Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Bài thơ "Áo lính" – tự sự và thông điệp nhân văn của một anh bộ đội Cụ Hồ / Nguyễn Mộng Nhưng


Nhà văn Nguyễn Danh Khôi



                                         ÁO LÍNH

Nguyễn Danh Khôi

Áo lính là áo lính ơi !
Đã từng xanh biếc một thời mộng mơ
Và còn xanh mãi đến giờ
Là khi ta lại bất ngờ gặp nhau.
Gió sương lấm tấm mái đầu
Má tròn căng đã nhuốm màu thời gian.
Nhắc làm chi những gian nan
Nâng ly ta cứ hát tràn cung mây
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Cua rung khe đá, lá bay cổng trời.
  
Áo lính à ! Áo lính ơi !
Đừng phai bạc nhé dẫu đời lỡ quên
Đã từng chân cứng đá mềm
Thì thêm đôi chút gian nan sá gì!

Áo lính ơi hát nữa đi!
Khúc quân hành - tiến thẳng về tương lai

12 – 1996

 
Nhà văn Nguyễn Mộng Nhưng

Không phải là những lời “thề non hẹn biển” của một cặp tình nhân đang yêu nhau. Cũng không phải là những giao cảm của đôi bạn tri âm, tri kỷ, ý hợp, tâm đầu…
Bài thơ Áo lính là lời tâm sự của một Cựu chiến binh với chiếc áo lính – một vật vô tri nhưng đã che chở, gắn bó và đồng hành với anh suốt những năm dài gian khổ. Người chiến sĩ năm xưa cùng áo lính hồi tưởng lại:
Áo lính là áo lính ơi!
Đã từng xanh biếc một thời mộng mơ.
Và còn xanh mãi đến giờ
Là khi ta lại bất ngờ gặp nhau...
Thời trai trẻ ai mà không ấp ủ mộng mơ? Nhưng cái mộng mơ đến xanh biếc một thời, có lẽ chỉ có ở những người lính trẻ khi họ gọn gàng, khoẻ khoắn trong bộ quân phục thơm mùi vải mới, xanh thắm màu xanh của đồng lúa, của luỹ tre làng, nơi họ đã sinh ra, khôn lớn và lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm tháng qua đi, đất nước không còn tiếng bom rơi, đạn nổ. Cái thời ấy với họ như đã là chuyện ngày xưa. Họ không còn là lính nữa:
Gió sương lấm tấm mái đầu
Má tròn căng đã nhuốm màu thời gian
Đời có nhiều cái bất ngờ...Song, cái bất ngờ gặp lại mầu áo lính, lại là những giờ phút thiêng liêng đưa họ trở về với mộng mơ, xanh biếc cùng với vất vả, gian nan.

Giờ đây, dẫu cuộc sống hiện tại của những người lính về quê, chưa hẳn đã đầy đủ. Nhưng đời sống đang mỗi ngày một khấm khá hơn, mỗi khi bạn đồng ngũ đến với nhau, đã có mâm cơm tuy không có “cao lương, mỹ vị”, song cũng đủ để họ nâng những ly rượu cất từ hạt gạo quê nhà. Họ lại có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời chinh chiến. Để rồi họ tự động viên nhau:
Nhắc làm chi những gian nan
Nâng ly ta cứ hát tràn cung mây
Họ ca lên những bài ca có những địa danh họ đã đến, đã qua. Hát không cần nhạc đệm...và lại gõ bát, gõ mâm làm nhịp. Cái điệp khúc quen thuộc của những người lính mỗi khi vào trận đánh hay khi thắng trận trở về:
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Cua rung khe đá, lá bay Cổng Trời...
Đọc bài thơ Áo lính, đôi lúc ta có cảm giác như đang nghe lời ru của bà, của mẹ, tiếng gọi của vợ hiền:
Áo lính à! Áo lính ơi!
Đừng phai bạc nhé dẫu đời lỡ quên...
Đã lỡ quên thì mấy ai trách! Lẽ thường: một khi tóc người lính đã lấm tấm bạc thì chiếc áo lính cũng phải bạc theo. Song chỉ là bạc tóc, bạc màu thôi...Còn cái nghĩa, cái tình thì không bao giờ bạc được.
Trong số những người lính trở về quê hương, không ít người mang thương tật trên mình, những người may mắn hơn, còn sức khỏe thì tham gia công tác xã hội. Sống trong thời bình, tuy không còn hiểm nguy, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều gian khổ, khó khăn và thách thức. Phần lớn người lính năm xưa vẫn giữ được phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ” trên cương vị mới. Nhưng tiếc thay, cũng có không ít người năm xưa anh dũng trên chiến trường, giữ vững khí tiết khi không may bị đối phương bắt giữ, tra khảo…thì nay đã gục  ngã vì những “viên đạn bọc đường” “tình và tiền”, vì bả vinh hoa, quyền thế. Người lính trong bài thơ nhắn nhủ đồng đội:
Đã từng chân cứng đá mềm
Thì thêm đôi chút gian nan sá gì...
Bài thơ Áo lính còn có dụng ý nhắc nhở đôi điều với các bạn trẻ đang mặc áo lính. Họ chỉ mặc trong doanh trại, hoặc khi hành quân, diễn tập... Còn khi về phép thăm nhà, gặp bạn gái…họ lại thay quân phục bằng bộ đồ dân sự. Họ chưa hiểu hết cái giá trị thiêng liêng của người mặc quân phục đang trực tiếp bảo vệ thành quả thiêng liêng Tổ quốc Độc lập, Tự do…ông cha họ đã giành giật bằng xương, bằng máu?
                Áo lính ơi! Hát nữa đi
        Khúc quân hành – tiến thẳng về tương lai!
Hai câu kết như một tiếng gọi lớp trẻ mặc áo lính ngày nay: Hãy hát vang Khúc quân hành, hùng dũng tiến bước, góp phần cùng toàn quân, toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh.

                                    *

Tác giả bài thơ Áo lính - Nguyễn Danh Khôi (1954 – 2014), quê xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhập ngũ tháng 1-1972, ban đầu là chiến sỹ Trung đoàn 97, thời gian sau chuyển về trường Sỹ quan pháo binh, Bộ Tư lệnh Pháo binh, QĐND Việt Nam. Là người có năng khiếu Văn học nghệ thuật, được tôi luyện trong quân ngũ, lại chịu khó học hỏi, nên từ anh lính xuất ngũ bình thường năm 1986, trở về quê hương, 20 năm sau Nguyễn Danh Khôi đã trở thành cây bút văn xuôi bước đầu khẳng định tên tuổi trên Văn đàn Việt Nam. Ông đã in tiểu thuyết “Cỏ và cát”, 2 tập truyện ngắn “Một thoáng phù vân” và “Những áng mây đa đoan” do Nhà xuất bản QĐND và Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Không chỉ có bài thơ “Áo lính”, được đồng đội và nhiều người yêu thích, chép lại, ông còn có nhiều truyện ngắn đã đoạt giải cao trong một số cuộc thi viết ở địa phương và trung ương. Tiếc thay, do lâm trọng bệnh ông đã qua đời ở tuổi 61, khi tài năng văn chương đang độ chín, trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng ngũ, bạn bè và bạn đọc gần xa.

Hải Trung, 10 -5 - 2019
 N M N


      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét