Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

TÚ XƯƠNG – TIẾNG GỌI ĐÒ THẾ KỶ / Trần Mạnh Hảo





Tiểu luận
(Nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất Tú Xương 1870-1907)

Trong lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Du (1766-1820) từng dùng khúc đoạn trường làm chiếc cầu Kiều bắc qua hai thế kỷ văn học :18 và 19, thì Tú Xương đã buộc thế kỷ thứ 19 vào thế kỷ 20 bằng một mối lạt có tên là tiếng gọi đò. Vâng, tiếng gọi đò kia của Tú Xương chính là tiếng ếch :
“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

Là tiếng ếch nhưng chẳng phải là tiếng ếch; Nó chính là tiếng của thế kỷ “bút lông” đã tàn phai gọi con đò quá khứ về chở hồn vía nhà thơ Vị Xuyên sang bờ thế kỷ mới, thế kỷ “bút chì ”. Than ôi, dòng sông xưa đã bị lấp :
  “ Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”.
Không còn sông nhưng cứ phải gọi đò ! Đấy là bi kịch của Tú Xương, hay chính là bi kịch của buổi giao thời từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 : “ Vứt bút lông đi giắt bút chì”.Thực ra, khúc sông Vị Hoàng bé nhỏ bị lấp, gọi là Sông Lấp kia chỉ là cái cớ để Tú Xương nhờ con ếch thời gian nấc lên tiếng gọi đò tuyệt vọng gọi hồn nước đã mất trở về. Mất nước, vua Thục xưa phải chết đi hồn mới hóa thành con cuốc. Nay Tú Xương ngay lúc còn sống, hồn đã phải hóa tiếng ếch gọi đò. Nỗi đau của con ếch gọi đò khi dòng sông cũ bị lấp, ai bảo không quằn quại đớn đau bằng nỗi đau xưa của con cuốc hồn vua Thục ?
Tiếng ếch xuyên suốt hồn thơ Tú Xương như một tiếng kêu cứu của thời đại, khiến thơ ông luôn phải nấc lên tiếng cười và cười lên tiếng nấc ! “ Ếch chết tại miệng !”. Tiếng ếch không chỉ ám Tú Xương khi sống, mà sau khi chết, số phận ông vẫn phải bị loài ếch bao vây. Từ năm 1907, gia đình đã chôn nhà thơ tại Cồn Vịt giữa bạt ngàn tiếng ếch nhái hoang vu. Sau này, người ta đã mang thi hài thi hào về chôn cạnh hồ Vị Xuyên, trung tâm thành phố Nam Định bên vườn hoa để ông tiếp tục nghe tiếng gọi hồn của ếch.
Khi Tú Xương lên ba tuổi, ngày 12-12-1873, giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ nhất. Mười năm sau, ngày 27-3-1883, thành Nam Định bị mất vào tay tên quan tư Henri Viviere. Chính nỗi đau mất nước : “Buổi loạn ly bốn biển không nhà” là nguyên nhân mọi nỗi đau, nỗi nhục, nỗi cười cợt chua cay, cười ra nước mắt của hồn thơ Tú Xương. Trong lịch sử văn học Việt Nam, ít thấy trường hợp nào như Tú Xương, lại phải tự xỉ vả mình, tự bôi tro trát trấu lên mặt mình kinh hãi như thế:
“ Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường”
Là một nhà nho, suốt đời lấy nghiệp đi thi làm một cái nghề, hẳn Tú Xương phải trọng chữ “Danh” và chữ “Nhân” của thánh hiền lắm lắm. Đến nỗi, chỉ cần một thằng bé đi sau nói xấu, có thể nhà nho đã chạm tự ái phát ốm. Đằng này, sao Tú Xương lại tự bôi trát lên mặt mình toàn bộ tro trấu của xã hội thế ? Như thể ông muốn mượn mặt mình mà rạch nát bộ mặt xã hội vậy ! Hẳn là ông phải đau lắm, nhục lắm, uất lắm, chết cười lắm mới dám rạch lên gương mặt tinh thần của mình sự diễu cợt thảm khốc đến như vậy ?
Diễu đời, diễu người sao bằng tự diễu mình ? Nhà thơ trào phúng tự vẽ chân dung mình thành con ngáo, con bù nhìn, con rối :
“ Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh”
Trong cơn giận đời, đau đời quá mà nói nống lên, ngoa lên về mình, thậm xưng, sao cốt biến mình thành trai tứ chiếng cho hợp với thời đại vừa hóa thành gái giang hồ, một thời đại đảo điên nửa thực dân phong kiến. Cho nên những câu thơ tự diễu ông nhận vào mình muôn tật xấu của “buổi bạc tình”như:
“Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ /Rượu chè trai giái đủ tam khoanh” thực ra cũng là nhân cơn phẫn chí mà nói phứa ra như vậy thôi.
Thực ra, Tú Xương là người thương vợ thương con nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong nhiều bài thơ, ông thường nhắc tới vợ con, nhắc tới gia đình trong tình cảm ngậm ngùi thương mến.Một số người không hiểu ông, cho ông là người vô trách nhiệm với gia đình, chỉ ham bài bạc rượu chè buông thả. Tú Xương đau lắm, bi thương lắm khi ông đứng giữa trời đất mà thốt lên:
“Muốn mù giời chẳng cho mù nhỉ
Giương mắt trông chi buổi bạc tình”
Một người có trách nhiệm với quốc gia dân tộc lắm mới nhìn và vẽ nên cảnh vong quốc nơi trường thi, nhục nhã đau đớn hỏi kẻ sĩ nước nhà:
“Cờ kéo rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”
Tú Xương đau lòng vì hình như không ai “ngoảnh cổ lại”. Chừng như “ giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh”, đều “ chỉ ấm ớ giả câm giả điếc”, mang cái mặt nạ tuồng giả dối “ cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn”. Thông qua sự nghiệp thi ca mình, Tú Xương đã vẽ nên những net thần diệu “cảnh nước nhà” bằng tiếng cười pha nước mắt. Đi hết con người hiện thực với phong cách trào lộng bậc thầy, chúng ta gặp một Tú Xương lãng mạn đến không ngờ.
Tựu trung, thông qua tiếng ếch hiện thực khản đặc và ứ nghẹn như tiếng thở hắt ra của đất nơi dòng sông bị lấp, Tú Xương vẫn là tiếng gọi đò muôn thuở. Biết rằng gọi đò khi không còn sông, không còn đò nhưng sao vẫn cứ gọi mãi ? Ấy là nỗi cô đơn tận cùng của Tú Xương, một con người phải gánh trên vai nỗi u hoài hai thế kỷ!
Bị xô đẩy giữa bút lông và bút chì, giữa thực dân và phong kiến, giữa cảnh nghèo và nghiệp hỏng thi, Tú Xương phải tự vệ bằng sự bông phèng, cười cợt. Cần phải vượt qua thành trì trào lộng kia, chúng ta mới bắt gặp được tâm hồn lãng mạn, một niềm cô đơn thăm thẳm khôn khuây mới là con người đích thực Tú Xương. Tâm hồn ông là con sông xưa bị lấp còn văng vẳng tiếng ếch gọi đò. Chia sẻ nỗi cô đơn của ông, cũng có nghĩa chúng ta đã đáp lại tiếng gọi đò của tiền nhân.
Trong bài “Hỏng thi năm Canh Tý”, ông đã thể hiện sự phân thân tột cùng cô lẻ : “Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng”. Câu thơ này ông viết năm Canh Tý tức năm 1900, năm giao thời hai thế kỷ. Thân xác nhà thơ đã sang thế kỷ 20 mà tội thay, hồn ông vẫn còn nằm lại với thế kỷ 19. Một con người hồn một nơi, xác một nẻo, luôn phải đối diện với bóng mình, con người ấy cô đơn biết chừng nào ? Nhà thơ như bị ném văng ra khỏi thời đại, đành ngồi một mình trong thế giới chon von bị bỏ quên, bị tước đoạt hết tri âm tri kỷ : “Quạt mo phe phảy một mình tôi”. Trong bài “Lạc đường” ông viết:
“Một mình đứng giữa khoảng trơ trơ
Có gặp ai không để đợi chờ ?”
Ai dè, một con người ưa cười cợt, bông phèng, châm chọc, lại thui thủi, bơ vơ, vò võ một thân một mình như thế ? Thì ra, sự trào lộng kia, gắng phơi bày thói hư tật xấu “cao lâu thổ đĩ” rất thậm xưng kia lại là một tâm hồn cô đơn thăm thẳng khôn cùng ! Cũng trong bài thơ “Lạc Đường”, Tú Xương ngầm bảo ta mượn tiếng ếch mà đợi hồn nước đã mất quay về : “ Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt / Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ”…Hóa ra nhà thơ “ hỏi người” hay gọi đò ếch chẳng qua là đề chiêu hồn nước, “đợi nước” !
Tình yêu nước bàng bạc trong thơ Tú Xương thông qua giọng điệu chanh chua trào lộng, lại làm hậu thế ngẩn ngơ đau : “ Đồng giỏi sao đồng không giúp nước / Hay là đồng sợ súng ca – nông ?”, “Dám hỏi những ai nơi cố quận / Rằng xuân mãi mãi thế ru mà”, “ Non nước thề bồi thôi xúy xóa”…
Nỗi cô độc của Tú Xương bị vây bủa bởi đêm đen. Ông muốn kiễng chân lên mà hỏi thế kỷ 20 : “Đêm sao đêm mãi thế ru mà ?”. Ông sống trong đời như chiếc hạt cựa quậy không sao đục được chiếc vỏ cứng tối để chui ra ánh ngày. Dường như chỉ có chấm đom đóm là tấc lòng ông sắp cạn dầu, lụi bấc : “ Tâm sự năm canh một ngọn đèn” (Dạ hoài). Nhà thơ mượn Khuất Nguyên mà đành đoạn, cô đơn thao thức, tự vấn mình trong cuộc chiến giữa chấm đèn và thiên la địa võng bóng tối:
“Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta ?” (Chợt giấc)
Bóng tối ấy lảng vảng, xô dạt từ thời Tố Như lại, chồng chất lên đầu Tú Xương, đông đặc, thăm thẳm, ngỡ như sắp đè bẹp ông, khiến ông quằn quại kêu :
“ Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà” ( Đêm dài)
Tiếng kêu tuyệt vọng tìm tri âm sao giống tiếng Nguyễn Du trăm năm trước:
“ Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Nhưng tiếng kêu của Nguyễn Du vẫn cứ còn le lói một niềm hi vọng về tương lai. Dù sao Tố Như cũng đã tìm được vua để thờ, tìm được nước để sống. Dù hồn Tố Như còn luyến tiếc triều Lê, nhưng thân xác ông đã theo về triều Nguyễn. Thời ấy, dù sao đạo Nho vẫn còn thiêng. Tú Xương sống trong thời nước mất về tay Phú Lang Sa, nho giáo suy tàn cùng cực, vua chỉ là bù nhìn, đạo đức xã hội băng hoại. Chỉ bằng hai câu thơ, Tú Xương đã vẽ nên được cái bi hài kịch của nỗi nhục mất nước:
“ Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”
Đầu rồng vua chúa Việt Nam đã bị cái đít vịt bà đầm chèn xuống sát đất. Thơ hài tiền nhân đọc lên còn buốt ngực hậu thế. Cho hay, tận cùng hài của Tú Xương cũng là bi vậy ! Trong bài “ lụt năm Bính Ngọ” Tú Xương cười nghẹn cả muôn sau:
“ Trâu bò buộc cẳng coi buồn nhỉ
Tôm tép văng mình đã sướng chưa ?”
Nghệ thuật trào phúng thơ Tú Xương đã hàm chứa chất trữ tình, trong cái hiện thực bi hài ấy lại tràn đầy chất lãng mạn. Nói thơ Tú Xương là thơ hiện thực trào phúng pha chất trữ tình thì hầu như mọi người đều thừa nhận. Nhưng nếu nói thơ Tú Xương bản chất vẫn là lãng mạn, thậm chí mở đầu cho dòng thơ lãng mạn ( không phải chủ nghĩa lãng mạn phương Tây) thế kỷ 20 thì chắc sẽ có không ít người phản đối.Họ cho rằng thơ lãng mạn chỉ xuất hiện do yếu tố phương Tây mang lại từ năm 1932 đến năm 1945 mà họ gọi là thơ mới. Còn Tú Xương vẫn bị họ ( phái tự cho là hàn lâm ( nguy) xếp nhà thơ thành Nam vào dòng văn học trung đại ( trung cổ ) theo tiêu chí phương Tây. Nên nhớ văn học thời phong kiến của ta không có khái niệm trung đại ( trung cổ ) như phương Tây bị thần học Thiên Chúa giáo cực đoan trói buộc. Chủ nghĩa lãng mạn không có trong văn học Việt Nam. Nhưng yếu tố lãng mạn thì đã bàng bạc suốt trong nền văn học Việt Nam từ Lý Trần đến Tú Xương, Nguyễn Khuyến.
Có thể tìm thấy tính tiền phong lãng mạn trong thơ tình Tú Xương. Ông là nhà thơ tình mới nhất đã nối hai thế kỷ thi ca lại với nhau. Bài thơ tình “ Đi hát mất ô” của Tú Xương chính là bài thơ mở đầu cho dòng thơ mới 1932-1945 chứ không phải đợi đến bài thơ “Tình già” của Phan Khôi sau này. Đây là bài thơ mới nhất, vượt qua giai đoạn, đưa thơ Việt Nam sang thời hiện đại, thậm chí giọng lục bát này của thi hào Thành Nam thời ấy còn mới hơn cả Tản Đà, mới hơn cả Huy Cận mãi sau này :
“ Đêm qua anh đến chơi đây
Giầy Giôn anh dận, ô Tây anh cầm
Rạng ngày, sang trống canh năm
Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình”
Trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung và trong thơ nói riêng, Tú Xương là người đầu tiên gọi người tình bằng EM và xưng ANH với nàng. Riêng chuyện này, Tú Xương đã xứng đáng được tôn vinh là vua thơ tình hiện đại. ANH và EM danh xưng trong văn học đã thay cho CHÀNG và NÀNG của các thế kỷ trước. Bài thơ “Đi hát mất ô” của Tú Xương viết bằng chữ nôm đã trở thành kiệt tác đổi mới thi pháp văn học, mở đầu từ rất sớm cho THƠ MỚI của Tản Đà, Phan Khôi, Thế Lữ… sau này!
Bài thơ “Đi hát mất ô” của Tú Xương đã trở thành “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” của thi ca hiện đại Việt Nam vậy ! Bài thơ tình này của Tú Xương rất mới, toàn dùng tiếng Việt, không có từ Hán Nôm. Bài thơ chỉ có một tiếng nôm cổ “chỉn” lẫn vào như là dấu vết của thế kỷ trước còn lưu tình trong thơ mới hôm nay ! Thơ Tú Xương hiện đại tới mức lại đưa cả tiếng Tây vào: “giày giôn”!
Ngoài bài thơ “ Đi hát mất ô”, ở một bài thơ khác, bài “Tặng người quen” Tú Xương còn gọi người đàn bà bằng chữ EM thân thương hiện đại y hệt hôm nay : “ Em gửi cho anh mảnh lụa đào”…” Không biết rằng em bán thế nào”…
Người đầu tiên trong văn học Việt Nam dùng đại từ nhân xưng ANH EM mở đầu cho sự tình tứ trong văn chương lại có những câu thơ hiện đại đến không ngờ : “Cái nhớ hình dung nó thế nào” ( Cái nhớ), thể hiện lối nói từ xưa đến nay chưa có, chỉ có khi ngôn ngữ Việt giao lưu với ngôn ngữ Pháp mà thôi. Bài thơ “Áo bông che đầu” là bài thơ lãng mạn đặc sắc của Tú Xương :
“ Nào ai có biết ai đâu
Áo bông ai ướt khen đầu ai khô
Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than Ngô một mình”
Chúng ta còn gặp hơi thơ này trong lục bát Nguyễn Bính, người kế tục sự nghiệp thi ca Tú Xương làm vẻ vang cho dòng thơ đất Nam Định. Tính lãng mạn trong thơ Tú Xương còn lênh láng mọi u hoài vạn cổ trong bài “Buồn đêm”:
“ Trời không chớp bể với mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông”
Tính lãng mạn trong thơ ông còn được đẩy lên chót vót hư thực trong bài “ chiêm bao”:
“Bỗng thấy chiêm bao thấy những người
Thấy người nói nói lại cười cười
Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng
Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi”
Tú Xương có những câu thơ tình lãng mạn hay nhất trong thi ca Việt Nam :
“Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng
Khi riêng, riêng cả đến tình chung”
Hay :
“Xa đi ngán nỗi lòng thương nhớ
Gần lại càng thêm dạ khát khao”
Bằng một loạt bài thơ trữ tình lãng mạn thật hay như “Cái nhớ”, “Hóa ra dưa”, “Áo bông che đầu”, “Đi hát mất ô”, “Hỏi ông giăng”, “Mưa tháng bảy”, “Chợt giấc”, Chiêm bao”, “Dạ hoài”, “Đêm buồn”, “Đêm dài”…quả thực Tú Xương chính là con én báo mùa xuân cho thơ lãng mạn 1932-1945 vậy!
Là chiếc gạch nối tuyệt vời giữa thơ cổ điển Việt Nam và thơ hiện đại, về thân xác thơ, Tú Xương thường sử dụng thất ngôn, thất ngôn bát cú, lục bát nhưng hồn thơ ông đã đi cùng đường với các thế kỷ 20, 21 mai này !
Tú Xương chừng đã chia tay với thi pháp “ trải vách quế gió vàng hiu hắt” hàn lâm cổ điền thế kỷ thứ 17, 18, 19, đặng đưa tiếng nói bình dân vào làm mới thi ca:
“ Sĩ khí rụt rè gà phải cáo / Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”, “ No ấm chưa qua vành mẹ đĩ / Đỗ đành may khỏi tiếng cha cu”, “ Lặn lội thân cò khi quãng vắng / Eo sèo mặt nước lúc đò đông”, “ Mình tựa vào cây, cây chó ỉa / Chân thò xuống giếng, giếng ai ăn”, “Chí cha chí chát đua giày dép / Đen thủi đen thui cũng lụa là”…
Có thể nói, cùng với Hồ Xuân Hương, Tú Xương chính là đỉnh cao của tính dân tộc trong thi ca Việt Nam. Tài trào phúng của ông vừa sắc lẻm, vừa hồn nhiên, khiến ai đọc tới cũng phì cười:
“Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ
Hai ả tròn xoe đứng múa bông”
Hay :
“Trông ông mốc thếch như trăn gió
Ông tốt duyên vì có nước da”
Hay :
“Ấm không ra ấm, ấm ra vòi”…
Tú Xương vẫn cười ra tiếng nấc:
“Một tuồng rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng”
Và nhiều khi ông phải nấc ra tiếng cười :
“Vợ lăm e ở vú
Con tấp tểnh đi bồi”
Tiếng ếch bên Sông Lấp cứ ho sặc sụa như tiếng nấc của đất, hay chính là tiếng hú của một thời đại đã qua mà hồn thi ca còn chưa kịp siêu thoát. Hồn vía Nam Định xưa đã nhập vào thơ Tú Xương, khiến đọc ông, ta còn rùng mình bao tiếng khóc cười. Chín mươi năm qua kể từ ngày Tú Xương mất, tiếng ếch hồn ông vẫn gọi bao con đò thi ca sang qua mỏm sông rấp ranh hai thời đại.Tâm hồn ông, thi ca ông đã hóa đôi mái chèo hiện thực và lãng mạn góp phần đưa văn học Việt Nam cập bờ các thế kỷ mai sau.,.

Nam Định, Sài Gòn tháng 5- 1997
Trần Mạnh Hảo
( Trích trong tập “NHỮNG VÌ SAO VĂN HỌC”, tiểu luận phê bình của Trần Mạnh Hảo- NXB Văn Học năm 2004 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét