Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

TRẦN NGUYÊN ĐÁN / Trần Mỹ Giống


Trần Mỹ Giống trước nhà lưu niệm Trần Tế Xương
  
  1 - Trần Nguyên Đán sinh năm 1325, mất năm 1390, hiệu Băng Hồ tử (chàng trai có tấm lòng trắng trong như tuyết), quê hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Thân phụ ông là Uy Túc công Trần Văn Bích giữ chức Nhập nội Thái bảo, từng giúp Văn miếu gây nên nghiệp thái bình. Tổ là Văn Túc vương Trần Đạo Tái, 14 tuổi đã đỗ Bảng nhãn. Tổ bốn đời là Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, con thứ vua Trần Thái Tông.

  Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ nên Trần Nguyên Đán được bổ làm quan từ khi còn trẻ tuổi. Ông hăng hái mong được đem hết sức mình phục vụ đất nước, đáp đền ơn vua, sẵn sàng xông vào nơi nguy hiểm. Trong bài “Canh Tân Bình an phủ Phạm công Sư Mạnh “Tân Bình thư sự” vận” (Họa vần bài thơ “Tân Bình thư sự” của quan An phủ sứ trấn Tân Bình Phạm Sư Mạnh) của ông có đoạn:
Chí sĩ ninh từ đạo hải nguy
Cao ca tràng khiếu nhậm thiên nghê
Sương soa, thử lạp thù minh chúa
Hổ lạc xà khu uý viễn lê.
(Người chí sĩ đâu chịu chối từ cái nguy vượt biển
Cất cao tiếng hát với tất cả lòng mình
Mang tơi sương, đội nón nắng đền đáp minh chúa
Vào hang hùm, tới ổ rắn an ủi dân xa)
  Dưới triều Trần Dụ Tông (1341 - 1369), Trần Nguyên Đán làm quan Ngự sử Đại phu, chuyên lo việc khuyến cáo, can gián những lỗi lầm của vua và đàn hặc các quan phạm tội. Bấy giờ vua không chăm lo việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không coi trọng phép nước, Trần Nguyên Đán nhiều lần can gián nhưng vua không nghe. Sau khi Trần Dụ Tông mất, Hiến từ Hoàng Thái hậu cho Dương Nhật Lễ lên làm vua. Dương Nhật Lễ là kẻ hoang dâm vô độ, tính tình tàn ác nên việc nước càng trở nên tồi tệ. Trần Nguyên Đán lại dâng thư trình bày chính sự nhưng vẫn không được vua đếm xỉa đến. Sau này, Hồ Nguyên Trừng đã viết trong Nam Ông mộng lục về Trần Nguyên Đán như sau:
  “Vào năm Chí Chính nhà Nguyên (1341 - 1367) ở Giao Chỉ (tức Việt Nam) có Trần Nguyên Đán đứng đầu hàng tông thất nhà Trần, giúp vua Dụ Tông ở chức Đại phu Ngự sử. Vua không chăm việc nước, quyền thần có nhiều kẻ không tôn trọng phép tắc, Nguyên Đán nhiều phen can gián nhà vua không nghe, đến khi vua Dụ Tông mất, cháu kế ngôi là người mê nuội. Bấy giờ việc nước càng tệ, Nguyên Đán dâng thư trình bày không được vua hỏi đến, ông bèn xin cáo lỗi mà đi...” 
  Năm 1370 Trần Nguyên Đán từ chức, bỏ đi giúp Cung Định Đại vương Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông) tập hợp lực lượng, dẹp được loạn Dương Nhật Lễ. Do có nhiều công lao với nhà Trần, nhất là đã giúp Trần Nghệ Tông lên ngôi Hoàng đế, khôi phục nhà Trần, ổn định chính sự, nên năm 1371 Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính. Ông ở ngôi Tể tướng lâu năm. Đến thời Trần Duệ Tông (1374 - 1377) ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu, lại được giao thêm trọng trách trông coi việc quân ở trấn Quảng Oai.
  Trần Nguyên Đán là viên quan trụ cột của vương triều Trần hồi cuối thế kỷ 14. Khi xuất thế, Trần Nguyên Đán đem hết sức lực và tài năng phò vua, giúp nước. Nguyễn Trãi đã viết về ông trong Ức Trai di tập như sau:
  “Vững tay lái trong cơn sóng gió, chống nhà siêu giữa lúc phong ba. Chỉ trong ít năm mà trong nước bình trị. Người trong nước đều khen là hiền tướng, từ đứa trẻ thơ đến người lính tốt cũng đều biết tiếng”. 
  Không chỉ là vị quan tài năng, hết lòng với dân với nước, mà Trần Nguyên Đán còn nổi tiếng là người có tấm lòng bao dung nhân hậu hiếm có. Trong dân gian còn lưu truyền, sử sách còn ghi câu chuyện về thái độ của Trần Nguyên Đán đối với hiền sĩ.
  Chuyện kể rằng, Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh) là một thanh niên nổi tiếng hay chữ, giỏi văn thơ nên dù xuất thân từ tầng lớp nhà nghèo vẫn được Trần Nguyên Đán mời về dạy con gái mình là Trần Thị Thái. Chẳng bao lâu đôi trai tài gái sắc cảm mến nhau, tình duyên nảy nở, kết quả là bà Trần Thị Thái mang thai. Đến ngày bà Trần Thị Thái sinh nở, Nguyễn ứng Long sợ bị trọng tội liền bỏ trốn. Biết chuyện, Trần Nguyên Đán liền sai người đi tìm Nguyễn ứng Long trở về. Nguyễn ứng Long sợ hãi vào gặp quan Tư đồ, trong lòng cầm chắc cái chết. Không ngờ Trần Nguyên Đán không hề bắt tội mà lại ôn tồn bảo:
  “Người xưa có việc như thế, chẳng thấy Văn Quân và Tương Như (1) đấy ư? Hay được như Tương Như, danh truyền đời sau, đấy là sở nguyện của ta”.
  Cảm động trước đức độ của Trần Nguyên Đán, Nguyễn ứng Long chăm chỉ học tập, đến năm 1374 đời Trần Duệ Tông thì thi đỗ Thái học sinh. Sau này Nguyễn ứng Long ra làm quan cho nhà Hồ tới chức Đại lý Tự khanh. Vợ chồng Nguyễn ứng Long và Trần Thị Thái đã sinh ra Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi cũng đỗ Thái học sinh, trở thành một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc mà tên tuổi ông gắn liền với Lê Lợi trong mười năm kháng chiến chống giặc Minh.
  Nếu không có tấm lòng bao dung nhân hậu của Trần Nguyên Đán, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ không có nhà văn hoá lớn, thi sĩ thiên tài, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô đại cáo nổi tiếng.
  Trần Nguyên Đán làm quan vào thời kỳ nhà Trần suy yếu. Hồ Quý Ly ngày càng thâu tóm quyền bính và lũng đoạn triều đình. Tiên đoán trước nguy cơ nhà Trần sẽ mất về tay Hồ Quý Ly, ông luôn ý thức nhắc nhở bạn bè về nghĩa vụ làm tôi. Bản thân bất lực trước thời thế, cuối cùng ông kết thông gia với Hồ Quý Ly mong đảm bảo sự yên ổn cho con cháu về sau.

  2 - Trần Nguyên Đán lui về ẩn dật, song thâm tâm ông vẫn không nguôi nỗi lo cho nước cho dân. Bài thơ gửi bạn đồng liêu trong đài quan của ông khi đã về hưu thể hiện rõ nỗi lo ấy:
Đài quan nhất khứ tiện thiên nhi
Hồi thủ thương tâm sự sự vi
Cửu mạch trần ai nhân dị lão
Ngũ hồ phong vũ khách tư quy
Nho phong bất chấn hồi vô lực
Quốc thế như huyền khứ diệc phi
Kim cổ hưng vong chân khả giám
Chư công là nhẫn gián thư hy. 
(Đứng đầu hàng quan gián nghị một khi đi liền ra tận
chân trời
Ngoảnh lại lòng đau vì mọi việc đều sai lầm cả
Người ta trong bụi trần trăm năm dễ già cỗi
Cho nên bạn nghĩ về cảnh mưa gió năm hồ theo gót Phạm Lãi
  Tinh thần Nho học không chấn hưng quay lại đã hết sức
Thế nước treo sợi tóc, bỏ đi thực không phải
Xưa nay suy thịnh thật có thể soi xem
Các ông sao nhẫn tâm ít lời can gián.)
  Ngụ ý chê việc Trần Nghệ Tông “không biết chọn mặt gửi vàng”, đem con là Trần Thuận Tông giao phó cho Hồ Quý Ly, chẳng khác nào đem trứng cho ác, Trần Nguyên Đán viết bài Thập cầm (Mười giống chim) khuyên vua hãy cảnh giác với “con quạ già hiểm độc” (chỉ Hồ Quý Ly). Trong bài thơ có câu:
Nhân ngôn ký gửi dữ lão nha
Bất thức lão nha liên ái phầu 
(Gửi con cho lão quạ già
Biết là lão quạ thương là mấy thương)
  Tiếc là lời cảnh tỉnh của Trần Nguyên Đán đã không được vua Trần đếm xỉa đến, để rồi kết cục nhà Trần mất về tay Hồ Quý Ly, đúng như tiên đoán của Trần Nguyên Đán.
  Trước sự suy vong của triều Trần, khi làm quan cũng như khi về ẩn dật, Trần Nguyên Đán luôn day dứt về nỗi bất lực của mình:
Tam phần đầu bạch thốn tâm đan
Thế thượng phân phân vạn sự nan 
(Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son
Sự đời bối rối, muôn việc khó khăn).
  Bài “Mậu thân chính nguyệt tác” (Thơ làm tháng Giêng năm Mậu Thân). 
  Có lúc ông lại nghĩ rằng khoẻ mạnh mà không giúp được việc nước thì thà cứ bệnh còn đỡ day dứt hơn:
Mục tiền tận thị quân tâm sự
Bệnh dũ bất như do bệnh thì 
(Trước mắt đều là những việc phải lo lắng
Khỏi bệnh không bằng đang bị bệnh.)
  Năm 1385, thấy rõ “vận nước sắp hết”, Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn. Ông vẫn không nguôi băn khoăn về việc xuất xử của mình, vẫn canh cánh bên lòng nỗi ưu thời mẫn thế, vẫn đau đáu tâm sự ưu tư vì nước vì dân. Nhiều khi ông hy vọng vào một kỳ thi chọn được những người trẻ tuổi tài năng... Ông nhắn gửi các quan trường về việc thi chọn nhân tài:
Ngọc thạch tối nghi khu biện biệt
Loan kê nhẫn sử tính phi tường
Đắc hiền Đổng Tử lưng viêm Hán
Truất thực Lưu Phần nhược vãn Đường
Thiên chiếu đinh ninh dung bác thủ
Yếu tiên trung đảng, hậu từ chương. 
(Ngọc hay đá phải phân biệt cho rõ
Đừng để phượng với gà phải bay chung với nhau
Được người hiền tài như Đổng Tử làm hưng thịnh nhà Hán
  Truất người trung thực như Lưu Phần làm suy yếu nhà Đường
Chiếu vua cặn kẽ cho phép lấy rộng
Trước phải xem phần trung chính sau hãy xét đến văn chương)
  Với quan điểm chọn nhân tài như vậy, Trần Nguyên Đán đã hết sức vui mừng khi Chu Văn An, một nhà giáo nổi tiếng tài đức, người từng dâng “Thất trảm sớ” lên vua Trần, được giao chức Quốc Tử Giám tư nghiệp. Trong bài “Hạ Tiều ẩn Chu tiên sinh bái Quốc tử Tư nghiệp” (Mừng ông Chu Tiều ẩn được bổ chức Tư nghiệp ở Quốc Tử giám) của ông có câu:
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng tường Sơn, Đẩu đắc tư nhân
Cùng kinh bác sử công phu đại
Kính Lão, sùng Nho chính hoá tân. 
  (Xoay làn sóng biển học làm cho phong tục lại được thuần hậu
  Nhà trường đã được bậc đạo đức như Thái Sơn, Bắc Đẩu đến dạy
Đọc hết kinh, xem rộng sử, công phu rất lớn
Kính đạo Lão, sùng Nho học, chính sự và giáo hoá được đổi mới)
  Rõ ràng cái học của Trần Nguyên Đán là cái học thực tiễn, luôn vì nước mà lo cho vận nước, vừa sùng mộ Nho giáo, vừa coi trọng cái học của Đạo gia. Nho phong mà Trần Nguyên Đán muốn chấn hưng là thứ Nho học tâm linh khai phóng, chứ không phải thứ Nho học của bọn “Bạch diện thư sinh” lệ Tống nho, hình thức, giáo điều.
  Thơ Trần Nguyên Đán là tiếng lòng của một người yêu nước thương dân. Ông thông cảm với nỗi khổ của dân, đau cùng cái đau mất mùa của dân. Trước cái đau của dân, ông cảm thấy mình có lỗi:
Niên lai hạ hạn hựu thu lâm
Hoà cảo miêu thương hại chuyển thâm
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
Bài “Nhâm dần niên lục nguyệt tác”
(Năm nay hạ hạn lại thu mưa
Đau nỗi mùa màng những thiệt thua
Ba vạn sách dày đành xếp xó
Yêu dân còn nợ, mái đầu phơ)
  Trần Nguyên Đán dùng thơ chủ yếu để dãi bày tâm sự, thể hiện lòng yêu nước thương dân, tâm trạng lo đời, thương mình trước hiện thực vận nước sắp hết. Những bài thơ về chủ đề này như “Đề Huyền Thiên quán”, “Sơn trung túc sự”. “Dạ quy chu trung tác”, “Bất mị”... là những bài hay nhất của ông.
  Về nghệ thuật, thơ Trần Nguyên Đán tha thiết, gợi cảm, đằm thắm, phong cách tự trào, hình tượng gợi tả, hình ảnh đối lập mạnh mẽ đã làm nên sự thành công của thơ ông. Chẳng hạn bài “Phụng canh Thái Thượng hoàng ngự chế đề Thiên Trường phủ Trùng Quang cung” (Họa bài thơ của Thái Thượng hoàng đề ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường) là một ví dụ:
Trường không thu hạo Hoàng giang nguyệt
Phương thảo xuân hồi Lục Phố phong
Thanh hạ mỗi tồn tông xã niệm
Liệu tri mộng mị đáo Thăng Long. 
(Mênh mông trời thu bóng trăng Hoàng giang
Hương cỏ xuân về thoảng gió Lục phố
  Trong nhàn nhã Thượng hoàng vẫn nghĩ đến việc nước
  Chắc trong giấc ngủ vẫn mộng thấy mình đến Thăng Long).
 
Bài Đề Huyền Thiên quán cũng là một bài hay:
 Bạch nhật thăng thiên dị
Trí quân Nghiêu Thuấn nan
Trần ai lục thập tải
Hồi thủ quí hoàng quan. 
(Ban ngày bay lên trời còn dễ
Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó
Sáu mươi năm sống trong cõi trần
Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng).

  Trần Nguyên Đán còn là một nhà khoa học. Sinh thời ông rất chú trọng việc nghiên cứu khoa học phục vụ thực tiễn. Ông đi sâu nghiên cứu thiên văn học, khí tượng học Việt Nam. Tác phẩm Bách thế thông kỷ (còn gọi là Bách thế thông khảo hoặc Bách thế thông kỷ thư) của ông là một bộ lịch pháp rất giá trị, khảo cứu về năm tháng, nhật thực, nguyệt thực, thời tiết, vị trí các ngôi sao... từ trước công nguyên tới thế kỷ 15. Với tác phẩm này, ông được coi là một nhà khoa học Việt Nam cuối thời Trần. Hồ Nguyên Trừng trong Nam Ông mộng lục có đoạn đánh giá về ông như sau:
  “Ông thông hiểu lịch pháp, thường xem sách thông kỷ trăm đời, ngược lên khảo đến Giáp Thìn vua Nghiêu, vua Thuấn xuống đến nhà Tống, nhà Nguyên, vạch ra vận hành tiền độ của mặt trăng, mặt trời giao dung (che lấp lẫn nhau) so với thời xưa rất phù hợp...” 
  Sáng tác chủ yếu của Trần Nguyên Đán là hai tác phẩm Bách thế thông kỷ  Băng Hồ ngọc hác tập. Rất tiếc cả hai tác phẩm này đã thất lạc đến nay chưa tìm thấy. Hiện chỉ tìm thấy 51 bài thơ của ông chép trong các sách Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Trích Diễm thi tập, Tinh tuyển gia luật thi... Dù vậy, với công lao to lớn đóng góp cho lịch sử dân tộc và tư tưởng yêu nước thương dân tiến bộ thể hiện trong những sáng tác văn thơ của mình, Trần Nguyên Đán xứng đáng là một danh nhân văn hoá, một tác gia Hán - Nôm tiêu biểu cuối thời Trần.

Trần Mỹ Giống
……………..

Chú thích :
  (*) Tương Như : Tư Mã Tương Như (179 – 118 trước Công nguyên) tự Trường Khanh, người Thành Đô nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) là nhà viết phú tiêu biểu đời Hán. Ông nổi tiếng là người tài hoa. Tiếng đàn của ông đã lôi cuốn được người đàn bà goá còn trẻ và đẹp là Trác Văn Quân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét