(Tiếp theo)
Kỳ
11: NHUẬN ĐỌC
Ngày xưa, bài thơ được đăng báo là vinh dự
tự hào của tác giả. Nếu in sách thì nhà nước lo từ A đến Z. Tác giả vừa được
nhuận bút, bừa được bạn đọc kính nể. Bây giờ, tác giả bỏ tiền ra in sách, đem
biếu tặng không, cũng chẳng mấy ai thèm đọc.
Hôm rồi, Bộ môn thơ Hội VHNT quyết nghị hội
viên đóng tiền tự in ấn tuyển thơ chung… Một nhà thơ tâm sự:
- Mình cảm thấy bị xúc phạm khi đóng tiền in thơ…
Nhưng in ra để ai đọc? Hay là mấy ông tác giả tự sướng với nhau?
- Làm cách nào để có bạn đọc?
Một nhà thơ bàn:
- Phải tuyên truyền trên công luận thì bạn đọc mới tò
mò đọc, không thì áo gấm đi đêm à?
Một nhà thơ khác:
- Mời các nhà phê bình viết bài khen.
- Thuê
nhà thơ nổi tiếng viết lời giới thiệu.
- Tổ chức
các buổi giới thiệu sách có bồi dưỡng bạn đọc như kiểu ai vào nghe cũng được
phát 200.000 đồng, ai phát biểu tham luận được nhận 5 triệu đồng như ông nhà
thơ thiền suýt ẵm giải No Ben Hoàng Quang Thuận đã làm…
Rất nhiều giải pháp được nêu ra nhưng
không giải pháp nào được đồng thuận. Chợt một nhà thơ nổi danh về truyện cực ngắn
vỗ đùi cái bộp, reo lên:
- Có rồi! Đề nghị nhà nước bổ sung chế độ
NHUẬN ĐỌC cao hơn nhuận bút…
Giải pháp được đồng thuận ngay.
Hoan hô! Giải pháp chắc chắn góp phần
tích cực giải quyết công ăn việc làm cho 72.000 cử nhân, thạc sĩ hiện đang thất
nghiệp… Hoan hô!
Kì
12: BỮA TIỆC ĐẮNG
Ông X. là chủ doanh nghiệp có tiếng yêu
văn học nghệ thuật. Một lần tôi được ông mời dự bữa cơm thân mật tại gia cùng
nhiều quan khách lãnh đạo và văn nghệ sĩ, nhà báo địa phương, để lấy cảm hứng
viết ca ngợi doanh nghiệp của ông chủ “Mạnh Thường Quân” này.
Những mâm cỗ thịnh soạn, những thực khách
mặt đỏ phừng phừng, nói cười ồn ã, rượu Tây nổ bôm bốp, cốc chạm chan chát…
cùng thái độ nhiệt tình, chu đáo của gia chủ làm tôi bị tác động tâm lý nên buồn…
đi giải không chịu được. Khi đi qua nhà bếp đến nhà vệ sinh, tôi bất ngờ thấy
ông bạn đồng nghiệp già dúm dó ngồi ăn ở góc bếp... Tôi ngạc nhiên:
- “Sao ông lại ngồi đây? Ông là thế nào với
ông chủ?”.
Ông bạn gạt nước mắt:
- “Tôi là bố đẻ thằng chủ bữa tiệc này.
Nó bảo tôi trông nhếch nhác, không cho lên ngồi cùng khách, sợ làm xấu mặt
nó…”.
Tôi nghe ông nói mà đắng chát trong miệng.
Lặng lẽ chuồn lối cửa sau, ra đến đường cái, tôi phóng xe máy đi như bị ma đuổi…
Kì 13: CHẠY… CHỨC –
THẰNG HÒA LÀ THẰNG NÀO
CHẠY… CHỨC
Thằng cháu nội ông em ruột tôi học lớp
ba. Một hôm, đi học về nó bảo:
- Ông nội ơi! Ông xem có khả năng thì cố
chạy cho cháu cái chức lớp trưởng với!
Ông nội hỏi:
- Làm lớp trưởng thì chỉ vất vả, có lợi
gì đâu mà chạy.
Cháu:
- Lợi nhiều chứ ông. Làm lớp trưởng được chỉ huy các bạn, oai phong lắm ông ạ. Nhiều bạn có củ khoai, cái kẹo cũng phải hối lộ lớp trưởng…
- Lợi nhiều chứ ông. Làm lớp trưởng được chỉ huy các bạn, oai phong lắm ông ạ. Nhiều bạn có củ khoai, cái kẹo cũng phải hối lộ lớp trưởng…
Ông:
- Nhưng lớp trưởng là do các bạn bầu, ông chạy làm sao được?
- Nhưng lớp trưởng là do các bạn bầu, ông chạy làm sao được?
Cháu:
- Không đâu, lớp trưởng là do cô giáo chỉ định ông ạ. Ông có tiền chạy cô cho cháu làm lớp trưởng đi ông!
- Không đâu, lớp trưởng là do cô giáo chỉ định ông ạ. Ông có tiền chạy cô cho cháu làm lớp trưởng đi ông!
- !!!
THẰNG HÒA LÀ THẰNG NÀO?
Chú em con cậu tôi, hồi trẻ rất ngỗ ngược.
Chú nổi tiếng “anh chị” ở làng, ai cũng kiềng mặt chú. Đám thanh niên ba trợn
quanh vùng bị chú dùng vũ lực thần phục, tôn chú làm đại ca.
Một lần chú khoe:
- Ở cái đất Trà Lũ này, chỉ có mọi người
sợ tao, chứ tao chẳng sợ thằng đếch nào hết.
Nghe chú nói thế, cậu tôi hỏi:
- Thế mày có sợ thằng Hòa không?
Chú ngạc nhiên hỏi:
- Thằng Hòa là thằng nào? Sao con không
nghe tiếng?
Cậu tôi vỗ vào ngực mình, bảo:
- Thằng Hòa là thằng này chứ còn thằng
nào!
- !!!
Kì
14: ĐỘNG LỰC
Chuyện này tôi nghe ông bạn đồng môn Phạm
Huy Du nguyên Trưởng khoa Tại chức Trường Đại học Văn hóa Hà Nội kể trong một lần
bù khú tếu táo chuyện cười. Nay chép lại thành văn cùng các bác đọc xả tret
ngày chủ nhật…ngoài ra chẳng có ý gì đâu ạ.
Chuyện rằng:
Cuộc thi bơi tự do quy mô toàn cầu diễn
ra ở một nước phương Tây có bề dầy văn hóa văn minh nổi tiếng. Bên cạnh các tuyển
thủ thân hình săn chắc, to lớn đại diện cho các nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu
Phi… một tuyển thủ của một nước ở rất xa bé nhỏ trông như đứa trẻ lẫn vào giữa
các tuyển thủ khác.
Cuộc thi diễn ra được hai phần ba quãng
đường, tuyển thủ bé nhỏ đã rớt lại sau rất xa so với các tuyển thủ khác. Nhưng
đến giai đoạn “nước rút”, bất ngờ tuyển thủ bé nhỏ lao lên như tên bắn, hai
chân đạp nước mạnh như chân vịt tàu thủy, hai tay guồng như chong chóng, lần lượt
vượt lên trước các tuyển thủ khác và chạm đích đầu tiên. Vừa chạm đích, nhà vô
địch nhảy vội lên bờ, mặt thất sắc, mắt thất thần, mũi mồm tranh nhau thở hổn hển.
Khán giả, các nhà báo hoan hô vang dội, ào ào vây quanh tuyển thủ vô địch. Một
nhà báo hỏi:
- Anh đã lập được một kỳ tích. Xin anh
cho biết động lực để anh chiến thắng phải chăng là vì danh dự dân tộc, vì màu cờ
sắc áo của đất nước anh?
- Đ… mẹ!... Cá… Cá sấu!...
Kì 15: THÓI QUEN
Bà xã tôi đi sớm trông cháu cho vợ chồng thằng út đi công việc, không kịp nấu miến cho chồng ăn sáng như mọi ngày, phải đưa tiền cho tôi đi quán.
- Ôi trơi ơi! Hôm nay ông ăn sáng quán tôi thì chắc trời mưa đây... Mời ông vào bàn VIP chờ một chút...
Bà chủ quán bún đầu ngõ niềm nở khi thấy tôi đột ngột xuất hiện ở quán ăn sáng của bà. Cùng ngõ nhưng đây là lần đầu tôi ăn bún quán bà.
Tôi ngồi xuống bàn VIP theo hướng dẫn của chủ quán và nhìn ông già đối diện đang xì xụp bát bún thập cẩm đầy tú hụ. Lão khách mặc bộ comple caravat cũ nhưng được là cẩn thận. Thỉnh thoảng lão ngước nhìn trộm tôi, khi bắt gặp ánh mắt tôi thì lão vội vàng cụp mắt xuống bát bún. Trông lão này gian gian... Nhưng qua cách ăn mặc thì ra vẻ nguyên một cán bộ nhà nước... Tôi vừa ăn vừa tò mò tế nhị theo dõi lão. Ăn xong, lão quẹt đôi đũa hai phát lên hai bên mép, lấy tờ giấy vệ sinh lau cái thìa nhôm... Lão nhìn trộm tôi một cái rồi thọc tay bỏ chiếc thìa vào túi áo.
Nhìn lão cưỡi con Ablex lao đi, tôi nói nhỏ với bà chủ quán:
- Bà này, lão khách vừa ra ăn cắp chiếc thìa nhôm đấy!
Bà chủ quán bình thản:
- Tôi biết! Nhưng không sao, không mất đâu ông ạ!
Tôi nhạc nhiên:
- Bà nói sao, tôi không hiểu!
- Ông muốn biết thì sáng mồng một đầu tháng ta, cũng tầm này, mời ông ra ăn sáng thì rõ...
Sáng mồng một, tôi ra quán bà hàng xóm sớm hơn hôm trước, ngồi sẵn bàn VIP chờ lão khách. Tôi quan sát ống đũa thìa, đếm được 5 cái thìa nhôm. Lát sau lão khách comple caravat bước vào ngồi đúng chỗ hôm trước. Lão xì xụp bát bún thập cẩm tú hụ. Ăn xong, lão quẹt đôi đũa hai phát hai bên mép, rút tờ giấy vệ sinh lau cái thìa... Khi lão đứng lên ra xe, tôi vội nhìn đếm thìa trong ống đũa. Trong ống đũa chỉ còn 3 cái thìa. Cộng một cái tôi đang dùng vẫn thiếu một cái. Nhưng bên chân ống đũa ở đâu lại lòi ra ba buộc thìa. Tôi tò mò đếm được đúng 30 chiếc.
Bà chủ quán bảo:
- Ông hiểu rồi chứ!
- Vâng, thật là lạ...
- Không có gì lạ đâu ông ạ. Lão ấy nguyên là lãnh đạo một Sở hàng tỉnh đấy... Thói quen ấy mà...
- Thói quen???!!!
KỂ THÊM THAY CHO LỜI BÌNH:
- Đọc “Thói quen” em không hiểu.
Tôi đùa:
- Ừ, thầy quan sát cuộc sống thế nào thì ghi lại như vậy, chứ chính thầy cũng chả hiểu.
Tôi hỏi thằng cháu ngoại đang học Đại học
Nội vụ:
- Cháu hiểu chuyện ông viết thế nào?
Thằng cháu bảo:
- Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt mà
ông. Ông khách vốn là một quan hưu. Khi đương chức, ông ấy ăn cắp công quỹ, ăn
cắp thuế dân lặp đi lặp lại nhiều lần nên nó thành thói quen rồi, thấy cái gì
hay hay không lấy thì không chịu được.
- Vậy tại sao ông ấy lại trả lại vào ngày
đầu tháng?
- Có lẽ ông ấy về hưu, sống gần dân nên
muốn trở lại làm người tử tế. Có điều cái thói quen cố hữu khó bỏ nên cái chu kỳ
ăn cắp, đem trả, lại ăn cắp… nó còn diễn ra tới khi nào ông ấy vượt được chính
mình để thực sự thành người tử tế ông nhỉ.
Lại một ông bạn hưu quan trách tôi:
- Ông vơ đũa cả nắm là không được đâu. Có phải cứ làm
quan là ai cũng ăn cắp đâu.
- Ô hay! Thì tôi cũng chỉ nói cá nhân ông quan ấy
thôi, chứ có kết luận tất cả quan các ông đều ăn cắp đâu! Việc gì ông phải động
lòng nhỉ!
Thế còn bạn đã đọc truyện này, bạn nghĩ sao?
Kì
16: DỞ RỒI LẠI HAY
Hồi
mới được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, tôi viết bài “Từ
người lính kèn trở thành nghệ sĩ nhân dân” (viết về Nhạc sĩ Đinh Ngọc
Liên) gửi Tạp chí Văn nghệ tỉnh. Một vị trong lãnh đạo Ban biên tập đọc xong,
phán:
-
Bài kém quá! Anh viết thế này thì đăng sao được. Anh phải viết thế này…
Tôi nổi tự ái, bảo:
- Không đăng được thì thôi!
Tôi bèn trao đổi với nhà nghiên cứu
Hoàng Dương Chương, khi đó là Giám đốc Thư viện tỉnh, nơi tôi công tác:
- Chắc tạp chí coi thường người không có chức tước nên
không đăng bài của em. Vậy em ghi tên anh đồng tác giả xem sao…
- Ừ!
Tôi lấy nguyên bài viết cũ, ghi thêm tên giám đốc thư
viện tỉnh Hoàng Dương Chương đồng tác giả rồi gửi cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh.
.
Khi Tạp chí được phát hành, chính vị lãnh đạo biên tập
trước đây chê bài của tôi dở nên không đăng, bây giờ lại xuýt xoa cảm ơn nhà
nghiên cứu Hoàng Dương Chương:
-
Em đang bí vì thiếu bài về danh nhân, vớ được bài của anh, thật là buồn ngủ gặp
chiếu manh. Bài viết hay quá!...
-
!!!
Kì 17: PHẢI CHI… NGHE VỢ
Giám đốc nhớn gọi Phó Giám đốc nhỏ lên
phòng riêng:
-
Kỳ này anh đôn thằng Giám đốc nhỏ lên giữ chức Phó Giám đốc nhớn hầu hạ anh.
Anh quyết định chú lên Giám đốc nhỏ...
Phó
Giám đốc nhỏ cảm ơn rối rít và chắc mẩm phen này chức Giám đốc nhỏ cầm chắc
trong tay. Tối vợ bảo:
- Anh này, Giám đốc nhớn đã nói thế,
hay là em đi vay mượn thu xếp lấy mấy chục triệu để anh cảm ơn anh ấy?
Phó Giám đốc nhỏ gạt đi:
- Anh ấy đã nói thế rồi thì cứ yên tâm.
Sáng mai nhận quyết định xong, mình cảm ơn anh ấy cũng chưa muộn.
Sáng
hôm sau, Trưởng phòng Tổ chức đọc Quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc nhỏ. Phó
giám đốc nhỏ tư thế sẵn sàng lên nhận Quyết định. Nhưng khi Trưởng phòng Tổ chức
đọc đến tên người được phong chức lại không phải Phó Giám đốc nhỏ, Phó Giám đốc
nhỏ đứng chết lặng, ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang diễn ra...
Phải
chi tối qua nghe vợ…
Kì 18: KHEN ĐỂU -
KHEN CHO NÓ CHẾT
KHEN ĐỂU
Nhà thơ Chu gọi điện bảo:
- Tôi vừa đọc bài của tác giả Phạm giới thiệu tập thơ của nhà
thơ họ Đỗ đăng trên blog của chú. Sao chú lại đăng một bài khen đểu vậy?
Tôi nóng mặt, gằn giọng:
- Bác nói thế là sao? Bài của bác Phạm viết hay, bình đâu ra
đấy, thơ trích dẫn hay tuyệt như vậy, bạn đọc comment khen lắm cơ mà, sao bác lại
bảo là khen đểu?
- Thì chính là câu thơ hay tuyệt ấy đấy. Câu ấy ông Đỗ ăn cắp
của ông Vũ, nhờ câu thơ ấy mà ăn gian được giải thưởng thơ, bị đồng nghiệp Minh
Thư viết bài phanh phui trên báo Người Hà Nội, chú không biết à?
- Ớ… ớ…!!!
KHEN CHO NÓ CHẾT!
- Anh là một nhà nghiên cứu thuộc hàng
cây đa cây đề của làng văn học nghệ thuật tỉnh. Hắn chỉ là một tác giả làng
nhàng. Tư cách đạo đức hắn thuộc loại đầu đường xó chợ. Vậy mà anh lại công bố
một bài viết trên tạp chí văn học nghệ thuật ca ngợi, ví hắn với vĩ nhân là
sao?.
- Ồ, thằng này là loại rác rưởi, khen cho
nó chết ấy mà!
Kì 19: ÔNG MÀ CÓ QUYỀN…
-I-
Đang
lên lớp giảng bài ở huyện Nghĩa Hưng thì điện thoại di động của lão réo chuông.
Lão định tắt máy, nhưng nhìn thấy tên người gọi đến là Nhà thơ Trần Đắc Trung
mà lão rất kính nể, lão liền xin lỗi học viên rồi bắt máy:
- Dạ,
em nghe đây bác!
-
Sáng nay liên hoan mừng công ra mắt cuốn “Thơ 1000 năm Thăng Long Hà Nội -
Thiên Trường Nam
Định”, sao bác không tới dự?
- Thế à? Có ai báo em đâu…
- Hội gửi giấy mời từ tuần trước cơ mà. Thôi không cần giấy mời,
bác tới hội ngay cho vui nhé!
- Nhưng em đang dạy ở Nghĩa Hưng. Nếu có giấy mời trước khi họp
ít nhất một ngày thì em mới bố trí đổi lịch được…
Lão
nghĩ: Mình là đồng tác giả sưu tầm, tác giả dịch, tác giả thơ, người biên soạn
cuốn sách này, vất vả nửa năm trời, giờ liên hoan mừng thắng lợi lại không được
dự. Chỉ tại cái bọn Bưu điện làm ăn tắc trách. Ông mà có quyền, ông kiểm điểm
chúng mày đến nơi đến chốn.
-II-
Họp
bộ môn, chủ tịch Hội bảo:
- Sáng mai bác đi nhận giải thưởng Lương Thế Vinh nhé!
- Thế à? Mình có giấy mời đâu!
- Giấy mời gửi cả tuần rồi, bác chưa nhận được à? 8 giờ sáng
mai bác ra nhận giải nhé!
Sau hôm lão nhận giải 5 ngày thì bưu điện mới đưa giấy mời tới
nhà.
Lão
nói một mình: May mà họp bộ môn trước hôm lĩnh giải một ngày, biết được. Cái bọn
Bưu điện này làm ăn tào lao chi khươn quá. Ông mà có quyền, ông cúp lương chúng
mày.
-III-
Nhà
nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa từ huyện Trực Ninh điện:
-
Sáng mai hẹn gặp ông ở Hội nhé!
- Có
việc gì đến thẳng nhà tôi, ra Hội làm đếch gì!
- Ơ
cái ông này! Ông chưa nhận được giấy mời họp tổng kết bộ môn Nghiên cứu Phê
bình à? Tôi nhận giấy mời từ tuần trước cơ mà!
Lão
bực mình điện hỏi Phó chủ tịch Hội:
-
Này, các bộ môn họp đông họp tây, còn bộ môn Nghiên cứu Phê bình bao giờ họp mà
mình chẳng thấy giấy mời gì vậy?
-
Bác để em kiểm tra lại bộ phận hành chính…
Lát
sau Phó chủ tịch Hội điện lại cho lão:
-
Hành chính gửi giấy mời rồi mà bác. Địa chỉ của bác là 13/398 đường Trường
Chinh, Thành phố Nam
Định phải không ạ?
-
Thì đúng thế.
- Vậy
chắc Bưu điện chuyển thư chậm. Sáng mai 8 giờ mời bác ra Hội tổng kết bộ môn ạ!
Lão
quát to một mình: Lại cái bọn Bưu điện làm ăn du dơ vô trách nhiệm, chuyển thư
chậm như rùa. Nhà ông cách trung tâm Bưu điện hai cây số, cách Hội Văn học Nghệ
thuật già một cây số, cách Bưu điện đường Hàn Thuyên phường Vị Xuyên 400 mét,
cách Bưu điện trên đường Trường Chinh cạnh sân vận động Thiên Trường 300 mét mà
thư hai tuần chưa tới, có khi chúng nó vứt mẹ nó thư của người ta đi cũng
nên... Ông mà có quyền, ông sa thải hết chúng mày…
Lão
bà nghe lão quát, biểu:
-
Con giai ông, cháu gái ông, con rể ông… đương chức công nhân bưu điện tỉnh cả đấy!
Nếu ông có quyền, ông có giám cách chúng nó không? Hay ông cách luôn cái chức “NGUYÊN
KẾ TOÁN TRƯỞNG BƯU ĐIỆN TỈNH” của em gái ông?
- Ơ…
ơ…!!!
Kì 20: BUÔNG BỎ ĐỂ THANH THẢN
.
Hiền là một trò ngoan được thầy rất
yêu. Mọi vui buồn trò Hiền thường tâm sự và xin ý kiến thầy. Thầy thương nên có
ý chiều Hiền.
Một hôm Hiền đến thăm thầy, mặt buồn rười rượi.
Thầy hỏi:
- Sao nét mặt con khó coi thế. Chắc có
gì bức xúc phải không?
Trò Hiền thưa:
- Dạ đúng vậy ạ. Ở cơ quan con, có thằng
đồng nghiệp rất tinh quái, chuyên nịnh bợ cấp trên, nói xấu đồng nghiệp, chơi rất
nhiều trò bẩn hại con ạ… Mới đây nó dèm pha tỉ tót với Giám đốc cơ quan loại
con ra khỏi danh sách tiên tiến, không được tăng lương ạ… Con bức xúc đến mất
ăn mất ngủ thầy ạ.
Thầy:
- Buông bỏ là sẽ lấy lại được thanh
thản, con ạ.
- Nhưng mà con căm thằng ấy lắm.
Không trả thù được nó thì con không thể vui được. Thầy giúp con làm cách nào trả
thù được nó?
- Vậy con hãy ra sức tuyên truyền vận
động để nó được vào hàng lãnh đạo quản lý đi.
- Sao lại thế hả thầy? Nó vừa thất đức,
vừa dốt chuyên môn, lại tham lam, sao xứng làm lãnh đạo hả thầy?
- Vì đó là con đường làm tha hóa
nhanh nhất những người như nó con ạ.
Trò Hiền vâng lời.
*
15 năm sau trò Hiền lại đến thăm thầy.
Thầy hỏi:
- Sao nét mặt con khó đăm đăm vậy?
Không vui à?
- Vâng ạ. Từ ngày thầy chỉ giáo, con
ra sức viết bài đăng báo, tuyên truyền ca ngợi tài đức của thằng đồng nghiệp.
Khi sát nhập mấy cơ quan, các vị lãnh đạo đấu đá tranh giành chức tước đều bị
loại cả. Thằng đồng nghiệp được chọn làm lãnh đạo cơ quan mới thầy ạ. Sau mười
năm làm lãnh đạo độc đoán chuyên quyền, trù úm người tốt, nâng đỡ cánh hẩu, ăn
chơi sa đọa, biển thủ công quỹ, thằng đồng nghiệp con mới bị công an xích tay,
bị khám nhà và niêm phong tài sản đấy thầy ạ.
- Thế là con trả được thù rồi, sao con
vẫn không vui?
- Vâng, trả được thù, lẽ ra con phải
vui nhưng không hiểu sao con không những không vui mà còn day dứt trong lòng thầy
ạ. Có phải do con tiếp tay để thằng đồng nghiệp nắm quyền lãnh đạo mà hại bao
người tốt, phá cơ quan hả thầy? Tại con mà vợ con thằng đồng nghiệp khổ sở thầy
ơi! Con không biết bây giờ phải làm như thế nào nữa thầy ạ.
- Vậy con hãy buông bỏ để lấy lại
thanh thản đi!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét