Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

ÔNG NÓI ĐÚNG (giai thoại Trần Huy Thuận) / Trần Mỹ Giống - PHỐ CHU VĂN / Trần Huy Thuận


Trần Mỹ Giống và Trần Huy Thuận
 
                   ÔNG NÓI ĐÚNG  

        (Giai thoại về cố nhà văn Trần Huy Thuận)


Cố nhà văn Trần Huy Thuận là người thẳng tính, trung thực, không kiêng nể ai, thấy ngang tai trái mắt là phê phán liền… Cứ đọc Ngang qua cuộc chơi của ông là rõ.
Ông có thời gian tham gia Hội Văn nghệ địa phương cùng thời với ÔNG TA, và từng làm Trưởng ban kiểm tra, nhưng bất mãn với người chủ trì, ông đã xin ra khỏi hội. Còn ÔNG TA, sau “Đại hội hạ bệ” chủ tịch Chu Văn, ÔNG TA được ngồi vào ghế Chủ tịch. 
Kỷ niệm 20 năm thành lập hội, ÔNG TA đã không cho mời nguyên Trưởng ban Kiểm tra Trần Huy Thuận.
Kỷ niệm 30 năm thành lập hội, chủ tịch Trần Đắc Trung đã mời nguyên trưởng ban kiểm tra Trần Huy Thuận và các vị nguyên chánh phó chủ tịch hội về dự. Ngồi cạnh nhau, ÔNG TA ghé tai Trần Huy Thuận bảo:
- Ngày ấy ông bỏ hội là đúng. Chúng nó toàn là những thằng đểu cả…
Trần Huy Thuận nhìn thẳng vào mặt ÔNG TA, trả lời:
- Vâng, ông nói đúng. Ngay tôi là nguyên Trưởng ban Kiểm tra mà kỷ niệm 20 năm thành lập hội nó cũng không mời.
ÔNG TA nghệt mặt ra như ngỗng ỉa.
 .………….


NÓI THÊM: 

Chuyện này Trần Huy Thuận định đưa vào bản thảo cuốn “Ngang qua cuộc chơi” xin tái bản lần thứ 2, trong bài “Chuyện sau phố Chu Văn”. Ông tham khảo ý kiến tôi. Tôi góp ý:
- “Theo em nên bỏ từ “Chuyện sau” mà chỉ để lại tên bài là “Phố Chu Văn”, nên bỏ giai thoại đối đáp với ông nguyên chủ tịch đã hạ bệ Chu Văn, để tập trung vào chủ đề bài viết Phố Chu Văn Còn sự việc đối đáp của bác với ông ta, xin bác để cho em viết thành giai thoại...
Ông lắng nghe tôi góp ý, nhưng không nói gì. Tôi cứ ngỡ ông không nghe, nên cũng không dám công bố giai thoại này.
Sau khi ông mất, sách mới được in xong. Con trai ông đem sách “Ngang qua cuộc chơi” tái bản lần thứ 2 biếu tôi. Tôi vội mở sách ra xem, thấy sách in bài “Phố Chu Văn” (Tác giả đã bỏ từ “Chuyện sau” trong tên bài), trong nội dung bài viết cũng không nhắc tới giai thoại đối đáp nêu trên. Tôi nghĩ, vậy nghĩa là ông đã đồng thuận với ý kiến của tôi, đồng ý cho tôi viết giai thoại về ông… Tôi đã post giai thoại lên trang blog của mình, coi như là nén tâm nhang tưởng nhớ ông.

Nhân đây xin đăng lại bài “Phố Chu Văn” của cố nhà văn Trần Huy Thuận in trong cuốn “Ngang qua cuộc chơi” nhà xuất bản Văn học, tái bản lần thứ 2, năm 2013, trang 257 - 261 hầu bạn đọc.

                            PHỐ CHU VĂN 

                                                                         Trần Huy Thuận

           Thành phố chuẩn bị lên “hạng”, một số đường phố lâu nay chưa có tên, nay được đặt tên. Trong dịp này, tên nhà văn Chu Văn cũng được đặt cho một đường phố.
            Chuyện này đáng ra không lấy làm lạ, bởi ông là một nhà văn nổi tiếng “cấp Quốc gia” (như cách nói của Đặng Hồng Nam, một nhà văn sống và hoạt động văn học lâu năm ở Thành phố này). Nhưng vẫn là “chuyện lạ”, bởi khi ông còn sống, còn viết, thì “một bộ phận” các vị chức sắc cùng thời không ưa ông. Họ nói ông kiêu ngạo, có chút “tên tuổi” đã tỏ vẻ coi thường vai trò lãnh đạo của họ… Thì xưa nay con ngựa hay bao giờ chả là con ngựa “bất kham”? 
             Rồi không dừng lại ở chỗ “không ưa”, họ đã tiến hành “hạ bệ” ông bằng một “chiến dịch” có bài bản, rất “lo-gic” và… rất “dân chủ”, bằng cách bật đèn xanh cho một số kẻ bất tài, bất mãn, bất… đức, đặt điều phê phán, chửi bới ông, thông qua diễn đàn một “Đại hội” của những người làm văn học nghệ thuật của địa phương! Để “chắc ăn”, trước và trong đại hội, họ phao tin ông là người “ngoại tỉnh(*), nên không gắn bó lắm với việc đào tạo thế hệ người làm văn nghệ của địa phương – mặc dù gần như cả cuộc đời công tác Cách mạng và hoạt động Văn hóa, Văn nghệ của Chu Văn đều gắn với nơi đây (**). Cái đòn này như “gãi đúng chỗ ngứa”, vì con người ta vốn… thừa tính “cục bộ địa phương” mà! Oái oăm là sau khi đã tổ chức thành công “Đại hôi Hạ bệ”, thì người ta liền tiến hành ngay lễ trao tặng huân chương(***) cho nhà văn, cùng một lúc với lễ “chào mừng Đại hội thành công tốt đẹp” – Tuyên dương và hạ bệ đã diễn ra trong cùng một thời điểm với cùng một con người. Ngẫm mà “ghê” cả người!
            Ai cũng đã từng nghe hoặc từng nói; từng tự nhủ hay từng khuyên dạy kẻ khác, rằng: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Ấy vậy, mà người đời vẫn cứ lao vào con đường “tối hạ” ấy, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nghiệp chướng chăng? Cũng có thể là nghiệp chướng thật. Bởi không ít kẻ đã “thân liệt, danh bại” về nó mà rồi vẫn cứ không thể nào “thoát ra được.
              Nhưng không phải là không có nhiều người leo lên đến tột đỉnh vinh hoa nhờ cái công việc viết lách, trở thành những “QUAN VĂN”, thậm chí “VUA VĂN”! Vâng, VIẾT – LÁCH! Chữ nghĩa dân Việt Nam ta quả rất tài tình. Viết đi với Lách thì “Thánh” hết chỗ nói! Cái chữ “lách” này có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy. Và trong thực tế, khi “cần kíp” (trong giành giật vị trí), người ta không thèm “lách” và “luồn” – bởi làm như thế chậm lắm; mà phải “xông phứa lên”, mà “trèo lên đầu lên cổ” kẻ khác. Đó chính là sự cám dỗ từ cái bả vinh hoa của văn chương vậy! Cơ quan Hội văn nghệ tỉnh nọ liên tục “đánh” nhau suốt mấy chục năm trời, kể từ khi nhà văn Chu Văn bị bôi nhọ và phế truất – truy đến tận cội nguồn gốc rễ, cũng là xuất phát chính từ cái bả mà người ta cứ nói là “tối hạ” đó!
              Vậy, Văn chương đâu có “tối hạ”? Nó có ánh hào quang của nó đấy chứ! Nó có cả xôi – thịt; có cả “hơi đồng”, thậm chí còn có cả nhà lầu xe hơi hẳn hoi nữa cơ. Thế thì việc người ta tranh nhau, hạ gục nhau, làm nhục nhau… có gì là lạ? Rõ ràng làm gì có kẻ ngu ngốc đến đận đi tranh giành cái thứ “tối hạ” của người khác? Nó là “nghiệp chướng” của người ta, lấy về mình để “chuốc họa” vào thân ư?!.
  Sau Đại hội ông Chu Văn có bảo với người thay ông: “Chú muốn làm (ý nói chức Chủ tịch Hội) thì chú bảo anh, việc gì chú phải làm (ý nói những việc trong Đại hội) như vậy” (Xem chú thích (*****)).
             Đúng ra thì đó là chuyện “CÁI GHẾ QUAN TRƯỜNG”, chứ không phải chuyên VĂN CHƯƠNG, nhưng khởi nguồn, chính là tại VĂN CHƯƠNG mà ra, tức là nếu Tỉnh nọ không có cái Hội Văn chương kia, thì làm gì có chuyện tranh chấp đó. Và khi đã vào cuộc tranh cướp ngôi thứ như vậy, cái gọi là “nghĩa xưa, tình cũ” cũng bị ném vào sọt rác. Vẫn theo bài báo vừa trích dẫn: Dưới thời ông Chu Văn làm Trưởng ty Văn hóa, cái người mà ông gọi là “chú em” đó chỉ là diễn viên đoàn chèo, sau mới lên Trưởng đoàn. Hậu sinh khả úy là như thế đấy! Nhưng cái anh chàng “phản thày” đó chẳng qua cũng chỉ là một con rối. Kẻ “đứng sau giật dây”, kẻ “ném đá giấu tay”, kẻ “đốt nhà mượn tay người khác”, không hề lộ diện. Trường hợp này, bài học về “hiệu ứng đám đông” đã được chứng minh rõ rệt: Có khá nhiều kẻ đã “thừa cơ hội”, lên diễn đàn chỉ trích, làm nhục Chu Văn. Người được lãnh đạo địa phương giao trng trách chỉ đạo đại hội đã lặng im, tuyệt không một cử chỉ can thiệp!
              Và khi đã là chuyện “sôi thịt”, thì sau khi có được cái vị trí mà mình mơ ước, kẻ “chiến thắng” bao giờ cũng tranh thủ phát huy đến cao độ cái công việc “vơ vét” cho nhanh đầy túi tham. Suốt một thời gian dài, thủ trưởng mới này “đã biến Hội Văn nghệ thành một công trường xây dựng, xây dựng liên miên” (Bài báo đã dẫn), công việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động văn học nghệ thuật bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Và điều đáng nói là thủ trưởng đã “bàn bạc” những gì với “bên B”, hầu như các thành viên của Ban xây dựng “chẳng biết được cái gì cả” (Bài báo đã dẫn)!  Chính điều đó, đã dần dần hình thành một lớp người chống đối mới, chống lại anh ta, chống lại kẻ mà trước đây họ đã “hồ hởi” tụng ca, bầu vào cái ghế quan trường đó. Đến lúc này, “bộ mặt thật” của kẻ tiếm quyền, phản chủ mới thực sự lộ diện. Nhưng tất cả đều đã quá muộn! Có người thốt lên: “Cái chức thủ lĩnh Văn chương” này cũng “xôi thịt” đến mức ấy ư (“Làm cái Chủ tịch Hội Văn nghệ (địa phương) thì ăn bàn ăn giải gì mà đánh nhau khiếp quá!” – Bài báo đã dẫn).
            Và cái chức “TỐI HẠ” này, ở cơ quan Văn nghệ tỉnh nọ, từ bấy trở đi, luôn luôn là miếng mồi của rất nhiều sự tranh chấp võ biền, ngoài văn hóa và không văn chương.
            Nhưng dù sao thì tên nhà văn Chu Văn cũng đã được đặt cho một đường phố vốn “không tên”. Như vậy là, tuy chậm một chút, cuối cùng thì Văn chương đích thực cũng đã “thắng”. Giờ đây, những người “chống” ông thì đã kẻ còn, người mất. Người mất thì không nói làm gì, nhưng kẻ còn, liệu họ nghĩ gì nhỉ? Thôi, nghĩ gì cũng là quyền của họ; chỉ có linh hồn ông, hẳn là đang mỉm cười nơi chín suối!

                                                             TRẦN HUY THUẬN
____________

  (*) Chu Văn sinh ngày 22 tháng 12 năm 1922 tại làng Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái  Bình, mất ngày 17 tháng 7 năm 1994 tại Hà Nội.
  (**) Năm 1957, làm trưởng ty văn hoá tỉnh Nam Định – Năm 1967 ông tình nguyện đi chiến trường miền Nam, sau đó lại về Ty văn hóa tỉnh Nam Định công tác – Năm 1974, Chu Văn còn đi thực tế chiến trường một lần nữa, vào Phước Long, miền Đông Nam Bộ, trong đoàn công tác của Tỉnh uỷ Nam Hà. Sau đó về làm trưởng Ty văn hóa, chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh đến lúc nghỉ hưu.
  (***) Chu Văn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (Năm 1989)
  (****) Năm 2001 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng giải thưởng Nhà nước (đợt I)
  (Tất cả các chú thích trên đều lấy từ Bách khoa toàn thư mở wikipedia http://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_V%C4%83n).
  (*****) bài “Cuộc chiến ở Hội Văn nghệ Nam Định trong mắt một hội viên”. Tác giả Đặng Hồng Nam. Báo Tiền phong chủ nhật số 28, ra ngày 9/7/2006 http://www.tienphong.vn/van-nghe/52875/%E2%80%9CCuoc-chien%E2%80%9D-o-Hoi-van-nghe-Nam-dinh-trong-mat-mot-hoi-vien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét