Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

TRUYỆN NHẶT TRẦN MỸ GIỐNG – Bản thảo (Kì 31-40)





Kì 31: XE CON... MUA MẮM

        Đoàn nhà văn cao niên tỉnh Nọ đi thực tế một huyện miền biển – nơi có mắm ngon nổi tiếng. Lãnh đạo đoàn đi xe con. Các nhà văn cao niên đi xe to. Trong đoàn có nhà văn nữ nổi tiếng, tính tình bẳn gắt như mắm tôm. Đoàn vinh dự được một nhà văn trung ương cùng tham gia theo lời mời của lãnh đạo đoàn.
        Sau mấy ngày điền dã rạc cẳng, nghe báo cáo nông thôn mới ù tai, các nhà văn cao niên mong mau được nghỉ ngơi lại sức. Đến giờ ăn trưa, mọi người ra xe để về khách sạn nghỉ ngơi. Chợt nhà văn trung ương nói bâng quơ:
        - Mình nghe nói huyện ta có mắm ngon lắm...
        Lãnh đạo đoàn vốn là người thông minh lanh lợi, bèn dùng xe con chở nhà văn bậc thầy đi mua mắm. Các nhà văn cao niên phải ngồi chờ gần hai tiếng đồng hồ giữa trưa nắng nóng rất bức bối.
        Một nhà văn lên tiếng:
        - Để giết thì giờ chờ đợi, giải tỏa bức bối, tôi mời các cụ liên hoàn thơ chơi nhé. Tôi xin mở đầu như sau:
        Xe con nó bỏ đi rồi
        Nhà văn thứ hai tiếp:
        - Xe to chở bố phải ngồi chờ đây
        Nhà văn thứ ba:
        - Mày đi mua mắm cống thầy
        Nhà văn thứ tư:
        - Ở đây có mắm sao mày không mua...
        Mọi người đang hào hứng vỗ tay quên mệt thì bỗng nhà văn nữ nổi tiếng, bẳn gắt như mắm tôm, nổi đóa:
        - Các ông đểu tôi... dẹp! dẹp!
        Cùng lúc đó, xe con đi mua mắm kịp về tới nơi, cuộc thơ liên hoàn tạm dừng.



Kì 32: CHẲNG CÒN BIẾT ĐƯỜNG NÀO MÀ LẦN…

        Chuyện này dân phường tôi rất nhiều người biết.

1- ÔNG THỨ NHẤT

Một ông đảng viên, hàng tháng chi bộ sinh hoạt vào chiều ngày mồng 3, thì ngày mồng 2 nào ông cũng comlê caravát, giày đen, mũ phớt rất chi là oách, rồi lên văn phòng Đảng ủy phường kiến nghị:
- Tôi còn sức khỏe, có năng lực, mong được cống hiến nhiều cho Đảng, đề nghị Đảng ủy để tôi làm bí thư chi bộ.
Rồi chiều mồng 3, ông đến sớm một tiếng chờ chi bộ họp.
Người ta gợi ý ép ông làm đơn xin nghỉ sinh hoạt, nếu không sẽ có thể phải kỷ luật…

2- ÔNG THỨ HAI

Ông là cựu chiến binh, vợ là cán bộ nhà nước đương chức. Ông cũng bình thường như bao người khác. Nhưng rồi… Dịp Đại hội cựu chiến binh phường, ông cùng vợ xin được ủng hộ 40 mâm cơm nhà hàng liên hoan chào mừng thành công của đại hội. Cuộc liên hoan diễn ra rất vui vẻ. Hôm sau tự nhiên ông phát điên, lên phường chửi chính quyền, đoàn thể thậm tệ… Người ta phải dùng vũ lực bắt ông đi viện tâm thần. Ông ra viện với hồ sơ bệnh án tâm thần. Nhờ hồ sơ này, ông được chính quyền và cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết cho hưởng chính sách chất độc da cam.
Bây giờ thì chả thấy ông có biểu hiện gì là tâm thần cả.
       
        LỜI BÀN:

         Ông thứ nhất tâm thần thực sự thì có nguy cơ bị kỷ luật.
Ông thứ hai giả điên để làm chính sách thì được cơ quan đoàn thể quan tâm giúp đỡ…
       
Cuộc sống muôn vẻ, thật giả lẫn lộn, lẫn lộn thật giả, chẳng còn biết đường nào mà lần…


  
Kì 33: ĐẶC KHU LÀ GÌ? - THẢO NÀO!

ĐẶC KHU LÀ GÌ?

        Thằng cháu nội sắp lên lớp 5 hỏi ông:
        - Ông ơi! Trên mạng đang có cơn bão phản đối Quốc hội làm luật Đặc khu… Vậy Đặc khu là cái gì hả ông?
        Ông:
        - Ừ, cháu thử phân tích từng từ xem thì rõ ngay mà…
Cháu:
- Vâng ạ. Đặc là đặc biệt phải không ông?
- Đúng rồi. Đặc chính là đặc biệt!
- Có phải nhân dân Khu Bốn gọi cái mông đít là Khu phải không ông?
- Đúng! Dân khu Bốn gọi cái mông đít là Khu…
- Vậy cháu hiểu rồi: Đặc Khu là cái MÔNG ĐÍT ĐẶC BIỆT ông nhỉ!
- !!!
  
             THẢO NÀO  (Sưu tầm)

Một bà phàn nàn:
- Tôi canh con gái như canh mả tổ, đêm đêm tôi ôm nó ngủ mà không hiểu sao nó lại chửa hoang mới khổ thân tôi chứ…
Bà bạn hỏi:
- Thế bà ôm nó ngủ thì bà ôm chỗ nào của nó?
- Tôi ôm đầu nó bà ạ.
- Ôi… Thảo nào…

Kì 34:  TÍNH CÁCH GIÁO LÀNG XỨ NGHỆ

Truyện này tôi nhặt được từ thày dạy văn mình hồi học đại học là giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh, người xứ Nghệ:
.
Thời đó Ty Giáo dục Nghệ An có chủ trương mở rộng cửa tiếp nhận đóng góp ý kiến của giáo viên. Một ông giáo làng đi xe đạp bốn chục cây số ra tỉnh thử xem Ty Giáo dục mở rộng cửa thế nào. Đến Ty Giáo dục thì đã hết giờ làm việc, ông bị các bảo vệ Ty bắt đứng ngoài chờ đến đầu giờ chiều. Khi ấy có mấy vị khách trên Bộ Giáo dục về làm việc. Bảo vệ vội mở cửa ngách, khúm núm mời các vị khách vào. Ông giáo làng cũng theo vào, nhưng bị các bảo vệ đẩy ra yêu cầu khi nào mở cổng chính mới được vào.
Buổi chiều ông giáo làng báo cơm nhà bếp của Ty. Ông được bố trí ăn ở bàn đại trà, mỗi mâm 6 người với suất ăn đạm bạc. Nhìn sang phòng bên thấy các vị khách ngồi bàn nhỏ, mâm cơm đầy sơn hào hải vị. Ông giáo làng chẳng nói chẳng rằng, cầm viên phấn viết lên bảng tin:
        Cửa Ty ta rộng mở
        Đón khách nhỏ khách to
        Khách to đi cửa nhỏ
        Khách nhỏ đi cửa to
        Khách to ăn bàn nhỏ
        Khách nhỏ ăn bàn to
Một vị chừng là trưởng phòng hành chính thấy thế, quát: “Này ông già kia, sao lại viết bậy bạ lên bảng tin thế? Ông có biết đây là đâu không?”. Ông giáo làng phớt lờ, lẳng lặng viết thêm hai câu:
        Khách to Ty nói nhỏ
        Khách nhỏ Ty quát to.
Chuyện lùm xùm, lãnh đạo Ty phải ra giải quyết, hỏi: “Tại sao đồng chí lại viết như vậy? Yêu cầu đồng chí xóa đi!” Trả lời: “Chính tôi mắt thấy tai nghe và tôi chỉ ghi lại sự thật”. Và ông giáo quyết không xóa…



 Kì 35: LỘNG GIẢ THÀNH CHÂN

        KV là cán bộ tòa soạn báo QĐND được cử đi học đại học, cùng lớp với tôi. Ngày ấy có tác giả KV rất nổi tiếng về những bài phóng sự chiến trường đăng trên báo QĐND. Một người bạn cùng lớp cầm tờ báo QĐND có bài phóng sự của KV, đùa:
        - Các bạn xem này, KV của lớp ta mới có bài đăng báo QĐND đây này!
        Mọi người ngạc nhiên tò mò nhìn KV. KV đỏ mặt, ấp úng:
        - Đâu có… Không… Không phải… tớ!...
        Bạn bè đùa dai:
        - Thôi mà, không cậu thì còn ai vào đây nữa. Cậu là phóng viên báo QĐND đi học mà… Chắc cậu sợ phải khao nhuận bút chứ gì!
        KV lúc đầu phản đối, sau thì im lặng.
        Từ đấy, cứ thấy bài báo nào ký tên KV là cánh nam sinh lại đem khoe cả lớp rằng bài viết của KV lớp ta. KV từ ngượng ngập trở nên thích thú trước sự “ngộ nhận” của bạn bè. Về sau, chính KV chủ động đem bài báo mới ký tên KV khoe bạn bè:
        - Báo QĐND lại đăng bài của tớ, các cậu đọc đi…
        Những lúc như thế, KV mân mê tờ báo, đọc đi đọc lại, mắt mơ màng, nét mặt sáng ngời niềm vui ngây thơ và chân thực. Nhìn KV lòng tôi trào dâng niềm thương cảm. Tôi không sao kìm lại được một tiếng thở dài…

LỜI BÀN: Quy luật tâm lý chẳng? Chuyện không có thật nói chẳng ai tin. Nhưng nói mãi thì người nghe cũng hoang mang giao động. Cứ nói đi nói lại rồi người nghe cũng tin. Ngày tôi đi chiến trường  B, có người còn tin là “7 thằng Việt Cộng bám cành đu đủ không gãy”. Thì đấy, cả một thế hệ tin vào ảo ảnh tương lai đấy thôi. Trong cuộc sống, dư luận có khi tâng bốc một người lên may xanh, biến họ thành những thần tượng… Lại có khi vùi dập họ đến thân bại danh liệt. Thế mới biết, truyền thông có sức mạnh kinh khủng thế nào.


  
Kì 36:     ÔNG NÓI ĐÚNG (Giai thoại về cố nhà văn Trần Huy Thuận)

Cố nhà văn Trần Huy Thuận là người thẳng tính, trung thực, không kiêng nể ai, thấy ngang tai trái mắt là phê phán liền… Cứ đọc “Ngang qua cuộc chơi” của ông là rõ.
Ông có thời gian tham gia Hội Văn nghệ địa phương cùng thời với ÔNG TA, và từng làm Trưởng ban kiểm tra, nhưng bất mãn với người chủ trì, ông đã xin ra khỏi hội. Còn ÔNG TA, sau “Đại hội hạ bệ” chủ tịch Chu Văn, ÔNG TA được ngồi vào ghế Chủ tịch.
Kỷ niệm 20 năm thành lập hội, ÔNG TA đã không cho mời nguyên Trưởng ban Kiểm tra Trần Huy Thuận.
Kỷ niệm 30 năm thành lập hội, chủ tịch Trần Đắc Trung đã mời nguyên trưởng ban kiểm tra Trần Huy Thuận và các vị nguyên chánh phó chủ tịch hội về dự. Ngồi cạnh nhau, ÔNG TA ghé tai Trần Huy Thuận bảo:
- Ngày ấy ông bỏ hội là đúng. Chúng nó toàn là những thằng đểu cả…
Trần Huy Thuận nhìn thẳng vào mặt ÔNG TA, trả lời:
- Vâng, ông nói đúng. Ngay tôi là nguyên Trưởng ban Kiểm tra mà kỷ niệm 20 năm thành lập hội nó cũng không mời.
ÔNG TA nghệt mặt ra như ngỗng ỉa.


Kì 37: NGÃ XE

Cùng mấy ông bạn đưa ông bạn vừa ngã xe máy về nhà, tôi gọi:
          - Các cháu ơi, bố các cháu ngã xe máy...
          Con dâu:
          - Khổ quá! Con đã nói mãi rằng có tuổi rồi thì không đi xe máy nữa mà ông có nghe đâu!
          Con trai:
          - Xe có việc gì không ạ?
          Con gái:
          - Rách xước hết cả áo véc mới rồi...
          Cháu gái chạy ra ôm lấy ông nội:
          - Ông ơi, ông ngã có đau lắm không? Ông đau chỗ nào để cháu xoa cho ông...
          - Ông đau ở đây cháu ạ.
Nói rồi ông chỉ tay lên ngực trái của mình… Cháu gái đưa hai bàn tay nhỏ xíu lên xoa ngực ông nội. Một lát sau cháu hỏi:
- Ông đỡ đau chưa ạ?
- Ông hết đau rồi…
Những nếp nhăn trên mặt ông bạn như giãn ra, đôi môi già khô héo như thoáng cười…



Kì 38: KINH NGHIỆM TIẾN THÂN

        - Này, ngày học đại học, tớ loại giỏi, cậu trung bình. Khi tớ đi chiến trường thì cậu “chạy” giấy chứng nhận sức khỏe yếu nên được ở nhà công tác. Tớ chuyển ngành đến khi nghỉ hưu vẫn lẹt đẹt viên chức hạng bét. Cậu làm thế nào mà trở thành lãnh đạo quản lý đầu ngành, lương hưu chuyên viên cao cấp gấp ba lần tớ vậy?
        - À, tớ chả có kinh nghiệm gì ghê gớm đâu. Cậu biết thừa là cơ quan nào cũng bè cánh đấu đá nhau, theo bên nào cũng dở, khi bên đó thua thì mình chết theo. Tớ chả dại mà theo bên nào. Bên nào cũng lôi kéo tớ, nói xấu, hãm hại bên kia. Tớ chỉ việc vừa “Thế à?... Hừm! Hừm! Hừm!... Chà chà! Chà chà…” vừa gật gù đầy ngụ ý. Vậy là ai cũng tưởng tớ ủng hộ quan điểm của họ. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, ai cũng bỏ phiếu cho tớ. Các quan cứ lần lượt chết, còn tớ cứ tuần tự như tiến…

  
Kì 39: NHÂN BẢO NHƯ THẦN BẢO
(Giai thoại Đỗ Huy Vinh)

        Nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Huy Vinh bút danh Huy Vinh là một trong số các hội viên kỳ cựu của Hội Văn học Nghệ thuật địa phương. Nhà thơ Nam Thắng từng một dạo cắp sách theo học cụ Huy Vinh về luật thơ và cách làm thơ. Hai người thân thiết như anh em.
        Khi cụ Huy Vinh ốm nặng sắp quy tiên, nhà thơ Nam Thắng đến thăm. Cụ Huy Vinh nắm tay Nam Thắng dặn dò:
        - Chú có tài thơ, chắc sau này chú sẽ thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nếu vào hội, chú phải ghi nhớ lời anh dặn:
        Thứ nhất Trường Quy, thứ nhì Quốc Ân
        Cả hai thằng ấy chớ thân thằng nào.
        Nam Thắng khi ấy chưa biết gì nhiều về Trường Quy và Quốc Ân, nghe cụ Huy Vinh dặn thế thì vâng vâng dạ dạ, nhưng trong bụng nghi hoặc: “Cụ sắp quy tiên không còn minh mẫn chăng?” nên nghe rồi cũng chả để ý đến nữa.
        Khi Nam Thắng đã là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, xảy ra chuyện Trường Quy cho vợ con côn đồ đến áp đáo tại gia xỉ nhục trấn áp Nam Thằng vì nghi Nam Thắng tố chuyện tiêu cực của mình. Chuyện phải đưa ra bộ môn phân xử. Sau này Trường Quy bị cách chức. Còn Quốc Ân bị khai trừ khỏi hội…
        Nhớ lời dặn của thầy Huy Vinh trước khi quy tiên, Nam Thắng mới giật mình:
        - Đúng là nhân bảo như thần bảo.
   


Kì 40: GẶP TRẦN PHÚ NHÈ - BẠN TỪ THỜI ĐỂ CHỎM Ở QUÊ

          Dịp về quê giỗ ông cậu, vợ chồng tôi qua nhà thắp hương gia tiên rồi đi Nam Định. Bất ngờ gặp Trần Phú Nhè, bạn từ thời để chỏm, dắt thằng cháu nội ra cầu bến sông nhà tôi câu cá. Thế là tôi quyết định lùi giờ xuất hành lại hai tiếng đồng hồ để hàn huyên cùng bạn. Chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm thời trẻ con, tự hào kể những chiến tích thời đánh giặc, khoe về cuộc sống hiện tại thanh bạch của mình, điểm từng bạn cùng lứa còn sống hay đã chết...
        Cách đây nửa thế kỷ, lứa chúng tôi lần lượt đứa trước đứa sau lên đường vào Nam chiến đấu. Hòa bình điểm lại, mười thằng chết bảy, còn ba thằng sống trở về thì hai thằng thương binh... Bố mất sớm, Trần Phú Nhè là con trai duy nhất trong nhà, xã vẫn gọi đi nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Bị thương nặng, Nhè được ra Bắc, về quê lấy vợ sinh con nối dõi tông đường, may thế. Ba bốn thằng con một cùng đi thời ấy hy sinh chưa tìm thấy hài cốt, giờ điểm lại thì ra chẳng còn ai nối dõi và nhà đất cũng mất hết...
          Gặp nhau, ông bạn từ thời để chỏm nổ như ngô rang. Mà ông nổ toàn bằng thơ xuất thần mới kinh. Tôi nghe ông bạn chuyện trò bằng thơ thấy hay hay, bèn ghi tốc ký mấy bài... chẳng có tiêu đề, định bụng đưa lên mạng chơi.  Ông bạn Trần Phú Nhè hỏi tôi ghi làm gì. Tôi bảo để lên mạng. Ông bạn giãy nảy rằng thơ nôm na, thơ nông dân, đưa lên mạng người ta cười chết... Tôi bảo chả sao cả, tôi sẽ đưa nguyên văn các bài thơ của ông...
          Đây là một trong số mấy chục bài xuất khẩu của ông bạn Trần Phú Nhè, chẳng có tiêu đề:
         Đoàn quân cứu nước vượt Trường Sơn
          Vạn dặm đường xa gót chẳng mòn
          Thác dữ ta qua vươn sức trẻ
          Cầu treo lính bước vút sườn non
          Quên mình xốc tới lòng tin Đảng
          Bạn ngã nằm đây dạ chẳng sờn
          Mộ chí hàng hàng nghiêm đội ngũ
          Anh hùng liệt sĩ nhớ công ơn

          Bài này nữa, cũng chẳng có tiêu đề:

         Nghèo chẳng cao sang cũng chẳng hèn
          Xông pha trận mạc đã bao phen
        Sông quê yên ả buông cần trúc
        Phố xá ồn ào dạo bước chen
        Bạc bẽo người đời thôi phớt hết
        Ân tình bạn hữu chẳng nào quên
        Cơm canh cũng đủ ngày hai bữa
        Đạm bạc lâu rồi cũng hóa quen

         Tôi đề nghị ông bạn đọc lại bài trên để tôi soát có sai từ nào không. Ông bạn đang mải nổ ngớ ra một lát rồi đọc lại, chả nhớ bài đó, lại đọc lái thành ra như sau:
          Dẫu chẳng cao sang cũng chẳng hèn
          Xông pha trận mạc đã bao phen
          Sông quê mát mẻ buông cần trúc
          Rượu nếp thơm lừng rót chén xuân
          Mấy bạn tri âm thường tụ họp
          Vài đồng đội cũ vẫn qua thăm
          Cơm canh đạm bạc lòng thanh thản
          Cuộc sống đua chen lão chẳng thèm!

          Tôi bảo:
- Ông có vẻ thạo món thơ Đường luật gớm nhỉ!
Ông bạn lại ngớ ra hỏi:
- Thơ Đường luật là gì vậy ông?

Thế này thì tài ứng khẩu thành thơ của ông bạn vào loại quá siêu... Nghĩ mình có học, cũng làm thơ được tuyển in trong sách và in báo, nhưng không thể ứng khẩu thành thơ đến độ mỗi lần đọc lại là một dị bản siêu hạng như ông bạn... Ông Trần Phú Nhè mới có bằng tốt nghiệp cấp Một (lớp 4) ngày trước. Dĩ nhiên là ông chẳng biết gì về yêu cầu niêm, luật, vần, đối của thơ Đường. Ông nói chuyện bằng lời vần vò tự nhiên, từ chính vốn sống của mình mà thành thơ Đường luật. Nghĩ rồi tôi bỗng rùng mình kinh hãi, thầm bái phục ông nông dân bạn từ thời để chỏm của mình.

          Một lần gặp bạn cũ, một lần vui cười thoải mái. Tôi mong cho bạn tôi giữ mãi được cái ngây thơ trẻ trung, yêu đời, tự nhiên thoải mái, thanh thản như thế.

                            Xuân Trường - Thành Nam, 3-10-2016


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét