khắc Thiệu, Hựu không nhớ ra
Thiệu là con trai của người thủ trưởng mà ông từng kính yêu vô hạn. Thậm chí
khi biết Lương Hải An, con gái mình đang làm phó hiệu trưởng trường THPT – ngôi
trường liền kề với khuôn viên ngôi đền thánh – chơi thân với Thiệu, tỏ ra thích
thú với những bài giảng của Thiệu trong đền thánh thì ông còn khuyên An hãy giữ
một khoảng cách, vì bố con ông không cùng hệ tư tưởng với vị linh mục. Nhưng rồi
không bao lâu sau, Hựu đã chứng kiến những việc làm hữu ích, mang giá trị nhân
văn cao cùng với phong cách sống khoáng đạt vị tha của vị linh mục, Hựu mới rút
ra một điều thật hệ trọng: cho dù ông và linh mục Thiệu thuộc hai hệ tư tưởng
khác nhau nhưng họ vẫn có thể bắt tay nhau, hòa đồng, thậm chí là tri âm tri ngộ
khi hai người có cùng lý tưởng sống “vì sự phát triển của quê hương và sự tiến
bộ của mỗi cá nhân con người”. Và khi Hựu nhận thức được điều đó thì cũng là
khi ông được biết một bí mật: linh mục Dương Khắc Thiệu chính là con trai của
tiểu đoàn trưởng Dương Khắc Giới, người tiểu đoàn trưởng mà ông vô cùng kính trọng
và yêu mến, đã từng bao ngày đềm chung một chiến hào nơi chiến trường Quảng Trị
với ông.
Xung
quanh hai nhân vật chính Dương Khắc Thiệu và Lương Hải Hựu còn có những nhân vật
mà nếu không có những năm tháng đi về với nông thôn vùng Thiên Chúa giáo thời
đương đại thì nhà văn khó có thể viết về họ sinh động và chân thật đến thế, đó
là xơ Hòa, xơ Lệ, cô giáo dậy văn Lương Hải An. Mỗi người một tính cách, một số
phận. Và nhất là nhân vật quan tham Hoàng Ngọc Tốt thì quả thật nó tiêu biểu, rất
điển hình cho những viên quan chức tham nhũng hôm nay. Những nhân vật này đã
góp phần làm cho cuốn tiểu thuyết Hạc Hồng trở nên chân thực và hấp dẫn hơn.
Ngoài
chủ đề lớn bao trùm, xuyên suốt tác phẩm thì từng trang văn của Hạc Hồng còn gợi
cho người đọc khá nhiều điều khiến người đọc phải động não suy nghĩ, như vấn đề
đạo đức băng hoại và căn nguyên của nó, vấn đề chấn hưng môn văn trong nhà trường,
vấn đề ô nhiếm rác thải, nguồn nước vv...
Có nhiều
chương nhà văn phải dùng Kinh Thánh để chuyển tải ý tưởng. Nhưng ông không bê
nguyên xi Kinh Thánh để chứng minh như lối văn nghị luận. Ông biết chọn lọc những
phần tinh hoa nhất trong Kinh Thánh, soi chiếu nó bằng cái nhìn của con người
đương đại, sáng tạo một cách phù hợp, vì thế mà những trang văn trở nên tươi mới,
hấp dẫn. Tôi nghĩ, những ai chưa từng tiếp cận với Kinh Thánh, chỉ cần đọc Hạc
Hồng có thể hình dung ra toàn bộ cuốn sách quý. Cuộc đời các nhân vật trong
Kinh Thánh hiện lên rất sống động, cuốn hút; đặc biệt là Chúa Giê-su. Nhân vật
này không chỉ xứng đáng là một vị thánh lớn của loài người mà còn là nhân vật lớn
của văn chương nhân loại.
Trong
nghiệp cầm bút của mình Lê Hoài Nam
viết khá nhiều thể loại. Ông đã in các tập truyện ngắn Người đẹp về đâu,
Lần yêu đầu tiên, Lan Hoàng vũ, Bữa tiệc ly; các tập bút ký và tiểu luận Mùa hè Singapore, Tiếng Vĩ cầm;
thể loại tiểu thuyết ông đã in Những đêm huyền ảo, Đôi tình nhân ham sống,
Hoang mạc tâm hồn, Danh tiếng và bóng tối…Nhưng ông thực sự được đông đảo
bạn đọc chú ý là hai tác phẩm xuất bản gần đây: Mỹ nhân nơi đồng cỏ
(tiểu thuyết lịch sử, in năm 2017) và Hạc Hồng, in đầu năm nay.
Tôi biết, trong thời buổi mà tác phẩm văn học rất khó bán như những năm tháng
này, vậy mà bằng mạng facebook, ông vẫn bán được hàng ngàn cuốn. Không phải ngẫu
nhiên mà ông có được tình yêu ấy từ công chúng. Hai tác phẩm này đã đánh dấu một
bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của ông. Tôi xin có lời chúc mừng
nồng nhiệt tới ông qua bài viết này.
Đông Anh – Hà Nội, tháng 6 năm 2019
Phạm Ngọc Khảnh
Địa
chỉ: Nam
Hồng – Đông Anh – Hà Nội
Điện
thoại: 034.989.0369
Email:
phamlinhnd@yahoo.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét